Những thay đổi về cách thức ra đề thi môn văn năm nay sẽ kéo theo những thay đổi đáng kể về việc ôn tập và tập dượt làm bài.
Giáo viên Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) ôn tập môn văn cho học sinh lớp 12 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo ghi nhận của Thanh Niên, sau những khẳng định của Bộ GD-ĐT về những đổi mới trong ra đề thi môn ngữ văn, các giáo viên cho rằng việc ôn thi chắc chắn sẽ có những chuyển hướng để phù hợp với yêu cầu mới. Tuy nhiên, việc có một văn bản hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ vẫn là điều mà các nhà trường đang mong đợi.
Rèn kỹ năng đọc hiểu môn văn
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng hiện nay học sinh (HS) có thể học thuộc những ghi nhớ về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học và tiểu sử nhà văn, nhưng không mấy khi được tự đọc, ngấm kỹ tác phẩm và có những cảm nhận thực sự là của mình. Do vậy, với cách ra đề mới, theo bà Kim Anh, sẽ buộc phải thay đổi cách học văn, sẽ phải dành thời gian thực hành các hoạt động giao tiếp, học trò được thảo luận (nói và nghe) về một tác phẩm mà mình yêu thích. Có thêm những văn bản, tác phẩm do giáo viên và cả HS giới thiệu...
Bà Phạm Thị Hà Thanh, Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (Hà Nội), cũng khẳng định: “Giáo viên sẽ phải tích cực đưa các văn bản khác vào giờ học để rèn cho HS kỹ năng đọc hiểu. Giáo viên cũng sẽ phải ra những đề văn theo hình thức mới và thời lượng 120 phút để HS quen dần”.
Theo bà Đoàn Thị Hải Lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cách kiểm tra kiểu PISA có những câu hỏi mở, đưa ra những tình huống trong cuộc sống để HS thể hiện quan điểm cá nhân, yêu cầu suy ngẫm. Vì thế, nếu phần đọc hiểu của đề thi tốt nghiệp môn văn dựa trên yêu cầu về cách ra đề của PISA, HS phải củng cố các kỹ năng trên.
Bà Phạm Thị Huệ, chuyên viên về môn văn, Sở GD-ĐT Nam Định, tư vấn: “HS cần rèn luyện thói quen đọc, đọc có chọn lọc, biết hệ thống những gì đã đọc để tích lũy kiến thức tác phẩm, phải ghi nhớ chính xác những kiến thức đó”.
Tập trung phần viết môn ngoại ngữ
Ngay từ khi có thông tin đề thi ngoại ngữ năm nay có 2 phần trắc nghiệm và tự luận, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã khẩn trương ôn tập cho HS theo hướng thi này.
Bà Đặng Thị Thúy Ái, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Q.8), cho biết: “Nhiều năm nay, với HS lớp 12, trường chỉ chú trọng việc rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm. Khoảng giữa học kỳ 2 này, chúng tôi phải thay đổi cách dạy cũng như ôn tập để giúp HS thích ứng với đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.3 cho rằng việc thay đổi này khiến HS gặp khó khăn vì đến gần cuối năm học mới biết thông tin. Hiệu trưởng này cho biết vì từ trước đến giờ phần đông HS chủ yếu chỉ lo học, ôn theo kiểu bài trắc nghiệm nên hiện nay giáo viên và HS chạy đua theo cách ôn, dạy mới, rèn phần tự luận.
Bà Trần Thị Kim Quy, Hiệu phó Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình) thông tin: “Với tình hình như hiện nay, những môn không có sự thay đổi, sau khi có danh sách đăng ký, nhà trường tập trung vào củng cố kiến thức và làm cho HS quen với đề thi của những năm trước. Riêng 2 môn ngữ văn và tiếng Anh thì chưa lên được kế hoạch ôn tập cụ thể”.
Giáo viên cần ôn gì cho học sinh ?
PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đưa ra các gợi ý ôn tập môn văn.
Về năng lực tiếp nhận văn bản - phần đọc hiểu, thứ nhất giáo viên phải ôn cho HS thế nào là đọc hiểu văn bản: nội dung chính, thông tin quan trọng, ý nghĩa của văn bản. Thứ hai là phải hiểu từ ngữ, cú pháp, chấm câu, hình thức biểu tượng, ký hiệu ngôn ngữ... Ví dụ như hỏi một từ trong đoạn văn đó có ý nghĩa gì cũng là một cách kiểm tra đọc hiểu. Thứ ba là nhận ra và thấy tác dụng của một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản, không chỉ là các biện pháp tu từ. HS không chỉ phát hiện mà còn thấy được tác dụng của biện pháp nghệ thuật, cao hơn là nêu được ý nghĩa giá trị của văn bản đó chứ không chỉ nội dung chính. Tiếp theo là ôn cho HS về kỹ năng đọc hiểu: Cách hiểu có đúng không, hướng học sinh tới cảm xúc, cảm tưởng sau đọc hiểu văn bản.
Về phần tạo lập văn bản (phần viết), giáo viên cần chú ý ôn luyện cho HS có tri thức về văn bản - kiểu đoạn, cấu trúc, quá trình nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề bài. Trang bị cho HS khả năng viết các loại văn bản phù hợp với đối tượng, tình huống giao tiếp.
Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Ý kiến
“Học sinh hiện nay học rất nhiều, ít có thời gian đọc báo, xem ti vi. Vì vậy, đề thi cũng đừng nên chọn những vấn đề nghị luận xã hội to tát, xa rời thực tế khiến HS khó hiểu, không cảm nhận được”. (Thạc sĩ Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà, TP.HCM)
“Thông tin đề thi sẽ chọn một tác phẩm bên ngoài sách giáo khoa là rất hay. Làm cách này thì HS cần phải học cách giải quyết vấn đề mới làm được, ai học tủ coi như không làm được bài”. (Hồ Hoài Khanh, giáo viên Trường THPT Nhân Việt, Q.Tân Phú, TP.HCM)
“Tổ ngữ văn vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Thời gian làm bài còn 120 phút thì cấu trúc đề thi sẽ như thế nào đặc biệt là hình thức, nội dung của phần đọc hiểu - điểm mới của đề thi năm nay”. (Trần Thị Kim Quy, Hiệu phó Trường THPT Thanh Bình, TP.HCM)
“Em nói thiệt là trong thời điểm này tụi em có rất nhiều lo lắng xung quanh kỳ thi. Nếu muốn thay đổi gì thì cần có thời gian, ít ra đầu năm học thông báo để tụi em còn chuẩn bị ôn tập, học theo. Chứ gần đến thi mà cứ đổi mới hoài thì càng khiến tụi em hoang mang hơn”. (Thanh Thảo, HS lớp 12CA2 Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM)
Minh Luân - Bích Thanh (ghi)
|
Tuệ Nguyễn - Minh Luân - Bích Thanh