Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013:
(TNO) Sáng nay 2.6, thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012 - 2013 với môn thi đầu tiên là Ngữ văn.
>> Thông tin về gương dũng cảm đăng trên Thanh Niên Online vào đề văn tốt nghiệp
>> Thi tốt nghiệp THPT: Cách làm bài thi khôn ngoan >> Để làm bài thi tốt nghiệp THPT không phạm quy >> Ấn định ngày công bố môn thi tốt nghiệp THPT >> Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi sẽ không dài và không khó >> Đón đọc gợi ý giải đề thi và đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT >> Thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM: Lập hội đồng thi đặc biệt cho 9 thí sinh
Môn thi : NGỮ VĂN - Giáo dục THPT
Thời gian làm bài : 150 phút, không kể thời gian phát đề
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
I. PHẦN CHUNG CHO CÁC THÍ SINH: (5.0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì?
Câu 2.(3.0 điểm)
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:
Chiều ngày 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nươc dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.
(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6-5-2013)
II. PHẦN RIÊNG - PHẦN TỰ CHỌN: (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5.0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam – 2012).
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5.0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:
Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm Đất Nước là nơi ta hò hẹn Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi” Thời gian đằng đẵng Không gian mênh mông Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ Đất là nơi Chim về Nước là nơi Rồng ở Lạc Long Quân và Au Cơ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam - 2012, tr. 115 - 116 - 117)
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1:
- Thái độ của bà mẹ khi thấy vòng hoa trên mộ con mình: ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có vòng hoa như thế.
- Hình ảnh vòng hoa có ý nghĩa:
+ Phản ánh niềm tin trong lòng người mẹ vì có người hiểu, trân trọng và tiếp bước con đường của con mình.
+ Thể hiện mơ ước và hy vọng về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa quần chúng với người làm cách mạng để quần chúng ủng hộ người cách mạng và người cách mạng gắn bó với quần chúng.
Câu 2.(3.0 điểm)
Thí sinh phải đáp ứng yêu cầu căn bản của đề bài : viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam.
Thí sinh có thể trình bày nội dung theo những cách thức khác nhau. Sau đây là một số gợi ý cần có :
• Giới thiệu câu chuyện cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam được đăng tải trên Thanh Niên Online ngày 06/05/2013 và khẳng định câu chuyện đó gợi lên nhiều suy nghĩ.
• Những phẩm chất cao quý của con người là lòng nhân ái, đức hy sinh, sự dũng cảm… Câu chuyện về việc cứu người chết đuối của Nguyễn Văn Nam là một minh chứng hùng hồn cho những đức tính cao đẹp ấy của con người, nhất là đức tính dũng cảm. Nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, Nam liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước Nam đã nhảy xuống lần lượt cứu được cả năm người nhưng riêng Nam thì kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.
• Hành động dũng cảm cứu người của Nam cho thấy em chẳng những em là một người dũng cảm đến mức xả thân mà còn là một người có tấm lòng nhân ái, không ngại hy sinh để cứu người. Đó là một hành động rất cao quý, đáng khen, đáng ngưỡng mộ. Nó chẳng những biểu hiện phẩm chất cao đẹp của bản thân em mà còn nói lên phẩm chất đẹp đẽ của thế hệ trẻ Việt Nam, của con người Việt Nam. Hành động ấy là kết quả của công phu giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Nó còn là một tấm gương cho nhiều người để họ tự soi lại mình trong cuộc sống.
• Từ hành động dũng cảm của Nam, ta có thể có nhiều suy nghĩ về sự dũng cảm, lòng nhân ái, hy sinh.
• Lòng nhân ái, sự dũng cảm, hy sinh thân mình vì đồng loại là một truyền thống của người Việt Nam và một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Nó đã kết tinh và biểu hiện qua hình ảnh những danh nhân, những anh hùng và cả những con người bình dị của đất nước Việt Nam. Nó là một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, hun đúc nên tâm hồn con người Việt Nam “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”.
• Câu chuyện của Nam đã giúp chúng ta cảm thấy yêu đời hơn, yêu người hơn và thấy cuộc đời đẹp hơn vì vẫn còn đó những con người tốt đẹp trong hoàn cảnh khó khăn và bất trắc đã không tiếc mạng sống của mình để hy sinh cứu người. Câu chuyện tạo trong chúng ta niềm tin rằng con người hôm nay dù sống trong nhịp độ hối hả, khẩn trương nhưng không phải là vô cảm trước tai nạn, hiểm nguy và nỗi đau của đồng loại. Hành động của Nam là một tấm gương sáng và đẹp để cho lứa tuổi học sinh noi theo.
• Tuy nhiên, trong cuộc sống, cũng có những trường hợp do nhiều lý do, người ta đã trở nên ích kỷ, hèn nhát và dửng dưng trước những khó khăn, đau khổ của người khác. Cho nên so sánh với hành động của Nam, dù với bất cứ lý do gì những biểu hiện ích kỷ, hèn nhát, dửng dưng đều đáng lên án.
• Cuộc đời phức tạp. Có những kẻ lợi dụng lòng nhân ái, sự hy sinh của người khác để trục lợi. Do đó, nhân ái, hy sinh, dũng cảm nhưng chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt, cân nhắc và suy nghĩ khi hành động để không phải hy sinh vô lý và vô nghĩa.
Câu chuyện cứu người của Nguyễn Văn Nam là một tấm gương sáng, một hình ảnh đẹp, một cảnh thương tâm cao cả đã gây xúc động và sẽ còn tiếp tục gây xúc động cho mọi người.
Câu 3a.
1. Nội dung: Các em có thể làm bài bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản nhất sau đây:
- Khái quát về nhân vật Mị:
+ Trẻ, đẹp
+ Có tài thổi lá giỏi như thổi sáo
+ Nhưng do chữ hiếu sống trong thân phận cô dâu trừ nợ.
- Dù bị đày đoạ đến mất cả nhân hình, nhân tính nhưng Mị vẫn khao khát sống qua diễn biến tâm lí – hành động trong đêm xuân tình.
+ Khi đào sâu hiện thực, nhà văn phát hiện con đường tất yếu đưa số phận đến ánh sáng qua khát vọng sống xuất phát từ ngòi bút tạo diễn biến tâm lí và hành động trong đêm xuân tình rất đặc sắc của tác giả.
+ Cảnh tượng đêm xuân ở làng Mèo được miêu tả với những nét đặc trưng của vùng cao vẫn chưa tác động đến tâm hồn của Mị.
+ Cho đến lúc, tiếng sáo xuất hiện tác động trực tiếp đến tâm hồn khao khát sống và lòng yêu đời của Mị để “cô dâu trừ nợ” uống rượu (phân tích cách uống “ừng ực từng bát lớn” làm con người say trong trạng thái tỉnh, nhắc nhở bản thân nén cơn giận bởi vì còn sống trên mảnh đất của cái ác).
+ Dấu hiệu đầu tiên của tâm hồn khao khát sống là nhớ quá khứ hạnh phúc dẫn đến hành động thắp sáng đèn lên rồi vấn tóc, mặc váy hoa thực hiện hành động “đi chơi” (phân tích khát vọng: “Mị muốn đi chơi – Mị sắp đi chơi”)
+ Kết quả: khi sự sống trở về, dù bị A Sử trói đứng, Mị vẫn theo tiếng sáo để “đi chơi” trong đêm xuân tình ngoài kia mang ý nghĩa về sự hồi sinh của nhân vật. (phân tích hình ảnh Mị bị A Sử trói đứng: thắt lưng – thúng sợi đay – tóc quấn lên cột nhà)
2. Nghệ thuật:
- Xây dựng nhân vật sinh động, đa dạng, đậm cá tính: ngoại hình, thân phận, diễn biến tâm lí.
- Cảnh sắc thiên nhiên
- Cách trần thuật tự nhiên, ngôn ngữ đậm màu sắc miền núi.
- Sử dụng chi tiết “đắt” về hình ảnh Mị bị trói đứng vừa tạo hình, vừa gợi cảm.
Câu 3b.
I. GIỚI THIỆU
- Đất Nước là nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác văn học, đặc biệt là trong thơ ca hiện đại. Một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời kì chống Mĩ là Nguyễn Khoa Điềm. Ông đã thể hiện những cảm nhận và suy nghĩ của mình về Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng.
13 dòng thơ là hiện thực đời thường thật cụ thể, gần gũi, gắn bó với mỗi người của chúng ta.
II. NỘI DUNG (Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau đây)
Nguyễn Khoa Điềm đã nêu những định nghĩa đa dạng, phong phú về Đất Nước, từ chiều sâu của văn hóa dân tộc, xuyên suốt chiều dài của thời gian lịch sử đến chiều rộng của không gian Đất Nước.
1. ĐẤT NƯỚC GẮN LIỀN VỚI NHỮNG KỶ NIỆM THÂN THƯƠNG.
Đất là nơi anh đến trường, Nước là nơi em tắm,
2. ĐẤT NƯỚC LÀ NƠI KHẮC GHI NHỮNG KỈ NIỆM RIÊNG TƯ THƠ MỘNG TUYỆT VỜI:
Đất Nước là nơi ta hò hẹn. Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.
3. ĐẤT NƯỚC CÒN LÀ GIANG SƠN YÊU QUÝ QUA LÀN ĐIỆU DÂN CA TRỮ TÌNH:
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc", Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi".
4. ĐẤT NƯỚC LÀ CỘI NGUỒN CỦA DÂN TỘC – MỘT DÂN TỘC CAO QUÝ
Cùng với thời gian đằng đẵng, hình ảnh đất nước còn trải rộng trong không gian mênh mông, nơi phát sinh và phát triển của cộng đồng dân Việt từ thuở sơ khai qua truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên:
Đất là nơi Chim về... Nước là nơi Rồng ở Lạc Long Quân và Âu Cơ, Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.
5. NHẬN ĐỊNH CHUNG
- Hình ảnh đất nước trong đoạn thơ muôn màu muôn vẻ, sinh động lạ thường, lắng đọng trong tâm tưởng qua những liên tưởng kì thú.
- Ý nghĩa về đất nước được nhà thơ diễn đạt qua chiều dài của thời gian - đất nước đã có từ lâu đời - và qua chiều rộng của không gian - đất nước là cội nguồn của dân tộc.
III. KẾT LUẬN
Nhà thơ cũng vận dụng rộng rãi các chất liệu văn hóa dân gian, từ ca dao, dân ca đến các truyền thuyết lịch sử, từ phong tục, tập quán đến sinh hoạt, lao động của dân tộc ta qua những hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật đậm đà tính dân tộc và giàu chất trí tuệ.
Lý Tú Anh, Hồ Kỳ Thuận, Nguyễn Hữu Dương(Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn)
|
Gợi ý đề Văn THPT 2013
Từ liên quan:
2012-2013,
3.Tốt nghiệp THPT,
Dũng cảm,
Đất là...,
Đất Nước-NKĐ,
Mỵ,
Thuốc,
Vòng hoa trên mộ Hạ Du,
Vợ chồng A Phủ,
Xả thân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Theo nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nếu thí sinh bày tỏ khâm phục hành động dũng cảm quên mình cứu người của Nam, song không thể học tập vì không biết bơi, hay nghĩ đến bố mẹ... thì vẫn nên cho điểm.
Trả lờiXóaKết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT công bố hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp các môn. Với câu hỏi bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam khi lao xuống dòng nước cứu sống 5 học sinh rồi bị dòng nước cuốn trôi khi kiệt sức. Bộ hướng dẫn giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa. Giáo viên không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chấm thi môn Văn và làm Chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT, thầy Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) nhận xét, với hướng dẫn chấm thi trên, nhiều giáo viên sẽ băn khoăn bởi không biết nên hiểu như thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. "Giá như Bộ đưa ra hướng dẫn chi tiết về vấn đề này thì người chấm sẽ dễ dàng hơn", thầy Đại nói.
Nhà giáo ưu tú này kể, sau khi thi có nhiều học sinh và phụ huynh đã gặp thầy để hỏi liệu có được điểm khi viết rất khâm phục và ca ngợi hành động của Nam, nhưng do không biết bơi nên không thể làm theo. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến trái chiều cũng được đưa ra xoay quanh hướng dẫn chấm thi ý cuối cùng "học theo tấm gương của Nguyễn Văn Nam".
Theo thầy Đại, với những tình huống này thí sinh vẫn được điểm nhưng không đạt điểm tối đa của câu hỏi đó. Ngoài ra, cần hiểu ý nghĩa của đề thi là hướng thí sinh đến việc học tập sự dũng cảm và tấm lòng nghĩa hiệp của Nam. Điều này thể hiện ở nhiều việc cụ thể trong cuộc sống chứ không phải rập khuôn, máy móc.
Thầy diễn giải, trong cuộc kháng chiến của dân tộc cũng chỉ có một Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, một Lê Văn Tám tự biến mình thành đuốc sống lao vào phá hủy một kho xăng của quân địch, một Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo... Thế nhưng, họ đã trở thành biểu tượng anh hùng cách mạng về sự kiên cường, bất khuất và anh dũng. Thanh niên Việt Nam thời ấy coi họ là tấm gương nhưng không học tập rập khuôn máy móc mà sục sôi khí thế cách mạng và lòng yêu nước bất khuất, không ngại gian khó. Nhờ đó mà đất nước đã đánh đuổi được mọi kẻ thù.
Thầy Đại dự đoán, khoảng 50% thí sinh sẽ có bài viết không đúng ý như hướng dẫn chấm thi. Trường hợp này cần gạn đục khơi trong, tìm ý cho điểm để tránh việc thí sinh mất trắng điểm câu này. Với những bài viết có ý kiến trái chiều, các giáo viên cần thảo luận với đồng nghiệp, tổ trưởng tổ chấm hoặc thanh tra để có kết luận đúng nhất. Bởi đề thi đã mở thì cách chấm cũng phải mở và linh hoạt.
"Vào những năm đầu tiên có đề thi mở, chúng tôi thường chấm thử để tập huấn cho giáo viên. Tôi cố ý chọn những bài viết có ý kiến khác với hướng dẫn để giáo viên chấm chung. Từ đó, họ sẽ vỡ ra rằng dù không có trong barem nhưng ý của học trò vẫn có thể cho điểm", thầy Đại chia sẻ.
Thầy Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thì cho rằng đề thi được ra với mục đích hướng học sinh đến những hành động tốt đẹp, vì mọi người. Nếu thí sinh viết hành động đó là tầm thường, dại dột thì suy nghĩ, đạo đức của thí sinh đó đang bị lệch lạc. Khi có những ý nghĩ trái với chuẩn mực đạo đức thì dù có lập luận chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là cách nghĩ ích kỷ, bảo thủ.
"Đề mở và cho phép thí sinh viết mở nhưng phải trong khuôn khổ và theo chuẩn mực chứ không thể thích viết gì thì viết", thầy Nhĩ nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề ra mở thì sẽ có hướng dẫn chấm mở. Thí sinh sẽ có nhiều ý kiến, nhưng dù quan điểm thế nào thì phải lập luận chặt chẽ, thuyết phục dựa trên những chuẩn mực về đạo đức.
Kiều Trinh