TS10 2015: Đề Ngữ văn chuyên Hà Nội

Đề thi chính thức môn Ngữ văn lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội năm học 2015-2016:
Câu 1 (6 điểm)
Trong một lần tâm sự về nghề, nhà văn Bùi Hiển đã rất tâm huyết bày tỏ Khát vọng qua những trang viết:
Mỗi truyện ngắn phải là một sự phát hiện bất ngờ về con người.
(Theo Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Giáo dục2005)
Giải thích ngắn gọn ý kiến trên và làm rõ “sự phát triển bất ngờ về con người” ở một truyện ngắn Việt Nam trong chương trình Ngữ văn THCS mà em yêu thích.
Câu 2 (4 điểm)
Có câu chuyện được tóm lược như sau:
Một ngày nọ, ốc sên con hỏi mẹ:
-         Mẹ ơi! Tại sao chúng ta sinh ra phải đeo cái vỏ vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!
-         Vì cơ chế chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh - Ốc sên mẹ nói.
-         Thế chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh. Sao chị ấy không cần đeo cái vỏ như chúng ta?
-         Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm. Bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy.
-         Nhưng mà….em gin đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được.Tại sao em ấy không đeo cái vỏ đó?
-         Vì em ấy sẽ chui xuống đất và sẽ được lòng đất bảo vệ.
Ốc sên con bật khóc
-         Chúng ta thật đáng thương! Bầu trời không bảo vệ, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta
-         Thế nên chúng ta mới có cái vỏ! - Ốc sên mẹ an ủi. – Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta.
(Theo Cửa sổ tâm hồn, NXB Trẻ 2013)
Hãy trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện trên và từ đó nêu trách nhiệm của tuổi trẻ với điểm tựa gia đình.

TS10 Năm 2015: Gợi ý làm bài môn Văn tại Hà Nội

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 11 tháng 06 năm 2015 tại Hà Nội
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC

Phần I: (7 điểm)
            Mở đầu một sáng tác, nhà thơ Huy Cận viết:
                        Mặt trời xuống biển như hòn lửa
            Và tác giả khép lại bài thơ bằng bốn câu:
                        Câu hát căng buồm với gió khơi,
                        Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
                        Mặt trời đội biển nhô màu mới
                        Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi.
                        (Trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2014)
1.      Ghi tên bài thơ có những câu thơ trên. Từ những câu thơ ấy, kết hợp với hiểu biết về tác phẩm, em hãy cho biết mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự nào?
2.      Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh trong câu thơ: Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
3.      Chép lại chính xác hai câu thơ liên tiếp trong bài thơ em vừa xác định thể hiện rõ nhất lòng biết ơn của con người với biển cả quê hương.
4.      Viết một đoạn văn ngắn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch có sử dụng phép thế để liên kết và một câu cảm thán, làm nổi bật cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh ở khổ thơ trên (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép thế và câu cảm thán)
Phần II (3 điểm)
            Dưới đây là đoạn trích trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê:
            … Vắng lặng đến đáng sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụng trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống dòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.
(Trích Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục 2014)
1.      Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi được sang tác trong hoàn cảnh nào?
2.      Điều gì khiến nhân vật “tôi” đến gần quả bom lại cảm thấy không sợ nữa?
3.      Từ đoạn trích trên và những hiểu biết về xã hội, em hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể
-----------------Hết----------------



BÀI GIẢI GỢI Ý
Phần I:
  1. Bài thơ có tên là “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
      Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự thời gian của buổi lao động từ lúc hoàng hôn cho đến lúc bình minh trên biển cả.
2.   Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh trong câu thơ: Mặt trời xuống biển như hòn lửa:
- Hình tượng hóa hình ảnh mặt trời trong buổi hoàng hôn.
- Thể hiện sự tưởng tượng đặc sắc của nhà thơ Huy Cận về hình ảnh mặt trời trong buổi hoàng hôn.
- Thể hiện xúc cảm của nhà thơ trong buổi chiều khi nhìn thấy mặt trời từ từ khuất dần dưới mặt nước biển.
- Tạo một tiền đề để làm nổi bật hình ảnh người ngư dân trong hai câu cuối của khổ thơ: Mặt trời khuất dần trên mặt biển như kết thúc một ngày lao động; trong khi đó, đây lại là thời điểm người ngư dân bắt đầu cho một buổi lao động mới: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa”, nhưng “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi” và trong tâm thế “Câu hát căng buồm cùng gió khơi
3. Hai câu thơ liên tiếp trong bài thơ thể hiện rõ nhất lòng biết ơn của con người với biển cả quê hương:
Biển cho ta cá như lòng mẹ
      Nuôi lớn đời ta tự thuở nào
4. Thí sinh phải đáp ứng những yêu cầu của đề bài: viết một đoạn văn ngắn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch, có sử dụng phép thế để liên kết, có một câu cảm thán với nội dung làm nổi bật cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh ở khổ thơ trên. Lưu ý phải gạch dưới từ ngữ dùng làm phép thế. Sau đây là một gợi ý để tham khảo:

(1) Khổ thơ cuối cùng của bài thơ miêu tả hình ảnh người ngư dân và đoàn thuyền đánh cá trở về trong buổi bình minh: “Câu hát căng buồm với gió khơi/ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời/ Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi.” (2) Sau một đêm lao động đầy nhọc mệt nhưng thắng lợi, người ngư dân đã trở về trong tâm trạng phấn khởi, lạc quan: “Câu hát căng buồm với gió khơi”. (3) “Câu hát” hay chính tâm hồn người ngư dân đang hòa cùng gió trời lồng lộng đưa đoàn thuyền vượt bể trở về. (4) “Đoàn thuyền” là hình ảnh nghệ thuật được dùng để chỉ những ngư dân. (5) Họ như đang chạy đua cùng mặt trời để mau chóng mang thành quả lao động: những con cá tươi ngon vừa được đánh bắt vào bờ phục vụ cho phiên chợ sáng. (6) Thành công của buổi lao động thổi vào hồn của những ngư dân cảm xúc mạnh mẽ khiến cái nhìn của họ đối với thiên nhiên trở nên lãng mạn một cách kì lạ. (7) Giờ đây, mặt trời xuất hiện ở phương đông giống như một người khổng lồ từ từ nhô lên khỏi biển cả bao la: “Mặt trời đội biển nhô màu mới” tạo cảnh sắc sinh động. (8) Nó khác hẳn với hình ảnh mặt trời của khổ thơ đầu tiên: mặt trời trong buổi hoàng hôn. (9) Còn đóng ý thơ lại là ánh nắng buổi bình minh chiếu rạng trên mặt biển mênh mông nhấp nhô sóng lượn. (10) Mặt biển trải rộng bao la chan hòa với màu sắc lóng lánh, mới mẻ: “mặt trời đội biển như màu mới”. (11) Những ngư dân thấy ánh nắng trên mặt sóng biển lấp lánh như “mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi”. (12) Kỳ diệu và lãng mạn làm sao tâm hồn của những ngư dân trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”!

Phần II:
1.      Truyện "Những ngôi sao xa xôi" ở trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra khốc liệt.
2.  Trong đoạn văn, điều khiến nhân vật “tôi” đến gần quả bom lại cảm thấy không sợ nữa, chính là vì “thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình”. Đây là một chi tiết rất đặc sắc gợi cho người đọc nhiều thắc mắc và suy nghĩ. Chi tiết này, giúp người đọc có thể cảm nhận từ nhiều lý do khác nhau khiến nhân vật “tôi” (cô Phương Định) không cảm thấy sợ: nhân vật ấy có tinh thần trách nhiệm với công việc; dũng cảm, gan dạ; bình tĩnh, tự tin và rất tự trọng; luôn cảm thấy bản thân được động viên, khích lệ bởi các đồng đội (đặc biệt là các anh chiến sĩ, những người mà cô cảm thấy là những con người đẹp nhất). 
3. Thí sinh phải đáp ứng những yêu cầu của đề bài: viết một đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.  Sau đây là một số gợi ý mà đoạn văn cần có:
-          Giải thích khái niệm cá nhân và tập thể; trong đó, đối với cá nhân, tập thể có thể là gia đình, lớp, trường; rộng hơn là cơ quan, xí nghiệp, là quốc gia, nhân loại.
-          Giữa cá nhân và tập thể có một mối quan hệ gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Cá nhân và tập thể có ảnh hưởng qua lại với nhau, mặc dù mỗi yếu tố có sự độc lập tương đối.
-          Thái độ của cá nhân mỗi người đối với tập thể:
o  Tránh thái độ cá nhân vị kỉ: tách mình, thoát ly ra khỏi tập thể; chỉ biết lo cho cá nhân mình; vô cảm đối với tập thể.
o  Tránh thái độ xem tập thể là tối cao, độc nhất; từ đó dẫn đến chỗ coi thường quyền sống chính đáng của cá nhân. Đôi khi nét đẹp của từng cá nhân góp nên sự lớn mạnh và nét cao đẹp của tập thể.
o  Thấy mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân và tập thể; tỏ thái độ và hành động thể hiện sự gắn bó giữa cá nhân và tập thể trong mọi hoàn cảnh.
§ Bình thường: tôn trọng tập thể; gắn bó, hài hòa giữa cá nhân và tập thể trên cơ sở phù hợp với đạo lý, với pháp luật.
§ Đặc biệt: đặt quyền lợi của cá nhân dưới lợi ích của tập thể, phục tùng lợi ích của tập thể; hành động vì sự sinh tồn của tập thể.
-          Sự kết hợp hài hòa một cách khéo léo giữa cá nhân và tập thể là một vấn đề mà mãi mãi chúng ta không thể giải quyết được. Do đó, chúng ta chỉ có thể chấp nhận sự dung hòa một cách tương đối giữa cá nhân – tập thể.


Nguyễn Hữu Dương
(Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn – TP.HCM)


TS 10 2015-2016 tại HCM: Gợi ý làm bài môn Văn


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 11  tháng  06 năm 2015 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
            Câu 1: (3 điểm)
            Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới
(1) Đã lâu lắm rồi tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U23 Việt Nam thi đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong long tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sang bước vào trận đấu.
            (2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Xem xong trận bóng đá, con tôi lại hỏi “Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca”.
(Theo Lê Văn Thu, Quốc ca Việt Nam, báo Thanh Niên số ngày 08/06/2015)
a.       Xác định một phép liên kết trong đoạn (2). (0,5 điểm)
b.      Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam? (0,5 điểm)
c.       Cho biết ý nghĩa của việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên. (1 điểm)
d.      Em có nhận xét gì về thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay? (1 điểm)
Câu 2: (3 điểm)
Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình;…
Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến;…
Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình.
Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Câu 3: (5 điểm)

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám may mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh)

Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ khác về đề tài thiên nhiên mã em biết để thấy được điểm gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.
---HẾT---



BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1 :
a.       Phép thế  “Đó là” thuộc câu 3 của đoạn 2.
b.      Cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca :
-          Xúc động từ cảm giác khó tả.
-          Tình cảm thiêng liêng hướng về Tổ Quốc
-          Khí thế hừng hực xuất phát từ tinh thần mạnh mẽ của chất người Việt Nam yêu nước.
c.       Ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên:
-          Cả gia đình tác giả khẳng định bản thân là người Việt Nam hát quốc ca Việt Nam.
-          Thể hiện tình cảm yêu mến, tự hào hướng về đất nước.
-       Ý thức hòa lòng của cả gia đình tác giả (nói riêng), người Việt Nam (nói chung) đối với đội bóng U23 đại diện cho đất nước trong cuộc thi bóng đá quốc tế.
-          Còn thể hiện sự hòa nhập giữa các thành viên trong gia đình cùng đội bóng đá và bài quốc ca Việt Nam.
d.   Nhận xét của em về thực trạng hát quốc ca của các bạn học trong nhà trường hiện nay.
-          Sinh hoạt đầu tuần luôn có những giờ chào cờ rất nghiêm túc
-          Học sinh thuộc bài quốc ca như bài hát đã ăn sâu vào tâm hồn.
-       Nhưng vẫn còn nhiều học sinh không quan tâm nên không thuộc. Do đó cần chấn chỉnh lại hành vi đối với thực trạng hát quốc ca trong nhà trường.

Câu 2:
            Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của câu hỏi: trình bày suy nghĩ của mình được gợi lên từ vấn đề đã nêu trên trong phạm vi khoảng một trang giấy thi. Thí sinh có thể triển khai suy nghĩ của mình theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo:
*Yêu cầu chung :  thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
*Yêu cầu cụ thể:
            a- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.
b- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hiện nay có những bạn trẻ sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần theo định hướng sau:
  • Mở bài:
            Khi đến trường, học sinh được giáo dục để biết yêu gia đình và Tổ Quốc. Chính tình yêu gia đình và những điều gần gũi đã làm nên nền tảng của một con người đức hạnh và có ích cho xã hội. Nhưng có rất nhiều bạn trẻ chỉ biết mải mê với thần tượng và sở thích của riêng mình mà đã vô cảm với những người thân yêu nhất. Chính vì vậy mà có người đã đặt vấn đề: “Có những bạn trẻ … vô cảm ngay trong chính gia đình mình”.
  • Thân bài:
-          Giải thích: Thế nào là thần tượng? Thế nào là sở thích riêng của mỗi người? Thế nào là sự vô cảm?
            + Thần tượng giúp người ta biết sống có đam mê, có mục đích và lý tưởng; nhưng mải mê với thần tượng một cách quá lố mà quên đi những tình cảm gần gũi và rất thật bên cạnh mình là một hành động đáng phê phán và còn là sự suy đồi về đạo đức.
            + Phê phán những bạn trẻ chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình mà quên đi những trách nhiệm cụ thể đối với những người đang vất vả và lo toan cho chính họ. Cụ thể như những tấm gương hy sinh đẹp đẽ, tấm lòng của những người cha, người mẹ dành cho con. Họ sẵn sàng chịu đựng khổ sở đến cùng cực để con được cắp sách đến trường. (Dẫn chứng cụ thể : câu chuyện về sự hy sinh, tình yêu thương, sự lo lắng của cha mẹ và những người thân trong gia đình để nuôi dưỡng và chăm sóc con em đòi hỏi lớp trẻ phải nhìn lại bản thân. Bởi họ đã thờ ơ trước công ơn ba mẹ nuôi dưỡng và tạo điều kiện để họ được đến trường. Cùng với những câu chuyện trong sách vở và trên báo chí đã tạo những ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời học sinh, thanh niên như  hành trang quý giá giúp giới trẻ biết trân trọng và yêu thương những điều “bình dị - cao cả”).
-          Phân tích, chứng minh:
+ Hiện tượng đã nêu trên là khá phổ biến trong những gia đình Việt Nam. Các bạn trẻ (nói chung) và học sinh (nói riêng) phải ý thức được trách nhiệm đối với những người đang vì họ mà vất vả lo toan.
+ Vấn đề trên còn là một bài học và tiếng chuông cảnh tỉnh cho học sinh, thanh niên để biết trân trọng những điều gần gũi - thiêng liêng, không chỉ sống với sở thích của mình mà còn phải biết chia sẻ, thương yêu và cảm thông với những người đã yêu thương, nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc cho mình.
+ Từ đó, các em cần phải nỗ lực hơn trong việc học như một hành động thiết thực để đền ơn cho những gì mình đã nhận theo nhân cách Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.
+ Ngược lại, phê phán giới trẻ chỉ biết sống vì mình, vô cảm với chung quanh nhất định sẽ cô độc trong cuộc sống nhỏ bé của cá nhân.
+ Nên cần nhắc nhớ bản thân cách sống đúng và đẹp  “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” dù chỉ trong phạm vi gia đình – cá thể.
-          Bình luận: sau khi tìm hiểu vấn đề “Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mìnhmỗi cá nhân phải nói “không” với cuộc sống vô cảm. Từ đó, hòa mình vào cuộc sống chung của gia đình – nền tảng đạo đức của con người trong phạm vi gia đình – cá thể.
·         Kết bài: Nêu ấn tượng cảm xúc về vấn đề trên giới trẻ cần tìm thấy hạnh phúc và trách nhiệm đối với cuộc sống gia đình. Bởi vô cảm đối với gia đình mình sẽ lạc lỏng, bơ vơ trong cuộc sống chung của xã hội. Như vậy, tình yêu gia đình chính là nền tảng của tình yêu đất nước.

Câu 3:
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài văn học về dạng bài nghị luận văn học và tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể :
a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận đảm bảo các phần.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ mở đầu của bài “Sang Thu” (Hữu Thỉnh). Từ đó liên hệ với một khổ thơ, một đoạn thơ của nhà thơ khác để nêu bật điểm gặp gỡ của các tác giả về vấn đề này.
c) Chia vấn đề thành nhiều luận điểm khác nhau... Thí sinh có thể trình bày theo định hướng.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm (Đưa đề vào)
- Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong Sang thu  :
+ Đoạn 1 :

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
            phản ánh cảnh vật vào mùa thu (hình ảnh “gió se – sương” tạo cảnh thu vùng Bắc bộ. Hương vị của ổi rất quen thuộc ở làng quê Việt Nam nhấn mạnh thu của mọi người. Nhất là xúc cảm nhẹ nhàng, tinh tế của nhân vật trữ tình - tác giả trong “Hình như thu đã về”.

+ Đoạn 2 :
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám may mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Tạo khoảng khắc giao mùa cuối hạ - đầu thu (Sử dụng tu từ liệt kê “sông – chim  - đám mây” tạo cảnh sinh động rất quen thuộc khi thu về trong thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay. Hệ thống từ láy “dềnh dàng – vội vã” vừa tạo hình, vừa tạo cảm giác về sự tương phản của dưới thấp – trên cao qua dòng nước – cánh chim trong cảnh thu của Hữu Thỉnh. Nhất là hình ảnh đẹp của đám mây vắt nửa mình thuộc thời khắc giao mùa.
            + Nghệ thuật thể hiện : Thể thơ 5 chữ như cô đọng lại cảnh thu Bắc bộ trong tâm hồn tác giả. Từ ngữ giản dị tinh tế trong “bỗng – chùng chình – hình như” như thổi hồn vào cảnh thu như tạo nên cái thần, cái hồn cho cảnh.
-        Liên hệ : thí sinh có thể liên hệ với nhiều ý thơ khác nhau của các tác giả khác về đề tài thiên nhiên mà các em biết để nhận thức được điểm gặp gỡ của các nhà thơ khi viết về đề tài này (có thể liên hệ với một khổ thơ, đoạn thơ trong chương trình Ngữ văn 9 hoặc ngoài chương trình). Nếu thuộc chương trình Ngữ văn 9 các em liên hệ với một đoạn thơ trong bài “Cảnh ngày xuân” hay “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) hoặc đoạn cuối trong bài “Đồng chí” (Chính Hữu) hoặc đoạn đầu trong “Viếng lăng Bác” (Viễn Phương) hoặc đoạn đầu của  “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải).

Nguyễn Hữu Dương

(Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn – TP.HCM)

Đề tuyển sinh 10 môn Văn 2015-2016

Khác biệt giữa đề thi Văn lớp 10 ở Hà nội và TP.HCM

Phạm Anh - Huy Hà - Thứ Năm, ngày 11/6/2015 - 10:44
    • (PLO) - Đề thi của TP.HCM đổi mới, ra theo hướng mở, yêu cầu thí sinh phải bình luận nhiều thì để thì của Hà Nội khá an toàn và theo lối mòn.
Đề thi lớp 10 môn Ngữ văn của học sinh TP.HCM.

Đề thi Văn lớp 10 tại Hà Nội
Vừa ra khỏi phòng thi, em Nguyễn Vũ Duy Uyên, lớp 9/7 trường THCS Lê Lợi, quận 3 hớn hở cho biết đề khá dễ, có khoảng 30% dạng đề mở nên thấy thoải mái khi làm hơn. Em làm được khoảng 70%. Trong đề có nói về vấn đề hát quốc ca, giúp bọn em được bày tỏ suy nghĩ về lòng yêu nước. Chủ đề này cũng liên quan đến bóng đá nên rất gần gũi với học sinh.

Em Nguyễn Nhật Hoàng cũng cho biết em không thích bóng đá, dạo này ôn tập nhiều nên cũng không theo dõi thể thao từ giải Seagame nhưng câu hỏi mở này em rất thú vị, vừa nhìn vào đề là em đã làm ngay.
Em Trần Hoàng Yến, Trường THCS Colette, quận 3 lại cho rằng thích câu 3 nhất vì nói đến tình cảm gia đình. Em được bày tỏ yêu thương của mình với những người thân trong gia đình và mọi người xung quanh. Trong quá trình ôn, em đã được thầy cô ôn những dạng bài mẫu tưah như thế này nên không thấy lạ lẫm hay khó gì cả. Các cô cũng nói năm nay đổi mới nên đề thi sẽ nhiều câu mở hơn, vì thế em đã chuẩn bị sẵn sàng và làm bài rất mạch lạc
Em nói làm được khoảng 8 điểm nếu đáp án và người chấm cũng phải "mở" hơn vì mỗi HS sẽ viết khác nhau, nhiều ý khác nhau, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau
Nhìn chung HS thấy thoải mái sau thi môn Ngữ Văn vì đề thi không nặng kiến thức trong sách giáo khoa. Đề ra dạng mở với những câu hỏi gần gũi, tình cảm và thú vị.
Đây là năm đầu tiên TP đổi mới nội dung thi môn Ngữ Văn để phát huy tính tích cực, sáng tạo, vận dung kiến thức và kỹ năng của người học.
Theo đó, Đề thi môn Ngữ Văn sẽ được ra theo hướng 20-30% yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng và 70-80% yêu cầu vận dụng cao trên tổng số điểm của bài thi.
Phần đọc hiểu chiếm 3 điểm, học HS sẽ trả lời các câu hỏi tự luận ngắn đã học trong sách giáo khoa để đánh giá khả năng ghi nhớ, vận dụng kiến thức của các em. Phần hai là tạo lập văn bản chiếm 7 điểm, HS sẽ viết bài về nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học về các vấn đề trong đời sống mà đề bài đưa ra, nhằm đánh giá khả năng thu thập, xử lý và nhận thức vấn đề của các em. (Theo Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM)