Thi HSG K12 Huế 2009-2010

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LỚP 12 THPT – NĂM HỌC 2009 - 2010
--------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 180 phút



Câu 1: (8 điểm)
Bài học cuộc sống rút ra từ lời tâm sự của nữ nhà văn Mĩ Helen Keller :
“Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày.”
Câu 2: (6 điểm)“Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời.”
(Sách Ngữ Văn 11 Nâng cao - Tập 1, tr.197)
Anh/chị hãy giải thích, sau đó làm sáng tỏ nhận định trên bằng việc phân tích một nhân vật trong truyện ngắn thuộc chương trình Ngữ Văn trung học phổ thông.
Câu 3: (6 điểm)
Bình giảng đoạn thơ sau:
“ Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (...)
(Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm, Sách Ngữ Văn 12 Nâng cao - Tập 1, tr.118)

---------------------------- Hết ----------------------------

- Thí sinh không được dùng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LỚP 12 THPT - NĂM HỌC 2009 - 2010
--------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 180 phút

HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1: (8 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội.
- Đáp ứng các yêu cầu về văn phong.
- Bố cục chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng phù hợp.
- Hạn chế các lỗi diễn đạt; chữ rõ, bài sạch.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách. Sau đây là một số định hướng cơ bản:
1. Giải thích:
- “đã khóc”: Sự buồn bã, đau xót và tuyệt vọng, buông xuôi;
- “không có giày để đi”: Hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn (về vật chất);
- “không có chân để đi giày”: Hoàn cảnh bất hạnh, nghiệt ngã (của số phận);
- “đã ... cho đến khi”: Sự nhận thức, “ngộ” ra một vấn đề cuộc sống.
* Ý nghĩa của lời tâm sự:
Sự thiếu thốn, khó khăn của riêng ta chẳng thấm gì nếu so sánh với những xót đau, bất hạnh của nhiều người khác quanh ta.
2. Bình luận - Rút ra bài học:
- Cuộc sống của mỗi người vốn luôn có thể gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Trước những điều đó, con người- nếu thiếu bản lĩnh, nghị lực và nhận thức - dễ buồn đau, thất vọng, buông xuôi.
- Tuy nhiên, nếu bước ra cuộc đời, hoặc nhìn lại xung quanh, ta sẽ thấy có những con người phải chịu những thiệt thòi, bất hạnh hơn ta rất nhiều.
- Nhận thức về điều đó, một mặt, ta phải tự vươn lên hoàn cảnh của chính mình- bởi thực ra, nó chưa thực sự đáng sợ như ta nghĩ; mặt khác, phải hiểu rằng: chính hoàn cảnh khó khăn ấy là sự thử thách, tôi luyện để ta ngày càng trưởng thành, hoàn thiện.
- Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Hơn thế nữa, ta còn phải nhìn ra cuộc đời để nhận biết, đồng cảm, chia sẻ; từ đó mà thêm động lực, thêm tin yêu để sống, làm việc và cống hiến.
C. Cho điểm:
- Điểm 8: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở A, B.
- Điểm 6: Bài làm nắm được yêu cầu, sai sót về nội dung và kĩ năng không nhiều; phần giải thích rõ ràng, phần bình luận, rút ra bài học có thể còn chưa thật đầy đủ.
- Điểm 4
- Điểm 2: Bài làm còn sơ sài, tỏ ra chưa hiểu vấn đề.
- Điểm 0: Bài lạc đề.
Câu 2: (6 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận phân tích một nhân vật trong truyện ngắn để làm rõ một vấn đề lí luận văn học.
- Bố cục mạch lạc, văn viết đúng phong cách.
- Hạn chế các lỗi diễn đạt, chính tả; chữ viết cẩn thận, bài làm sạch sẽ.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Đề bài có hai yêu cầu. Sau đây là một số định hướng:
1. Giải thích:
Ý nghĩa, vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết và truyện ngắn là góp phần thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm của nhà văn về cuộc đời:
- Tư tưởng: Nhận thức, sự lí giải và thái độ của nhà văn đối với đối tượng, với những vấn đề nhân sinh đặt ra trong tác phẩm.
- Tình cảm/Tình cảm thẩm mĩ: Những rung động, xúc cảm thẩm mĩ đối với thực tại, bộc lộ toàn bộ thế giới tinh thần cũng như cá tính và kinh nghiệm xã hội của nhà văn.
- Quan niệm/Quan niệm nghệ thuật về cuộc đời: Nguyên tắc tìm hiểu, cắt nghĩa thế giới và con người; thể hiện ở điểm nhìn nghệ thuật, ở chủ đề sáng tác, ở kiểu nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật, ở cách xử lí các biến cố... của nhà văn.
2. Phân tích nhân vật:
- Chọn được nhân vật đặc sắc trong một truyện ngắn thuộc chương trình Ngữ Văn THPT.
- Phân tích nhân vật thông qua các khía cạnh: Ngoại hình - Nội tâm - Ngôn ngữ - Hành động - Biến cố truyện có liên quan nhân vật - Mối quan hệ giữa nhân vật đó với các nhân vật khác trong truyện.
- Từ đó, nêu bật tư tưởng, tình cảm, quan niệm về cuộc đời của nhà văn được thể hiện qua nhân vật vừa phân tích.
C. Cho điểm:
- Điểm 6: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở A, B.
- Điểm 4: Bài làm tỏ ra đã hiểu yêu cầu đề nhưng phần phân tích chưa thật đầy đủ các khía cạnh.
- Điểm 2: Bài đã nêu được một số ý, tuy nhiên hiểu chưa đúng, chưa đủ các biểu hiện của vấn đề, phân tích còn sơ sài.
- Điểm 0: Bài lạc đề.
Câu 3: (6 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng:
- Nắm phương pháp làm bài nghị luận bình giảng một đoạn thơ.
- Bố cục mạch lạc, văn viết đúng phong cách.
- Hạn chế các lỗi diễn đạt, chữ viết cẩn thận, bài làm sạch sẽ.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể bình giảng dưới nhiều góc độ, miễn sao hiểu đúng đoạn thơ. Sau đây là một số gợi ý:
1. Nghệ thuật:
- Thể thơ tự do với nhịp điệu linh hoạt; có sự kết hợp nhuần nhuyễn, đặc sắc giữa yếu tố chính luận và trữ tình .
- Lối diễn ý trùng điệp ngôn ngữ - hình ảnh - cấu tứ...càng khắc đậm xúc cảm, ý nghĩa tư tưởng.
- Lối vận dụng ca dao, thành ngữ tạo ấn tượng quen thuộc, gần gũi.
- Hàm ý sâu xa của tứ thơ tạo sự liên tưởng mạnh mẽ.
2. Nội dung:
- Lời thơ mang ý nghĩa tâm tình giữa những người cùng thế hệ; cũng có thể hiểu là lời tâm tình mang tính giáo dục sâu xa đối với thế hệ trẻ.
- Nêu cao nhận thức về truyền thống giữ nước của các thế hệ đi trước ( đồng trang lứa).
- Cảm phục sự hi sinh anh dũng, quả cảm mà thầm lặng của những thế hệ anh hùng hữu danh và vô danh.
- Tôn vinh những cống hiến, đóng góp làm nên Đất Nước của lớp lớp cha anh.
C. Cho điểm:
- Điểm 6: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở A,B.
- Điểm 4: Bài làm tỏ ra hiểu định hướng, tuy nhiên chưa nêu ý đầy đủ và bình giảng cứ liệu chưa thật sát hợp.
- Điểm 2: Chưa thật nắm chắc định hướng, bài còn nghèo ý.
- Điểm 0: Bài lạc đề.

------------------------- HẾT -------------------------

Lưu ý:
- Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm tuy chưa toàn diện nhưng tỏ ra độc đáo, sáng tạo.
- Giám khảo căn cứ vào biểu điểm, thảo luận định ra những mức điểm còn lại.

1 nhận xét:

  1. thanhs cac pan nhiu nhju.mjnh o thai nguyen.hum nay thj dung vao de nay nhung k bjt lam

    Trả lờiXóa