Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn của TP.HCM với một câu hỏi là vấn đề của giới trẻ thành thị và một câu lấy cảm hứng từ bài báo về sự vượt khó của học sinh miền biển đăng trên Thanh Niên.
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Gần gũi với giới trẻ
Nhiều thí sinh cho rằng đề hay và mang tính thời sự, đặc biệt ở câu 2 đặt vấn đề về “ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen” và câu 3 nêu lên hoàn cảnh trẻ em nghèo vùng biển vượt khó trong mùa hè mà Báo Thanh Niên đã đăng ngày 18.6 vừa qua.
Vũ Tuấn Quang (Trường THCS Lê Lợi, Q.3) thừa nhận: “Câu hỏi số 2 đánh trúng tâm lý của phần lớn bạn trẻ, nhất là những người đang ở lứa tuổi như em. Đọc câu hỏi, em đã giật mình. Vì trước đây, bạn bè và cả em đa phần đều dùng ngôn ngữ teen để nhắn tin, viết thư, chat...”. Huy cho biết: “Làm bài xong, em tự nhủ mình cần phải có trách nhiệm, hạn chế và dần không dùng loại ngôn ngữ này nữa”. Với câu hỏi về nghị luận xã hội, Vũ Minh Tài, thí sinh thi tại hội đồng THCS Colette, Q.3, nhận định: “Đọc đoạn văn, em rất cảm động về ý chí vượt khó của các bạn. So với học sinh thành thị, các bạn thiệt thòi hơn rất nhiều, nhưng vẫn quyết vươn lên. Em ấn tượng nhất câu nói của những người mẹ nghèo”.
|
Một ý nghĩa đẹp về khát vọng
Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi), nhận định: “Lâu lắm rồi mới thấy một đề văn vừa sinh động về hình thức, chất lượng về nội dung, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh như vậy”.
Theo ông Nguyễn Hữu Dương, giáo viên Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, câu hỏi số 2 dù hỏi về ngữ pháp nhưng lại rất thời sự và gần gũi với cách sử dụng ngôn ngữ hằng ngày quen thuộc của học sinh hiện nay. Câu hỏi chẳng những có tính chất kiểm tra tri thức của học sinh về ngữ pháp mà còn có tính chất giáo dục. Nó nhắc nhở học trò cần có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, kính trọng người lớn biểu hiện qua việc sử dụng ngôn ngữ. Cùng suy nghĩ, ông Đỗ Thiện Thanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải (Q.Tân Phú), đánh giá: “Câu 2 không chỉ chạm vào vấn đề thực tế giao tiếp của học sinh mà còn là thực tế chung của xã hội. Yêu cầu đề bài không đi vào lối mòn kiến thức, tránh học sinh học vẹt, học tủ mà phải hoàn toàn vận dụng tư duy”.
Về câu hỏi nghị luận xã hội, ông Dương nhận định: “Đây là một câu hỏi rất hay, thiết thực, gần gũi với cuộc sống. Câu chuyện giúp học sinh có dịp nhìn lại bản thân, gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc và chắc chắn gợi nhiều suy nghĩ. Cho nên đây là câu hỏi vừa có tính giáo dục, nhân văn, thẩm mỹ, vừa phù hợp với một câu hỏi tuyển sinh”. Bà Đinh Thị Ngọc Nhung, tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cũng khẳng định: “Đề thi năm nay khá hay, đặc biệt là câu hỏi về nghị luận xã hội. Dữ liệu và yêu cầu câu hỏi vừa mang tính thời sự, vừa gắn liền với nhịp sống đời thường. Từ đó học sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về ước mơ, khát vọng, nghị lực vươn lên trong cuộc sống”. Ông Đỗ Thiện Thanh cho rằng: “Câu 3 mang lại một ý nghĩa đẹp về khát vọng. Người ra đề đã thực sự thành công khi sử dụng đoạn trích trong bài báo Ôm ước mơ đi về phía biển. Đó là dữ liệu vừa giàu cảm xúc văn chương, vừa mang đậm tính nhân văn, gắn vào đó là truyền thống ham học của người dân Việt Nam. Đây là cơ hội để học sinh có dịp thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình mà không hề bị gò bó theo văn mẫu”.
Nhọc nhằn nuôi ước mơ đến trường
Ở làng chài bãi ngang (xã Phổ Châu, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) chiều nào tôi cũng chứng kiến nhiều đứa trẻ lặn ngụp dưới chân gành mong tìm mớ ốc, mớ cua…, bán đi để có tiền mua cái cặp, sách giáo khoa, tấm áo chuẩn bị cho năm học mới.
Với phần lớn trẻ con thành thị, những điều này không thể gọi là ước mơ vì chúng quá dễ dàng. Trong khi đó, đối với những đứa trẻ nghèo ở vùng biển này, những thứ ấy lại xa xôi hơn cả một giấc mơ. Và chúng phải đổ mồ hôi nơi cheo leo cuối bãi, đầu ghềnh mới mong có được.
Chứng kiến hoàn cảnh của những đứa trẻ vùng biển này, tôi đã viết bài Ôm ước mơ đi về phía biển đăng trên Báo Thanh Niên ngày 18.6. Thật xúc động khi biết tin các đồng nghiệp ở TP.HCM đã đưa bài này vào đề thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 trong ngày 21.6.
Chiều cùng ngày, tôi lại lò dò đi về phía biển với một mong ước nhìn thấy mấy đứa trẻ bắt được nhiều cua, nhiều nhum hơn. Bọn trẻ vẫn thế: ồn ào, hồn nhiên. Chúng “ùm” xuống, ngoi lên, rồi lại “ùm” xuống, ngoi lên… Những cái bóng bé xíu cõng chút “ước mơ” chạy lên quán “đặc sản biển”, bất kể doi cát bỏng rát nắng hè. Những bàn chân non nớt tất tả chạy đi, chạy về với bàn tay khư khư nắm chặt. Trong cái nắm tay nhỏ như chiếc lá ấy là “mong manh” những tờ giấy bạc, chắc cũng lèo tèo, bèo bọt như vóc dáng của chúng.
Trần Cao Duyên
(Giáo viên ở Quảng Ngãi) |
B.Thanh - M.Luân
>> Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Nhận xét đề thi môn ngữ văn
>> Gần 9.500 học sinh Đà Nẵng bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10
>> Gương vượt khó đăng trên Báo Thanh Niên vào đề văn lớp 10
>> Hơn 40.000 học sinh TP.HCM dự thi tuyển sinh lớp 10
>> Đề thi lớp 10 có 20% dành cho học sinh khá giỏi
>> Nick Vujicic vào đề thi lớp 10 chuyên Ngữ văn Hà Nội
>> Gần 9.500 học sinh Đà Nẵng bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10
>> Gương vượt khó đăng trên Báo Thanh Niên vào đề văn lớp 10
>> Hơn 40.000 học sinh TP.HCM dự thi tuyển sinh lớp 10
>> Đề thi lớp 10 có 20% dành cho học sinh khá giỏi
>> Nick Vujicic vào đề thi lớp 10 chuyên Ngữ văn Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét