thanhnien online ngày 10.07.2013
- Tải về Đề thi và Gợi ý giải đề thi đại học môn Văn khối C năm 2013: bản word / bản PDF
- Tải về Đề thi và Gợi ý giải đề thi đại học môn Văn khối C năm 2013: bản word / bản PDF
Cô Lý Thị Tú Anh, giáo viên môn văn, Trường THPT Vĩnh Viễn:
Đề văn kích thích sự hứng thú làm bài của thí sinh
Đề văn kích thích sự hứng thú làm bài của thí sinh
Đề thi văn khối C và D, ở tất cả các câu đều đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức đã học, cho dù là câu hỏi giáo khoa, tránh được việc học thuộc lòng.
Với đề văn khối C, câu 1 rất rõ ràng từng phần để học sinh trả lời. Học sinh nào nghe giảng bài, có kiến thức suy luận thì chắc chắn sẽ làm được ngay.
Câu 2, không khó với học sinh vì nội dung phù hợp với lối sống của người VN truyền thống và ý kiến nhận xét trong đề phủ định, khẳng định rất rõ để học sinh làm bài.
Câu 3a, 3b có dạng ra đề không mới. Câu hỏi tổng hợp từ nhiều ý kiến để học sinh bình luận về những ý kiến này. Qua đó, học sinh có cái nhìn rộng, ở nhiều góc độ để có thể được thể hiện ý kiến phong phú của mình.
Đề văn khối D cũng không khó nhưng với điều kiện là học sinh phải vận dụng kiến thức để làm bài.
Câu 1 cho một cách nhìn và từ đó học sinh nêu ý về con sông Đà.
Đặc biệt, nếu như câu 2 đề thi khối C là quan điểm về văn hóa, lối sống truyền thống của người VN thì ở đề thi khối D lại là nhận xét về người VN qua ý kiến của một Việt kiều. Cách chọn lựa ý kiến để đưa vào đề thi như vậy rất phù hợp với mỗi khối.
Đây là dạng viết bài văn một cách đối thoại với người có ý kiến trong đề, qua đó nhìn lại chính mình để mình đi tới. Cách ra đề như vậy đã bỏ đi cách dạy, học và làm bài từ chương.
Câu 3a, 3b cho hai ý kiến, một ý kiến sai, một ý kiến đúng để học sinh chọn lựa và bình luận.
Đề văn thi ĐH năm nay ở cả khối C và D đều rất hay, tạo sự kích thích hứng thú làm bài của học sinh. Đề thi này để học sinh chủ động làm bài theo cảm nhận của mình chứ không phải theo kiến thức của giáo viên, học sinh có thể có mặt trong bài văn (Viên An ghi)
Cô Vũ Thị Thanh Tâm, giáo viên văn học, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Đề văn hay, lạ và thẳng thắn
Đề văn hay, lạ và thẳng thắn
Cả hai đề văn khối C và D đều có ý tưởng tương tự nhau.
Với câu 2 nghị luận xã hội ở đề văn khối C và khối D đều nói về tính cách của người Việt Nam, cụ thể là điểm xấu trong tính cách người Việt mà chúng ta thường gọi là “người Việt xấu xí”.
Đây là dạng đề lạ mà TS chưa gặp nhiều năm gần đây. Trước đây, đề văn khi phê phán thói xấu thường phê phán thói xấu của một nhóm người, thành phần nào đó trong xã hội. Nhưng với đề thi năm nay, đề lại phê phán tật xấu của người Việt Nam.
Đề thi đề cập đến tật xấu cố hữu của người Việt Nam nên tôi băn khoăn liệu các em có dám bày tỏ ý kiến riêng của bản thân hay không? Nếu các em có thể trình bày được ý kiến độc lập, thẳng thắn mới làm đạt được câu 2 nghị luận xã hội.
Cũng chính vì thế mà tôi chờ đợi hướng dẫn đáp án của Bộ GD-ĐT có thật sự cởi mở và nhìn nhận thẳng thắn vào nhược điểm của người Việt Nam hay không.
Lâu nay người Việt Nam vẫn tự hào là cần cù và sáng tạo nhưng theo nhìn nhận của một người Việt kiều (là cái nhìn khách quan của người nước ngoài theo đề thi khối D), hy vọng TS sẽ nêu được suy nghĩ riêng và giải pháp khắc phục những nhược điểm của người Việt dưới cái nhìn của người nước ngoài.
Với đề thi nghị luận xã hội ở khối C, học sinh phải nêu được: cách cư xử khéo léo đúng một phần nhưng nếu chỉ khôn khéo mà thiếu thông minh thì đất nước, xã hội sẽ khó có thể phát triển được.
Câu 1 của cả hai đề không có gì đánh đố với TS. Trong khi đó, câu số 3 lại đòi hỏi TS phải biết lập luận so sánh và lập luận bác bỏ. Đây là thao tác mà các em rất ít khi sử dụng ở bình luận văn học. Bấy lâu nay các em chỉ quen làm bài với thao tác lập luận phân tích và lập luận bình luận vì vậy câu này chỉ những em khá giỏi mới làm tốt.
Câu 3 ở 2 đề hay ở chỗ TS phải hiểu bài mới làm được, xóa bỏ được cách học thuộc lòng.
So với đề văn khối D, đề khối C có phần khó hơn, đặc biệt là câu 3b đòi hỏi so sánh.
Theo tôi, đề văn năm nay ra khá hay, lạ và rất thẳng thắn. (Minh Quyên ghi)
THÍ SINH NHẬN XÉT
Tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), phần lớn TS đều cho rằng môn văn khối D có câu nghị luận xã hội khá hay, phản ánh đúng thực trạng.
“Mình thấy đề không khó lắm, câu 1 và 3 học kỹ xíu là làm được. Câu nghị luận xã hội mình thấy hay, phản ánh đúng thực trạng sống thụ động, theo lối mòn”, TS Lê Thị Thảo Nguyên (học sinh Trường THPT Buôn Hồ, Đắk Lắk, thi tốt nghiệp THPT môn văn đạt 7,5 điểm) cho biết.
Tại HĐT Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều TS hào hứng với câu nghị luận xã hội.
TS Hồ Minh Đạt, thi tại HĐT Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phấn khởi: “Em đọc và chọn câu nghị luận xã hội làm trước, vì vấn đề thụ động này em cũng mắc phải nên có kinh nghiệm. Em học văn cũng trung bình nên em nghĩ 5 điểm văn ĐH cũng tốt rồi”.
TS Lê Thị Hoa, học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk, đánh giá đề thi văn khối D như thế là vừa với khả năng của em. Hoa nói: "Em vẫn thích làm câu nghị luận nhất vì nó bám sát thực tế, dễ làm, lời văn cũng không quá bay bổng".
Hoa cho biết mình làm được khoảng 6 điểm; điểm tốt nghiệp THPT môn văn của Hoa là 7,5. (Hữu Thành - Diễm Út)
* Tại Đà Nẵng: TS thi môn văn khối C và D sáng nay đều chung nhận xét là đề lạ, hiếm gặp khi ôn tập.
Theo TS Nguyễn Thị Thùy Trâm (học sinh Trường THPT Hòa Vang, Đà Nẵng, thi vào ngành Sư phạm tiểu học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), cho hay đề văn khối D chủ yếu hướng TS phát huy sự sáng tạo.
TS Huỳnh Thị Thùy Trang (học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng, dự thi vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nhận xét: Đề văn khối D không phải dễ làm. Đề rất lạ, đặc biệt là câu nghị luận xã hội, phải có cảm nhận, cảm thụ sâu sắc về tác phẩm mới làm bài tốt được.
TS Lê Thị Hàn Ni (học sinh Trường THPT Krong Bông, Đắk Lắk, thi vào khoa báo chí, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) rất hào hứng với đề văn khối C.
“Em xem thời sự và đọc báo, thấy Bộ GD-ĐT đã nói rất rõ là khuynh hướng ra đề theo hướng mở, nên khi bắt gặp đề thi này em không lấy làm ngạc nhiên mà rất hào hứng làm bài.
Hàn Ni cho biết đề văn này em làm khá tốt, phải đạt trên 8 điểm. (Diệu Hiền)
"Đề văn khối C năm nay khó, đòi hỏi TS tư duy nhiều”, đó là nhận định chung của nhiều TS. Trong đó, câu nghị luận xã hội được nhận xét là khá hay và lạ.
TS Quách Văn Linh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Vũng Tàu, thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Đề văn đòi hỏi tư duy nhiều, như câu nghị luận xã hội TS phải nhận định một vấn đề xã hội thông qua một tác phẩm. Đề thi này sẽ dễ phân loại được TS”
TS Thúy Hằng (quê Bình Phước) cho rằng đề văn khối C khó và nằm ngoài dự đoán của em. Đề nghị luận xã hội đòi hỏi TS phải bám sát vào vấn đề được đề cập trong tác phẩm trích dẫn.
Hằng cho biết mình làm được khoảng 50% bài thi. (Bảo Ngọc)
*** Đồng hành cùng các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013, bên cạnh các bài gợi ý giải đề thi, Thanh Niên Online còn cập nhật những nhận xét nhanh về đề thi ngay sau khi môn thi kết thúc của các giáo viên giàu kinh nghiệm (những nhận xét này chỉ có tính chất tham khảo).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét