22/06/2013 11:41 (GMT + 7)
TT - Đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM ngày 21-6 đã gây xôn xao dư luận, làm nức lòng thí sinh bởi lần đầu tiên trong đề văn có cả một... hình biếm họa cùng câu chuyện hiện đại, thời sự về ngôn ngữ chat.
TIN BÀI LIÊN QUAN
>> TPHCM: Đề văn lớp 10 có bị lộ?
>> Bài giải đề thi môn Văn vào lớp 10 TP.HCM
>> Đề văn tuyển sinh lớp 10 hấp dẫn
>> Bài giải đề thi môn Văn vào lớp 10 TP.HCM
>> Đề văn tuyển sinh lớp 10 hấp dẫn
Không những thế, câu hỏi về nghị luận xã hội cũng được đánh giá là “đầy chất nhân văn, có tác động tốt đến học sinh, nhất là học sinh ở thành phố” (trích lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Cải, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung).
Vài năm trở lại đây, dư luận bắt đầu quan tâm chờ đợi và kỳ vọng nhiều hơn ở đề thi môn văn của những kỳ thi cấp thành phố, cấp quốc gia. Bởi không dừng lại ở kiến thức sách vở, những đề thi văn bắt đầu phản ánh chân thực và đầy đủ hơi thở cuộc sống cùng những thông điệp nhân văn đến lớp người trẻ...
Bất ngờ với tính thời sự
Đề văn đã loại bỏ cách học văn mẫu
Theo cô Trần Thị Tuyết Hạnh - tổ trưởng tổ văn Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, đề văn lớp 10 ở TP.HCM năm nay thể hiện rõ sự đổi mới ngay từ những câu lý thuyết (câu 1 và 2). Cái hay của đề còn thể hiện rất rõ ở câu 3 và 4.
Nhìn chung, với cách ra đề như năm nay, dụng ý của người ra đề là muốn loại bỏ cách dạy và học theo văn mẫu. Thay vào đó, học sinh phải biết suy nghĩ độc lập, học phải hiểu và biết vận dụng kiến thức (không chỉ học trong sách giáo khoa, học từ thầy cô mà phải đọc thêm sách, báo) vào bài làm của mình.
Tuy nhiên, dư luận cũng đang chờ đợi một đáp án “mở hết cỡ” để đề văn như trên thật sự làm thay đổi - một sự thay đổi tích cực quá trình dạy và học trong trường phổ thông.
|
Nguyễn Ngọc Doanh Doanh, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, bày tỏ: “Cảm giác đầu tiên của em khi đọc câu số 3 là cảm thấy rất thương và tội nghiệp các bạn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trong bài thi, em đã viết về sự khâm phục của mình với ý chí, nghị lực, với sự đam mê học tập của các bạn ấy. Vì đây là đề mở nên em cũng có nhắc đến sự hi sinh của những người mẹ nghèo, tất cả cho con em mình được ăn học thành tài. Em thích những đề văn thuộc dạng mở như thế này. Nó mang lại cho em nhiều cảm xúc và em được viết, được làm bài một cách thoải mái chứ không bị gò bó như những đề văn khác. Từ câu chuyện của các bạn ở Quảng Ngãi, em đã rút ra bài học cho riêng mình, đó là trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng vươn lên, cố gắng đi học và học thật tốt cho ba mẹ vui lòng. Ngoài ra, em tự thấy mình may mắn hơn các bạn ấy rất nhiều, em không được phép tiêu xài phung phí mà phải tiết kiệm, ít nhất tiết kiệm để tự mua đồ dùng học tập cho mình”.
Một giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 (đề nghị không nêu tên) cho rằng vài năm gần đây, đề thi môn ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phản ánh những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Thí sinh ngoài việc phải có kiến thức văn học, có kỹ năng làm bài, các em phải biết quan sát, tìm hiểu, nhận định về nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề khác xung quanh mình. Đề thi môn văn tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay rất hay và có tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh. Nhất là câu hỏi về nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh phải biết quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh khác, phải nhận ra được rằng dù có khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng học và không được từ bỏ ước mơ. Câu hỏi đó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn khi trong bối cảnh ở TP.HCM hiện nay, đa số học sinh được ba mẹ cưng chiều, các em sống trong đủ đầy, no ấm và ít biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh khác.
Trước đó, đề kiểm tra học kỳ II môn văn năm học 2009-2010 của Sở GD-ĐT TP.HCM với yêu cầu trình bày suy nghĩ về “kẻ mạnh” trong đoạn trích “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” (Đời thừa - Nam Cao) được dư luận đánh giá cao về tính thời sự.
Nhiều giáo viên chấm bài bất ngờ khi nhiều bài làm thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nổi cộm và cũng rất gần gũi là bạo lực học đường (thời điểm ấy dư luận đang xôn xao, bất bình vì hàng loạt clip học sinh đánh nhau được liên tục đăng tải trên mạng, nhiều học sinh lớp 12 tại TP.HCM đã có dịp bày tỏ quan điểm của mình, rằng vì sao một bộ phận người trẻ hiện nay thích thể hiện sức mạnh không phải qua điểm số, tài năng mà qua những trận đánh nhau kinh hoàng).
Liên tiếp những đề văn gắn liền tính thời sự đã thỏa mãn sự kỳ vọng của xã hội khi một bộ phận giới trẻ đang suy nghĩ lệch lạc, sống thiếu lý tưởng, a dua, đua đòi, vô cảm... Chính vì vậy một đề thi hay, gần gũi, thời sự sẽ nhắc nhở người trẻ về lối sống, lối nghĩ, sẽ như một cơn mưa rào tắm mát những khô cằn trong tâm thức, đánh động những xúc cảm tưởng chừng như ngủ quên đâu đó.
Không ngạc nhiên khi những đề văn chạm đến những vấn đề thời sự của giới trẻ như thảm họa mê muội thần tượng (đề thi văn khối D kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012), cố gắng trở thành người nổi tiếng (đề thi văn khối D kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011), thói dối trá (đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012) và gần đây nhất tấm gương cậu học trò quên mình cứu người đã được đưa vào đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét