KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI THPT 2014-2015 TẠI HCM

 SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TP.HỒ CHÍ MINH
(Đề thi gồm 01 trang)

KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI THPT
NĂM HỌC 2014 – 2015
MÔN NGỮ VĂN
Ngày thi thứ nhất: 14/10/2014
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
_______________________
Câu 1 (8 điểm)
Ngày 10/10/2014, cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai đã trở thành người trẻ nhất trên thế giới và là người Pakistan đầu tiên đoạt giải Nobel hòa bình.
Từ năm 11 tuổi, Malala đã bắt đầu đấu tranh cho quyền giáo dục. Với cô “Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây viết có thể thay đổi thế giới”.
Năm 2012, Malala từng bị Taliban bắn vào đầu vì dám yêu cầu quyền tiếp cận giáo dục dành cho tất cả mọi người. Đặc phái viên của Liên hiệp quốc về giáo dục đã phát động bản kiến nghị mang tên cô. Bản kiến nghị này thu hút hơn 3 triệu chữ ký ủng hộ, khiến chính phủ Pakistan phải thông qua dự luật bảo đảm cung cấp giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em.
Cô cũng đã gặp Tổng thống Nigeria để bày tỏ sự ủng hộ dành cho 291 cô gái bị nhóm khủng bố Boko Haram bắt cóc. Malala và những thành viên khác của Quỹ Malala đã giúp đỡ hàng trăm trẻ Syria tị nạn ở Jordan, hơn 1 triệu trẻ em bị mất nhà cửa do chiến tranh và giúp các em đến trường. Cô hi vọng một ngày nào đó sẽ trở thành thủ tướng của Pakistan để có thể phục vụ đất nước mình.
Cô gái người Pakistan đã khiến thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi liên tục đấu tranh cho giáo dục trẻ em và quyền lợi của phụ nữ, bằng lòng dũng cảm và niềm đam mê vô tận.
Báo Huffington Post của Mỹ đã gọi Malala là người “truyền cảm hứng” cho cả thế giới.
 (Theo Tuổi Trẻ online ngày 12/10/2014)
Vì sao Malala được cho là người “truyền cảm hứng” cho cả thế giới ? Từ câu chuyện của Malala - cô gái 17 tuổi đoạt giải Nobel hòa bình, anh/chị suy nghĩ gì về cách mỗi người tìm cảm hứng sống cho chính mình và truyền nó cho cuộc đời ?
Câu 2 (12 điểm)
Trong một số tác phẩm, phải chăng nhà văn là người“tự đem mình ra quạt dưới than hồng” (Nguyễn Minh Châu)?
…………….. Hết ………………
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:………………………………Số báo danh:………………...

ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NĂM 2014


Môn: NGỮ VĂN; Khối: C, D
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
            Câu I (2,0 điểm)
                        Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
                        Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
                        Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
                        Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

                        Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
                        Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
                        Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
                        Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
                                                            (Chiều xuân – Anh Thơ, Ngữ văn 11.
                                                Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.51)
Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Cảnh xuân trong đoạn thơ được miêu tả bằng những hình ảnh thiên nhiên nổi bật nào? (0,5điểm)
2. Cảnh xuân ở đây nói lên tình cảm gì của tác giả? (0,5 điểm)
3. Chỉ ra các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và nêu hiệu quả biểu đạt của chúng. (1 điểm)
            Câu II (3,0 điểm):
            Lòng yêu nước chân chính có thể trào lên như những cảm xúc bồng bột, những hành vi nhất thời, nhưng bao giờ cũng thuộc về nguồn tình cảm bền vững, gắn với những cống hiến suốt đời.
            Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu III (5,0 điểm):
            Cảm nhận của anh/chị về hai nhân vật Chiến và Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (sách Ngữ văn 12).
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I:
                        Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
                        Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
                        Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
                        Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

                        Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
                        Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
                        Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
                        Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
1. Cảnh xuân trong đoạn thơ được miêu tả bằng những hình ảnh thiên nhiên nổi bật : mưa đổ bụi trên bến vắng, con đò biếng lười, quán tranh đứng im lìm, chòm xoan hoa tím rụng tơi bời, cỏ non tràn trên đường đê, đàn sáo mổ vu vơ, cánh bướm rập rờn, trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
2. Cảnh xuân trong đoạn thơ cho thấy sở trường miêu tả cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp sống đồng quê miền Bắc. Từ đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương sâu sắc của tác giả.
3. Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ : êm êm, im lìm, vắng lặng, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả. Hiệu quả biểu đạt của các từ láy: góp phần thể hiện vẻ đẹp của cảnh xuân đẹp đẽ, thơ mộng ở miền quê Bắc Bộ. Đoạn thơ giàu sức tạo hình và biểu cảm, hình ảnh thơ sinh động. Những từ láy đã đưa những hình ảnh thơ mộng vào lòng người một cách rất tự nhiên.
Câu II:
Đây là câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về lòng yêu nước chân chính trong một văn bản có độ dài 600 từ. Thí sinh cần đáp ứng đúng những yêu cầu nói trên. Thí sinh có thể triển khai bài viết theo những hướng cụ thể khác nhau. Sau đây là một gợi ý:
-Yêu nước là một trong những tình cảm lớn, cao quý ở con người. Nó có ý nghĩa và tác dụng ra sao? Có quan niệm cho rằng: “Lòng yêu nước chân chính có thể trào lên như những xúc cảm bồng bột, những hành vi nhất thời, nhưng bao giờ cũng thuộc về nguồn tình cảm bền vững, gắn với những cống hiến suốt đời”. Chúng ta nghĩ gì về ý kiến này.
-Yêu nước là yêu quê hương đất nước, yêu cảnh vật, con người, truyền thống, mọi mặt của đất nước quê hương. Yêu nước chân chính là tình yêu sáng suốt của một người hiểu rõ ưu điểm cũng như hạn chế của đất nước mình. Tình yêu đó gắn liền với ý thức về chủ quyền chính đáng của dân tộc mình, gắn liền với ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước. Yêu nước chân chính gắn liền với niềm tự hào về đất nước mình. Đồng thời cũng biết tôn trọng các quốc gia khác.
-Yêu nước chân chính là một sức mạnh tinh thần to lớn của con người, nó chính là nguồn gốc của tinh thần, thái độ sẵn sàng chiến đấu, hi sinh của con người cho nền độc lập, tự do và sự phát triển của tổ quốc. Trong những trường hợp đặc biệt, nhất là trong những giờ phút thử thách nghiêm trọng của sự tồn vong của tổ quốc, lòng yêu nước chân chính có thể trào lên với những xúc cảm bồng bột, mãnh liệt, những hành vi nhất thời, đột xuất. Nó tạo thành một làn sóng vô biên sẵn sàng nhận chìm kẻ cướp nước và bán nước. Lịch sử cũng đã từng chứng kiến hành động bộc phát mãnh liệt của Trần Quốc Toản (bóp nát quả cam khi không được dự hội nghị Bình Than để bàn việc đánh giặc cứu nước), của toàn dân Đại Việt khi thích vào người hai chữ “Sát Thát”.
-Nhiều hành vi bộc phát chỉ là phản ứng nhất thời, bạo phát bạo tàn. Tình cảm yêu nước chân chính, cho dẫu có lúc là cảm xúc bồng bột, hành vi nhất thời, nhưng không phải là thứ tình cảm nông nổi, thoáng qua, nó là một nguồn tình cảm bền vững, có sức mạnh thôi thúc con người cống hiến suốt đời. Thật vậy, nhân dân Việt Nam đã từng trải qua thời gian dài bị ngoại bang xâm lược, đô hộ, thậm chí có lúc còn bị kẻ thù cố tình đồng hóa để tiêu diệt. Nhưng nhân dân Việt Nam đã liên tục vùng dậy, chiến đấu để giải phóng đất nước giành lấy độc lập tự do cho tổ quốc. Có được kì tích đó chính là ở sức mạnh của lòng yêu nước chân chính, của ý thức về chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Cũng chính lòng yêu nước chân chính đó đã là nguồn sức mạnh thôi thúc tinh thần chiến đấu và hi sinh của biết bao nhà cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…
-Mọi người cần nhận thức được sức mạnh và ý nghĩa to lớn của lòng yêu nước chân chính, cần phát huy nó trong cuộc sống. Trong giai đoạn hòa bình, học tập, lao động tích cực để có nhiều cống hiến vào công cuộc xây dựng đất nước. Còn trong hoàn cảnh đặc biệt, đất nước có chiến tranh, bị ngoại xâm, cần biết quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Tuy nhiên, cần phân biệt lòng yêu nước chân chính với thái độ tự ti dân tộc, với thái độ tự tôn, sô-vanh nước lớn; cần tránh hành vi bộc phát theo kiểu thiếu ý thức, gây hại cho uy tín và danh dự quốc gia.
Câu III: Cảm nhận về chị em Chiến và Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
MỞ BÀI
_ Giới thiệu tác giả.
_ Giới thiệu tác phẩm.
_ Giới thiệu hai nhân vật Chiến và Việt.
THÂN BÀI
      1. Điểm giống nhau ở hai chị em: 
      _ Đây là hai chị em ruột sinh ra và lớn lên trong cùng một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống cách mạng, tính cách của họ có nhiều nét tương đồng. Cả hai chị em đều trẻ trung, hồn nhiên, ngây thơ và đều được thừa hưởng những đức tính, những truyền thống quý báu của thế hệ đi trước: giàu tình yêu thương, gắn bó với quê hương, gia đình, trung thành với cách mạng. Họ còn giống nhau ở lòng căm thù giặc sâu sắc, luôn khao khát cầm súng chiến đấu để trả thù cho ba má. Họ gan góc, dũng cảm và hoàn toàn xứng đáng với niềm hi vọng, niềm tin của những người đi trước.
      _ Chiến và Việt đã trở thành người đại diện cho cả một lớp người, một thế hệ của thời đại mình. Họ là khúc sông tiếp nối trong một dòng sông truyền thống, khúc sông ấy sẽ hòa vào biển lớn của đất nước và còn ra ngoài đất nước.
            2. Điểm khác nhau:
            Tác giả đã xây dựng hình tượng Chiến và Việt với những cá tính riêng, sinh động, không thể trộn lẫn. Chính những nét đẹp riêng biệt này đã mang lại sức sống nội tại cho nhân vật.
             a.Nhân vật Chiến
            _ Chiến là một cô gái mới lớn, hồn nhiên:
      + Chưa đầy hai mươi tuổi, còn tranh nhau với em công bắt ếch, công bắn tàu giặc, tranh đi bộ đội.
      + Khi đi bộ đội, Chiến vẫn mang theo trong túi một mảnh gương nhỏ.
      + Chính những nét tính cách trẻ trung này khiến ta có cảm giác nhân vật rất sống động và được khắc họa với vẻ đẹp đầy nữ tính.
            _ Chiến là người chị đảm đang, tháo vát.
      + Là chị lớn trong một gia đình ba má mất sớm, chịu nhiều đau thương mất mát nên Chiến già dặn, trưởng thành hơn so với lứa tuổi. Cô đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh. Cô yêu thương, săn sóc, che chở, nhường nhịn em (bắt ếch, bắn tàu).
      + Cô không nhường em việc đi bộ đội nhưng hành động ấy cũng biểu lộ tấm lòng yêu thương của người chị.
      +  Cô lo toan chu đáo công việc gia đình. Trước khi lên đường nhập ngũ, Chiến thu xếp việc nhà trọn vẹn, từ việc lớn như nhà cửa ruộng vườn đến việc nhỏ như nồi lu chén dĩa; từ việc của người còn sống “gửi thằng Út em qua nhà chú Năm”, viết thư cho chị Hai,  đến việc của người đã chết – gởi bàn thờ, tiền giỗ ba má. Cô tính toán đâu ra đó tới mức chú Năm phải thốt lên: “Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng”, còn Việt thì vô cùng kính phục chị, thấy chị “giống in như má vậy”.
            _ Chiến còn thừa hưởng cả bản lĩnh gan góc, dũng cảm của má. Lúc lên đường nhập ngũ, Chiến thể hiện ý chí sắt đá của mình bằng một câu nói quyết liệt như một lời thề thiêng liêng: “Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”. Trong lời thề đó có sự kết tinh của truyền thống cách mạng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình.              
      _ Chiến không chỉ là bằng chứng cho sự hồi sinh của người mẹ mà còn là hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Nam Bộ: “Anh hùng, bất  khuất, trung hậu, đảm đang”. Sự gắn bó với Nam Bộ kết hợp cùng ngòi bút cá thể hóa nhân vật đã đem đến cho những trang văn của Nguyễn Thi một sự hấp dẫn đặc biệt.
            b.Nhân vật Việt
            _ Việt có những nét dễ mến của cậu con trai mới lớn vô tư, tính tình còn trẻ con, hồn nhiên, hiếu động :
+ Việt chỉ kém chị một tuổi nhưng là con trai nên tính cách của Việt còn rất trẻ con, hiếu thắng. Việt luôn tranh giành với chị từ việc đi bắt ếch, việc bắn tàu giặc trên sông Định Thủy đến việc đi bộ đội. Khi Chiến nói Việt còn nhỏ, ở nhà phụ với chú Năm, qua năm hãy đi bộ đội, Việt “đá trái dừa rụng xuống mương cái đùng” để tỏ thái độ bực bội.
+ Việt rất thích đi câu cá, bắn chim, đến khi đi bộ đội “cái ná thun vẫn còn nằm gọn trong túi áo” dù đã được trang bị vũ khí. Mặc dù rất thương chị, song hồn nhiên và vô tâm nên Việt phó mặc tất cả việc nhà cho chị. Khi hai chị em sắp sửa lên đường đi chiến đấu, chị lo lắng việc nhà bao nhiêu thì em vô tư, náo nức, sung sướng bấy nhiêu. Trong lúc chị Chiến lo thu xếp trả ruộng, gửi em, gửi nhà, gửi bàn thờ ba má… thì Việt chỉ vô tư “lăn ra ván cười khì khì”. Đáp lại những lời bàn tính của chị, Việt chỉ biết “ừ à” cho qua chuyện, thậm chí còn chụp đom đóm để nghịch và “ngủ quên lúc nào không biết”
+ Cách chú thương chị càng thể hiện rõ sự trẻ con. Chú “giấu chị như giấu của riêng” vì sợ anh em trong đơn vị tán tỉnh mất chị.
+ Thậm chí đến lúc ra trận, cậu vẫn cứ hồn nhiên, trẻ con. Khi bị thương nặng, bị thất lạc đồng đội, nằm lại một mình ở chiến trường, Việt không sợ chết, không sợ giặc, chỉ sợ bóng tối và sợ “con ma cụt đầu”. Đến lúc đồng đội tìm được, Việt vừa khóc vừa cười giống hệt như thằng Út em. Việt là hình ảnh sinh động của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
             _ Việt còn là chàng trai giàu tình yêu thương và rất gắn bó với gia đình. Qua dòng hồi tưởng đứt khúc của Việt khi bị thương, hình ảnh má, chị Chiến, chú Năm... hiện lên rất sắc nét. Hình ảnh má gắn liền với việc “xoa đầu, đánh thức Việt dậy, lấy xoong cơm đi làm đồng để dưới xuồng lên cho Việt ăn”. Hình ảnh chú Năm gắn liền với giọng hò lúc vui cũng như lúc buồn, với cuốn sổ gia đình, gắn liền với lời dặn dò hai chị em trong ngày nhập ngũ “thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”.
+ Còn chị Chiến hiện lên trong nỗi nhớ của Việt với tất cả đặc điểm của người mẹ từ vóc dáng, cách nói, cách thu xếp việc nhà cho đến cách nhường nhịn em: “Phải chị thở dài rồi kêu thằng Út đậy đi đái nữa thì giống hệt như má vậy”. Tình thương yêu của Việt đối với người thân là vô bờ bến. Đó cũng chính là động lực giúp Việt cầm súng đánh giặc trả thù nhà và cầm cự với những vết thương để tồn tại.
             _ Việt cũng thật chững chạc trong tư thế của người chiến sĩ trẻ mang phẩm chất anh hùng :
+ Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Việt thừa hưởng dòng máu của những con người gan góc, không khuất phục trước sức mạnh bạo tàn của giặc từ thời chống Pháp đến chống Mĩ. Khi còn ở nhà, chú và chị Chiến đã lập chiến công bắn tàu giặc. Chú tình nguyện nhập ngũ khi chưa tròn mười tám tuổi với mong muốn được chiến đấu với tất cả sức mạnh thể chất và tinh thần. Khi chị ngăn Việt đi tòng quân, chú đã cãi lại “bộ mình chị biết đi trả thù à?”. Lúc nghe chị nhắc lời dặn dò của chú Năm, Việt bắt bẻ “Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị”
           + Trong chiến đấu, phẩm chất anh hùng của Việt càng bộc lộ rõ rệt. Ngay trận đánh đầu tiên, chú đã dùng thủ pháo bắn được một xe bọc thép của giặc nhưng sau đó bị thương nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, toàn thân đau đớn và rỉ máu, mười ngón tay chỉ còn ngón cái nhúc nhích được, ngất đi tỉnh lại nhiều lần.  Kiệt sức vì đói khát, Việt vẫn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, ngón cái vẫn đặt trên cò súng với quyết tâm “Tao sẽ chờ  mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày”.
           _ Với ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, cách chọn lọc chi tiết về hành động, lời nói, phát huy tối đa hình thức độc thoại nội tâm, Nguyễn Thi đã làm nổi bật chân dung vừa trẻ con vừa chững chạc của Việt một cách chân thực và cảm động. Đây là một con người cụ thể đồng thời cũng là điển hình cho tuổi trẻ Nam Bộ.
3.Ý nghĩa của hình tượng: Tóm lại, Chiến và Việt, mỗi nhân vật của truyện Những đứa con trong gia đình đều có một gương mặt riêng, một cá tính riêng, mỗi người có những nét đáng yêu đáng mến khác nhau. Tuy nhiên, hai chị em đều mang vẻ đẹp của những người dân Nam Bộ thẳng thắn, bộc trực, giàu tình nghĩa, yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, trung thành với cách mạng, vô cùng dũng cảm. Họ chính là những điển hình cho phẩm chất anh hùng cách mạng của thanh niên thời chống Mĩ cứu nước.
KẾT LUẬN
              _
Nguyễn Thi đã thực sự thành công khi khắc họa tính cách của hai nhân vật này. Những chi tiết chân thực và ngôn ngữ mang tính cá thể hóa rất cao đã mang lại cho các nhân vật sức sống nội tại bền vững.
_ Những nét đẹp chung gợi ra tầm vóc của một thế hệ, một lớp người. Còn những cá tính riêng mang lại vẻ đẹp sinh động cho hình tượng nhân vật.
_ Từ những điểm giống và khác nhau của Chiến và Việt, nhà văn đã dựng lên một bức tranh sinh động, đa dạng về sự trưởng thành nhanh chóng của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại chống Mĩ. Nguyễn Thi đã góp cho văn xuôi cách mạng những gương mặt mới mẻ, độc đáo.
Nguyễn Hữu Dương – Phan Thị Thanh
Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn

-----------------------------
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯỚNG DẤN CHẤM - ĐÁP ÁN - THANG ĐIỂM
 ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NĂM 2014
 ĐỀ CHÍNH THỨC Môn: NGỮ VĂN; Khối C và Khối D
 (Hướng dẫn - Đáp án - Thang điểm có 03 trang)
1. Đọc đoạn thơ trong bài Chiều xuân của Anh Thơ và thực hiện các yêu cầu 2,0
Yêu cầu chung
- Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động
kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một văn bản văn học thuộc thể thơ trữ tình để làm bài.
- Đề không yêu cầu đọc hiểu mọi phương diện của đoạn trích, chỉ kiểm tra một số
khía cạnh. Cảm nhận của thí sinh có thể phong phú, nhưng cần thấy được hệ thống
hình ảnh thơ nổi bật, nắm bắt được tâm tình của tác giả, hiểu được giá trị biểu đạt
của tiếng Việt trong đoạn trích.
Yêu cầu cụ thể
1. Cảnh xuân được mô tả bằng những hình ảnh thiên nhiên nổi bật: mưa bụi, hoa xoan
tím rụng tơi bời, cỏ non tràn biếc cỏ, đàn sáo đen, mấy cánh bướm rập rờn trôi trước
gió, trâu bò thong thả cúi ăn mưa,...0,5
2. Tình cảm của tác giả: niềm mến yêu cảnh sắc thiên nhiên gần gũi, thân thuộc; thể hiện
sự gắn bó tha thiết với quê hương. 0,5
3. Chỉ ra các từ láy và nêu hiệu quả biểu đạt của chúng trong đoạn thơ 1,0
- Các từ láy được dùng trong đoạn thơ như: êm êm, im lìm, vu vơ, rập rờn,...
- Nhờ tính gợi tả cao, các từ láy trong đoạn thơ đã thâu tóm được sự sống bình lặng
của mỗi sự vật và trạng thái yên bình của cảnh vật, tạo nên bức tranh xuân êm ả, thơ
mộng của chốn quê.
 2.Suy nghĩ về ý kiến: Lòng yêu nước chân chính có thể trào lên như những cảm
xúc bồng bột, những hành vi nhất thời, nhưng bao giờ cũng thuộc về nguồn tình
cảm bền vững, gắn với những cống hiến suốt đời.3,0
Yêu cầu chung
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh
phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả
năng bày tỏ quan điểm của bản thân để làm bài.
- Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và
căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ
chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
 II
Yêu cầu cụ thể
12
Câu Ý Nội dung Điểm
1. Giải thích ý kiến 0,5
- “Lòng yêu nước chân chính”: là tình cảm gắn bó chân thành, sâu nặng của mỗi
người dân đối với đất nước mình.
- Ý kiến này có hai khía cạnh. Thứ nhất, bàn về những biểu hiện khác nhau của lòng
yêu nước chân chính: có bề nổi, có bề sâu, có cảm xúc, có tình cảm; có hành vi nhất
thời, có hành động lâu dài. Thứ hai, xác định phần căn cốt của lòng yêu nước chân
chính: dù đa dạng thế nào cũng đều thuộc về một nền tảng tình cảm bền vững, một ý
thức cống hiến bền bỉ suốt đời.
2. Bàn luận 2,0
Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về lòng yêu nước theo những hướng
khác nhau, nhưng cần làm rõ một số phương diện chính sau:
- Tại sao lòng yêu nước chân chính có thể biểu hiện ở nhiều dạng thức, nhiều mức độ
khác nhau?
- Tại sao lòng yêu nước chân chính vừa biểu hiện phong phú vừa nhất thiết phải
thuộc về một tấm lòng duy nhất?
- Ý kiến trên là sự khẳng định một thực tế sống động hay là một yêu cầu cao đối với
con người chân chính?
3. Bài học nhận thức và hành động 0,5
Từ những suy nghĩ và liên hệ của mình, thí sinh có thể rút ra những bài học khác
nhau; dưới đây là những ý tham khảo:
- Không xem nhẹ những cảm xúc bồng bột, hành vi nhất thời xuất phát từ lòng yêu
nước sâu nặng; không nhầm lẫn với những cảm xúc bốc đồng, những hành vi manh
động nhân danh lòng yêu nước. Cần vun đắp nuôi dưỡng cho mình nền tảng tình cảm
bền vững thể hiện bằng những cống hiến bền bỉ.
- Phê phán những biểu hiện của lối sống ích kỉ cá nhân, bàng quan trước những vấn
đề có liên quan đến vận mệnh đất nước; những biểu hiện của lòng yêu nước sai lệch,
bị kẻ xấu lợi dụng trong tình hình hiện nay.
3.Cảm nhận về hai nhân vật Chiến và Việt trong tác phẩm Những đứa con trong
gia đình của Nguyễn Thi 5,0
Yêu cầu chung
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải
huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả
năng cảm thụ văn chương của mình để làm bài.
- Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ,
có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
Yêu cầu cụ thể
 1. Vài nét về tác giả, tác phẩm 0,5
- Nguyễn Thi là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng
miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước, gắn bó sâu sắc với nhân dân Nam Bộ.
- Những đứa con trong gia đình là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi, viết về một gia
đình nông dân Nam Bộ giàu truyền thống yêu nước, căm thù giặc, gắn bó với đất nước
và cách mạng.
2. Cảm nhận về hai nhân vật Chiến và Việt
Thí sinh có thể có những cảm nhận khác nhau về hai nhân vật Chiến và Việt. Dưới
đây là những ý tham khảo:
a. Nhân vật Chiến 2,0
- Chiến là cô gái mới lớn, tính khí vẫn còn nét trẻ con nhưng đã là một người chị thực thụ:
biết nhường em, biết lo toan, quán xuyến; có lòng căm thù giặc sâu sắc, chiến đấu dũng
cảm, gan góc; có cá tính sắc nét nhưng cũng có nhiều điểm “in như” người má đã khuất.
- Hình tượng nhân vật Chiến vừa đậm tính cách riêng, vừa kết tinh được nhiều phẩm
chất của người phụ nữ Nam Bộ trong thời kì chống ngoại xâm.
b. Nhân vật Việt 2,0
- Việt là một cậu trai mới lớn, còn hồn nhiên, vô tư nhưng đã giàu lòng yêu thương
gia đình và sớm có lòng căm thù giặc; còn mê chơi nhưng đã ham đánh giặc, còn sợ
bóng sợ vía nhưng lại vô cùng gan dạ, quả cảm.
- Hình tượng nhân vật Việt vừa có cá tính độc đáo, vừa tiêu biểu cho sức trẻ tiến
công trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.
3. Đánh giá chung 0,5
- Hai nhân vật Chiến và Việt đều là những hình tượng giàu sức sống, hiện thân cho
thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kháng chiến: từ những đứa con ưu tú của gia đình đã
trở thành những chiến sĩ anh hùng của cách mạng. Giữa họ có nhiều nét chung bởi
hoàn cảnh gia đình và thời đại, nhưng vẫn đậm nét riêng do khác nhau về vị thế trong
gia đình và giới tính.
- Hai nhân vật được hiện lên qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt; đan xen tự sự và
trữ tình; ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu tính tạo hình và đậm chất Nam Bộ.
Lưu ý chung
1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định điểm chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm
của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở
mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý
ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.