Nhận định đề thi sau chấm thi ĐH 2013

Đề văn mở, thí sinh... theo không kịp
TT - Đánh giá đề thi môn văn khối C, D đều giúp thí sinh có cơ hội bày tỏ tư duy, cách nghĩ, sự sáng tạo của mình nhưng nhiều giám khảo cũng cho rằng phần đông thí sinh chưa đáp ứng được yêu cầu “mở” của đề.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - một cán bộ chấm thi tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho hay dù đề văn ra theo hướng mở, cả câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều yêu cầu kỹ năng rất nhiều, nhưng phần đông thí sinh lại chỉ tập trung vào... kiến thức.
Đề hay nhưng điểm thấp
Viết thư ở nghị luận xã hội
Một điều đáng lưu ý tại nhiều hội đồng chấm thi môn văn khối D năm nay là rất nhiều thí sinh đã chọn hình thức viết thư cho bài văn nghị luận xã hội, thể hiện tính đối thoại với nhân vật được trích dẫn ý kiến trong đề bài. Thí sinh đã viết một lá thư: “Kính gửi anh John. Tôi là người Việt Nam. Tôi sống ở Việt Nam và có đọc cuốn sách của anh. Trong sách, anh có nhận định như thế này... (dẫn đề thi). Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh”. Thầy Nguyễn Ngọc Minh Tuấn cho rằng cách làm bài như thí sinh này vẫn được chấp nhận theo hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT.
Cô Thắm nói: “Tinh thần của giáo viên chấm thi vẫn là “gạn đục, khơi trong”. Ở câu nghị luận văn học, đa số thí sinh chỉ trình bày kiến thức, phân tích trên nền tảng tác phẩm, không thể hiện được kỹ năng làm bài nghị luận một cách chặt chẽ. Gặp những bài có kỹ năng tốt, bài thi sẽ được cộng điểm”.
Sau khi hoàn thành chấm tổng cộng gần 10.000 bài thi môn văn tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhiều giáo viên khẳng định điểm thi của thí sinh năm nay thấp hơn dù đề rất hay. “Cách ra đề mở đòi hỏi tư duy cá nhân rõ nét, nhưng vì nhiều em vẫn quen luyện “lò”, vẫn chú trọng tác phẩm nên không làm ra “chất” của bài nghị luận mở”- cô Thắm phân tích.
Tuy nhiên, là một giáo viên văn THPT (Trường THPT Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội), cô Thắm thừa nhận việc thí sinh chưa thật sự thể hiện được tư duy làm văn nghị luận theo đề mở một phần nguyên nhân rất lớn từ chính chương trình học trong nhà trường.
“Thật sự, chương trình văn học lớp 12 rất nặng. Giáo viên phải dạy đầy đủ các tác phẩm, tức trang bị đủ kiến thức cho học trò nên rất ít thời gian để rèn kỹ năng. Qua đề văn năm nay, chính giáo viên chúng tôi sẽ phải tự nhìn lại cách dạy của mình, cần tăng cường rèn kỹ năng nhiều hơn” - cô Thắm chia sẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên chấm thi, đáp án khối D cũng “mở” hơn hẳn so với khối C khi phần trao đổi lại ý kiến với Tran Hung John - người đưa ra nhận định - theo ý đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần đều có thể đạt điểm tối đa nếu có lý lẽ, có căn cứ xác đáng và thái độ bàn luận nghiêm túc. Trong khi đó, ở đề văn khối C, câu nghị luận xã hội lại ấn định rất rõ ràng thí sinh trình bày được mặt tiêu cực trong lối sống truyền thống vốn đề cao sự khôn khéo hơn trí tuệ sẽ đạt 1 điểm, còn phần trình bày mặt tích cực chỉ đạt 0,5 điểm.
Vẫn còn “bó buộc”
Nhiều giảng viên cho rằng đề văn khối C có phần hơi “đánh bẫy” học sinh vì cách ra đề khiến nhiều học sinh lầm tưởng đây là nhận định chung về lối sống của người Việt truyền thống.
“Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều học sinh hoặc thiên hẳn về việc ca ngợi hoặc ngược lại, bày tỏ sự phê phán kịch liệt đối với ý kiến của GS Trần Đình Hượu. Nếu đề “chêm” được một ý “khi nhận xét về một mặt khá hạn chế của lối sống người Việt truyền thống, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu cho rằng...” thì giúp học sinh định hướng đề và làm bài tốt hơn. Vì thực tế người ra đề muốn mượn câu nói của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu để nêu hạn chế của văn hóa người Việt xưa khi đặt cao sự khôn khéo, trong khi chính trí tuệ mới là yếu tố thúc đẩy sự phát triển” - PGS Ngô Văn Giá, tổ trưởng tổ chấm văn hội đồng chấm thi Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhận xét.
Theo PGS Giá, phần đông thí sinh vẫn nghiêng về tái hiện kiến thức, chưa thật sự có tư duy biện luận thuyết phục. “Ngoài cảm thụ tinh tế, văn học còn cần những kiến giải sắc sảo. Chỉ khép trong văn chương cùng những tác phẩm của chương trình, góc nhìn của bài làm sẽ rất hẹp. Do đó, không chỉ học sinh mà cả giáo viên dạy phổ thông, từ những đề thi này cần nâng cao hơn nữa kỹ năng tổng hợp, các thao tác so sánh, khái quát” - PGS Giá nói.
Sau quá trình chấm thi, PGS.TS Đoàn Lê Giang - tổ trưởng tổ chấm thi môn văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định đáp án môn văn của Bộ GD-ĐT “vẫn còn bó buộc lắm”.
Ông Giang cho rằng đề mở, nhưng đáp án có vẻ trả lời thay và hướng thí sinh theo cách nghĩ của ban ra đề. “Chẳng hạn câu 3a khối D bàn về bài thơ Vội vàng của thi sĩ Xuân Diệu - ông Giang dẫn chứng - Có ý kiến nói rằng đó là cái tôi vị kỷ tiêu cực, ý kiến khác cho rằng đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực. Đáp án cho rằng cái tôi vị kỷ là sai, cái tôi cá nhân tích cực mới đúng. Nhưng cũng có người không nghĩ thế. Họ vẫn nghĩ bài đó thể hiện cái tôi vị kỷ. Cách nghĩ này vẫn có thể chấp nhận được nếu lập luận hợp lý. Trước đây, nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nói bài thơ này là bài về tự kỷ. Do đó, tôi nghĩ vẫn phải chấm cả những ý như vậy chứ không nhất thiết phải theo đáp án của Bộ GD-ĐT”.
Điểm cao nhất: 9,5
Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) đã chấm xong hơn 10.000 bài thi môn văn khối C, D của thí sinh dự thi vào trường, tuy nhiên vẫn “chưa có bài nào đạt điểm 9 - PGS.TS Đoàn Lê Giang thông tin - bài cao nhất được 8,5 điểm, phổ điểm tập trung nhiều nhất vào 5-6”.
Với tình hình điểm thi như trên, TS Giang nhận định đề thi môn văn năm nay hơi khó so với thí sinh, nhất là ở câu nghị luận xã hội. “Vấn đề hơi lớn so với trình độ thí sinh - TS Giang bình luận - Không có thí sinh nào làm được xuất sắc câu nghị luận xã hội. Thí sinh thường nghĩ đến những chuyện gần gần thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện đặc tính, nhược điểm của dân tộc. Thường thì các học giả, những người đi ra nước ngoài nhiều mới nghĩ nước mình như thế nào. Thí sinh thi vào trường phần nhiều từ nông thôn. Thành ra rất ít em làm xuất sắc câu này...”.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Ngọc Minh Tuấn, giáo viên môn văn Trường THPT Trưng Vương, tổ trưởng tổ chấm thi môn văn Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết trong tổng số 6.200 bài thi môn văn khối D đã chấm chỉ có một, hai bài đạt điểm 8,25 là cao nhất. “Điểm thi tập trung vào phổ 5, 6 - thầy Tuấn nói - Mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn so với mọi năm. Điểm thi cao là nhờ câu nghị luận xã hội chứ nghị luận văn học quá lạ so với thí sinh. Có thí sinh được cho 2,75 điểm ở câu nghị luận xã hội”.
ThS Ngô Đức Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết trường có một bài thi môn văn khối C đạt 9,5 điểm. “Phổ điểm còn lại chủ yếu ở mức 5-6 điểm” - ông Tuấn nói thêm.
HÀ BÌNH - NGỌC HÀ

“Thôi em đành bó tay...”
Nhiều giám khảo đã dở khóc dở cười với những câu “bình lựng”, những “bài thơ” thí sinh sáng tác trong quá trình làm bài thi môn văn. Tại hội đồng thi Trường ĐH Mở TP.HCM, một thí sinh “tức cảnh” trên bài thi: “Một mùa xuân nho nhỏ/Tài liệu ở đâu đây/Thôi em đành bó tay/Mong thầy cô thông cảm”. Còn tại hội đồng thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, một giám khảo chấm thi kể thí sinh trong câu 3b khối D đã... mở đầu như sau: “Tác giả Nguyễn Minh Châu là ai, tui không biết. Tại vì thi đại học nên tui phải làm bài này”. Cũng tại hội đồng thi này, một thí sinh thể hiện sự “bó tay” rằng: “Người đã chết thì không biết. Không biết thì tui không có viết”...
NHƯ HÙNG

Nhận định đề thi Văn ĐH 2013

thanhnien online ngày 10.07.2013
- Tải về Đề thi và Gợi ý giải đề thi đại học môn Văn khối C năm 2013:  bản word /  bản PDF
- Tải về Đề thi và Gợi ý giải đề thi đại học môn Văn khối D năm 2013:  bản word /  bản PDF
Cô Lý Thị Tú Anh, giáo viên môn văn, Trường THPT Vĩnh Viễn:
Đề văn kích thích sự hứng thú làm bài của thí sinh
Đề thi văn khối C và D, ở tất cả các câu đều đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức đã học, cho dù là câu hỏi giáo khoa, tránh được việc học thuộc lòng.
Với đề văn khối C, câu 1 rất rõ ràng từng phần để học sinh trả lời. Học sinh nào nghe giảng bài, có kiến thức suy luận thì chắc chắn sẽ làm được ngay.
Câu 2, không khó với học sinh vì nội dung phù hợp với lối sống của người VN truyền thống và ý kiến nhận xét trong đề phủ định, khẳng định rất rõ để học sinh làm bài.
Câu 3a, 3b có dạng ra đề không mới. Câu hỏi tổng hợp từ nhiều ý kiến để học sinh bình luận về những ý kiến này. Qua đó, học sinh có cái nhìn rộng, ở nhiều góc độ để có thể được thể hiện ý kiến phong phú của mình.
Đề văn khối D cũng không khó nhưng với điều kiện là học sinh phải vận dụng kiến thức để làm bài.
Câu 1 cho một cách nhìn và từ đó học sinh nêu ý về con sông Đà.
Đặc biệt, nếu như câu 2 đề thi khối C là quan điểm về văn hóa, lối sống truyền thống của người VN thì ở đề thi khối D lại là nhận xét về người VN qua ý kiến của một Việt kiều. Cách chọn lựa ý kiến để đưa vào đề thi như vậy rất phù hợp với mỗi khối.
Đây là dạng viết bài văn một cách đối thoại với người có ý kiến trong đề, qua đó nhìn lại chính mình để mình đi tới. Cách ra đề như vậy đã bỏ đi cách dạy, học và làm bài từ chương.
Câu 3a, 3b cho hai ý kiến, một ý kiến sai, một ý kiến đúng để học sinh chọn lựa và bình luận.
Đề văn thi ĐH năm nay ở cả khối C và D đều rất hay, tạo sự kích thích hứng thú làm bài của học sinh. Đề thi này để học sinh chủ động làm bài theo cảm nhận của mình chứ không phải theo kiến thức của giáo viên, học sinh có thể có mặt trong bài văn (Viên An ghi)
Cô Vũ Thị Thanh Tâm, giáo viên văn học, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Đề văn hay, lạ và thẳng thắn
Cả hai đề văn khối C và D đều có ý tưởng tương tự nhau.
Với câu 2 nghị luận xã hội ở đề văn khối C và khối D đều nói về tính cách của người Việt Nam, cụ thể là điểm xấu trong tính cách người Việt mà chúng ta thường gọi là “người Việt xấu xí”.
Đây là dạng đề lạ mà TS chưa gặp nhiều năm gần đây. Trước đây, đề văn khi phê phán thói xấu thường phê phán thói xấu của một nhóm người, thành phần nào đó trong xã hội. Nhưng với đề thi năm nay, đề lại phê phán tật xấu của người Việt Nam.
Đề thi đề cập đến tật xấu cố hữu của người Việt Nam nên tôi băn khoăn liệu các em có dám bày tỏ ý kiến riêng của bản thân hay không? Nếu các em có thể trình bày được ý kiến độc lập, thẳng thắn mới làm đạt được câu 2 nghị luận xã hội.
Cũng chính vì thế mà tôi chờ đợi hướng dẫn đáp án của Bộ GD-ĐT có thật sự cởi mở và nhìn nhận thẳng thắn vào nhược điểm của người Việt Nam hay không.
Lâu nay người Việt Nam vẫn tự hào là cần cù và sáng tạo nhưng theo nhìn nhận của một người Việt kiều (là cái nhìn khách quan của người nước ngoài theo đề thi khối D), hy vọng TS sẽ nêu được suy nghĩ riêng và giải pháp khắc phục những nhược điểm của người Việt dưới cái nhìn của người nước ngoài.
Với đề thi nghị luận xã hội ở khối C, học sinh phải nêu được: cách cư xử khéo léo đúng một phần nhưng nếu chỉ khôn khéo mà thiếu thông minh thì đất nước, xã hội sẽ khó có thể phát triển được.
Câu 1 của cả hai đề không có gì đánh đố với TS. Trong khi đó, câu số 3 lại đòi hỏi TS phải biết lập luận so sánh và lập luận bác bỏ. Đây là thao tác mà các em rất ít khi sử dụng ở bình luận văn học. Bấy lâu nay các em chỉ quen làm bài với thao tác lập luận phân tích và lập luận bình luận vì vậy câu này chỉ những em khá giỏi mới làm tốt.
Câu 3 ở 2 đề hay ở chỗ TS phải hiểu bài mới làm được, xóa bỏ được cách học thuộc lòng.
So với đề văn khối D, đề khối C có phần khó hơn, đặc biệt là câu 3b đòi hỏi so sánh.
Theo tôi, đề văn năm nay ra khá hay, lạ và rất thẳng thắn. (Minh Quyên ghi)
THÍ SINH NHẬN XÉT
Tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), phần lớn TS đều cho rằng môn văn khối D có câu nghị luận xã hội khá hay, phản ánh đúng thực trạng.
“Mình thấy đề không khó lắm, câu 1 và 3 học kỹ xíu là làm được. Câu nghị luận xã hội mình thấy hay, phản ánh đúng thực trạng sống thụ động, theo lối mòn”, TS Lê Thị Thảo Nguyên (học sinh Trường THPT Buôn Hồ, Đắk Lắk, thi tốt nghiệp THPT môn văn đạt 7,5 điểm) cho biết.
Tại HĐT Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều TS hào hứng với câu nghị luận xã hội.
TS Hồ Minh Đạt, thi tại HĐT Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phấn khởi: “Em đọc và chọn câu nghị luận xã hội làm trước, vì vấn đề thụ động này em cũng mắc phải nên có kinh nghiệm. Em học văn cũng trung bình nên em nghĩ 5 điểm văn ĐH cũng tốt rồi”.
TS Lê Thị Hoa, học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk, đánh giá đề thi văn khối D như thế là vừa với khả năng của em. Hoa nói: "Em vẫn thích làm câu nghị luận nhất vì nó bám sát thực tế, dễ làm, lời văn cũng không quá bay bổng".
Hoa cho biết mình làm được khoảng 6 điểm; điểm tốt nghiệp THPT môn văn của Hoa là 7,5. (Hữu Thành - Diễm Út)
* Tại Đà Nẵng: TS thi môn văn khối C và D sáng nay đều chung nhận xét là đề lạ, hiếm gặp khi ôn tập.
Theo TS Nguyễn Thị Thùy Trâm (học sinh Trường THPT Hòa Vang, Đà Nẵng, thi vào ngành Sư phạm tiểu học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), cho hay đề văn khối D chủ yếu hướng TS phát huy sự sáng tạo.
TS Huỳnh Thị Thùy Trang (học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng, dự thi vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nhận xét: Đề văn khối D không phải dễ làm. Đề rất lạ, đặc biệt là câu nghị luận xã hội, phải có cảm nhận, cảm thụ sâu sắc về tác phẩm mới làm bài tốt được.
TS Lê Thị Hàn Ni (học sinh Trường THPT Krong Bông, Đắk Lắk, thi vào khoa báo chí, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) rất hào hứng với đề văn khối C.
“Em xem thời sự và đọc báo, thấy Bộ GD-ĐT đã nói rất rõ là khuynh hướng ra đề theo hướng mở, nên khi bắt gặp đề thi này em không lấy làm ngạc nhiên mà rất hào hứng làm bài.
Hàn Ni cho biết đề văn này em làm khá tốt, phải đạt trên 8 điểm. (Diệu Hiền
"Đề văn khối C năm nay khó, đòi hỏi TS tư duy nhiều”, đó là nhận định chung của nhiều TS. Trong đó, câu nghị luận xã hội được nhận xét là khá hay và lạ.
TS Quách Văn Linh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Vũng Tàu, thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Đề văn đòi hỏi tư duy nhiều, như câu nghị luận xã hội TS phải nhận định một vấn đề xã hội thông qua một tác phẩm. Đề thi này sẽ dễ phân loại được TS”
TS Thúy Hằng (quê Bình Phước) cho rằng đề văn khối C khó và nằm ngoài dự đoán của em. Đề nghị luận xã hội đòi hỏi TS phải bám sát vào vấn đề được đề cập trong tác phẩm trích dẫn.
Hằng cho biết mình làm được khoảng 50% bài thi. (Bảo Ngọc)
*** Đồng hành cùng các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013, bên cạnh các bài gợi ý giải đề thi, Thanh Niên Online còn cập nhật những nhận xét nhanh về đề thi ngay sau khi môn thi kết thúc của các giáo viên giàu kinh nghiệm (những nhận xét này chỉ có tính chất tham khảo).

TS ĐH 2013: Đề và gợi ý môn Văn Khối D

ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013
Môn: NGỮ VĂN; Khối: D
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm):
            Câu 1 (2,0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà  (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013), Nguyễn Tuân từng nhìn “Sông Đà như một cố nhân”.
            Người “cố nhân” ấy có tính nết như thế nào? Cách ví von này có ý nghĩa gì?
            Câu 2 (3,0 điểm):
            Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét:
            Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
(John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013, tr.113)
            Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Tran Hung John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
            Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
            Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.
Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
            Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
            Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng : nét nổi bật ở người nghệ sỹ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.
            Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
BÀI GIẢI GỢI Ý
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH
Câu 1: Nguyễn Tuân ví sông Đà như một cố nhân.
-Cố nhân đó có tính nết “hung bạo và trữ tình”.
-Cách ví von đó thể hiện tình yêu say đắm và niềm tự hào về quê hương xứ sở. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Tây Bắc vừa kì vĩ, dữ dội vừa thơ mộng trữ tình.
Câu 2: Thí sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản của câu hỏi : Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến : Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
Thí sinh có thể trình bày bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý :
            - Giới thiệu ý kiến của đề bài: Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
            - Giải thích :
            + Thụ động : thường ngồi yên hay đứng yên một chỗ để nhận những tác động từ hoàn cảnh khách quan và từ người khác. Người tiên phong: là người đi trước. Áp lực xã hội là những ý thức hệ, những tập quán, những thành kiến, những lời bình phẩm…
            + Ý kiến trên chỉ là một sự thống kê và quan sát chưa đầy đủ của tác giả, hiển nhiên có một bộ phận không nhỏ những người Việt Nam rất thụ động, thường làm theo những điều xấu và điều tốt của người khác, nhưng thật ra cũng có rất nhiều người Việt Nam đã đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực về khoa học, văn hóa, nghệ thuật… cũng như những sáng tạo trong chiến đấu và xây dựng đất nước (học sinh cần có những ví dụ cụ thể).
            + Đồng ý một phần với tác giả là có một số người Việt Nam thụ động và sống theo áp lực của xã hội đi theo những con đường đã có sẵn. Tuy nhiên, bản chất của người Việt Nam ham học hỏi, thích sáng tạo, tìm tòi… và cũng không ít người Việt Nam đã thành công trên trường quốc tế, do đó ý kiến trên là chưa chính xác.
            - Không phải lúc nào cũng là người tiên phong, dẫn đầu. Cũng có lúc nên đi theo những truyền thống tốt đẹp đã có sẵn
- Phải biết trân trọng, ca tụng những người sáng tạo tiên phong trong lĩnh vực như văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, đời sống…
- Cần chọn lựa một phong cách sống phù hợp với áp lực xã hội, phù hợp với hoài bão ước mơ và sở thích của chính mình. Sẵn sàng làm người đi theo những điều tốt và tình nguyện làm kẻ dẫn đường để khai phá một thế giới tốt đẹp hơn.
Câu 3a: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau đây:
A.Giới thiệu:
-Tác giả
-Tác phẩm
-Nhận định
B.Nội dung:
1.Là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực
-Trước cách mạng tháng tám, thơ Xuân Diệu mang hai tâm trạng trái ngược: “vừa thiết tha yêu đời vừa hoài nghi cô đơn”. “Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của ông trước cách mạng tháng tám.
-Xuân Diệu nhìn đời bằng đôi mắt đa tình, nên hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống luôn mang vẻ đẹp xuân tình.
+Cuộc sống đầy ngọt ngào, tươi tắn, đẹp đẽ, gợi cảm và đầy xuân sắc: “tuần tháng mật”; “đồng nội xanh rì”; “khúc tình si”; “cặp môi gần”.
            +Thế nhưng, nỗi ám ảnh về sự trôi chảy vô tình, lạnh lùng của thời gian dẫn đến sự tàn, phai, rơi, rụng khiến nhà thơ buồn bã, hoài nghi và trách móc: ở ngay trong mùa xuân mà đã “hoài xuân”; “lòng tôi rộng” nhưng “lượng trời cứ chật”; “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”; tất cả “đều rớm vị chia phôi”; và than vãn “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”.
-Nhận xét:
+Đó là biểu hiện nỗi lo lắng về đời người hữu hạn.
+Bộc bạch cái tôi chân thành khi vui cũng như khi buồn.
+Đó không phải là cái tôi vị kỉ tiêu cực, mà sợ cái đẹp của cuộc sống tàn phai.
2.Là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực:
-Một vòng ôm “ham hố” tham lam thật đáng yêu trước thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp, rạng ngời, tình tứ: Cả sự sống “mới bắt đầu mơn mởn”; “mây đứa và gió lượn”; “cánh bướm với tình yêu”,…
-Trạng thái tâm hồn ngây ngất, cuồng nhiệt và đắm say biểu hiện qua hàng loạt động từ: ôm, riết, thâu, cắn,…
-Nhận xét:
+Biểu hiện tình yêu cuộc sống tha thiết.
+Một quan niệm sống mới mẻ, tích cực.
3.Nhận định chung
-“Vội vàng” là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những tháng năm tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt.
-Tư tưởng đó được thể hiện qua một hình thức nghệ thuật điêu luyện: sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí, giọng điệu say mê, sôi nổi, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ.

Câu 3b: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau đây:
A.Giới thiệu:
-Tác giả: Nguyễn Minh Châu là nhà văn của bút pháp “đi tìm hạt ngọc ẩn tàng trong tâm hồn con người”.
-Tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu với nhân vật Phùng có hai ý kiến nhận xét về nét nổi bật của người nghệ sĩ này :
+ “Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật”.
+ “Vẻ đẹp sâu xa của người nghệ sĩ Phùng chính là tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người”.
B.Nội dung:
- Tóm về nhân vật Phùng gắn liền nhiệm vụ tìm một tấm ảnh đẹp bổ sung bộ lịch và phát hiện hai hình ảnh của chiếc thuyền ngoài xa và chiếc thuyền đến gần.
- Khai thác :
1. “Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật”:
® chiếc thuyền ngoài xa là cảnh đắt trời cho được nghệ sĩ thu vào máy ảnh bằng cả tâm hồn nhạy cảm với cảnh vật, nét đẹp hài hòa giữa hình ảnh và ánh sáng.
® Nên ở Phùng nếu thiếu một trái tim nhạy cảm và say mê cảnh đẹp như bức tranh mực tàu của chiếc thuyền ngoài xa khó tạo một tấm ảnh tuyệt đỉnh của ngoại cảnh “ngắm kĩ thấy màu hồng hồng của ánh sương mai”.
® Với cái đẹp tuyệt đỉnh này nếu dừng lại người nghệ sĩ chỉ tạo được cái thần của cảnh thiếu cái hồn của cuộc sống.
2. Khi chiếc thuyền đến gần, người nghệ sĩ Phùng tiếp tục khám phá đời sống của gia đình hàng chài được đánh giá “Vẻ đẹp sâu xa của người nghệ sĩ Phùng chính là tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người”
® Với cảnh chồng đánh vợ như trút cơn giận lửa cháy vào tấm lưng áo bạc phếch rách rưới để rồi đau đớn và nguyền rủa “Mày chết đi cho ông nhờ - Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ” khẳng định cuộc sống đói nghèo làm con người tha hóa trong sự trăn trở của người nghệ sĩ đầy tâm huyết với cuộc đời. Và người vợ lại cam chịu nhẫn nhục từ lòng yêu chồng, thương con cũng được khám phá từ tâm hồn người nghệ sĩ theo bút pháp khám phá trái tim của người phụ nữ Việt Nam yêu chồng thương con. Cho đến lúc Phùng chứng kiến sự xuất hiện của đứa con đánh bố với quyết tâm nhất định tiêu diệt bạo lực gia đình làm cho tâm trạng của mẹ xấu hổ đau đớn tủi nhục cũng chính là tâm hồn của nghệ sĩ Phùng đang lo âu về thân phận con người về sự tha hóa của trẻ con khi chứng kiến bạo lực của người lớn.
® Nên với phần kết thúc tác phẩm “nhìn lâu thấy hình ảnh người đàn bà bước ra từ tấm ảnh với tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá – giậm chân trên mặt đất chắc chắn hòa lẫn vào trong đám đông” nhấn mạnh trách nhiệm của người nghệ sĩ khi khai thác, khám phá đối tượng của văn học là con người trong cuộc sống đời thường.
- Cảm nhận của người viết về hai ý kiến này :
+ Có phải chăng đây là quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” cộng hưởng trong sự khai thác của nhân vật Phùng cũng chính là nhà văn Nguyễn Minh Châu để tạo một tác phẩm văn học có giá trị.
Nguyễn Hữu Dương - Nguyễn Đức Hùng - Đinh Phan Cẩm Vân
Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn


TSĐH 2013- Môn Văn đề và gợi ý Khối C

ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013
Môn: NGỮ VĂN; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHN CHUNG:
            Câu 1:
Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật nào. Hình ảnh Hà Nội có ý nghĩa gì đối với đời sống tâm hồn Liên?
            Câu 2:
            Nhìn lại vốn văn học dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là:
Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.
(Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 160-161)
Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).
II. PHẦN RIÊNG:
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
            Câu 3.a: Theo chương trình Chuẩn
            Hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng : người lính ở đây có dáng dấp của tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này thì anh/chị bình luận về ý kiến trên.
            Câu 3.b: Theo chương trình Nâng cao
            Có ý kiến cho rằng : sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa -  Nam Cao) không đáng trách chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.
Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1:
-          Ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật :
+ Hà Nội vui vẻ, sáng rực và huyên náo.
+ Hồi ức về Hà Nội tươi đẹp mà tuổi thơ đã từng thụ hưởng khác với phố huyện đầy bóng tối mà chúng đang sống.
à Ý nghĩa :
- Ánh sáng, niềm hy vọng về cuộc sống. Ánh sáng trong tâm hồn Liên khi chờ đợi chuyến tàu đêm từ Hà Nội đi qua phố huyện.
- Đã sống trong hoàn cảnh tăm tối, đơn điệu. Đừng bao giờ đánh mất sự khao khát sống. Đây là tư  tưởng nhân đạo mới của tác giả nêu bật sự thức tỉnh cá nhân về sự tồn tại của mỗi người khi họ biết khao khát và ước mơ.
Câu 2:
Đề bài yêu cầu thí sinh “từ những nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực” của lối sống “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn” mà “bày tỏ quan điểm sống của chính mình” . Từ yêu cầu đó, thí sinh cần : nêu được những mặt tích cực  và tiêu cực của lối sống trên; sau đó bày tỏ quan điểm sống của chính mình trong phạm vi bài viết khoảng 600 từ.
Thí sinh có thể triển khai bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau. Đây chỉ là một số gợi ý :
Mở bài:
-          Giới thiệu thầy Trần Đình Hượu, chuyên viên về những vấn đề tư tưởng của văn học Trung Đại, người có nhiều tác phẩm bàn về những đặc sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam
-          Giới thiệu đề: trong đó có nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.
Thân bài:
-          Lối sống trên có những mặt tích cực và tiêu cực:
+ Không ca tụng trí tuệ :
·               Tiêu cực : trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến trình độ nhất định. Nó có vai trò lớn trong cuộc sống. Nó giúp con người nhận thức đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, giúp con người phát hiện, khám phá những quy luật của sự vật, của đời sống. Nó là cơ sở, nền tảng cho sự khám phá và sáng tạo.  Nó soi đường cho hành động của con người trong thực tế.
·               Tích cực : Cuộc sống phức tạp. Bên cạnh hai giá trị đúng sai, còn có những giá trị khác mà không phải lúc nào cũng dễ dàng phán quyết đúng sai. Có những sự việc không thể dễ dàng tách biệt rạch ròi đen trắng. Bên cạnh trí tuệ, lí trí, con người lại có tình cảm, mà con tim có những lý lẽ mà không phải lúc nào cũng thống nhất với lí trí do vậy không quá đề cao trí tuệ, không đòi hỏi sự rạch ròi, dứt khoát, giúp con người ta dễ chín bỏ làm mười, dễ tạo được một cuộc sống hòa hợp.
+ Ca tụng khôn khéo. Ăn đi trước, lội nước theo sau:
·               Tiêu cực : lối sống này dễ dẫn người ta rơi vào kiểu sống hưởng thụ, ích kỷ, khôn vặt, đẩy sự khó khăn về người khác, chọn cho mình sự dễ dàng.
·               Tích cực : Khôn khéo là khôn ngoan và khéo léo trong cách xử sự. Trong thực tế, tương quan giữa con người  với những lực lượng khác có khi quá chênh lệch, hoàn cảnh vượt quá khả năng, khi đó một thái độ khôn khéo thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn là một thái độ thức thời của người biết ẩn nhẫn, đợi thời cơ, “biết trồng tre đợi ngày thành gậy, đi trả thù mà không sợ dài lâu”.
·               Theo thầy Trần Đình Hượu : Sỡ dĩ người Việt Nam có lối sống trên đó là do về tâm lý, người Việt Nam an phận thủ thường, nhẫn nhịn, chín bỏ làm mười, không cần hoàn toàn rạch ròi đen trắng (thậm chí như câu tục ngữ “Thẳng mực tàu, đau lòng cổ” và về ý thức, đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, thực tế khó khăn, nhiều bất trắc của người Việt Nam trong cuộc sống ngày xưa.
-          Quan điểm sống của riêng em:
+ Cần đề cao vai trò quan trọng của trí tuệ. Cho nên cần phải tích cực học tập, trau dồi tri thức, xem nó là cơ sở nền tảng cho sự phát triển, sáng tạo của bản thân. Phát triển trí tuệ bằng thái độ học tập suốt đời với phương pháp tự học chủ động hiệu quả.
+ Tuy nhiên, trong cuộc sống không quá duy lý, bởi thực tế và có nhiều khi “Bên ngoài là lý, bên trong là tình”. Sự đồng ý kết hợp cùng sự đồng tình sẽ có hiệu quả tốt hơn sự rạch ròi lí trí.
+ Cần đề cao sự khôn khéo vì nó có những hiệu quả thiết thực, nhất là khi thế và lực của bản thân còn yếu. Khôn khéo để tạo được hòa khí, sự đoàn kết trong môi trường sống, học tập và làm việc. Điều này chắc chắn có ích cho cuộc sống bản thân và những người chung quanh.
+ Tránh biến sự khôn khéo thành kiểu sống ích kỷ, khôn vặt, khôn lỏi mà luôn chân thật, nhân hậu, biết người biết ta.
Kết bài :
Mỗi thời có những đặc điểm riêng, cách sống riêng. Hoàn cảnh ngày nay, khác với ngày xưa, cho nên theo em cần có sự dung hòa giữa việc đề cao trí tuệ và cách sống khôn khéo.
Câu 3.a : Hình tượng người lính trong bài thơ Tây tiến
  1. Đặt vấn đề
-          Giới thiệu nhà thơ Quang Dũng và bài thơ Tây tiến.
-          Hai hình tượng chính trong bài thơ Tây tiến: người chiến binh Tây tiến và thiên nhiên Tây Bắc.
-          Hình ảnh người chiến binh Tây tiến là sự hòa quyện vẻ đẹp của những tráng sĩ xưa và vẻ đẹp của người lính thời kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
  1. Giải quyết vấn đề
Thí sinh cần làm rõ hình tượng người lính trong Tây tiến mang vẻ đẹp của tráng sĩ xưa nhưng họ vẫn là những là hình ảnh tiêu biểu cho người lính thời kháng chiến chống Pháp.
2.1              Vẻ đẹp của lí tưởng anh hùng
-          Mang lí tưởng anh hùng, quyết ra đi lập nên sự nghiệp lớn. Chí lớn chưa thành không bao giờ trở lại. Hình tượng xuyên suốt bài thơ là hình tượng con đường hành quân của người chiến binh. Kết thúc là hình ảnh con đường Tây tiến thăm thẳm mở ra vô tận, vô cùng: “Tây tiến người đi không hẹn ước. Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. (Thí sinh nên liên hệ phân tích với Chinh phụ ngâm, Tống biệt hành…). Trong không khí cuộc kháng chiến chống Pháp, người lính Tây tiến nguyện “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”:  “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
-          Sống với lí tưởng anh hùng; chết trong tư thế anh hùng của những tráng sĩ thuở xưa; “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Không chỉ thế, cái chết của người lính Tây tiến còn mang âm hưởng dữ dội của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
2.2              Sự gian khổ của cuộc chiến và vẻ đẹp tâm hồn
Đây là điểm Quang Dũng đã bám sát cuộc kháng chiến chống Pháp để mô tả, mang đến hình ảnh người lính không khí của thời đại.
-          Cuộc sống người lính đầy gian khổ, hi sinh: những dãi dầu trên con đường hành quân, hình ảnh đoàn quân mỏi, những nấm mồ viễn xứ
-          Vượt lên những gian khổ hi sinh là cái nhìn lãng mạn của tâm hồn tuổi trẻ.
Câu 3.b:  
-          Hình tượng người phụ nữ Việt Nam là sợi chỉ đỏ chi phối xuyên suốt văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Qua mỗi nhà văn, hình tượng này được khai thác từ phẩm chất chịu thương, chịu khó với gia đình. Từ trong “Đời thừa” (Nam Cao) không đáng trách mà chỉ đáng thương, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương, vừa đáng trách.
-          Khai thác nhân vật Từ :
+ Đối với Hộ khi còn độc thân, thì nghèo đói không nghĩa lý gì đối với kẻ say mê lý tưởng. Do Hộ mang hoài bão lớn muốn viết một tác phẩm đoạt giải Nobel vì mang đậm giá trị nhân đạo.
+ Nhưng khi lập gia đình với Từ, Hộ đối đầu với chuyện áo cơm. Vấn đề đó với người nghệ sĩ nghèo không phải là vấn đề đơn giản. Còn Từ chỉ biết sinh con, chăm sóc con và gia đình, điều đó trở thành hạnh phúc đối với người đàn bà này.
+ Và có những lúc Hộ bàn luận chuyện văn chương và tin tức về một người bạn đã thành công với một tác phẩm không lớn, Hộ đã uống rượu và trút cơn giận vào Từ. Từ là một người vợ đáng thương chỉ biết chịu đựng chăm sóc cho chồng, ôm con thui thủi một mình và vẫn tiếp tục dõi theo và chăm sóc chồng lúc say.
+ Đến lúc Hộ tỉnh rượu, thấy trên bàn có bình nước đầy hãy còn ấm, thấy vợ khổ sở nằm trên võng, anh hối hận.
+ Qua hình ảnh này, chúng ta đồng ý với ý kiến là Từ đáng thương nhưng không đáng trách vì luôn nghĩ đến trách nhiệm của một người  vợ cho dù bị đánh đập. Thật đúng với hình tượng người phụ nữ Việt Nam luôn yêu chồng, thương con không hề biết đến bản thân.
à Sau 1975, văn học đổi mới với hình tượng người đàn bà hàng chài trong tác phẩm
“Chiếc thuyền ngoài xa”.
-          Nếu Từ cũng có một gia đình đông con và một người chồng vất vả vì sinh kế thì người đàn bà hàng chài của Nguyễn Minh Châu cũng thế. Nên hắn thường trút cơn giận như lửa cháy vào tấm lưng áo bạc phếch rách rưới của vợ khi cho rằng sự nghèo đói của gia đình do vợ sinh quá nhiều con.
-          Và hình ảnh người đàn bà Việt Nam một lần nữa được tôn vinh qua sự nhẫn nhục “Nhẫn nhục cam chịu những trận đòn không hề kêu vang, không chống trả, không chạy trốn”. Do nghĩ đến chồng, hiểu chồng đánh mình không phải vì ghét bỏ mà vì nghèo đói.
+ Vì không muốn cho con biết nên bật lên trái tim người mẹ - người vợ.
+ Tuy nhiên, sự nhẫn nhục của bà đã trở thành nạn nhân của bạo lực. Một là đứng về phía hình tượng người phụ nữ Việt Nam bà thật đáng thương bởi chỉ biết sống vì chồng vì con, hiểu chồng và thương con. Bởi nếu bà chạy trốn chồng trả thù thì tăng thêm cơn giận của chồng trút vào con.
+ Nhưng lại rất đáng trách khi bà chấp nhận những trận đòn để bạo lực tiếp tục diễn biến từ người lớn chuyển sang con nít thì cái ác sẽ tăng gấp đôi, gấp ba bởi chồng đánh vợ không phải bằng lòng căm thù mà chỉ trút cơn giận vì bị bế tắc trước cuộc sống vật chất đã làm tha hóa con người, còn con đánh bố và nhất định giết cho được bố vì cầm dây lưng quất vào ngực bố và có giấu dao ở trong người.
·         Hai ý kiến hoàn toàn đúng vì :
-          Từ sự tương đồng của Từ và người đàn bà hàng chài đều là sự nhẫn nhục. Do yêu chồng, thương con nhưng với Từ thì thật là đáng thương khi luôn nghĩ rằng mình và đàn con là “gánh nặng cơm áo gạo tiền của chồng”, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài là sự cam chịu làm chúng ta xót thương nhưng bà không thể nào là nạn nhân của bạo lực được vì bà vẫn cùng chồng, cùng con lao động trên biển cả và cũng có những giây phút hạnh phúc hiếm hoi với chồng khi nhìn đàn con được ăn no. Tại sao lại chấp nhận những trận đòn vô lý này nên chúng ta đồng ý với ý kiến : sự nhẫn nhục của Từ không đáng trách chỉ đáng thương, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài vừa đáng thương vừa đáng trách.
à Từ đó theo cách tiếp nhận văn học “Người đọc là người cùng sáng tác với nhà văn” chúng ta đề ra một phương thức để người phụ nữ Việt Nam không chỉ biết thương con, chăm sóc gia đình mà phải góp thêm một phần trọng trách, vừa đồng hành với chồng khi tìm kế mưu sinh mà phải biết đối kháng bằng tình thương với những hành động không đúng của chồng.
------------------

Nguyễn Hữu Dương - Nguyễn Đức Hùng - Đinh Phan Cẩm Vân
Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn


Thi Đại học - CD 2013: Đề thi - Đáp án chính thức của BGD

Chú ý: Bạn sử dụng AcrobatReaderđể đọc.
Nếu bạn chưa có, bạn có thể vào đây để download.
  Năm 2013
Gộp file các đợt thi: Đợt B-C-D, Đợt A-A1
Khối A
 |  Đề thi Hoá |  Đáp án Hoá
Khối A1
 |  Đề thi Anh |  Đáp án Anh
Khối AA1
 |  Đề thi Toán |  Đáp án Toán
 |  Đề thi Lý |  Đáp án Lý
Khối B
 |  Đề thi Toán |  Đáp án Toán
 |  Đề thi Sinh |  Đáp án Sinh
 |  Đề thi Hoá |  Đáp án Hoá
Khối C
 |  Đề thi Văn |  Đáp án Văn
 |  Đề thi Sử |  Đáp án Sử
 |  Đề thi Địa |  Đáp án Địa
Khối D
 |  Đề thi Văn |  Đáp án Văn
 |  Đề thi Trung |  Đáp án Trung
 |  Đề thi Toán |  Đáp án Toán
 |  Đề thi Pháp |  Đáp án Pháp
 |  Đề thi Nhật |  Đáp án Nhật
 |  Đề thi Nga |  Đáp án Nga
 |  Đề thi Đức |  Đáp án Đức
 |  Đề thi Anh |  Đáp án Anh
  Năm 2012
  Năm 2011
  Năm 2010
  Năm 2009
  Năm 2008
  Năm 2007
  Năm 2006
  Năm 2005
  Năm 2004
  Năm 2003
  Năm 2002