Đề Thi - Đáp án HSG 12 08-09 Huế

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LỚP 12 THPT– NĂM HỌC 2008-2009
--------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 180 phút



Câu 1: (8 điểm)
Nói và làm trong cuộc sống.
Câu 2: (6 điểm)
“ Do ý nghĩa của văn bản thơ thường không được thông báo trực tiếp qua lời thơ, cho nên người đọc thơ phải biết cảm nhận, suy đoán, phân tích để tìm đến cái ý ngoài lời.”
(Sách Ngữ văn 11 Nâng cao - Tập 2, trang 19)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào?
Bình giảng đoạn thơ sau để làm rõ cách hiểu đó:
“ Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”
(Tây Tiến-Quang Dũng, sách Ngữ văn 12 Nâng cao - Tập 1, trang 70)
Câu 3: (6 điểm)
3.1 Thế nào là phong cách nghệ thuật của nhà văn ?
3.2 Anh/chị hãy viết bài giới thiệu về một biểu hiện của phong cách nghệ thuật
ở nhà văn Nam Cao.


---------------------------- Hết ----------------------------


- Thí sinh không được dùng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.











UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LỚP 12 THPT – NĂM HỌC 2008-2009
--------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 180 phút

HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1: (8 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống.
- Đáp ứng các yêu cầu về văn phong.
- Bố cục chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng phù hợp.
- Hạn chế các lỗi diễn đạt; chữ rõ, bài sạch.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách. Sau đây là một số gợi ý:
1. Giải thích:
- “Nói”: Sự phát ngôn thành tiếng những suy nghĩ, quan điểm, tình cảm...của con người.
- “Làm”: Hoạt động của con người.
- Mối quan hệ giữa “nói” và “làm”: thường chặt chẽ, qua lại ...( ngấm ngầm hay rõ ràng).
2. Bình luận:
- Con người trong cuộc sống vốn được biểu hiện qua nhiều yếu tố, trong đó “nói” và “làm” là hai yếu tố đặc biệt quan trọng, thường được xem xét theo những tiêu chuẩn riêng biệt.
- “Nói” thường và phải nên đi đôi với “làm”, góp phần thể hiện đúng đặc điểm, bản chất của mỗi con người.
- Khi “nói” không đi đôi với “làm”, hoặc do hoàn cảnh khách quan tác động, hoặc do yếu tố chủ quan chi phối, đều cho phép nhận rõ tính cách của con người ( ở mỗi giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể).
- Ý nghĩa:
+ Đây vừa là phương diện quan trọng để con người tự bộc lộ mình, vừa là điều kiện để con người có thể xét đoán người khác. Vì thế, cần phải luôn cẩn trọng trong cả “nói” và “làm”, tránh không để người khác hiểu sai về mình, và cũng không xét đoán sai người khác .
+ Cuộc sống chỉ thực sự có giá trị và ý nghĩa khi “nói” và “làm” theo các chuẩn mực đạo đức, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của con người và toàn xã hội.
C. Cho điểm:
- Điểm 8: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
- Điểm 6: Bài làm nắm được yêu cầu, sai sót về nội dung và kĩ năng không nhiều; phần giải thích rõ ràng, phần bình có thể còn chưa thật sâu.
- Điểm 4: Bài làm đáp ứng được một nửa các yêu cầu trên.
- Điểm 2: Bài làm sơ sài, chưa hiểu vấn đề.
- Điểm 0: Bài lạc đề.
Câu 2: (6 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học về một đoạn thơ, kết hợp kiến thức lí luận văn học.
- Bố cục mạch lạc, văn viết đúng phong cách.
- Hạn chế các lỗi diễn đạt, chính tả; chữ rõ, bài sạch.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể giải quyết theo nhiều cách. Sau đây là một số gợi ý:
1.Giải thích:
- “Ý ngoài lời” : Những điều mà lời thơ không trực tiếp nói đến nhưng chính là hàm ý trong ngôn từ, hình ảnh, kết cấu...
2. Bình giảng:
- Về nghệ thuật: Hình ảnh ẩn dụ, cách nói hàm ý khái quát...
- Về nội dung:
+ Sự gian khổ, hi sinh; cũng đồng thời là khí phách, tâm nguyện một thời.
+ Tình cảm, ấn tượng bền vững, sắt son với binh đoàn Tây Tiến.
C. Cho điểm:
- Điểm 6: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở A, B.
- Điểm 4: Bài làm tỏ ra đã hiểu yêu cầu đề nhưng phần bình giảng chưa thật đạt.
- Điểm 2: Bài đã nêu được một số ý, tuy nhiên hiểu chưa đúng vấn đề, bình giảng sơ sài.
- Điểm 0: Bài lạc đề.
Câu 3: (6 điểm)
3.1 Trình bày khái niệm: (1 điểm)
- Phong cách nghệ thuật của nhà văn: là sự biểu hiện tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ, chưa từng có về cuộc sống, thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo và những phương thức, phương tiện thể hiện đặc thù, in đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo.
3.2 Viết bài giới thiệu về một biểu hiện phong cách nghệ thuật ở Nam Cao:
(5 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng:
- Nắm phương pháp làm bài văn giới thiệu một chân dung văn học gắn liền với vấn đề lý luận.
- Bố cục mạch lạc, văn viết đúng phong cách.
- Hạn chế các lỗi diễn đạt, chữ viết cẩn thận, bài làm sạch sẽ.
B. Yêu cầu về kiến thức:
1. Chọn một trong số bốn biểu hiện sau đây của phong cách văn học - phong cách nhà văn để làm định hướng viết về phong cách của Nam Cao:
+ Cách nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật đối với cuộc đời;
+ Giọng điệu riêng gắn liền với cảm hứng sáng tác;
+ Nét riêng trong sự lựa chọn, xử lí đề tài; xác định chủ đề; xác định đối tượng miêu tả;
+ Tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật.
2. Giới thiệu về phong cách của Nam Cao theo hướng vấn đề đã chọn :
* Có thể kết hợp nhiều yếu tố biểu cảm, tự sự...nhưng nghị luận là cơ bản;
* Có lí lẽ, dẫn chứng minh họa và có sự phân tích dẫn chứng sát hợp vấn đề.
C. Cho điểm: (Phần giới thiệu)
- Điểm 5: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở A,B.
- Điểm 3: Bài làm tỏ ra hiểu định hướng, tuy nhiên chưa nêu ý đầy đủ và phân tích dẫn chứng chưa thật sát hợp.
- Điểm 1: Chưa thật nắm chắc định hướng, có sự lệch ý, sa đà vào phân tích phong cách tràn lan.
- Điểm 0: Bài lạc đề.

------------------------- HẾT -------------------------

Lưu ý:
- Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm tuy chưa toàn diện nhưng tỏ ra độc đáo, sáng tạo.
- Giám khảo căn cứ vào biểu điểm, thảo luận định ra những mức điểm còn lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét