THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
NĂM HỌC 2008 - 2009
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
-------------------------------
Câu 1 (1,0 điểm)
Tìm khởi ngữ trong câu sau và viết lại thành câu không có khởi ngữ:
Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”
(Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê).
Câu 2 (2,0 điểm)
Giải thích nghĩa của các thành ngữ dưới đây và cho biết những thành ngữ này có liên quan đến phương châm hội thoại nào?
a. Ông nói gà bà nói vịt.
b. Cãi chày cãi cối.
Câu 3 (2,0 điểm)
Hãy nêu tình huống chính của truyện và vai trò của tình huống ấy trong truyện ngắn “Làng” (Kim Lân).
Câu 4 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
(Nguyễn Duy, Ánh trăng, SGK Ngữ văn 9 tập I,
NXB Giáo dục, 2005)
-------- Hết --------
HƯỚNG DẪN CHẤM THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2008 - 2009
MÔN NGỮ VĂN
Câu 1 (1,0 điểm)
- Khởi ngữ là: Còn mắt tôi (0,5 điểm)
- Câu không khởi ngữ: Các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!” (0,5 điểm)
Câu 2 (2,0 điểm)
a. - Giải thích nghĩa Ông nói gà bà nói vịt: không nói đúng đề tài giao tiếp, nói lạc đề. (0,5 điểm)
- Không tuân thủ phương châm quan hệ. (0,5 điểm)
b. - Giải thích Cãi chày cãi cối: Cố tranh cãi nhưng không có lí lẽ gì.
(0,5 điểm)
- Cách nói, nội dung nói không tuân thủ phương châm về chất.
(0,5 điểm)
Câu 3 (2,0 điểm)
- Mỗi truyện ngắn thường tập trung vào một tình huống chính. Tình huống đó là một hoàn cảnh mà nhân vật phải bộc lộ đầy đủ tính cách, các biến cố, sự kiện trong cốt truyện được dồn nén, vấn đề của truyện được nảy sinh. Xây dựng tình huống là một trong những yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật viết truyện.
(0,5 điểm)
- Tình huống của truyện Làng là: khi ông Hai ở phòng thông tin ra, đang phấn chấn, hào hứng với những tin tức kháng chiến thì bất ngờ nghe tin làng mình theo giặc. (0,5 điểm)
- Tình huống ấy đã đặt ông ấy vào một tâm trạng bất ổn, căng thẳng trong sự xung đột giữa tình cảm làng quê và lòng yêu nước, ý thức công dân. Đặt trong tình huống ấy tính cách và nội tâm của nhân vật ông Hai đã bộc lộ sâu sắc.
(1,0 điểm)
Câu 4 (5,0 điểm)
1. Yêu cầu về nội dung:
Học sinh phải nắm vững nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ hiểu được ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng, từ đó thấm thía cảm xúc ân tình với quá khứ gian lao và biết rút ra bài học về cách sống cho mình.
a. Giới thiệu được tác giả, tác phẩm và vị trí của đoạn thơ.
b. Hình ảnh vầng trăng cùng cảm xúc của nhà thơ:
- Sống ở thành phố hiện đại nhiều tiện nghi, vật chất ánh điện, cửa gương, ngỡ như không còn chỗ cho vầng trăng tình nghĩa một thời gian lao của người lính:vầng trăng đi qua ngõ - như người dưng qua đường.
- Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng trong tình huống đặc biệt phòng buyn-đinh tối om gây ấn tượng mạnh: đột ngột vầng trăng tròn, nhà thơ nhận ra vẻ đẹp đích thực của vầng trăng tròn mà lâu nay sống với ánh điện, cửa gương đã quên mất.
- Cảm xúc thiết tha có phần thành kính ở tư thế lặng im: Ngửa mặt lên nhìn mặt - có cái gì rưng rưng.
- Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên tươi mát, là người bạn tri kỷ suốt thời tuổi nhỏ rồi thời chiến tranh ở rừng. Vầng trăng xuất hiện làm sống dậy trong tâm trí con người bao kỷ niệm của năm tháng gian lao, bao hình ảnh của thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu như là đồng là bể - như là sông là rừng.
- Khổ cuối đoạn thơ là nơi tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tình triết lý của tác phẩm: Trăng cứ tròn vành vạnh như tượng trưng quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyện chẳng thể phai mờ, ánh trăng im phăng phắc chính là người bạn – nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì bất diệt.
- Từ một câu chuyện riêng, đoạn thơ cất lên lời tự nhắc nhở, thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, nghĩa tình đối với thiên nhiên đất nước bình dị hiền hậu.
c. Ý nghĩa của đoạn thơ nằm trong mạch cảm xúc uống nước nhớ nguồn, gợi lên đạo lý sống thủy chung đã thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
d. Thể thơ năm chữ, nhịp thơ trôi chảy tự nhiên theo lời kể, có khi trầm lắng biểu hiện suy tư, giọng điệu tâm tình tự nhiên như một lời tự nhắc nhở. Kết cấu, giọng điệu của đoạn thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo nên tính chân thực, sức truyền cảm sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.
2. Yêu cầu về kỹ năng.
- Nắm vững phương pháp nghị luận về một đoạn thơ. Cảm nhận phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung cảm xúc của đoạn thơ.
- Bố cục chặt chẽ, mạch lạc, rõ ràng. Diễn đạt trôi chảy, gợi cảm. Không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
3. Biểu điểm:
- Điểm 5,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
- Điểm 4,0: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu trên. Có thể mắc 1, 2 lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ.
- Điểm 3,0: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên trở lên. Có thể mắc 3, 4 lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ.
- Điểm 2,0: Đáp ứng một số yêu cầu trên song còn hời hợt, tản mạn. Diễn đạt chưa trôi chảy.
- Điểm 1,0: Bài làm lan man chưa làm rõ yêu cầu của đề.
-----------------------
Ghi chú: Giáo viên có thể cho đến 0,25 điểm. Điểm toàn bài không được làm tròn.
ddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddddd
Trả lờiXóa