Nhận định về đề thi TN THPT 2010-2011


Thí sinh thở phào với môn văn

 “Đề dễ thôi, cũng không cần viết dài lắm. Em làm xong bài còn 20 phút mới hết giờ, cũng viết hết hơn một tờ giấy thi”- Nguyễn Bích Ngọc (HS trường THPT Nguyễn Trãi) dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cười rất tươi khi nhận xét về đề thi văn sáng nay. Đối với một thí sinh chọn thi khối D như Bích Ngọc thì đề văn thực sự dễ chịu và không có gì bất ngờ: tác phẩm quen thuộc, yêu cầu của đề bài cũng không góc cạnh. 
    
Ngay cả đối với những thí sinh dự thi các khối khác mà môn văn không phải là sở trường cũng kết thúc buổi thi môn văn trong tâm trạng thoải mái. Các thí sinh ra khỏi hội đồng thi trường THPT Phan Đình Phùng rất tươi tỉnh, nhiều thí sinh ra trước khi thời gian làm bài còn 20-30 phút. Thí sinh Ngọc Anh (HS trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội), dự thi khối A, nhưng cũng đánh giá là “đề văn bình thường, đúng trong chương trình và nằm trong trọng tâm ôn tập của chúng em”. Ngọc Anh cho biết thêm các bạn cùng phòng thi đều làm hết bài.

Nhiều thí sinh dự thi ở hội đồng thi trường Chu Văn An cũng phấn khởi với đề thi văn và cho rằng sẽ lấy được nhiều điểm ở câu 1- chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ và câu 3 (phần tự chọn)- yêu cầu phân tích. Chỉ riêng câu 2 yêu cầu viết bài văn ngắn theo hướng mở là khiến các thí sinh hơi e dè. Mấy nam thí sinh cho biết “yêu cầu viết 400 chữ nhưng chúng em cố mãi cũng chỉ viết được khoảng hơn 300 chữ thôi”. Cũng theo các thí sinh, chủ đề được nhiều thí sinh chọn nhất chính là chuyện... chọn trường, chọn ngành dự thi ĐH.
Thí sinh trao đổi sau giờ thi xong môn Văn tại hội đồng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: Như Hùng

Trong khi đó tại TP.HCM, nhiều thí sinh (hệ phổ thông) cho biết rất bất ngờ với câu số 1 của đề thi. Thí sinh Hoàng Duy Khang, học sinh trường TPHT Đông Đô (Q.Bình Thạnh) ho biết: “Tụi mình cứ nghĩ đề thi môn văn năm nay sẽ ra giống mọi năm là câu 1 sẽ hỏi về văn học nước ngoài, ai ngờ…”. Nhiều thí sinh khác cũng cho biết  ôn rất kỹ phần tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài nhưng cuối cùng bị…trật tủ.  Các thí sinh còn nhận xét  đề thi hệ giáo dục phổ thông là hơi dài.

K. Linh, HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cho biết: “Theo em đề khá dài, phần tự chọn vẫn là những tác phẩm quen thuộc là Tây Tiếnvà Vợ nhặt nên hầu hết các bạn trong phòng thi của em đều viết sang tờ giấy thi thứ 2, 3. Riêng câu nghị luận xã hội thì hơi lạ nên phải mất nhiều thời gian để viết tốt câu này, tránh bị lạc đề. Câu 1 về chi tiết trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” đòi hỏi bạn nào phải đọc kỹ tác phẩm này mới trả lời được”.
Nhận định đề thi văn: Đổi mới 50%
Điều bất ngờ nhất đối với các thí sinh năm nay chính là câu 1 (2 điểm). Bởi vì hàng chục năm nay, câu này thường cho nội dung về văn học nước ngoài, nếu có ra về văn học Việt Nam thì cũng ra theo kiểu "nêu hoàn cảnh sáng tác, tác giả..." mà thôi.
Theo tôi, câu này rất hay và lạ, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ tác phẩm và phải tư duy. Câu hỏi ra theo hướng mở, lại hỏi về một chi tiết ở cuối truyện nên sẽ có nhiều học sinh khi học, ôn bài sẽ bỏ qua chi tiết này. Còn đối với những HS ôn bài theo văn mẫu, theo dạng học thuộc lòng thì cũng sẽ không làm được, bởi các bài văn mẫu phân tích tác phẩm không hề nhắc đến chi tiết ở cuối truyện. Mặc dù câu số 1 chỉ có 2 điểm nhưng sẽ giúp giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập: không học tủ, học thuộc lòng.
Câu số 2 (3 điểm) cũng khá hay: hỏi về mục đích sống của tuổi trẻ, rất phù hợp với hòan cảnh, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 12 đang phải lựa chọn hướng tương lai cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên, học sinh dễ viết lan man và dễ mất điểm nếu không xác định được ý chính của của câu hỏi.
Câu số 3 (5 điểm) là một câu bình thường, quen thuộc, vừa sức với học sinh. Nếu học sinh có học bài hay nói chính xác hơn là cứ học thuộc lòng là làm được.
Nhìn chung, đề thi này có câu 1 và 2 thuộc dạng đổi mới, còn câu 3 thì lại ra theo "lối mòn": mới chỉ đổi mới được 50% chứ chưa đổi mới hoàn toàn.
Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM
--------------
Tác phẩm quen thuộc nhưng câu hỏi hay
Mục đích của câu một là kiểm tra kiến thức, yêu cầu chung cho loại câu hỏi này là HS phải nắm được tác giả, tác phẩm. Tôi đánh giá với câu hỏi của đề thi năm nay là một câu hỏi hay, cách đặt câu hỏi không theo lối mòn quen thuộc như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tiểu sử tác giả... mà hướng vào hỏi chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Cách hỏi này vừa kiểm tra được kiến thức nhưng yêu cầu thí sinh phải nắm kiến thức một cách cụ thể, tức là vừa phải đọc, ghi nhớ, nắm được nội dung, vừa hiểu tác phẩm, có suy nghĩ... Tôi đánh giá câu này có nét đáng ghi nhận. HS sẽ hơi bất ngờ và muốn làm được bài phải nắm được chi tiết tác phẩm.
Câu hai là thể loại nghị luận xã hội. Thường các câu hỏi này hay hướng vào hai chủ đề: đạo lý hoặc hiện tượng xã hội. Câu hỏi của đề năm nay liên quan đến nhận thức của giới trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Tôi cho rằng đó là một chủ đề hay: Chủ đề này thời sự nhưng gần gũi với đối tượng, gần với sự quan tâm, băn khoăn của các em trong độ tuổi và thời điểm này. Có thể nói đây là một chủ đề “có thật” đối với đối tượng, vì vậy thí sinh sẽ dễ thể hiện suy nghĩ hơn là một chủ đề chung chung, các em phải bày tỏ những suy nghĩ gò ép và khuôn mẫu.
Đối với câu hỏi của phần tự chọn, cách ra đề cân xứng về kiến thức: một câu hỏi về thơi, một câu về văn xuôi. Như vật sẽ tăng khả năng lựa chọn của thí sinh, em nào thành thạo về phân tích thơ hay văn xuôi hơn sẽ chọn được câu hỏi phù hợp với mình.
Đánh giá chung của tôi là đề văn năm nay có cấu trúc tốt, tác phẩm quen thuộc, phạm vi kiến thức năm trong chương trình nhưng yêu cầu của đề thi hay. Với đề thi này vừa kiểm tra được kiến thức, kỹ năng cơ bản, bám sát chương trình nhưng vừa tạo cơ hội cho những HS có năng lực văn chương thể hiện.
Thầy Chu Văn Sơn- Khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội

2 nhận xét:

  1. Vậy là đề thi năm nay đúng như định hướng mà BGD đã công bố 50% là kiến tưức học hiểu và vận dụng kiến thức!

    Trả lờiXóa
  2. Hi vọng năm sau sẽ là 60% học hiểu cho HS đỡ phải tụng thuộc lòng trong môn Văn

    Trả lờiXóa