giaoduc.edu.vn Thứ Hai, 13 Tháng sáu 2011, 10:06 GMT+7
Thí sinh TP.HCM làm bài thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 2-6-2011. Ảnh:M.T |
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản về việc hướng dẫn bổ sung chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Tuy nhiên, công văn này ra sau khi các hội đồng chấm thi đã bước vào chấm bài thi. Vậy những bài đã chấm rồi, sẽ được xử lý như thế nào? Và theo hướng dẫn bổ sung này, thí sinh được lợi hay bị thiệt?
Chấm lại bài thi
Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM, ngày 11-6, ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Khảo thí (Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT) cho biết, đối với những bài đã chấm, các hội đồng thi sẽ tiến hành chấm lại để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Ông Kha cũng cho hay, các hội đồng thi cũng chỉ mới chấm thi được một ngày nên số lượng bài đã chấm không nhiều, do đó, các hội đồng chấm thi hoàn toàn có thể giải quyết.
Trước đó, bộ đã hướng dẫn, đối với câu 1 trong đề ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011, cho 1,0 điểm đối với ý thứ nhất - Những hình ảnh thường hiện lên là: màu hồng hồng của ánh sương mai (0,5 điểm); người đàn bà vùng biển (người đàn bà hàng chài) bước ra từ tấm ảnh (0,5 điểm); cho 1,0 điểm đối với ý thứ hai - Những hình ảnh đó nói lên: chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (0,5 điểm); hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5 điểm). Cũng trong câu 1, theo tinh thần đề mở và đáp án mở, để đảm bảo đúng nguyên tắc chấm thi, đồng thời khuyến khích những sáng tạo của thí sinh trong khi làm bài thi; trên cơ sở đề nghị bổ sung của Tổ ra đề thi môn ngữ văn của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011, bộ đề nghị các đơn vị chỉ đạo chủ tịch các hội đồng chấm thi yêu cầu Tổ chấm thi môn ngữ văn vận dụng hướng dẫn chấm thi để cho điểm đối với ý thứ hai câu 1 như sau: Nếu thí sinh không trả lời trực tiếp, cụ thể như trong đáp án mà nêu được ý tưởng nghệ thuật của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ sĩ với hiện thực, nghệ thuật với cuộc sống: có thể cho từ 0,5 điểm trở lên, với điều kiện tổng số điểm cho ý này không quá 1,0 điểm; nếu thí sinh phân tích kĩ và sâu sắc ý đã nêu: có thể cho tới tối đa 1,0 điểm, với điều kiện tổng số điểm cho ý này không quá 1,0 điểm.
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, điều chỉnh này dựa trên đề nghị bổ sung của Tổ ra đề thi môn ngữ văn của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Việc điều chỉnh nhằm phù hợp với tinh thần đề mở và đáp án mở, đảm bảo đúng nguyên tắc chấm thi, đồng thời khuyến khích những sáng tạo của thí sinh trong khi làm bài thi.
Ông Phạm Hữu Hoan, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, khi nhận được công văn khẩn của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn bổ sung chấm thi môn ngữ văn, lãnh đạo các hội đồng chấm thi đã phổ biến nội dung này tới các tổ trưởng và từng giáo viên chấm thi theo đúng tinh thần hướng dẫn của bộ. Việc chấm thi hiện mới đang ở vòng 1. Với những bài đã chấm, lãnh đạo sở đã yêu cầu các hội đồng chấm thi rà soát lại, nếu phát hiện trường hợp chấm chưa phù hợp với hướng dẫn của bộ thì sẽ điều chỉnh điểm ngay để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 11-6, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ GD-ĐT về việc bổ sung hướng dẫn chấm thi bổ sung môn văn tốt nghiệp THPT, sở đã triển khai ngay kế hoạch chấm thi đến các tổ chấm, giám khảo môn văn tại Hội đồng chấm thi TP.HCM. Những bài thi đã được chấm trước khi có công văn này đều được chấm lại và làm đúng theo hướng dẫn bổ sung của bộ”.
Bổ sung là hợp lý
Theo cô Vũ Thị Bình, giáo viên dạy môn ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, với cách điều chỉnh này, bộ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và cho cả người chấm, đồng thời vẫn giữ được đúng nội dung đáp án. “Phương án chấm ban đầu hơi cứng nhắc, chặt chẽ về mặt ngôn từ trong khi để chuyển tải cùng một nội dung đó, học sinh có rất nhiều cách sử dụng từ ngữ linh hoạt. Vì thế, sự thay đổi này là phù hợp với một đề văn mang tính mở, tính sáng tạo trong cách cảm nhận cá nhân của học sinh mà không hề bị sai về ý so với đáp án”, cô Bình nói.
Một giáo viên đang tham gia chấm thi ở Hội đồng chấm thi môn văn của Hà Nội cho biết hội đồng chấm bài của năm tỉnh khác. Có “gói” bài làm tốt, có “gói” thì làm cũng bình thường nhưng nói chung là các em làm được. Nếu theo đáp án cũ thì khó có em nào đạt được điểm theo từng chi tiết. Nếu theo hướng dẫn bổ sung thì các trò sẽ đỡ mất điểm. Đây là điều có lợi cho thí sinh mà cũng rất hợp lý với bài dạy của các thầy cô giáo.
Nhiều giáo viên đang chấm thi môn văn ở TP.HCM cho biết ngay buổi chấm đầu tiên họ đã thấy hướng dẫn của bộ là không ổn. Bởi lẽ ở trang 67 sách Ngữ văn lớp 12 tập 2 của giáo viên, bộ đã hướng dẫn giáo viên dạy cho học sinh sau khi học bài này là “Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người”. Họ cho rằng hướng dẫn chấm câu I đề thi môn văn là ép học sinh, gây thiệt cho học sinh. Nên khi Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn chấm mới, nội dung hướng dẫn mới này hợp lý hơn, phù hợp với suy nghĩ của giáo viên chấm thi. Nếu không kịp thời bổ sung chắc chắn quyền lợi thí sinh sẽ bị ảnh hưởng.
Chiều 11-6, bà Trần Thị Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, ngay từ đầu công tác chấm thi đã được triển khai đúng hướng dẫn của bộ, giáo viên đã được tập huấn kỹ về công tác chấm thi nên khi Bộ GD-ĐT hướng dẫn bổ sung thì giáo viên chấm thi cũng không phải bỡ ngỡ nhiều. Tiến độ chấm thi khá nhanh, kết quả chấm cho thí sinh tại TP.HCM rất khả quan, nhiều bài thi đạt điểm cao. Dự kiến đến 14-6 sẽ hoàn thành công tác chấm thi.
Còn theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang Lê Hoàng Tươi thì, trước khi có công văn bổ sung sở mới chỉ chấm được 15 bài/môn. Vì vậy số lượng bài môn thi văn chấm lại không nhiều. Công tác chấm thi được triển khai đúng yêu cầu của bộ. Trong số bài được chấm lại thì điểm không thay đổi nhiều.
Một số giáo viên dạy bộ môn văn ở Vĩnh Long cho biết: Ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL tổ chức “hội ý” các lãnh đạo chấm ở bộ môn văn để “thống nhất” đáp án cho khu vực này. Thầy M.V.H - giám khảo chấm môn văn chia sẻ, môn văn của học sinh đạt điểm trên trung bình khá cao, ngày đầu chấm chung 15 bài thì có 9 bài trên trung bình.
Một giáo viên ở An Giang cho biết: “Với đáp án này thì giám khảo chấm cũng nhẹ nhàng, còn học sinh sẽ có điểm cao nhưng cũng khó cho giám khảo khi thực hiện chấm bài, nhất là với những bài được thanh tra của bộ chấm lại”.
Nhóm PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét