Nhận định đề Văn TS 10 2012 tại TP HCM


Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM:
Bất ngờ với đề thi văn
TT - “Đề thi môn văn năm nay là một bất ngờ lớn đối với cả giáo viên và học sinh” - cô Ngô Thị Thu Hà, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, nhận định. Bất ngờ thứ nhất là câu hỏi về nghị luận xã hội (câu 3 trong đề thi, chiếm 3/10 điểm), mọi năm đề thi sẽ “dọn” sẵn cho thí sinh chủ đề (ví dụ: trình bày suy nghĩ về tính trung thực hoặc sự giả dối...).
Tuy nhiên, năm nay đề thi đưa ra hiện tượng và yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng ấy (nguyên văn câu số 3 như sau: “Trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần bàn về Thế hệ gấu bông, có đề cập hai hiện tượng:
1. Cô bé 15 tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp, còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè!”.
2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng không trả lời được.
Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi)”).
Theo nhiều giáo viên môn ngữ văn, với đề thi như trên, thí sinh phải tự rút ra luận điểm cho mình rồi sau đó mới bàn luận. Đối với những thí sinh thiếu sự nhạy bén, tư duy thì sẽ không biết rút ra vấn đề chính. Thật vậy, sau giờ thi môn văn, chúng tôi đã nghe các thí sinh bàn tán với nhiều khía cạnh khác nhau: có thí sinh viết về sự vô cảm trong giới trẻ ngày nay, thí sinh khác lại viết về sự vô ơn, bất hiếu với cha mẹ, thậm chí có thí sinh cho biết làm cả hai chủ đề cùng lúc. Mặc dù vậy, theo cô Phùng Thị Thanh Lài - giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM: “Tôi cảm thấy rất vui mừng khi đọc đề thi. Mừng vì đề thi không chỉ đòi hỏi học sinh phải biết kiến thức giáo khoa mà phải cọ xát với thực tế. Câu 3 là câu hướng học trò đến một hiện tượng xã hội phổ biến trong giới trẻ hiện nay: đó là sự vô cảm. Đây là một câu chuyện từ thực tế, rất thời sự nhưng cũng rất gần gũi với các em học sinh. Từ bài thi, người lớn đã định hướng lại cho giới trẻ về lối sống”.
Câu 4 của đề thi môn văn (chiếm 5/10 điểm) cũng tạo được sự chú ý của nhiều thí sinh vì “thuộc dạng đề mở hết cỡ. Khi cầm đề thi, câu đầu tiên em đọc là câu 4 vì đây là câu nặng ký nhất trong đề thi. Có lẽ không phải em mà các học sinh ai cũng thích đề mở dạng như thế này” - Phương Nam, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, tâm sự.
Hôm nay học sinh sẽ thi môn toán vào buổi sáng. Học sinh dự thi vào các lớp chuyên sẽ thi môn chuyên vào buổi chiều. Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật bài giải sau các buổi thi tại địa chỉ: tuoitre.vn.
HOÀNG HƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét