Củng cố kiến thức trước ngày thi

TT - Bước vào cao điểm ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần củng cố những kiến thức cần thiết và ghi nhớ những kỹ năng cơ bản khi làm bài.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) ôn bài môn văn trong buổi ôn thi cuối cùng chiều 26-5 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp  - Ảnh: Như Hùng
Một số giáo viên nhiều kinh nghiệm chia sẻ với các bạn học sinh những kiến thức và kỹ năng này.
* Cô Nguyễn Kim Anh
(giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Môn văn: lấy điểm ở những câu dễ
Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi văn thường có ba câu. Câu 1 yêu cầu tái hiện kiến thức. Trong nhiều năm qua, đây đều là câu kiểm tra khả năng ghi nhớ về lai lịch tác giả, hoàn cảnh sáng tác. Học sinh chỉ cần nhớ chính xác và viết ngắn gọn, đủ ý. Có năm, câu này được đổi mới cách hỏi hay hơn, nhưng những học sinh chỉ biết ghi nhớ máy móc, học vẹt đã bị lúng túng. Vì vậy các em cần bình tĩnh, đọc kỹ để hiểu yêu cầu của đề thi.
Câu 2 thuộc thể loại nghị luận xã hội. Cái dễ của câu này là học sinh không cần học thuộc lòng kiến thức trong sách giáo khoa, trong bài học ở lớp cũng có thể làm được, vì đây là câu hỏi mở. Tuy nhiên, học sinh phải nắm vững kỹ năng viết văn nghị luận xã hội. Thường đề thi sẽ đưa ra một nhận định, yêu cầu học sinh phải bình luận hoặc lý giải nhận định đó bằng sự hiểu biết của mình cùng những dẫn chứng thực tế sinh động mà các em biết.
Hơn 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT
Bộ GD-ĐT cho biết đến ngày 26-5, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 1.053.081 thí sinh dự thi. Trong đó có 918.282 thí sinh hệ giáo dục THPT, 134.799 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Con số này có thể sẽ thay đổi đến sát ngày thi lệ thuộc vào số thí sinh tự do được bổ sung.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết kỳ thi năm nay có 1.292 cụm thi với gần 44.500 phòng thi. Lực lượng cán bộ giáo viên tham gia coi thi là 132.303 người, 22.860 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. Kỳ thi năm nay vẫn duy trì phương thức thi theo cụm và chấm chéo giữa các sở GD-ĐT.
Hai câu trên có thể coi là các câu để “gỡ điểm” của học sinh. Phần khó nhất sẽ tập trung ở câu hỏi cảm thụ tác phẩm văn học. Trong chương trình có 15 tác phẩm văn học mà học sinh cần ghi nhớ, bao gồm chín tác phẩm văn xuôi, sáu tác phẩm thơ. Thường đề thi yêu cầu chọn một trong hai phần. Trong đó sẽ có một câu hỏi về tác phẩm thơ, một câu hỏi về tác phẩm văn xuôi. Nếu yêu thích và “thuận tay” ở thể loại nào, các em nên xác định trước.
Khi làm bài, các em cần lưu ý việc phân bổ thời gian hợp lý vì viết văn dễ bị sa đà. Nếu viết quá lan man, mất thời gian ở một câu hỏi, các em sẽ không còn thời gian làm câu khác. Nếu chật vật quá với một câu, các em sẽ bị mất hứng để làm những câu khác. Kinh nghiệm cho thấy các em nên làm trước những câu mình nắm chắc và có hứng thú.
* Thầy Nguyễn Xuân Quý
(giáo viên vật lý Trường THPT Việt Đức, Hà Nội):
Môn vật lý: nắm chắc kỹ năng trắc nghiệm
Môn vật lý thi theo hình thức trắc nghiệm nên học sinh khó chọn cách học tủ, đoán đề. Đến thời điểm này, hầu hết học sinh khá giỏi đều đã nắm vững kiến thức cơ bản. Với những học sinh còn lơ mơ, trong khoảng một tuần nữa, các em cần tập trung ôn thật chắc lý thuyết.
Theo kinh nghiệm từ nhiều năm, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có khoảng 40% số câu hỏi về lý thuyết. Nắm vững lý thuyết, các em cũng có thể giải quyết tốt những câu bài tập đơn giản. Như vậy, các em có thể đạt ít nhất 5-7 điểm.
Khi làm bài thi trắc nghiệm môn vật lý, các em nên đọc lướt một lượt, sau đó làm ngay những câu mà các em chắc chắn nhất, không cần làm theo thứ tự câu hỏi. Trong các câu trắc nghiệm sẽ có các câu mà các phương án trả lời ở dạng đối lập nhau, với các câu này dù không nắm chắc, khả năng có điểm là 50/50.
Ở một số câu, nếu không nắm vững kiến thức, học sinh phải biết kỹ năng loại trừ. Hoặc có một dạng câu hỏi khác mà chỉ cần lưu ý đến đơn vị được dẫn trong đó, học sinh cũng có thể hiểu câu nào sai, câu nào đúng mà không cần hiểu hết đáp án. Vì thế, ngoài việc ôn tập kiến thức, các em cần biết thêm những kỹ năng của trắc nghiệm để nâng số điểm bài thi.
* Thầy Phạm Văn Hoan (giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội):
Không nên máy móc
Đáp án chấm thi tốt nghiệp sẽ rất chi tiết, không bỏ sót những phần các em đã làm được. Vì vậy các em không nên máy móc làm theo bài, theo thứ tự mà phần nào nắm vững thì làm trước. Trong một bài có nhiều câu hỏi phụ, có câu chưa làm được thì bỏ cách dòng làm sau. Những câu hỏi đã chắc chắn, các em không cần nháp quá cẩn thận sẽ mất thời gian cho việc nghĩ các câu khác. Đối với các câu khó, nhiều em lực học không tốt sẽ dễ bị choáng, nhưng phần lớn các câu hỏi khó chỉ cần học sinh bình tĩnh, cố gắng tái tạo kiến thức, nhớ lại phương pháp làm bài mà thầy cô đã dạy là có thể tìm ra hướng đi.
Thầy Phạm Văn Hoan
Môn toán: chú ý kỹ năng tính toán
Đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu rơi vào kiến thức của chương trình - sách giáo khoa lớp 12. Một số mảng kiến thức có sự xuyên suốt từ lớp 10, lớp 11 bắt buộc học sinh phải nắm một cách có hệ thống. Nhưng không phải vì thế mà lo lắng mang lại sách lớp 10, 11 ra học vì mảng kiến thức có trong chương trình lớp 12 đã chạm đến kiến thức lớp dưới rồi. Chỉ cần bám sát sách giáo khoa toán lớp 12 là không lo bỏ sót kiến thức thi.
Trong tuần cuối cùng trước kỳ thi, tối kỵ việc học sinh lao theo các lớp luyện thi và ôm đồm quá nhiều loại sách tham khảo, luyện đề nâng cao... Với một tâm thế thoải mái nhất, các em hãy làm công việc là gạch đầu dòng tên các chủ đề, mảng việc (trong chương trình toán lớp 12), ghi vắn tắt hướng triển khai, phương pháp trình bày...). Nếu em nào không được thầy, cô giáo hướng dẫn thì có thể dựa vào mục lục trong sách giáo khoa toán lớp 12 để ghi lại các chủ đề, mảng việc như trên.
Đây là cách ghi nhớ lại kiến thức một cách hệ thống, cơ bản và vắn tắt nhất. Khi làm việc này, các em học sinh sẽ thấy phần nào mình đã nắm chắc, phần nào còn chưa chắc chắn. Nếu còn thời gian, các em có thể ôn bổ sung phần nắm chưa chắc. Như thế sẽ có hiệu quả hơn gặp đâu ôn đó.
Khi làm bài thi, một điều các em phải hết sức lưu ý là kỹ năng tính toán. Trong quá trình ôn tập cho các em, nhiều thầy cô giáo dạy toán đã nhận xét rất nhiều học sinh, trong đó có cả học sinh khá, mắc lỗi tính toán. Ví dụ khi giải bài toán khảo sát hàm số, nhiều em đã tính nhầm cực đại, cực tiểu. Cho dù hiểu câu hỏi và hướng triển khai nhưng nếu các em không thận trọng, nhầm lẫn trong tính toán thì cũng không được tính điểm. 
VĨNH HÀ ghi

Để "Thêm" điểm trong bài thi

TT - Các thầy cô giáo có kinh nghiệm dạy môn sinh vật, địa lý, tiếng Anh tiếp tục có những chia sẻ với thí sinh về kinh nghiệm khi làm bài thi, những điểm cần lưu ý khi kỳ thi đã kề cận.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1. TP.HCM ôn thi môn địa lý - Ảnh: Như Hùng
Cô Võ Thị Thu Hà (giáo viên môn địa lý Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Môn địa lý: lưu ý kỹ năng thực hành
Chỉ dùng bút chì vẽ đường tròn
Trong bài thi địa lý, duy nhất biểu đồ tròn được vẽ bằng compa và đây là biểu đồ duy nhất được sử dụng bút chì (để vẽ đường tròn). Tất cả các biểu đồ khác học sinh nhất thiết phải vẽ bút mực cùng màu với chữ viết trong bài thi. Nếu không nhớ việc này, các em sẽ bị trừ điểm. Sau khi vẽ biểu đồ phải điền số liệu lên biểu đồ, viết bảng chú thích và tên biểu đồ... Nếu thiếu bất kỳ một trong các chi tiết đó các em sẽ bị mất điểm.
Cô Võ Thị Thu Hà
Nên học hết kiến thức, không học tủ, học lệch, nhưng các em cần chú ý kỹ phần kiến thức vùng kinh tế, bởi theo cấu trúc đề thi có một câu 3 điểm về nội dung này.
Đề thi sẽ có các câu hỏi yêu cầu thực hành. Những câu hỏi này thường chiếm tỉ lệ điểm tương đối cao. Vì thế các em cần có sự chuẩn bị chu đáo để nắm chắc các kỹ năng như khai thác atlat địa lý Việt Nam, xử lý số liệu, vẽ biểu đồ, phân tích bảng số liệu thống kê... Có dạng biểu đồ cơ bản các em cần nhớ: biểu đồ hình cột, biểu đồ đường (hay còn gọi là biểu đồ đồ thị), biểu đồ kết hợp, biểu đồ tròn và biểu đồ miền. Các em phải xác định đúng mục đích của đề bài để lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất. Ví dụ đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện diễn biến hay tốc độ phát triển... thì chọn vẽ biểu đồ đường.
Nếu yêu cầu so sánh hoặc thể hiện được sự thay đổi... thì vẽ biểu đồ hình cột. Nếu có hai đối tượng thì vẽ biểu đồ cột ghép. Nếu chung đơn vị và các đối tượng có mối quan hệ thì vẽ biểu đồ cột chồng. Còn khi thể hiện cơ cấu nếu số năm bằng hoặc nhỏ hơn 3 thì vẽ biểu đồ hình tròn, nếu số năm bằng hoặc lớn hơn 4 thì vẽ biểu đồ miền, nếu thể hiện cả quy mô và cơ cấu thì vẽ hình tròn và phải tính R...
Các em cần lưu ý nếu vẽ biểu đồ hình cột, cột đầu tiên không bao giờ được trùng với trục tung, còn biểu đồ đường thì điểm đầu tiên phải xuất phát từ trục tung (năm gốc phải nằm tại tọa độ gốc). Ngoài ra, các em cần nắm vững một số công thức để tính toán theo yêu cầu của đề bài và phân tích mối quan hệ địa lý giữa các đối tượng như: năng suất = sản lượng : diện tích, bình quân lương thực/đầu người = sản lượng lương thực : số dân, độ che phủ rừng = Diện tích rừng : diện tích lãnh thổ, sản lượng lương thực = năng suất x diện tích... Để phân tích tốt bảng số liệu thống kê, các em phải đi từ khái quát đến cụ thể.
Năm 2010, thang điểm cho những câu hỏi thực hành môn địa lý chiếm 7 điểm trong tổng số điểm thi của toàn bài. Vì vậy, kỹ năng thực hành là việc học sinh không thể lơ là.
Cô Lê Nguyên Hương (giáo viên dạy môn sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội): Môn sinh học: cẩn thận để tránh “bẫy”
Thời điểm này học sinh không nên sa đà vào ôn từng bài cụ thể nữa mà việc cần làm là hệ thống lại kiến thức. Các em có thể lập sơ đồ kiến thức theo các chủ đề, trong mỗi chủ đề, gạch đầu dòng những ý chính về kiến thức được đề cập. Với cách này, các em có thể hình dung một cách đầy đủ kiến thức cần nắm để bước vào phòng thi. Với sơ đồ như trên, các em cũng sẽ biết ngay phần nào mình còn chưa vững, chưa hiểu để bổ sung, chứ không phải học lan man.
Môn sinh học sẽ có các câu hỏi lý thuyết và bài tập, nhưng ở đề thi tốt nghiệp THPT, các dạng bài tập được hỏi đến sẽ không khó mà rất căn bản. Học sinh chỉ cần ghi nhớ kỹ lý thuyết là có thể giải quyết tốt dạng bài tập này. Ngoài việc học chắc lý thuyết, học sinh cũng nên tham khảo các dạng bài tập cơ bản, cách giải quyết để có thể xử lý nhanh bài tập khi gặp dạng tương tự.
Ở môn sinh học, các em cần thận trọng khi đọc đề để tránh những “bẫy”. Ví dụ có câu người ra đề hỏi “có phải hiện tượng đó không đúng?” thì học sinh do không đọc kỹ đề lại hiểu câu hỏi là “đúng”. Sự nhầm lẫn giữa “đúng” và “không đúng” rất dễ xảy ra khi học sinh không có tâm thế bình tĩnh khi bước vào phòng thi. Trong thi trắc nghiệm, có câu hỏi dài hay ngắn nhưng thời gian chia cho mỗi câu tương đương nhau, nên nếu các em không biết cách phân bố thời gian sẽ không thể điền hết phương án trả lời cho tất cả các câu hỏi.
Cô Lê Phương Hạnh (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Môn tiếng Anh: ghi nhớ dạng cấu trúc câu
Môn tiếng Anh không giống các môn thi khác là có thể phán đoán, khoanh vùng kiến thức cần thiết, vì thế không có cách nào khác học sinh phải học hết. Thời gian cuối trước kỳ thi, các em cần rà lại kiến thức, bám sát sách giáo khoa lớp 12, trong đó ghi nhớ các dạng cấu trúc câu, từ vựng. Với ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng, không có sự phân định rạch ròi đâu là kiến thức lớp 10, 11 và 12, bởi có sự liên quan, nâng cao dần. Các em nên dành thời gian nhất định để tham khảo một số dạng đề thi tiếng Anh, các dạng câu hỏi.
Ví dụ có câu hỏi đọc và điền từ (kiểm tra từ vựng), có câu đọc hiểu, có dạng câu hỏi, yêu cầu trả lời hoặc nhận định câu đúng sai (kiểm tra về cấu trúc câu, ngữ pháp). Các em nên đọc hết đề thi, làm nhanh những câu mình thật chắc chắn. Sau khi “tua” một lượt đầu, các em quay lại “tua” tiếp lượt hai để giải quyết các câu mình cần dành thời gian nhiều hơn để suy nghĩ. Với những câu “không chắc chắn”, các em có thể lựa chọn theo phán đoán. Kinh nghiệm phán đoán trong môn ngoại ngữ nhiều khi cả học sinh khá giỏi cũng phải sử dụng. Ví dụ chọn cấu trúc nghe quen tai, lựa chọn dựa vào các cấu trúc gốc mà mình đã ghi nhớ...
Với đề thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, học sinh học lực trung bình nếu ôn tập thật kỹ từ vựng và cấu trúc cơ bản có trong chương trình cũng đã đạt ít nhất 5-6 điểm.
VĨNH HÀ ghi

TS10. Môn Tiếng Anh

Tuyển sinh lớp 10: Để lấy điểm cao môn tiếng Anh

Thứ Sáu, 20 Tháng năm 2011, 08:05 GMT+7 
Để ôn tập tốt môn tiếng Anh, học sinh cần chú trọng ôn tập từ vựng, ngữ pháp và làm nhiều bài tập
Tiếng Anh là một trong những môn học quan trọng, để học tốt môn này cần có sự kiên trì và phương pháp học hợp lý. Nhằm giúp các thí sinh có phương pháp ôn tập đạt hiệu quả cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2011-2012, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu ý kiến hai giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở môn học này.
Cô Tôn Nữ Vân Hương, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình):
Bám sát vào cấu trúc đề thi để ôn tập
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, học sinh (HS) cần bám vào cấu trúc của đề thi, để từ đó có cách ôn tập cho phù hợp và hiệu quả. Đề thi ra sát với nội dung bài học trong chương trình SGK lớp 9 của Bộ GD-ĐT, do đó các em cần nắm vững kiến thức trọng tâm bằng cách đọc nhiều lần các bài đọc (read và listen and read) và các điểm ngữ pháp trong phần “language focus”, kể cả hiểu rõ cách dùng tiếng Anh giao tiếp được nêu trong phần “speak” của mỗi bài. Vì trong đề thi thường có một hoặc hai câu liên quan đến phần tiếng Anh giao tiếp.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 có phần trắc nghiệm, chọn câu trả lời đúng (a, b, c, d) để kiểm tra những kiến thức nói trên cũng như kiểm tra cách thành lập từ, các thì, viết lại câu... Đối với phần kiểm tra kiến thức về cách thành lập từ trong tiếng Anh (word form), HS cần học kỹ từ vựng, viết đúng chính tả và thuộc các từ cùng gốc. Ví dụ: care careful carefully; inform information informative. Đồng thời biết cách sử dụng các từ này trong câu cho đúng ngữ pháp. Ví dụ: Đề thi sẽ cho như sau: He speaks English ___ . (fluent), các em phải biết điền từ đúng, như sau: He speaks English fluently. Để giúp HS dễ học các từ cùng gốc, giáo viên thường dựa vào phần từ vựng ở cuối SGK (glossary) để soạn ra các bảng từ vựng cho mỗi bài học, vì thế các em nên thường xuyên ôn đi ôn lại hệ thống từ vựng này. Tương tự, đối với cách dùng các thì (tenses) và hình thức động từ (verb form), giáo viên cũng có các bảng tóm tắt để HS nắm kiến thức tổng quát. Để làm được bài thi, HS cần ghi chép và đọc kỹ các bảng này. Riêng phần kiểm tra kỹ năng viết lại câu (rewrite), HS cần nắm vững ngữ pháp. Khi học ngữ pháp, các em cần thuộc các cấu trúc khác nhau để diễn đạt cùng một ý. Chẳng hạn như đề thi cho câu Mary is quite clever, but she is a lazy student và cho HS viết lại bắt đầu bằng từ Althoug  (Although …………)các em phải biết cách sử dụng một cấu trúc khác bắt đầu bằng một từ cho sẵn và viết lại thành câu đúng:Although Mary is quite clever, she is a lazy student.
HS có thể chọn một vài cuốn sách tuyển sinh có dạng đề thi giống với cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT để luyện tập, thực hành kỹ năng làm bài như cuốn sách 35 đề tiếng Anh thi vào lớp 10 của các tác giả Mai Lan Hương và Hà Thanh Uyên; Kiến thức trọng tâm và 20 đề ôn thi tuyển sinh THPT môn tiếng Anh của các tác giả Xuân Trúc - Bích Ngọc…
Cô Nguyễn Ngọc Bích Hà, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1):
Không nên chú trọng ngữ pháp mà bỏ quên từ vựng
Trong quá trình ôn tập, các em nên chú ý ôn lại ba phần cơ bản là từ vựng, ngữ pháp và làm nhiều bài tập thực hành. Ở phần từ vựng, HS ôn lại những từ có trong bảng từ vựng từ Unit 1 đến Unit 10, đồng thời đọc kỹ các đoạn đọc trong từng bài (vì có lồng từ vựng vào ngữ cảnh thì mới nhớ lâu chứ không học thuộc làu). Để làm được các bài tập, ngoài việc nhớ từ vựng, HS phải học kỹ ngữ pháp vì ngữ pháp luôn được thể hiện qua câu. Ngoài ra phải nhớ những kiến thức cơ bản như tính từ bổ nghĩa cho danh từ, trạng từ bổ nghĩa cho động từ, các loại thì; nhớ cấu trúc của các mệnh đề liên hệ, các loại so sánh, câu tường thuật... Đặc biệt, bốn câu cuối trong đề thi thường kiểm tra kỹ năng viết bằng các bài tập viết lại. Phần này, các em phải biết áp dụng cấu trúc ngữ pháp và liên hệ ngữ nghĩa, đọc hiểu mới viết tốt.
Thời gian đến kỳ thi không còn dài, vì thế các em nên chia từng unit ra ôn tập (mỗi ngày một bài về từ vựng, ngữ pháp và làm 2-3 bài tập/ ngày). Nhiều HS thường chỉ chú trọng ôn ngữ pháp mà bỏ quên từ vựng là không đúng, vì phần kiểm tra từ vựng cũng thể hiện rất nhiều trong đề thi. Do đó các em không nên tập trung học từ vựng hay ngữ pháp mà cần có cách phân bố hợp lý, vì nếu chỉ học phần ngữ pháp mà bỏ qua từ vựng thì cũng khó hoàn thành đầy đủ các câu hỏi trong đề thi. Nếu học từ vựng chậm, các em nên làm nhiều bài tập thì sẽ nhớ từ vựng nhanh hơn, bởi trong mỗi bài tập luôn “xoáy đi xoáy lại” các từ trọng tâm trong chương trình. Khi làm bài thi, các em nên đọc lướt qua đề thi và sau đó cẩn thận đọc yêu cầu từng phần mà đề yêu cầu (từng bài tập, từng đáp án) để chọn lựa đáp án cho chính xác.
DƯƠNG BÌNH (ghi)
“Các em không nên tập trung quá nhiều thời gian vào một câu hỏi mà mình không biết, nếu không biết câu nào, các em đánh dấu bằng bút chì câu đó và làm những câu dễ hơn, sau đó quay lại đọc rồi làm tiếp. Một trong những lưu ý nhỏ mà các em cần nhớ là không nên sử dụng bút chì để làm bài thi mà phải sử dụng bút bi có cùng màu mực”, cô Nguyễn Ngọc Bích Hà khuyên.

Thi TN THPT 2011. Đề mở, phân loại HS nhưng HS TB cũng có thể làm được 1 phần trong câu hỏi khó

Học trung bình cũng làm được những phần trong câu hỏi khó
thanhnien 26/05/2011 1:09
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên xung quanh những vấn đề mà thí sinh quan tâm trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Xin ông cho biết, trong một đề thi tốt nghiệp có khoảng bao nhiêu phần trăm câu hỏi khó?

"Phần lớn các câu hỏi tập trung vào những kiến thức, kỹ năng hết sức cơ bản"

Đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ có những câu hỏi dùng để phân hóa học sinh (HS). Tuy nhiên, rất khó để nói chính xác có bao nhiêu phần trăm câu hỏi khó trong một đề thi. Chỉ có thể khẳng định là phần lớn các câu hỏi tập trung vào những kiến thức, kỹ năng hết sức cơ bản. Mục đích của việc ra đề thi với nhiều câu hỏi là đảm bảo được việc đánh giá trên phạm vi kiến thức rộng hơn, tránh việc học lệch, học tủ của HS, làm sao HS khi thi không chỉ học thuộc lòng mà phải liên kết được các phần học, các kiến thức với nhau mới có thể trả lời được.

Đề thi năm nay có 50% điểm số dành cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Liệu có phải là một áp lực đối với HS trung bình không, thưa ông?

Vì là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên mặc dù đề thi có nhiều câu hỏi nhưng những câu hỏi để đánh giá HS khá, giỏi không nhiều. Ngay trong các câu hỏi khó cũng có thể sẽ có những phần mà HS sức học trung bình cũng sẽ làm được. Về tổng thể, có thể khẳng định: HS với sức học trung bình nếu chuẩn bị ôn thi tốt chắc chắn sẽ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.

HS và các trường tỏ ra lo lắng vì hiện nay chủ trương của Bộ là ra đề thi theo hướng “mở” nhưng đáp án lại “đóng”. Người chấm cứng nhắc sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh. Ông có thể nói gì về điều này?

Thí sinh hoàn toàn yên tâm vì Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo sẽ có sự thống nhất chặt chẽ giữa cách ra đề thi và đáp án cũng như khâu chấm thi. Đối với các câu hỏi “mở”, trong hướng dẫn chấm cũng đã chỉ ra cách thức cho điểm với những cách trả lời khác nhau của HS. Để đảm bảo giảm thiểu hiện tượng chấm “chặt” hay chấm “lỏng”, barem điểm phải chi tiết. Điểm một bài có thể được chia nhỏ ra nhiều phần, nếu làm trọn vẹn một phần nào đó, sẽ được điểm của phần đó. Giáo viên được hướng dẫn kỹ trong cách chấm bài. Trước khi bắt đầu chấm thi, người chấm phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn chấm, tiếp đó là tổ chức chấm thử và thảo luận để thống nhất cách cho điểm.

Để làm bài đạt hiệu quả cao nhất và không bị vi phạm quy chế thi, thí sinh cần phải ghi nhớ những gì, thưa ông?
Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần nhận dạng, phân loại đề thi thuộc loại nào, yêu cầu của đề là gì để định hướng làm bài, tránh lạc đề. Thí sinh cần bao quát đề thi, xem đề có mấy câu hỏi, biểu điểm thế nào để có hướng phân bổ thời gian làm bài, tránh tập trung vào một số câu mà bỏ qua các câu còn lại.

Thí sinh không nên mất quá nhiều thời gian nghiền ngẫm những câu quá khó đối với mình, có thể bỏ qua các câu khó để giải quyết những câu khác dễ hơn rồi sẽ quay trở lại lần hai để làm những câu đã tạm thời bỏ qua.

Đối với bài thi trắc nghiệm, thí sinh nên bắt đầu từ câu số một, lần lượt lướt nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đối với những câu chưa làm được cũng cần xem xét loại trừ các phương án sai, đánh dấu vào nháp. Lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề, sau đó quay trở lại làm những câu đã tạm thời bỏ qua. Thí sinh cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao nhất, không nên bỏ trống một câu nào.

Cẩn thận khi vẽ hình
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH - CĐ rất hay mắc phải lỗi về quy định vẽ hình. Quy chế ghi rõ chỉ những hình tròn vẽ bằng compa mới được sử dụng bút chì, còn toàn bài thi, kể cả hình vẽ, biểu đồ, đồ thị... thí sinh đều phải kẻ bằng cùng một màu mực với chữ viết trong bài thi. Phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì.
---------------------
Tuệ Nguyễn

Điểm mới đề thi tốt nghiệp THPT 2011

Điểm mới đề thi tốt nghiệp THPT: Hạn chế học thuộc lòng
theo Thanh nien 23/05/2011 22:57
Hơn một tuần nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Chuyên gia của Bộ GD-ĐT và các trường đã trao đổi với PV Thanh Niên những điều thí sinh (TS) cần lưu ý về đề thi năm nay.

Nên chọn phần đề riêng phù hợp

Ông Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Như vậy, TS nắm vững kiến thức cơ bản ở mức thuộc bài có thể đạt điểm trung bình”.

Đề thi các môn Văn, Toán, Lý, Sinh, Địa đều có 2 phần: Phần chung cho tất cả TS sẽ được ra theo nội dung giao thoa giữa 2 chương trình chuẩn và nâng cao. Phần riêng sẽ được ra theo từng chương trình, TS được phép lựa chọn một trong hai phần riêng để làm bài. Riêng đề thi môn Ngoại ngữ chỉ có phần chung cho tất cả TS với nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Bộ GD-ĐT khuyến cáo TS nên chọn phần đề riêng ứng với chương trình mình được học và ôn tập để có kết quả bài thi cao nhất

Ông TRẦN VĂN KIÊN - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT

Ông Kiên lưu ý: “Mặc dù không yêu cầu phải chọn phần đề riêng ứng với chương trình được học như những năm trước, song Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo các TS nên chọn phần đề riêng ứng với chương trình mình được học và ôn tập để có kết quả bài thi cao nhất”.
Trong quá trình học, chương trình nâng cao rõ ràng có những phần nội dung kiến thức khó hơn chương trình cơ bản. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định: “Người ra đề phải tính toán, cân nhắc sao cho mức độ khó giữa 2 phần riêng tương đương nhau để khi vào phòng thi TS khó nhận ra được phần nào dễ hơn”.

Không nên quá đà vì đề “mở”



Điểm mới trong cách ra đề thi năm nay là có tới 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Bộ GD-ĐT xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng học thuộc lòng, học vẹt của một bộ phận học sinh hiện nay. Tuy nhiên, các giáo viên giàu kinh nghiệm đã khuyến cáo TS đừng nghĩ rằng đề ra theo hướng mở là có thể viết gì tùy thích.
Bà Nguyễn Như Hương, giáo viên dạy Văn trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình) Hà Nội nêu kinh nghiệm: “Phần nghị luận chính là phần nội dung yêu cầu TS làm bài một cách sáng tạo, bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng nhiều TS “thoải mái” một cách thái quá trong cách trình bày, nhiều khi đưa cả những nội dung không liên quan gì vào bài thi”. Chính vì vậy, bà Hương cho rằng: “Phải lưu ý về quy định số chữ trong phần nghị luận để chọn diễn đạt những ý “đắt” nhất, tránh tình trạng viết dài, viết lan man, mất rất nhiều thời gian mà vẫn không đạt điểm cao, thậm chí còn bị trừ điểm vì bị đánh giá là không đọc kỹ đề”.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Lịch - giáo viên môn Địa lý trường THPT Hà Nội - Amsterdam, nói: “Với từng câu hỏi, TS cần dành thời gian phác thảo đề cương vạch ra các ý chính trả lời. Đề cương nên viết dạng “mở”, các ý cách nhau một đoạn để sẵn sàng điền tiếp ý khác khi chợt nghĩ ra. Cách làm này giúp học sinh không bị sót ý hoặc sa đà vào những vấn đề không cần thiết”. Nhiều giáo viên cũng lưu ý với các bài thi trắc nghiệm, TS nên chọn những câu dễ làm trước, khó làm sau hoặc câu hỏi định tính làm trước, câu hỏi cần tính toán làm sau.

Chú ý khi thi môn trắc nghiệm

Trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, có 3 môn thi theo hình thức tự luận là Toán, Văn, Địa; 3 môn thi theo hình thức trắc nghiệm là Ngoại ngữ, Sinh học, Vật lý. Thời gian làm bài của các môn Văn, Toán là 150 phút, môn Địa là 90 phút; các môn thi theo hình thức trắc nghiệm đều có thời gian làm bài 60 phút.

Đối với các môn thi trắc nghiệm,
Nếu không chú ý TS sẽ rất dễ lấn sang cả 2 phần đề riêng. Số lượng câu hỏi trong đề thi các môn trắc nghiệm (trừ môn Ngoại ngữ) của kỳ thi tốt nghiệp THPT phân bổ như sau: Phần chung từ câu 1-32; phần đề riêng sẽ ghi rất rõ: TS chỉ được làm một trong hai phần đề riêng (A hoặc B). Phần A ra đề theo chương trình chuẩn (từ câu 33-40); phần B ra đề theo chương trình nâng cao (từ câu 41-48).
Tuệ Nguyễn

Thi thử: TN THPT 2011 ở TP HỒ CHÍ MINH




SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 ------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi có 1 trang)

ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT
NĂM HỌC 2010 - 2011
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
(không kể thời gian giao đề)
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5 điểm)

Câu 1 (2 điểm)
Trong đoạn trích Ông già và biển cả của Hê-minh-uê, ông lão Xan-ti-a-gô gặp phải hoàn cảnh khó khăn như thế nào ? Nguyên nhân nào giúp ông lão vượt qua những khó khăn ấy ?

Câu 2 (3 điểm)
Trình bày suy nghĩ  của anh (chị)về câu nói: 
Rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi phải mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng”. 
(Theo Nguyễn Văn Thạc - Mãi mãi tuổi 20)
II. PHẦN RIÊNG (5 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (Câu 3a hoặc Câu 3b)
Câu 3a (5 điểm): Theo chương trình Chuẩn
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh.
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, năng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi.
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
                         ( Việt bắc –Tố Hữu)

Câu 3b (5 điểm): Theo chương trình Nâng cao
            Phân tích sự đối lập giũa hai phát hiện của nhân vật Phùng trong truyện ngắn ”Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu để làm rõ thông điệp mà tác giả gửi gắm.
-----HẾT----


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


KÌ THI THỬ TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM HỌC 2010 - 2011
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút

HƯỚNG DẪN CHẤM

I. HƯỚNG DẪN CHUNG 
-     Đề bài gồm 3 câu, theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT: câu 1 kiểm tra kiến thức văn học; câu 2 là bài nghị luận xã hội; câu 3 là bài nghị luận văn học. Câu 1 chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức nhưng cũng có yêu cầu về diễn đạt. Những HS diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp mới được điểm tối đa. Câu 2 và câu 3 là bài làm văn kiểm tra kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận của HS.
-     Giám khảo cần nắm nội dung bài làm của HS để đánh giá, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc. Chú ý khuyến khích các bài viết có ý riêng, sáng tạo.
-     Thí sinh có thể trình bày theo các cách riêng, nếu đáp ứng các yêu cầu vẫn cho đủ điểm.
        II. ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Đáp án
Điểm
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH
5,0
Câu 1


Trong đoạn trích Ông già và biển cả của Hê-minh-uê, ông lão Xan-ti-a-gô gặp phải hoàn cảnh khó khăn như thế nào ? Nguyên nhân nào giúp ông lão vượt qua những khó khăn ấy ?
2,0
-    Hoàn cảnh của ông lão: đơn độc giữa đại dương bao la, tuổi già, sức lực cạn dần khi phải đối đầu với con cá kiếm to lớn.
-    Nguyên nhân giúp lão vượt qua hoàn cảnh khó khăn: có kinh nghiệm, trí tuệ sáng suốt, ý chí, nghị lực, khát vọng lớn lao.
-    Lưu ý: học sinh nêu được 2/3 ý về hoàn cảnh và 3/5 ý về nguyên nhân vẫn đạt trọn số điểm.
1,0

1,0
Câu 2












Trình bày suy nghĩ về câu nói: Rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi phải mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng. (TheoNguyễn Văn Thạc - Mãi mãi tuổi 20)
3,0
a.                        Yêu cầu về kĩ năng

-    Nắm phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội.
-    Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
-    Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận …).
-    Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
-    Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.


b. Yêu cầu về kiến thức

-        Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
0,25
-    Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, trở ngại, không được như ý muốn. Đối diện với những khó khăn, thất bại, con người phải luôn giữ hy vọng, nghị lực.
-    Hy vọng, ý chí, nghị lực đem lại niềm tin, động lực sống; là sức mạnh tinh thần giúp con người có thể vượt qua khó khăn, trở ngại để thành công.
-    Lưu ý: học sinh cần có dẫn chứng để làm sáng tỏ.
1,75
-     Phê phán những người sống thiếu ý chí, bi quan …
-       Rèn luyện lối sống tốt đẹp, tích cực:  có niềm tin, nghị lực …
1,0
II. PHẦN RIÊNG
5,0
a.     Yêu cầu chung về kĩ năng

-   Nắm phương pháp làm bài nghị luận văn học.
-   Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
-   Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (chứng minh, bình luận, so sánh mở rộng vấn đề… ). Đặc biệt, thí sinh phải nắm vững thao tác phân tích một vấn đề trong tác phẩm tự sự và phân tích một đoạn thơ.
-   Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
-   Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.

b.     Yêu cầu về nội dung


















Câu 3a. Theo chương trình Chuẩn
5,0
 Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
0,5
·   Học sinh cần phân tích từ ngữ, hình ảnh thơ và các biện pháp nghệ thuật để làm rõ các ý:
-    Lời khẳng định tình cảm thủy chung sâu nặng và sự hoà quyện, gắn bó bền chặt của người cán bộ sắp về xuôi đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc – nguồn cội cách mạng.
-    Nỗi nhớ da diết thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc: trăng đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói sương, bếp lửa sớm khuya, rừng nứa bờ tre, Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê …- một vẻ đẹp vừa hiện thực vừa thơ mộng và rất riêng biệt, độc đáo.
-    Nỗi nhớ con người Việt Bắc bình dị mà sâu nặng ân tình; trải bao đắng cay, ngọt bùi có nhau.
3,5
- Khái quát, đánh giá nội dung và nghệ thuật.
1,0
3b. Theo chương trình Nâng cao
5,0
 Giới thiệu được vấn đề nghị luận
0,5
v     Phát hiện thứ nhất : vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài khơi
- Đó là “một cảnh đắt trời cho” đầy thi vị: chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sớm mờ sương có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào…
 - Với người nghệ sĩ, khung cảnh đó chứa đựng “chân lý của sự hoàn thiện”, làm dấy lên trong Phùng bao xúc cảm thẩm mỹ, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc.
v     Phát hiện thứ hai : bi kịch một gia đình
- Đó là một cảnh tượng đầy đau đớn: sau hiện thực thi vị là một hiện thực “quái đản”, thô ráp. Bước khỏi con thuyền thơ mộng là người đàn bà với những đường nét thô kệch, xấu xí, mệt mỏi và gã đàn ông to lớn, dữ dằn. Người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng sự hành hạ của chồng. Người chồng đánh đập vợ tàn nhẫn như một thói quen bản năng và những đứa con hoặc bất lực nhìn cảnh bạo lực diễn ra ở chính cha mẹ chúng hoặc phản ứng bột phát đầy tiêu cực.
v     Ý nghĩa :
- Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, tác giả gửi gắm triết lí về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều để phát hiện ra bản chất thật sự ẩn sau vẻ ngoài của hiện tượng.
- Người nghệ sĩ muốn sáng tạo tác phẩm mang vẻ đẹp đích thực phải biết nhìn nhận thấu đáo về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, quan hệ giữa cái đẹp của khung cảnh bên ngoài và sự thật cuộc sống bên trong.
-    Một tác phẩm nghệ thuật đích thực, tác phẩm đó phải phản ánh chân thật đời sống con người, phải vì số phận con người mà lên tiếng.
3,5






-    Khái quát, đánh giá nội dung và nghệ thuật.
1,0