Các thí sinh hoàn thành môn thi văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
(TNO) Cấu trúc đề thi năm nay giống như đề thi năm 2012, gồm 4 câu: một câu giáo khoa về văn học, một câu ngữ pháp, một câu nghị luận xã hội và một câu nghị luận văn học.
>> Gợi ý giải đề thi môn văn
>> Gương vượt khó đăng trên Báo Thanh Niên vào đề văn lớp 10
>> Thông tin về gương dũng cảm đăng trên Thanh Niên Online vào đề văn tốt nghiệp
>> Gương vượt khó đăng trên Báo Thanh Niên vào đề văn lớp 10
>> Thông tin về gương dũng cảm đăng trên Thanh Niên Online vào đề văn tốt nghiệp
* Câu 1 là câu hỏi về giáo khoa văn học. Câu này nói về tác phẩm văn học của Nguyễn Quang Sáng: Chiếc lược ngà nói về tình phụ tử có nhiều éo le trong hoàn cảnh chiến tranh. Khao khát được nghe con gọi ba ở nơi ông Sáu và tiếng kêu ba xé lòng của bé Thu là những chi tiết gây xúc động đối với người đọc. Do đó tuy phần trích dẫn có mới mẻ đối với thí sinh (bài phê bình của thầy Chu Văn Sơn về tác phẩm Chiếc lược ngà mà có thể rất nhiều thí sinh chưa được biết tới), thí sinh vẫn có đủ căn cứ để trả lời tốt câu hỏi, nếu thật sự có tiếp nhận một cách nghiêm túc tác phẩm này.
* Câu 2 là câu hỏi về ngữ pháp. Câu này có tính chất thời sự và rất gần gũi với cách sử dụng ngôn ngữ hằng ngày quen thuộc của học sinh hiện nay. Câu hỏi chẳng những có tính chất kiểm tra tri thức của học sinh về ngữ pháp mà còn có tính chất giáo dục. Nó nhắc nhở các em cần có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sự kính trọng đối với người lớn biểu hiện qua việc sử dụng ngôn ngữ. Bởi vì hiện nay các em sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen một cách vô tội vạ trong nhiều trường hợp. Câu này cũng gián tiếp khẳng định rằng đa số không đồng tình với ý kiến rằng người lớn cần phải học ngôn ngữ của tuổi teen.
* Câu 3 là câu nghị luận xã hội. Về cơ bản, yêu cầu của câu 3 này phù hợp với quy định của cấu trúc đề. Về ý nghĩa đây là một câu hỏi rất hay, thiết thực, gần gũi với cuộc sống. Bên cạnh những học sinh được chăm lo đầy đủ còn có những học sinh phải nỗ lực đến tận cùng để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước được đến trường. Những giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp đã tạo những xúc động sâu sắc đối với người đọc, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh những ước mơ bình thường mà đau đớn đó là tấm lòng của những người mẹ dành cho con. Họ sẵn sàng chịu đựng khổ sở đến cùng cực để con được cắp sách đến trường. Câu chuyện đã giúp học sinh có dịp nhìn lại bản thân mình. Đã thờ ơ trước công ơn ba mẹ đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện để được đến trường. Câu chuyện mãi mãi là một ấn tượng sâu sắc đối với người đọc và chắc chắn gợi nhiều suy nghĩ. Cho nên đây là câu hỏi vừa có tính giáo dục, tính nhân văn, tính thẩm mỹ vừa phù hợp với một câu hỏi tuyển sinh.
Tuy nhiên, vấn đề được nêu trong đề thi năm nay tương đối phức tạp. Thông tin đăng trên báo Thanh Niên được dẫn trong đề bài có thể mang lại những nhận thức khác nhau về nội dung ý nghĩa: cuộc sống lam lũ nghèo khổ của những học sinh nghèo ở Phổ Châu; khát khao và mơ ước được học tập một cách bình thường; mong ước của cha mẹ về việc học tập của con cái; nỗi khổ cực của cha mẹ; tấm lòng yêu thương của cha mẹ đối với con cái…
- Từ đó, có thể hình dung thí sinh có thể sẽ triển khai bài viết của mình một cách rất khác nhau. Đáp án cụ thể sẽ thế nào trước tình hình trên? Đây là một đề mở, nhưng liệu đáp án có mở không?
- Thiết nghĩ để định hướng giúp học sinh, đề cần có một gợi ý giống như gợi ý “hành động dũng cảm cứu người” của Nguyễn Văn Nam trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
* Câu 4 là câu nghị luận văn học. Đây cũng là một câu hỏi rất mới so với các năm vừa qua. Nó phảng phất dạng đề thi so sánh trong các đề thi đại học trong 5 năm vừa qua. Câu hỏi đòi hỏi học sinh phải có năng lực khái quát để từ đó biết phân tích, tổng hợp, so sánh khi làm bài (vấn đề 1: tình cảm của con người Việt Nam đối với đất nước). Riêng với vấn đề 2 (vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ), ngoài năng lực nói trên, thí sinh phải có kỹ năng nhận biết biện pháp tu từ ẩn dụ trong hai đoạn thơ đã cho, phải có khả năng cảm thụ văn học về ý nghĩa những hình ảnh ẩn dụ nói trên. Chắc chắn đa số học sinh sẽ chọn vấn đề 1 vì vấn đề 2 khó hơn.
Câu hỏi phù hợp với nội dung chương trình, thuộc những bài thơ trọng tâm nhưng có tính phân loại cao và đặc biệt phù hợp với dạng câu hỏi dùng để tuyển sinh.
Nhìn chung, cấu trúc đề thi quen thuộc, nội dung được kiểm tra gắn với những kiến thức cơ bản của chương trình lớp 9, có tính thời sự, có tính giáo dục, có tính thẩm mỹ. Độ khó của đề tương đối cao, có tính phân loại học sinh và phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Nguyễn Hữu Dương(TT Luyện thi đại học Vĩnh Viễn - TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét