Thi thử TN THPT TP.HCM 2008-2009

Đề thi thử 2008-2009 TPHCM MÔN : NGỮ VĂN Thời gian làm bài : 150 phút

( không kể thời gian giao đề)

********
I/ PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH ( 5,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm) :

Nêu vắn tắt những chặng đường thơ của Tố Hữu.


Câu 2 (3 điểm) :

Viết một văn bản nghị luận ngắn( khoảng 01 trang giấy thi)

bàn về tình trạng bạo lực học đường hiện nay.


II/ PHẦN RIÊNG (5.0 điểm):

Thí sinh học chương trình nào thì làm câu dành riêng cho chương trình đó.

Câu 3a (5 điểm): Dành cho thí sinh học chương trình Chuẩn

Phân tích đoạn đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

G ục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

N hớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

( Trích “ Tây Tiến”, Quang Dũng, SGK Ngữ văn 12, tập 1)



Câu 3b (5 điểm ): Dành cho thí sinh học chương trình Nâng cao

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm mùa xuân “ Mị muốn đi chơi” … và trong cảnh cô cắt dây trói cứu A Phủ. Nhận xét về sức sống tiềm tàng của Mị qua hai cảnh đó.

( Trích “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài, SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập 2)



----------------


HƯỚNG DẪN CHẤM

( Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

I. Hướng dẫn chung

- Đề bài gồm 3 câu, theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT: câu 1 kiểm tra kiến thức văn học; câu 2 là bài nghị luận xã hội; câu 3 là bài nghị luận văn học. Câu 1 chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức nhưng cũng có yêu cầu về diễn đạt và lập luận. Chỉ những HS diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp mới được điểm tối đa. Câu 2 và câu 3 là bài làm văn, tích hợp kiểm tra cả kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận của HS.

- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc.

- Do sử dụng đồng thời hai bộ sách giáo khoa nên giám khảo cần linh hoạt trong việc vận dụng đáp án. Không buộc học sinh phải trả lời đúng theo cách diễn đạt của bộ sách nào.

- Nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; không yêu cầu quá cao đối với mức điểm 9, 10; khuyến khích những bài làm có ý riêng, sáng tạo, văn viết có cảm xúc…

- Chỉ làm tròn điểm toàn bài (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,5; lẻ 0,75 làm tròn thành 1,0)

II. Đáp án và thang điểm


A. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH

Câu 1: (2 điểm) :

1/ Yêu cầu về kiến thức: học sinh có thể trình bày khác nhau song cần có các ý sau:

- Các chặng đường thơ Tố Hữu cũng là những chặng đường cách mạng của dân tộc, Tố Hữu có 7 tập thơ, chia thành 5 chặng đường sáng tác.

- Tập Từ ấy ( 1937-1946), gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng.

- Tập Việt Bắc (1947-1954) là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp.

- TậpGió lộng ( 1955-1961) là tiếng hát ca ngợi cách mạng , ca ngợi công cuộc xây dựng CNXH trên miền Bắc và nỗi đau khi nghĩ đến miền Nam…

- Tập Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977) là bản anh hùng ca chống Mỹ và tự hào về đất nước, về cách mạng …

- Tập Một tiếng đờn ( 1992) và Ta với ta (1999) là những chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người sau bao thăng trầm biến động của cách mạng, của thế giới…

2/ Cho điểm

- Điểm 2,0: Đáp ứng các yêu cầu về nội dung. Diễn đạt tốt. Chấp nhận một vài lỗi nhỏ.

- Điểm 1,0: Trình bày được khoảng nửa số ý. Còn mắc một số lỗi chính tả, ngữ pháp.

- Điểm 0,0: Chỉ viết vài câu rời rạc, không rõ nội dung, không làm bài.

Lưu ý: Đáp án đưa ra 6 ý nhỏ; bài làm trọn vẹn 5 ý có thể cho tròn 2.0 điểm

Giám khảo xác định các mức điểm cụ thể. Không yêu cầu học sinh viết đúng các cụm từ dùng trong đáp án, miễn là học sinh nắm được nội dung tác phẩm. Sai lỗi chính tả, ngữ pháp tuỳ mức độ trừ từ 0.25đ đến 0.5đ…)

Câu 2 : (3 điểm)

a/Yêu cầu :

Về nội dung:

- Học sinh có thể giới thiệu vấn đề từ nhiều góc độ, nhưng phải nêu được vấn đề tình trạng bạo lực học đường đang trở nên phổ biến khiến dư luận xã hội quan tâm, báo động.

- Giải thích khái niệm bạo lực học đường : cách úng xử, giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng nảy sinh trong học tập, sinh hoạt trong nhà trường giữa học sinh bằng bạo lực…Học sinh có thể nêu ví dụ làm rõ.

- Nguyên nhân của tình trạng trên: việc giáo dục đạo đức học sinh, thanh thiếu niên ở nhiều gia đình, trong nhà trường bị buông lỏng; nhiều giá trị đạo đức bị xói mòn trong cơ chế kinh tế thị trường; tình trạng bế tắc, mất phương hướng trong một bộ phận giới trẻ… Nêu một vài dẫn chứng làm rõ lập luận.

- Cách giải quyết tình trạng bạo lực học đường.

- Suy nghĩ của bản thân trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống…

Về kĩ năng:

- Học sinh nắm vững kĩ năng làm bài văn nghị luận về các vấn đề xã hội, biết nêu vấn đề, giải thích, chứng minh, đánh giá vấn đề; từ đó rút ra bài học cho bản thân.

- Bài làm có bố cục rõ ràng ; diễn đạt mạch lạc ; ít mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

b/Cho điểm:

- Điểm 3: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Văn viết trôi chảy. Chấp nhận một vài lỗi nhỏ.

- Điểm 2: Đáp ứng yêu cầu ở mức khá; biết tìm dẫn chứng làm rõ lập luận.Văn viết trôi chảy; có thể mắc 3- lỗi chính tả, ngữ pháp .

- Điểm 1: Không rõ lập luận, không biết giải thích khái niệm, giải thích không chính xác; không có dẫn chứng; bài làm sơ sài,; có trên 4 lỗi chính tả, ngữ pháp.

- Điểm 00 : Để giấy trắng hoặc chỉ viết vài dòng không rõ ý.



B/ PHẦN RIÊNG:

Câu 3a: Dành cho thí sinh học chương trình Chuẩn

a/ Yêu cầu

Về nội dung :

Bài làm cần có các nội dung chính sau :

- Giới thiệu được những nét cơ bản về tác giả, hoàn cảnh ra đời, chủ đề của tác phẩm. Giới thiệu đoạn thơ cần phân tích.

- Phân tích cảnh thiên nhiên Tây Bắc và Thượng Lào hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội và những cuộc hành quân đầy gian khổ nhưng rất đáng tự hào của đoàn quân Tây Tiến.

- Cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã được gợi lên bởi những địa danh xa lạ : Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu; những hình ảnh dị thường; những từ ngữ giàu tính gợi hình; những câu thơ nhiều thanh trắc đọc lên nghe nhọc nhằn vất vả như leo núi: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm - Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”.

Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến không chỉ hiểm trở vì đèo cao thác sâu mà còn nguy hiểm vì lắm thú dữ:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

- Tuy nhiên, giữa vùng rừng núi xa xôi hiểm trở ấy vẫn có những thung lũng trải rộng, những bản làng êm đềm Những âm hưởng tạo nên bởi các từ : ơi, chơi vơi, hơi, khơi..., những câu nhiều thanh bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”; Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”..đem lại những cảm giác êm đềm và gợi lên những vùng không gian rộng, những bản làng thanh bình…

- Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trong những cuộc hành quân liên miên nơi núi rừng, dù chỉ thấp thoáng nhưng chân thực, cảm động. Đó là “đoàn quân mỏi”, nhưng oai hùng. Có những chiến sĩ kiệt sức, “ gục lên súng mũ” nhưng cái chết của họ nhẹ nhàng như giấc ngủ “ bỏ quên đời” vì họ tình nguyện ra đi và hiến thân cho tổ quốc.

- Cuối đoạn thơ, hình ảnh “cơm lên khói”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi ” gợi lên một nét đẹp trong tâm hồn tâm hồn tinh tế lãng mạn của các chiến sĩ Tây Tiến

- Học sinh cần chỉ ra vài nét tiêu biểu về nghệ thuật trong đoạn thơ và bài thơ: bút pháp lãng mạn; hình ảnh sống động, độc đáo, từ ngữ chính xác giàu chất tạo hình. Giọng thơ linh hoạt: khi hào hùng rắn rỏi, khi uyển chuyển mềm mại, tinh tế…

Về kĩ năng :

- Học sinh nắm vững kĩ năng làm bài văn nghị luận phân tích một đoạn thơ

- Bài làm có bố cục rõ ràng ; diễn đạt mạch lạc ; ít mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

b/ Biểu điểm :

- Điểm 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên ; kĩ năng giảng bình tốt, văn viết trôi chảy, có cảm xúc ; không mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp (1-2 lỗi).

- Điểm 4 : Đáp ứng yêu cầu ở mức khá; giải thích từ ngữ, hình ảnh hợp lí, văn viết khá trôi chảy; có thể mắc 3-4 lỗi chính tả, ngữ pháp .

- Điểm 3 : Hiểu nội dung đoạn thơ. Trình bày được khoảng nửa số ý. Văn viết chưa thật trôi chảy. Khá nhiều lỗi ngữ pháp, chính tả.

- Điểm 2 : Không nắm vững nội dung đoạn thơ, giảng bình từ ngữ, hình ảnh thơ sơ sài, thiếu nhiều ý ; mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

- Điểm 1 : Không nắm vững tác giả, tác phẩm; hiểu sai nội dung đoạn thơ; không biết giảng bình từ ngữ, hình ảnh thơ…Bài viết có nhiều lỗi các loại.

- Điểm 0.0: Để giấy trắng hoặc chỉ viết vài dòng không rõ ý.

Câu 3b (5 điểm) : Dành cho thí sinh học chương trình Nâng cao

. a/ Yêu cầu:

Về nội dung:

Học sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải có các nội dung cơ bản sau:

- Giới thiệu những nét cơ bản về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; giới thiệu nhân vật…

- Nêu vắn tắt diễn biến tâm trạng Mị từ lúc về làm con dâu trừ nợ nhà thống lí (“ đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc” và định ăn lá ngón tự tử. Thương cha, Mị không đành lòng chết, phải quay về sống ở nhà thống lí. Mị như cái xác không hồn. “Ngày càng không nói, lúc nào cũng cúi đầu và mặt buồn rười rượi, sống lặng lẽ cô đơn lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Mị coi mình như con trâu con ngựa, chỉ biết ăn cỏ và đi làm…)

- Bề ngoài cam chịu nhưng sức sống của Mị vẫn luôn tiềm tàng, chỉ cần có điều kiện nó sẽ bùng lên mạnh mẽ.

- Trong đêm mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình đã làm Mị thiết tha bổi hổi, đã đánh thức tâm hồn Mị, làm trỗi dậy lòng ham sống, khát vọng tự do, tình yêu, hạnh phúc. Từ ý thức đến hành động, Mị đã uống rượu và uống ừng ực từng bát. Mị muốn đi chơi và đã chuẩn bị đi chơi. Mị, quấn lại tóc, rút áo và lấy váy hoa. Khi bị A Sử trói đứng vào cột, Mị vẫn còn sống với những khao khát cháy bỏng, vẫn dõi theo những cuộc chơi, những đám chơi, vẫn bồi hồi theo tiếng sáo… Rõ ràng ở Mị vẫn muốn sống, sức sống ở Mị vẫn mãnh liệt.

- Sức sống trong Mị càng mãnh liệt qua chi tiết Mị cởi trói giải thoát cho A Phủ và cũng là cởi trói thoát đời mình.

Ban đầu Mị dửng dưng trước cảnh A Phủ bị trói đứng mấy ngày mấy đêm "A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Nhưng trong ánh lửa bập bùng trong đêm, Mị trông thấy được một dòng của A Phủ, Mị chợt nhớ nỗi đau đời mình. Thương thân rồi thương người; rồi căm thù "Chúng nó thật độc ác”. “Người kia việc gì phải chết thế”.

Sự đồng cảm, lòng căm thù, cũng như nhận thức được sự bất công, vô lí đã thắng mọi sự sợ hãi dẫn đến hành động táo bạo, Mị cắt dây trói cứu A Phủ. Đúng lúc ấy khao khát sống bừng lên trong Mị, Mị chạy theo, cùng trốn đi vơí A Phủ.

Rõ ràng trong bất hạnh, người lao động vẫn luôn có sức sống bền bỉ, một khát vọng hạnh phúc lớn lao, hễ gặp cơ hội thuận lợi sức sống đó, khát vọng đó lại trỗi dậy mạnh mẽ. Sau cùng, khát vọng hạnh phúc đã chiến thắng .

Về kỹ năng:

- Biết làm bài văn nghị luận văn học; kiểu bài phân tích một nhân vật văn học trong thể loại truyện ngắn.

- Bài làm có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp

b/ Cho điểm:

- Điểm 5 : Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Văn viết có cảm xúc. Diễn đạt rõ ràng. Có thể còn một vài sai sót nhưng không đáng kể.

- Điểm 4: Đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên. Hướng triển khai ý hợp lý. Có thể còn vài ba sai sót nhỏ.

- Điểm 3 : Nắm được nội dung tác phẩm, cuộc đời nhân vật. Trình bày được khoảng nửa số ý, ít dẫn chứng. Văn viết chưa thật trôi chảy. Khá nhiều lỗi ngữ pháp, chính tả.

- Điểm 2: Chưa hiểu kỹ đề, bài viết quá sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt. Bài làm không rõ lập luận. Có quá nhiều lỗi nhỏ.

- Điểm 1 : Học sinh không nắm được tác phẩm, sai nhiều kiến thức cơ bản, bài làm không hoàn chỉnh; văn chưa thành câu.

- Điểm 0: Học sinh không làm bài hoặc chỉ viết một vài câu rời rạc, không thành ý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét