TSĐH 2013- Môn Văn đề và gợi ý Khối C

ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013
Môn: NGỮ VĂN; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHN CHUNG:
            Câu 1:
Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật nào. Hình ảnh Hà Nội có ý nghĩa gì đối với đời sống tâm hồn Liên?
            Câu 2:
            Nhìn lại vốn văn học dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là:
Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.
(Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 160-161)
Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).
II. PHẦN RIÊNG:
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
            Câu 3.a: Theo chương trình Chuẩn
            Hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng : người lính ở đây có dáng dấp của tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này thì anh/chị bình luận về ý kiến trên.
            Câu 3.b: Theo chương trình Nâng cao
            Có ý kiến cho rằng : sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa -  Nam Cao) không đáng trách chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.
Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1:
-          Ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật :
+ Hà Nội vui vẻ, sáng rực và huyên náo.
+ Hồi ức về Hà Nội tươi đẹp mà tuổi thơ đã từng thụ hưởng khác với phố huyện đầy bóng tối mà chúng đang sống.
à Ý nghĩa :
- Ánh sáng, niềm hy vọng về cuộc sống. Ánh sáng trong tâm hồn Liên khi chờ đợi chuyến tàu đêm từ Hà Nội đi qua phố huyện.
- Đã sống trong hoàn cảnh tăm tối, đơn điệu. Đừng bao giờ đánh mất sự khao khát sống. Đây là tư  tưởng nhân đạo mới của tác giả nêu bật sự thức tỉnh cá nhân về sự tồn tại của mỗi người khi họ biết khao khát và ước mơ.
Câu 2:
Đề bài yêu cầu thí sinh “từ những nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực” của lối sống “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn” mà “bày tỏ quan điểm sống của chính mình” . Từ yêu cầu đó, thí sinh cần : nêu được những mặt tích cực  và tiêu cực của lối sống trên; sau đó bày tỏ quan điểm sống của chính mình trong phạm vi bài viết khoảng 600 từ.
Thí sinh có thể triển khai bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau. Đây chỉ là một số gợi ý :
Mở bài:
-          Giới thiệu thầy Trần Đình Hượu, chuyên viên về những vấn đề tư tưởng của văn học Trung Đại, người có nhiều tác phẩm bàn về những đặc sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam
-          Giới thiệu đề: trong đó có nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.
Thân bài:
-          Lối sống trên có những mặt tích cực và tiêu cực:
+ Không ca tụng trí tuệ :
·               Tiêu cực : trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến trình độ nhất định. Nó có vai trò lớn trong cuộc sống. Nó giúp con người nhận thức đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, giúp con người phát hiện, khám phá những quy luật của sự vật, của đời sống. Nó là cơ sở, nền tảng cho sự khám phá và sáng tạo.  Nó soi đường cho hành động của con người trong thực tế.
·               Tích cực : Cuộc sống phức tạp. Bên cạnh hai giá trị đúng sai, còn có những giá trị khác mà không phải lúc nào cũng dễ dàng phán quyết đúng sai. Có những sự việc không thể dễ dàng tách biệt rạch ròi đen trắng. Bên cạnh trí tuệ, lí trí, con người lại có tình cảm, mà con tim có những lý lẽ mà không phải lúc nào cũng thống nhất với lí trí do vậy không quá đề cao trí tuệ, không đòi hỏi sự rạch ròi, dứt khoát, giúp con người ta dễ chín bỏ làm mười, dễ tạo được một cuộc sống hòa hợp.
+ Ca tụng khôn khéo. Ăn đi trước, lội nước theo sau:
·               Tiêu cực : lối sống này dễ dẫn người ta rơi vào kiểu sống hưởng thụ, ích kỷ, khôn vặt, đẩy sự khó khăn về người khác, chọn cho mình sự dễ dàng.
·               Tích cực : Khôn khéo là khôn ngoan và khéo léo trong cách xử sự. Trong thực tế, tương quan giữa con người  với những lực lượng khác có khi quá chênh lệch, hoàn cảnh vượt quá khả năng, khi đó một thái độ khôn khéo thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn là một thái độ thức thời của người biết ẩn nhẫn, đợi thời cơ, “biết trồng tre đợi ngày thành gậy, đi trả thù mà không sợ dài lâu”.
·               Theo thầy Trần Đình Hượu : Sỡ dĩ người Việt Nam có lối sống trên đó là do về tâm lý, người Việt Nam an phận thủ thường, nhẫn nhịn, chín bỏ làm mười, không cần hoàn toàn rạch ròi đen trắng (thậm chí như câu tục ngữ “Thẳng mực tàu, đau lòng cổ” và về ý thức, đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, thực tế khó khăn, nhiều bất trắc của người Việt Nam trong cuộc sống ngày xưa.
-          Quan điểm sống của riêng em:
+ Cần đề cao vai trò quan trọng của trí tuệ. Cho nên cần phải tích cực học tập, trau dồi tri thức, xem nó là cơ sở nền tảng cho sự phát triển, sáng tạo của bản thân. Phát triển trí tuệ bằng thái độ học tập suốt đời với phương pháp tự học chủ động hiệu quả.
+ Tuy nhiên, trong cuộc sống không quá duy lý, bởi thực tế và có nhiều khi “Bên ngoài là lý, bên trong là tình”. Sự đồng ý kết hợp cùng sự đồng tình sẽ có hiệu quả tốt hơn sự rạch ròi lí trí.
+ Cần đề cao sự khôn khéo vì nó có những hiệu quả thiết thực, nhất là khi thế và lực của bản thân còn yếu. Khôn khéo để tạo được hòa khí, sự đoàn kết trong môi trường sống, học tập và làm việc. Điều này chắc chắn có ích cho cuộc sống bản thân và những người chung quanh.
+ Tránh biến sự khôn khéo thành kiểu sống ích kỷ, khôn vặt, khôn lỏi mà luôn chân thật, nhân hậu, biết người biết ta.
Kết bài :
Mỗi thời có những đặc điểm riêng, cách sống riêng. Hoàn cảnh ngày nay, khác với ngày xưa, cho nên theo em cần có sự dung hòa giữa việc đề cao trí tuệ và cách sống khôn khéo.
Câu 3.a : Hình tượng người lính trong bài thơ Tây tiến
  1. Đặt vấn đề
-          Giới thiệu nhà thơ Quang Dũng và bài thơ Tây tiến.
-          Hai hình tượng chính trong bài thơ Tây tiến: người chiến binh Tây tiến và thiên nhiên Tây Bắc.
-          Hình ảnh người chiến binh Tây tiến là sự hòa quyện vẻ đẹp của những tráng sĩ xưa và vẻ đẹp của người lính thời kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
  1. Giải quyết vấn đề
Thí sinh cần làm rõ hình tượng người lính trong Tây tiến mang vẻ đẹp của tráng sĩ xưa nhưng họ vẫn là những là hình ảnh tiêu biểu cho người lính thời kháng chiến chống Pháp.
2.1              Vẻ đẹp của lí tưởng anh hùng
-          Mang lí tưởng anh hùng, quyết ra đi lập nên sự nghiệp lớn. Chí lớn chưa thành không bao giờ trở lại. Hình tượng xuyên suốt bài thơ là hình tượng con đường hành quân của người chiến binh. Kết thúc là hình ảnh con đường Tây tiến thăm thẳm mở ra vô tận, vô cùng: “Tây tiến người đi không hẹn ước. Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. (Thí sinh nên liên hệ phân tích với Chinh phụ ngâm, Tống biệt hành…). Trong không khí cuộc kháng chiến chống Pháp, người lính Tây tiến nguyện “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”:  “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
-          Sống với lí tưởng anh hùng; chết trong tư thế anh hùng của những tráng sĩ thuở xưa; “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Không chỉ thế, cái chết của người lính Tây tiến còn mang âm hưởng dữ dội của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
2.2              Sự gian khổ của cuộc chiến và vẻ đẹp tâm hồn
Đây là điểm Quang Dũng đã bám sát cuộc kháng chiến chống Pháp để mô tả, mang đến hình ảnh người lính không khí của thời đại.
-          Cuộc sống người lính đầy gian khổ, hi sinh: những dãi dầu trên con đường hành quân, hình ảnh đoàn quân mỏi, những nấm mồ viễn xứ
-          Vượt lên những gian khổ hi sinh là cái nhìn lãng mạn của tâm hồn tuổi trẻ.
Câu 3.b:  
-          Hình tượng người phụ nữ Việt Nam là sợi chỉ đỏ chi phối xuyên suốt văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Qua mỗi nhà văn, hình tượng này được khai thác từ phẩm chất chịu thương, chịu khó với gia đình. Từ trong “Đời thừa” (Nam Cao) không đáng trách mà chỉ đáng thương, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương, vừa đáng trách.
-          Khai thác nhân vật Từ :
+ Đối với Hộ khi còn độc thân, thì nghèo đói không nghĩa lý gì đối với kẻ say mê lý tưởng. Do Hộ mang hoài bão lớn muốn viết một tác phẩm đoạt giải Nobel vì mang đậm giá trị nhân đạo.
+ Nhưng khi lập gia đình với Từ, Hộ đối đầu với chuyện áo cơm. Vấn đề đó với người nghệ sĩ nghèo không phải là vấn đề đơn giản. Còn Từ chỉ biết sinh con, chăm sóc con và gia đình, điều đó trở thành hạnh phúc đối với người đàn bà này.
+ Và có những lúc Hộ bàn luận chuyện văn chương và tin tức về một người bạn đã thành công với một tác phẩm không lớn, Hộ đã uống rượu và trút cơn giận vào Từ. Từ là một người vợ đáng thương chỉ biết chịu đựng chăm sóc cho chồng, ôm con thui thủi một mình và vẫn tiếp tục dõi theo và chăm sóc chồng lúc say.
+ Đến lúc Hộ tỉnh rượu, thấy trên bàn có bình nước đầy hãy còn ấm, thấy vợ khổ sở nằm trên võng, anh hối hận.
+ Qua hình ảnh này, chúng ta đồng ý với ý kiến là Từ đáng thương nhưng không đáng trách vì luôn nghĩ đến trách nhiệm của một người  vợ cho dù bị đánh đập. Thật đúng với hình tượng người phụ nữ Việt Nam luôn yêu chồng, thương con không hề biết đến bản thân.
à Sau 1975, văn học đổi mới với hình tượng người đàn bà hàng chài trong tác phẩm
“Chiếc thuyền ngoài xa”.
-          Nếu Từ cũng có một gia đình đông con và một người chồng vất vả vì sinh kế thì người đàn bà hàng chài của Nguyễn Minh Châu cũng thế. Nên hắn thường trút cơn giận như lửa cháy vào tấm lưng áo bạc phếch rách rưới của vợ khi cho rằng sự nghèo đói của gia đình do vợ sinh quá nhiều con.
-          Và hình ảnh người đàn bà Việt Nam một lần nữa được tôn vinh qua sự nhẫn nhục “Nhẫn nhục cam chịu những trận đòn không hề kêu vang, không chống trả, không chạy trốn”. Do nghĩ đến chồng, hiểu chồng đánh mình không phải vì ghét bỏ mà vì nghèo đói.
+ Vì không muốn cho con biết nên bật lên trái tim người mẹ - người vợ.
+ Tuy nhiên, sự nhẫn nhục của bà đã trở thành nạn nhân của bạo lực. Một là đứng về phía hình tượng người phụ nữ Việt Nam bà thật đáng thương bởi chỉ biết sống vì chồng vì con, hiểu chồng và thương con. Bởi nếu bà chạy trốn chồng trả thù thì tăng thêm cơn giận của chồng trút vào con.
+ Nhưng lại rất đáng trách khi bà chấp nhận những trận đòn để bạo lực tiếp tục diễn biến từ người lớn chuyển sang con nít thì cái ác sẽ tăng gấp đôi, gấp ba bởi chồng đánh vợ không phải bằng lòng căm thù mà chỉ trút cơn giận vì bị bế tắc trước cuộc sống vật chất đã làm tha hóa con người, còn con đánh bố và nhất định giết cho được bố vì cầm dây lưng quất vào ngực bố và có giấu dao ở trong người.
·         Hai ý kiến hoàn toàn đúng vì :
-          Từ sự tương đồng của Từ và người đàn bà hàng chài đều là sự nhẫn nhục. Do yêu chồng, thương con nhưng với Từ thì thật là đáng thương khi luôn nghĩ rằng mình và đàn con là “gánh nặng cơm áo gạo tiền của chồng”, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài là sự cam chịu làm chúng ta xót thương nhưng bà không thể nào là nạn nhân của bạo lực được vì bà vẫn cùng chồng, cùng con lao động trên biển cả và cũng có những giây phút hạnh phúc hiếm hoi với chồng khi nhìn đàn con được ăn no. Tại sao lại chấp nhận những trận đòn vô lý này nên chúng ta đồng ý với ý kiến : sự nhẫn nhục của Từ không đáng trách chỉ đáng thương, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài vừa đáng thương vừa đáng trách.
à Từ đó theo cách tiếp nhận văn học “Người đọc là người cùng sáng tác với nhà văn” chúng ta đề ra một phương thức để người phụ nữ Việt Nam không chỉ biết thương con, chăm sóc gia đình mà phải góp thêm một phần trọng trách, vừa đồng hành với chồng khi tìm kế mưu sinh mà phải biết đối kháng bằng tình thương với những hành động không đúng của chồng.
------------------

Nguyễn Hữu Dương - Nguyễn Đức Hùng - Đinh Phan Cẩm Vân
Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét