Bốn điều chú ý khi học thi



Những ngày này được xem là “thời gian vàng”, toàn bộ học sinh cuối cấp THPT đang dốc sức chuẩn bị toàn diện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. 

Ngoài giờ lên lớp, học sinh phải tự nỗ lực ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài để mong có được một kết quả tốt nhất. Nếu không có phương pháp học thi, học sinh dễ bị rối kiến thức, phân luồng lẫn lộn các môn dẫn đến tình trạng quá tải về kiến thức; chịu nhiều áp lực tâm lý, dễ dẫn đến chất lượng học không tốt. Để tránh tình trạng trên, học sinh cần lưu ý những vấn đề sau.
Bốn điều chú ý khi học thi
Học sinh lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM) trong giờ làm bài tập - Ảnh: Đ.N.T
Thứ nhất, thầy cô giáo giỏi, có kinh nghiệm ôn thi, có trách nhiệm trong dạy học sẽ trang bị cho học sinh một hệ thống kiến thức, phương pháp, kỹ năng sát với đề thi. Ngoài người thầy, các em còn phải chọn những cuốn sách sát với khung chương trình, nâng cao hoặc để tham khảo. Khi đọc sách tham khảo, cần ghi chép, suy nghĩ và phải tư duy, rút ra những điều quan trọng, sau đó liên hệ với kiến thức trong chương trình, đề thi và áp dụng giải quyết từng câu hỏi. Nếu có thắc mắc, nghi ngờ, nên ghi lại rồi hỏi thầy cô để hiểu vấn đề sâu hơn.
Thứ hai, nên tham khảo những đề thi và đáp án, biểu điểm chính thức của Bộ GD-ĐT cho những kỳ thi ở các năm trước. Bước này sẽ giúp học sinh có một định hướng kiến thức rõ ràng hơn trong việc ôn tập, cách trình bày khi làm bài thi. Nên chú ý tới thang điểm và từng ý nhỏ của yêu cầu đề. Cũng cần đặt những câu hỏi thắc mắc kiểu như: tại sao ý này điểm nhiều, ý kia điểm ít; diễn đạt thế này mà không thế kia... Một điều quan trọng là học sinh cần học hỏi cách làm bài, kỹ năng, trình tự sắp xếp trình bày một bài thi  sao cho khoa học, đủ ý, thẩm mỹ. Nên làm quen với những dạng bài tập mới. Ở mỗi dạng, làm một - hai bài mẫu. Trong quá trình ôn luyện, gặp bài nào hay, khó cần đánh dấu lại, ghi chú vắn tắt cách giải vào sổ tay để khi cần sẽ giở ra xem.
Thứ ba, học sinh phải ôn tập toàn diện, trọng tâm, tránh học tủ. Đề thi có nhiều câu kiểm tra kiến thức toàn diện và kiến thức chuyên sâu nhưng nhìn chung đều nằm trong chương trình học. Nhiều em thấy chương trình dài, ngại khó, thường bỏ qua các bài, chương mình không thích mà chỉ học theo chủ quan, học đoán đề. Nhiều học sinh cho rằng năm trước đề thi đã ra vào bài này, phần này, năm nay sẽ không rơi vào bài đó nữa. Đây là một nhận thức chủ quan, sai lầm thiếu khách quan và thực tế những học sinh này đã gặp không ít rắc rối trong những ngày thi.
Thứ tư, cần tính toán thời gian, kế hoạch ôn thi sao cho phù hợp. Nên có thời gian biểu cụ thể. Không nên học liên tục mà cần phải có thời gian giải lao. Tránh tình trạng phần học quá kỹ còn phần kia lại sơ sài vì hết thời gian. Phải có thời gian biểu, lịch học cụ thể cho từng môn. Những ngày trước khi thi, học sinh phải hệ thống lại kiến thức đã học, xem lại phần nào đã hiểu, chưa hiểu để biết mình mạnh - yếu chỗ nào rồi tìm cách khắc phục.
Đào Tấn Trực (Giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương, Tuy An, Phú Yên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét