Nhận định về đề thi Văn THPT 2011

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/23779/mon-van-tot-nghiep-se-nhieu-diem-6-7.html
Đặng Minh Hương, học sinh Lớp 12A3, Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội: Đề thi không khó, với sức học bình thường, bọn em có thể đạt được tối thiểu 6 điểm. Câu nghị luận không khó quá nhưng đòi hỏi sự hiểu biết xã hội của học sinh. Đôi phần liên hệ em cũng cảm thấy khó khăn đôi chút. Các câu đều bám sát chương trình bọn em được học và ôn. Tuy vậy, trong câu tự luận như em nói, sẽ có nhiều bạn hiểu được ý câu hỏi nhưng lại không diễn giải được ý ra cho mọi người hiểu.

Ngô Thị Thanh Huyền, học sinh Lớp 12A3, Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội: Đề thi năm nay rất hay, nhất là câu nghị luận, em thích thú với đề này. Em không thích câu 3 vì được ôn lâu, chưa ôn lại nên có đôi chút lúng túng. Bản thân em làm ít nhất cũng được 6-7 điểm. Trong phòng các bạn đều làm xong trước 10 phút và nộp bài sớm hoặc cận với thời gian kết thúc môn Ngữ Văn. Em hi vọng ở các môn tiếp theo vẫn duy trì được “phong độ” như thế này.

Nguyễn Ngọc Khánh, HS lớp 12T9 Trường THPT Việt Đức cho rằng: “Đề thi năm nay không phải quá khó với học sinh, vì chúng em đã được các thầy cô giáo ôn rất kĩ. Riêng câu 2 điểm, quả thực là một bất ngờ trong đề thi năm nay. Tâm lí chung của chúng em trước khi thi đều cho rằng sẽ vào phần Văn học nước ngoài, nên đến khi đọc đề thi chúng em không khỏi hụt hẫng. Câu 2 điểm chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa mà nếu không để ý kĩ sẽ không làm được bài. Nhưng rồi chúng em dễ dàng vượt qua những hụt hẫng ban đầu và làm bài tốt”.

Nhiều thí sinh lệch "tủ"
Thí sinh tên Nguyễn Ngọc T. (THPH Lê Quý Đôn, TP.HCM) cho biết nhìn chung T. và một số bạn cùng lớp bị…lệch tủ đề văn.

“Với câu 1, chúng em nghe tin đồn sẽ rơi vào tác phẩm Ông già và biển cả và nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway nên cắm đầu học, thế mà đề lại ra về Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Với câu hỏi tự chọn, nhiều bạn đi ôn thi tại trung tâm được khoanh vùng đề sẽ rơi vào Rừng xà nu và Chiếc thuyền ngoài xa thì thực tế lại khác hẳn. Khi cầm đề em phải ngẩn ngơ mất 10 phút vì không nghĩ đề sẽ ra như thế. Trong phòng thi của em có nhiều bạn chán tới mức…ngủ gật!” – T nói.

Một thí sinh khác tên Trần Hữu Đ., ngụ tại quận 5, TP.HCM cho biết bạn cũng học tủ và nghĩ câu 5 điểm (câu tự chọn) sẽ rơi vào nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt, nhưng đề thi hôm nay cũng rơi vào tác phẩm Vợ nhặt nhưng lại là phân tích nhân vật Tràng.

Một số thí sinh khác cũng phản ánh mình ôn lệch tủ nhưng nội dung đề thi đều là kiến thức cơ bản nên không đến nỗi quá khó, và các em vẫn làm được chỉ có điều kết quả không hoàn hảo như dự tính.

Thầy Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội): "Học sinh yếu có thể đạt 5 điểm"

Đề thi tốt nghiệp môn Văn năm nay hay nhưng không quá khó. Với 3 câu trong đề thì câu 1 hay, câu 2 mới và câu 3 cơ bản nên học sinh có học lực yếu vẫn dễ dàng đạt điểm 5. Còn học sinh học lực trung bình sẽ nằm trong phổ điểm phổ biến từ 5,5 - 6 - 7 điểm.

Câu 1 của đề yêu cầu học sinh phải có năng lực cảm nhận văn học mới có thể làm hay. Với dạng đề này học sinh được tư duy thoải mái, rộng đường viết nhưng vẫn khẳng định được tư tưởng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Tuy nhiên, barem điểm câu này là 2 điểm là hơi ít mà phải 2,5 điểm mới hợp lý.

Câu 2 là văn nghị luận xã hội - đây là dạng đề mới và là bước tiến mới trong cách ra đề, không quá lệ thuộc vào sách vở. Với câu này khuyến khích được tư duy độc lập của học sinh. Đồng thời, đánh giá chính xác năng lực của từng học sinh. Barem điểm câu này nên giảm từ 3 xuống 2,5 điểm sẽ hợp lí hơn?

Còn câu 3 (5 điểm) - câu này giúp học sinh dễ "ăn điểm" vì kiến thức vận dụng làm bài chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm trung bình.

Cô Nguyễn Thị Thu Oanh - giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét: "Đề thi năm nay vừa tầm học sinh..."

Đề thi bám sát được vấn đề học sinh lớp 12 đang quan tâm. Đề cao vai trò cá nhân trong việc quyết định tương lai của mình. Thiết thực sát với nguyện vọng, nhận thức lứa tuổi của học sinh. Trong phần Lựa chọn: Bám sát kiến thức cơ bản của cả hai ban.

Đối với câu 1(2 điểm) thì hơi bất ngờ với thí sinh vì cấu trúc đề thường liên quan đến văn học nước ngoài. Đây thường là câu gỡ điểm, bao kiến thức của học sinh, kiểm tra khả năng ghi nhớ, vận dụng khả năng thông hiểu của học sinh. Theo tôi, câu này khó đối với học sinh trình độ phổ thông và phù hợp đối với thi đại học.

Giáo viên văn Lý Thị Tú Anh (TP.HCM): "Môn văn tốt nghiệp sẽ khó có điểm 10"

Nhìn chung đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm nay phù hợp với mọi trình độ học sinh từ bổ túc đến trung học phổ thông. Đề nằm trong chương trình và đòi hỏi kiến thức cơ bản.

Tuy nhiên, cách ra đề ở câu 1 (2 điểm) về truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu mới mẻ với HS bởi đây là kiểu vận dụng tư duy để giải mã chi tiết trong tác phẩm. Điều này bắt buộc học trò phải nắm và hiểu được văn bản. HS không thể học vẹt mà phải hiểu tác phẩm và ý nghĩa tác phẩm mới làm bài được. Đây cũng là câu khó nhất khiến cho HS có thể không đạt được điểm 10. Đây là lần đầu tiên có dạng đề này cho kỳ thi quốc gia.

Dạng đề trên đã được Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn giáo viên đưa vào giảng dạy và đã có kiểu đề này ở kỳ thi học kỳ năm trước. Tuy nhiên, những nơi nào chưa từng ra đề dạng này thì học sinh sẽ bị lúng túng.

Cách ra đề kiểu này buộc giáo viên phải đổi phương pháp dạy văn - cô Tú Anh nói.

Cần Thơ: Thí sinh hệ thường xuyên "nhăn mặt" với đề Văn

Đề thi tốt nghiệp môn Văn - Giáo dục thường xuyên

Câu 1. (2,0 điểm)

Tóm tắt tác phẩm Số phận con người của nhà văn M. Sô-lô-khốp.

Câu 2. (3,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thực trạng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay.

Câu 3. (5,0 điểm)

Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2009).

Tại Hội đồng thi Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ, các thí sinh túa ra cổng kháo nhau: “đề rất hay” hoặc “bể tủ”.

Em Nguyễn Trần Ngọc Phương, học sinh trường THPT Châu Văn Liêm nhận xét: “Câu số 2 rất hay. Học sinh nào cũng đang băn khoăn “chọn con đường tương lai cho mình” thì đề thi văn lại ra. Để diễn đạt tư tưởng của mình trong 400 từ kể ra không phải dễ.

Tại Hội đồng thi trường THCS Đoàn Thị Điểm, dành cho hệ GDTX. Rất nhiều thí sinh “nhăn mặt” với đề thi văn. Câu số 1, tóm tắt tác phẩm “Số phận con người” của nhà văn Sôlôkhốp hầu như không thí sinh nào làm được vì chưa … đọc. Nhưng câu số 2, viết một đoạn văn về đề tài tai nạn giao thông thì nhiều thí sinh cho là hay. Em Trần Ngọc Tuyết Mộng, học viên TTGDTX Ô Môn nói: “Đề khó đạt điểm tối đa, nhưng dễ đạt điểm trung bình, nếu học tốt chương trình lớp 12.”

1 nhận xét: