ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 904/GDĐT-KTKĐCLGD Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 4 năm 2012
V/v hướng dẫn tổ chức kỳ thi
tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2011 - 2012.
Kính gửi:
- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện;
- Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông;
- Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên;
- Hiệu trưởng các trường bổ túc văn hóa khối trường ngành và khối trực thuộc.
Căn cứ:
- Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 3 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông;
- Công văn số 2223/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012,
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2011 - 2012 như sau:
A . CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO KỲ THI:
I. YÊU CẦU:
Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi phải được nghiên cứu học tập để nắm vững, thực hiện nghiêm túc Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 3 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Quy chế 10), Công văn số 2223/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012 và các Công văn hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
II. NỘI DUNG CÔNG VIỆC:
- Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông áp dụng đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường phổ thông). Đề nghị Hiệu trưởng trường phổ thông, Hiệu trưởng trường bổ túc văn hóa, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là Thủ trưởng trường phổ thông) cần tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học nghiên cứu học tập và thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trong những văn bản đã dẫn ở phần “căn cứ” trên đây và hướng dẫn này của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Thủ trưởng trường phổ thông chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra việc hoàn thành chương trình dạy học theo biên chế năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đểcán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2011 - 2012, thực hiện nghiêm túc quy chế thi.
- Chỉ đạo chặt chẽ việc đánh giá, xếp loại người học theo quy định, hoàn tất các thủ tục, hồ sơ thi đúng thời gian; xử lý nghiêm những hiện tượng thêm điểm, sửa điểm sai quy định trong sổ gọi tên ghi điểm hoặc học bạ làm thay đổi xếp loại học lực.
- Thủ trưởng trường phổ thông có người học dự thi cần tổ chức kiểm tra, phát hiện và thông báo bằng văn bản đến từng người học các trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thiếu hồ sơ, định thời hạn cuối cùng để bổ túc, hoàn thiện hồ sơ. Chấm dứt hiện tượng bổ túc hồ sơ sau thời hạn quy định, gây khó khăn cho công tác xét duyệt tốt nghiệp. Cán bộ, giáo viên nhận hồ sơ để thất lạc, ảnh hưởng đến quyền lợi người học cần phải xử lý theo Quy chế thi. Việc tiếp nhận các loại giấy chứng nhận được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích,… của người học cần quy định chặt chẽ, có ký nhận trong sổ sách.
- Thủ trưởng trường phổ thông có người học dự thi phải tổ chức kiểm tra chặt chẽ, chính xác và ký, đóng dấu xác nhận vào danh sách người học dự thi.
- Thủ trưởng trường phổ thông cần bố trí đủ máy móc, thiết bị và cán bộ được huấn luyện nghiệp vụ tham gia vào việc nhập và xử lý dữ liệu trên máy tính theo từng công đoạn được giao.
- Thủ trưởng trường phổ thông có trách nhiệm chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác thi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:
+ Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao;
+ Nắm vững Quy chế thi, nghiệp vụ liên quan đến nhiệm vụ làm công tác thi được phân công;
+ Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em vợ hoặc chồng; người giám hộ hoặc đỡ đầu; người được giám hộ hoặc được đỡ đầu tham dự kỳ thi;
+ Không đang trong thời gian bị kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
B. TỔ CHỨC KỲ THI:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI:
Thực hiện theo Điều 4 của Quy chế 10.
II. HỒ SƠ DỰ THI:
Thực hiện theo Điều 11 của Quy chế 10.
Lưu ý thêm:
- Phiếu đăng ký dự thi có dán ảnh (4cm x 6cm) có đóng dấu giáp lai của trường phổ thông (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong 2 phiếu đăng ký dự thi thì một phiếu giữ lại trường phổ thôngcó kèm thêm 01 ảnh (4cm x 6cm) dùng để làm giấy chứng nhận tốt nghiệp (tạm thời) và 01 phiếu chuyển về Hội đồng coi thi.
- Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện nơi cư trú (theo xác nhận về cư trú của Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc tại trường phổ thông nơi học lớp 12 (các trường phổ thông cần tạo thuận lợi cho người học nhưng cần kiểm tra kỹ hồ sơ khi nhận).
III. LỊCH THI:
Thí sinh dự thi 6 môn trong 3 ngày 02, 03 và 04 tháng 6 năm 2012 theo lịch sau:
1. Giáo dục trung học phổ thông:
Ngày | Buổi | Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề thi cho thí sinh | Giờ bắt đầu làm bài |
02.6.2012 | SÁNG | Ngữ văn | 150 phút | 7 giờ 25 | 7 giờ 30 |
CHIỀU | Hóa học | 60 phút | 14 giờ 15 | 14 giờ 30 | |
03.6.2012 | SÁNG | Địa lí | 90 phút | 7 giờ 25 | 7 giờ 30 |
CHIỀU | Lịch sử | 90 phút | 14 giờ 25 | 14 giờ 30 | |
04.6.2012 | SÁNG | Toán | 150 phút | 7 giờ 25 | 7 giờ 30 |
CHIỀU | Ngoại ngữ | 60 phút | 14 giờ 15 | 14 giờ 30 | |
Vật lí | 60 phút | 14 giờ 15 | 14 giờ 30 |
2. Giáo dục thường xuyên:
Ngày | Buổi | Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề thi cho thí sinh | Giờ bắt đầu làm bài |
02.6.2012 | SÁNG | Ngữ văn | 150 phút | 7 giờ 25 | 7 giờ 30 |
CHIỀU | Hóa học | 60 phút | 14 giờ 15 | 14 giờ 30 | |
03.6.2012 | SÁNG | Địa lí | 90 phút | 7 giờ 25 | 7 giờ 30 |
CHIỀU | Lịch sử | 90 phút | 14 giờ 25 | 14 giờ 30 | |
04.6.2012 | SÁNG | Toán | 150 phút | 7 giờ 25 | 7 giờ 30 |
CHIỀU | Vật lí | 60 phút | 14 giờ 15 | 14 giờ 30 |
IV. ĐỀ THI:
Thực hiện theo Điều 13 của Quy chế 10.
V. VIỆC KIỂM TRA HỒ SƠ THÍ SINH:
1. Các trường phổ thông cần kiểm tra kỹ hồ sơ dự thi (đối chiếu giữa học bạ, giấy khai sinh, các văn bằng, chứng nhận,... đảm bảo chính xác tuyệt đối họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh (ghi đủ quận, huyện, tỉnh, thành), ghi đầy đủ các cột mục, không bị rách nát, tẩy xóa, có đầy đủ chữ ký của người chịu trách nhiệm từng phần và của cấp quản lý...), lập phiếu đăng ký dự thi, danh sách người học (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đúng với khai sinh, học bạ, ghi chú các trường hợp được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích nếu có (kể cả trường hợp người học ở vùng sâu có quy định của Ủy ban nhân dân thành phố). Kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của thí sinh, xác nhận tư cách thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện và hồ sơ hợp lệ.
Lập danh sách thí sinh theo từng môn thi ngoại ngữ, giao đĩa CD chứa danh sách đó cho Sở Giáo dục và Đào tạo để xếp phòng thi.
Bảo quản đầy đủ hồ sơ dự thi và danh sách thí sinh đăng ký thi, tổ chức sắp xếp hồ sơ dự thi theo từng phòng thi của mỗi Hội đồng coi thi, xuất trình kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu sửa chữa (nếu có);
2. Thủ trưởng trường phổ thông phải chú ý cho kiểm tra nhiều lần: in ra danh sách để kiểm dò và yêu cầu người học ký tên xác nhận đã đọc rõ các chi tiết; đặc biệt lưu ý: diện ưu tiên chính sách, điểm khuyến khích cộng thêm, ngoại ngữ Anh văn 3 năm, Anh văn 7 năm,…, môn thay thế (nếu có),.. Giáo viên chủ nhiệm phải nêu rõ và đủ các chi tiết của hồ sơ người học để từng người học nắm lại và có ý kiến.
3. Các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khíchnếu bổ sung sau ngày thi môn cuối của kỳ thi sẽ không có giá trị hưởng chế độ ưu tiên và cộng điểm khuyến khích.
VI. TỔ CHỨC CÁC HỘI ĐỒNG COI THI:
Thực hiện Chương IV của Quy chế 10. Lưu ý thêm:
1. Khi họp Ban Lãnh đạo Hội đồng coi thi:
- Cần rà soát kỹ lại danh sách thí sinh, các ấn chỉ, biểu mẫu, phù hiệu của giám thị (nhân viên phục vụ Hội đồng coi thi cũng phải đeo phù hiệu), danh sách giám thị, dành thời gian liên hệ với đơn vị cử giáo viên đến coi thi xem có gì sai sót hoặc không khớp về danh sách giám thị.
- Kiểm tra, xem xét vấn đề phục vụ, bảo vệ an ninh Hội đồng coi thi, điện, nước, âm thanh, ánh sáng, điện thoại, chuẩn bị nhiều phương án khi cúp điện (máy phát điện, đèn cầy, đèn dầu to,…) có biện pháp đề phòng mưa to, gió lớn,… xem xét vấn đề y tế, vệ sinh, nước uống cho thí sinh,…
- Chú ý xem xét kỹ trong và ngoài trường, có biện pháp phòng chống, phát hiện việc liên thông trong - ngoài vi phạm quy định tổ chức thi (cửa sổ trông ra ngoài không có rào, gần đường,...).
- Trong các ngày thi: căn-tin không được hoạt động; nếu trong khuôn viên trường thi có người ở thì yêu cầu không đi lại trong khu vực của Hội đồng coi thi, không được có những hoạt động, hành vi vi phạm đến sự an toàn, tính nghiêm túc của kỳ thi.
- Đề phòng sự cố thiếu đề thi: chuẩn bị sẵn máy photocopy, giấy trắng A3, A4 để trong phòng Hội đồng. Việc sao in đề thi bằng máy photocopy do Chủ tịch Hội đồng coi thi quyết định sau khi có ý kiến của Ban Chỉ đạo kỳ thi tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Bất cứ ai, không phải là thành viên Hội đồng coi thi, phải trình diện Chủ tịch Hội đồng coi thi và được phép mới được vào trường thi.
- Hội đồng coi thi phải tự liên hệ với địa phương (Ủy ban nhân dân, Công an phường, quận) để được hỗ trợ về bảo vệ, an ninh kỳ thi, điện, nước,... (do Phó Chủ tịch là người sở tại chịu trách nhiệm).
2. Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ coi thi; giáo viên, giám thị phải được học tập về trách nhiệm của người coi thi, nhiệm vụ của giám thị trong phòng thi và giám thị ngoài phòng thi… trước khi được phân công coi thi (nhất thiết Chủ tịch Hội đồng coi thi phải thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ này trong ngày họp toàn thể Hội đồng coi thi). Đặc biệt là việc coi thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học. Cần phải họp rút kinh nghiệm từng buổi coi thi và tổng kết việc coi thi trước toàn thể Hội đồng coi thi.
Những người tham gia tổ chức kỳ thi có hành vi vi phạm Quy chế thi bị xử lý theo Điểm 1 Điều 43 của Quy chế 10.
Buổi thi đầu tiên thí sinh có mặt tại Hội đồng coi thi trước giờ phát đề thi 60 phút, các buổi thi sau thí sinh có mặt trước 30 phút, giám thị có mặt trước thí sinh 30 phút.
Thực hiện việc đổi giám thị và đổi chỗ ngồi của thí sinh qua mỗi buổi thi.
Lưu ý:
Việc thay giám thị, giám khảo (sau khi đã có danh sách chính thức) phải có văn bản đề nghị thay thế giám thị, giám khảo của Thủ trưởng trường phổ thông đã cử giám thị, giám khảo và phải được Ban Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua (ký duyệt) mới có giá trị chính thức tại các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi.
3. Các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi:
Thực hiện theo Điều 20 của Quy chế 10.
4. Việc xử lý đối với thí sinh đến muộn:
Trường hợp thí sinh đến phòng thi muộn, nhưng chưa có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì giám thị lập biên bản và cho thí sinh dự thi; tất cả các trường hợp đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
5. Việc ghi nhận các thông tin về sai sót trong danh sách:
Trong lúc cho thí sinh ký tên vào bảng ghi tên dự thi, giám thị yêu cầu thí sinh dò kỹ chi tiết trong danh sách, nếu thí sinh có yêu cầu điều chỉnh thì giám thị lập biên bản báo cáo về Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Hội đồng lập biên bản tổng hợp các sai sót này gửi về Hội đồng chấm thi để được điều chỉnh lại từ gốc trong máy vi tính (sau khi so lại với hồ sơ).
Thí sinh không được tự tiện sửa trong bảng ghi tên dự thi; nói chung tất cả sai sót ở danh sách và hồ sơ phải lập biên bản gởi về Hội đồng chấm thi.
6. Việc nhận diện thí sinh dự thi:
Sau khi phát đề thi xong, cả hai giám thị dựa vào ảnh dán trong thẻ dự thi để nhận diện thí sinh, yêu cầu thí sinh trình chứng minh nhân dân (nếu cần) để xem xét.
7. Giao nhận đề thi:
7.1. Đề thi của mỗi ngày sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo giao trực tiếp cho Chủ tịch Hội đồng coi thi (hoặc Phó Chủ tịch được Chủ tịch Hội đồng coi thi ủy nhiệm bằng văn bản) tại Hội đồng coi thi từ 5 giờ 30, xe chuyển đề thi phải vào trong khuôn viên Hội đồng - yêu cầu bảo vệ trực cổng sẵn - việc ký tên giao nhận, kiểm thùng đề thi phải được thực hiện tại phòng làm việc của Chủ tịch Hội đồng.
7.2. Chủ tịch Hội đồng coi thi quyết định giờ phát túi đề thi còn nguyên niêm phong cho giám thị.
Mỗi phòng thi phải được trang bị 01 chiếc kéo dành cho giám thị cắt túi đề thi. Trước khi cắt túi đề thi và phát đề thi vào đúng thời điểm ghi trong lịch thi, giám thị phải cho toàn thể thí sinh trong phòng thi chứng kiến tình trạng niêm phong của túi đề thi và biên bản xác nhận có chữ ký của 2 thí sinh trong phòng thi.
Việc sử dụng hay không sử dụng đề dự phòng (trong một túi riêng) đều phải lập biên bản và trả túi này về cho Hội đồng chấm thi cùng với các túi đề thi thừa khác.
Chậm nhất 30 phút sau thời điểm tính giờ làm bài, Thư ký hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi phải hoàn thành việc đến các phòng thi lấy điểm danh và nhận số đề thi thừa (nếu có), cùng 2 giám thị trong phòng thi lập biên bản giao nhận và niêm phong tại chỗ túi đựng đề thi thừa để chuyển cho Chủ tịch Hội đồng coi thi bảo quản.
Phó Chủ tịch phụ trách cơ sở vật chất, kỹ thuật không được tham dự vào các công việc liên quan trực tiếp đến đề thi.
Ghi chú: Việc mở thùng đề thi và giao, nhận đề thi đối với môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học thực hiện theo tài liệu hướng dẫn coi thi trắc nghiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo.
8. Những trường hợp có người học khiếm thị:
Thực hiện theo Điểm b Khoản 2 Điều 27 của Quy chế 10.
Hồ sơ miễn thi đối với người học khiếm thị:
- Công văn đề nghị của trường phổ thông nơi thí sinh đang học.
- Hai bản sao học bạ (trường phổ thông chứng nhận sao y bản chính).
- Biên bản giám định y khoa của Trung tâm y tế cấp quận, huyện trở lên.
- Biên bản đề nghị xét miễn thi của Hội đồng coi thi.
- Trường phổ thông có người học khiếm thị lập danh sách và mang toàn bộ hồ sơ đến nộp tại Hội đồng coi thi.
9. Việc giao nhận bài thi, đóng thùng và nộp bài thi về Hội đồng chấm thi:
9.1. - Việc thu bài thi:
+ Trước khi hết giờ làm bài 5 phút giám thị nhắc thí sinh xem lại các yêu cầu cần ghi vào phần phách của giấy thi, chú ý soát lại những tờ giấy thi xin thêm để làm bài xem đã có đủ chữ ký của hai giám thị.
+ Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, giám thị yêu cầu thí sinh đặt bút xuống bàn, ngồi tại chỗ, giữ trật tự; giám thị số 1 gọi tên kèm theo số báo danh của từng thí sinh, giám thị số 2 thu bài, kiểm tra số tờ của mỗi bài thi, hướng dẫn thí sinh ghi và ký vào phiếu thu bài thi, có ghi rõ số tờ của mỗi bài thi, không thu ồ ạt làm thất lạc, nhầm lẫn bài thi của thí sinh.
+ Sau khi thu xong bài thi, cả hai giám thị kiểm tra lại đầy đủ mới cho thí sinh ra khỏi phòng thi và cùng rời phòng thi về phòng Hội đồng.
- Việc giao nhận bài thi giữa hai giám thị 1, 2 với Chủ tịch Hội đồng coi thi phải được thực hiện đầy đủ thủ tục, chính xác: người kiểm bài, nhận bài của Hội đồng coi thi phải đếm đủ số tờ của từng bài, đủ số bài của mỗi phòng, ghi đủ và đúng số liệu trên túi đựng bài thi trước khi cho hai giám thị ký vào biên bản giao nhận bài thi giữa giám thị và Hội đồng coi thi. Nếu số liệu không phù hợp thì cho thẩm tra lại ngay, quy trách nhiệm rõ ràng. Cả hai giám thị cùng chịu trách nhiệm về sự thất lạc bài thi.
- Khi nộp bài thi phải có mặt cả hai giám thị. Mỗi phòng thi xếp các bài thi tách riêng thành một tập, theo số báo danh từ nhỏ đến lớn (số báo danh nhỏ ở trên, số báo danh lớn ở dưới); trong một bài thitự luận, các tờ giấy thi được lồng vào nhau.
- Người kiểm bài, nhận bài của Hội đồng coi thi sau khi kiểm tra đầy đủ các chi tiết (số bài, số tờ, số thí sinh,… chữ ký của hai giám thị,…) ký nhận đã kiểm bài, đưa tất cả bài thi của phòng thi vào trong túi đựng bài thi (lưu ý ghi đầy đủ các chi tiết bên ngoài túi này), dán kín tất cả mép túi trước mặt cả hai giám thị; sau đó cả hai giám thị và người nhận bài thi cùng ký giáp lai vào tất cả mép dán và niêm phong túi đựng bài thi.
- Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch phải giám sát kỹ lưỡng, nhắc nhở trách nhiệm của người kiểm bài, nhận bài thi.
9.2. - Việc đóng thùng bài thi phải được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, dùng băng keo niêm nhiều lượt.
- Việc niêm thùng bài thi phải có sự chứng kiến của tập thể Hội đồng ngay sau lúc thu bài xong và có đủ chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng coi thi trên nhãn niêm thùng bài thi đã được ghi đầy đủ các số liệu cần thiết, đóng dấu giáp lai. Mỗi môn thi phải được niêm riêng.
9.3. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đến nhận bài thi tại Hội đồng coi thi vào cuối mỗi ngày thi. Yêu cầu lập biên bản giao nhận kỹ lưỡng, chính xác về số liệu theo đúng như nhãn niêm thùng bài thi.
Hội đồng chấm thi đặt tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, số 275 đường Điện Biên Phủ, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện thoại: 39307794, 39307822.
10. Việc báo cáo nhanh:
Sau 05 phút bắt đầu tính giờ làm bài, Chủ tịch Hội đồng coi thi cử cán bộ lấy danh sách điểm danh và tổng hợp tình hình thí sinh sơ bộ gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (chậm nhất là 20 phút sau giờ tính giờ làm bài của thí sinh).
Trong quá trình coi thi nếu có sự cố bất thường hoặc hành vi vi phạm Quy chế thi phải báo cáo ngay về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo.
Cuối mỗi buổi thi (chậm nhất là 15 phút khi kết thúc giờ làm bài) Chủ tịch Hội đồng coi thi cử người báo cáo nhanh về Sở Giáo dục và Đào tạo.
VII. ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP VÀ XẾP LOẠI TỐT NGHIỆP:
Thực hiện theo Chương VI của Quy chế 10.
VIII. VIỆC PHÚC KHẢO BÀI THI:
- Thực hiện theo Điều 26 của Quy chế 10.
- Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi.
- Thí sinh xin phúc khảo phải có đơn xin phúc khảo (theo mẫu) gửi đến trường phổ thông nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
- Sau khi lập danh sách thí sinh xin phúc khảo bài thi trắc nghiệm, bài thi tự luận (theo mẫu), gửi toàn bộ hồ sơ phúc khảo về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo.
IX. ĐIỆN THOẠI LIÊN HỆ TRONG CÔNG TÁC THI:
Thường trực Ban Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo: 38226796; 38234109; 38232625.
Nơi nhận: KT. GIÁM ĐỐC
- Như trên; PHÓ GIÁM ĐỐC
- Ban Giám đốc Sở GD&ĐT; (đã ký)
- Các Phòng, ban Sở GD&ĐT;
- Lưu: VP, KTKĐCLGD.
Nguyễn Tiến Đạt
NỘI DUNG VÀ LỊCH CÔNG TÁC
TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
(Năm học 2011 - 2012)
THỜI GIAN | NỘI DUNG CÔNG VIỆC | ĐỊA ĐIỂM |
17.4.2012 | - Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp và phổ biến phần mềm cho các đơn vị để chuẩn bị nhập danh sách thí sinh. | Hội trường trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa. |
07.5.2012 | - Hết hạn nhận đơn xin dự thi và nhập dữ liệu danh sách thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. | Trường phổ thông. |
07.5.2012 | - Sở Giáo dục và Đào tạo gửi nhu cầu số giáo viên coi thi về các đơn vị. | Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. |
09.5.2012 | - Các đơn vị gởi danh sách giám thị, giám khảo, nhân viên phục vụ (theo mẫu) về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. | Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. |
09.5.2012 | - Các đơn vị nộp đĩa CD danh sách thí sinh về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. | Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. |
11.5.2012 (8 giờ 00) | - Bồi dưỡng nghiệp vụ Ban lãnh đạo Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi. | Hội trường trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa. |
18.5.2012 | - Các trường nhận đĩa CD. | Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. |
23.5.2012 | - Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục gửi danh sách giám thị, giám khảo, Lãnh đạo Hội đồng coi thi: + 01 bản về trường (thay giấy triệu tập). + 01 bản kèm vào hồ sơ của Hội đồng coi thi. | Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. |
23.5.2012 | - Các đơn vị nhận danh sách thí sinh có số báo danh. | Tại các cụm. |
25.5.2012 (8 giờ 00) | - Ban Lãnh đạo Hội đồng coi thi họp với Ban Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo. | Hội trường trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa. |
31.5.2012 (7 giờ 30) | - Họp Ban Lãnh đạo Hội đồng coi thi. - Ban Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo bắt đầu đi nắm tình hình chuẩn bị kỳ thi. | Hội đồng coi thi. |
01.6.2012 (7 giờ 30) | - Họp toàn thể Hội đồng coi thi. | Hội đồng coi thi. |
02,03 và 04.6.2012 | - Tổ chức thi tốt nghiệp theo lịch quy định. - Sở Giáo dục và Đào tạo nhận bài thi (vào cuối mỗi ngày thi). | Hội đồng coi thi. Hội đồng chấm thi. |
05.6.2012 | - Hội đồng chấm thi làm việc (thư ký, kiểm bài, mật mã, thu phát bài, làm phách,…). | Hội đồng chấm thi. |
07.6.2012 (7 giờ 30) | - Họp tổ trưởng, tổ phó chấm bộ môn. | Hội đồng chấm thi. |
07.6.2012 (13 giờ 30) | - Giám khảo có mặt tại Hội đồng chấm thi, bắt đầu chấm thi (dự kiến chấm thi từ 7 đến 8 ngày). | Hội đồng chấm thi. |
14.6.2012 | - Lên điểm thi. - So dò kết quả thi. | Hội đồng chấm thi. |
15.6.2012 (dự kiến) | - Ghép điểm và xét tốt nghiệp. - Tổng kết Hội đồng chấm thi. - Công bố kết quả tạm thời của kỳ thi. | Hội đồng chấm thi. |
15.6.2012 (dự kiến) | - Nhận đơn xin phúc khảo. | Các trường phổ thông. |
15.6.2012 | - Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (tạm thời). | Các trường phổ thông. |
21.6.2012 | - Hết hạn nhận đơn xin phúc khảo. | Các trường phổ thông. |
22.6.2012 | - Nộp danh sách xin phúc khảo về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. | Các trường phổ thông. |
23.6.2012 (dự kiến) | - Hội đồng phúc khảo làm việc | Hội đồng phúc khảo. |
27.6.2012 | - Ghép điểm và xét tốt nghiệp sau phúc khảo. - Tổng kết Hội đồng phúc khảo. - Công bố kết quả phúc khảo (tạm thời). | Hội đồng phúc khảo. |
28.6.2012 | - Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sau phúc khảo (tạm thời). | Các trường phổ thông. |
Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
Trả lờiXóaclick xem thêm gia sư quận thủ đức