Đáp án chính thức các môn Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2013 - 2014 tại TP.HCM


Thứ Hai, 24 Tháng sáu 2013, 15:06 GMT+7 
Chiều ngày 24/6, Sở GD-ĐT TP công bố đáp án các môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014.
Báo Giáo dục TP.HCM Online đăng tải đến quý phụ huynh và các em học sinh đề thi và đáp án các môn Văn học, Toán học và Ngoại ngữ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2013 - 2014
>> Môn Văn học
>> Môn Toán học
>> Môn Ngoại ngữ
Báo Giáo dục TP.HCM thân mời quý phụ huynh và các em học sinh theo dõi điểm thi dự kiến công bố vào ngày 16/07. 
PV

TS10 2013 tại HCM: Đề và Hướng dẫn chấm chính thức môn Văn

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2013 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1 (1 điểm)
Truyện “Chiếc lược ngà” xoay quanh một kỉ vật đơn sơ mà vô giá nối hai cuộc gặp gỡ với ba con người. Nhưng vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt  những quãng đời, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này, ấy là tiếng … !
 (Chu Văn Sơn, Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học)
Tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng được nhắc đến trong đoạn trích trên là gì? Tiêng kêu ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?
Câu 2 : (1 điểm)
Bạn trẻ trong hình bên đã dùng ngôn ngữ chatngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?

Câu 3: (3 điểm)
            Mùa hè này, những học trò nghèo của làng chài bãi ngang xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi, ngày nào cũng xuống biển bắt cua, sò, ốc … để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước đến trường. Từng giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá, hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp… cho năm học mới. Đồng hành với khát khao của con trẻ, những người mẹ nghèo của vùng đất này cũng nói với con: “Ăn khổ mấy má cũng chịu, miễn con có sách vở, quần áo mới tới trường là má vui rồi!”
(Theo Báo Thanh niên ngày 18-6-2013,
Ôm ước mơ đi về phía biển)
Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em được gợi ra từ câu chuyện trên.
Câu 4: (5 điểm)
Không có kính, rồi xe không có đèn,                   Mùa xuân người cầm súng
Không có mui xe, thùng xe có xước,                   Lộc giắt đầy trên lưng
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:                Mùa xuân người ra đồng
Chỉ cần trong xe có một trái tim.                        Lộc trải dài nương mạ
(Phạm Tiến Duật – Bài thơ về                             Tất cả như hối hả   
                                tiểu đội xe không kính)        Tất cả như xôn xao …
                                                                                   (Thanh Hải – Mùa xuân nho nhỏ)
Trình bày cảm nhận về một trong hai vấn đề sau:
1.      Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua hai khổ thơ trên.
2.      Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong hai khổ thơ trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM CHÍNH THỨC


 



TS10 2013 tại HCM : Đề thi môn văn -chuyên

Thi môn chuyên ở TPHCM: Văn hay, Toán khó 


Thứ bẩy, 22/06/2013, 20:15 (GMT+7)
Chiều nay, môn thi chuyên của các thí sinh đăng ký vào các trường chuyên đã kết thúc. Theo ghi nhận của PV, trong khi đề toán được các bạn đánh giá là khó hơn mọi năm, có tính phân hóa rõ rệt thì đề thi văn được cho là khá hay, trong đó đặc biệt là câu một có tính gợi mở, tạo cho thí sinh nhiều sự lựa chọn khi trả lời.
 - 1
Nhiều phụ huynh đội mưa chờ con đi thi
Chia sẻ về đề thi Toán, bạn Quốc Khôi – Trường THCS Minh Đức cho biết: “Đề thi toán năm nay khó hơn nhiều so với những năm trước, nhiều câu có tính phân loại cao, nếu không có kiến thức vững thì không thể làm được”.
Cùng chung suy nghĩ, bạn Thu Phương – Trường THCS Hoàng Quốc Việt cho biết thêm: “Đề thi vừa dài vừa khó, trong phòng của em rất nhiều bạn chỉ làm được vài câu, đề thi năm nay có tính phân loại cao, nhiều câu yêu cầu phải rất tập chung, tỉ mỉ, chỉ một chút sai sót cũng làm sai cả bài”.
 - 2
Thí sinh chia sẻ về bài thi với phụ huynh khi kết thúc môn thi buổi chiều
Trong khi đó, nhiều bạn thi chuyên Văn lại vô cùng hứng thú với đề thi năm nay, bạn Kim Ngân – Trường THCS Nguyễn Du cho hay: “Đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, đặc biệt là câu đề mở, không bó buộc bọn em vào kiến thức trong sách giáo khoa, mỗi người khi làm bài sẽ có được sự lựa chọn riêng cho bản thân mình”.
Bạn Kim Yến – THCS Chánh Hưng thì chia sẻ: “Đề thi năm nay ra theo hướng mở, bọn em không chỉ phải vận dụng những kiến thức đã học vào trong bài làm mà còn phải có kiến thức về đời sống, xã hội, đây là điều mà bọn em rất thích thú với đề thi này, mỗi người có một suy nghĩ, một cách nhìn nhận riêng mà không ai giống ai”.
 - 3
Đề thi Văn khối trường chuyên năm nay được cho là khá hay

Trả lại giá trị môn Văn

TTO- 22.6.2013
Trả lại giá trị môn văn
Câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm 2012 bàn đến “thế hệ gấu bông” - một loạt bài đã đăng trước đó trên báo Tuổi Trẻ. Câu chuyện người con hững hờ, vô cảm nhìn mẹ nhặt đồ đạc bị văng ra đường khi té xe cứ như chuyện ở đâu không liên quan tới mình, hay chuyện những cô cậu học trò rành rẽ sở thích, thời trang của thần tượng nhưng khi hỏi cha mẹ thích gì thì không biết cũng là những chi tiết không quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thí sinh cho biết họ đã thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, thay đổi cách cư xử với cha mẹ mình sau khi kỳ thi tuyển sinh kết thúc.
Theo một thành viên ban đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, ban đề thi đã cân nhắc tới sự phù hợp về hiểu biết xã hội và suy nghĩ của học sinh trình độ lớp 9 khi lần đầu tiên ra câu hỏi mở có liên hệ với thực tiễn đời sống. “Chương trình THCS đã học văn nghị luận xã hội và nhiều chủ đề quen thuộc mà học sinh vẫn được hướng dẫn liên hệ như lòng biết ơn, tình cảm gia đình, lý tưởng sống... Chủ quyền lãnh thổ và việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lần đầu tiên đưa vào đề văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhưng cũng không xa lạ với học sinh THCS ở thủ đô, nơi các em được cập nhật thông tin xã hội đầy đủ. Hình ảnh người lính qua các thời kỳ kháng chiến, chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc cũng là hình ảnh quen thuộc không chỉ với học sinh THCS mà cả tiểu học” - thành viên của ban đề thi Hà Nội chia sẻ.
Một thành viên trong ban đề thi môn văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2012 ở TP.HCM thổ lộ: “Chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM là sẽ ra những đề mang hơi thở cuộc sống, gần gũi với thí sinh, giáo dục thí sinh và đặc biệt là tạo điều kiện cho thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình. Một vấn đề rất quan trọng nữa là đề thi ra theo hướng đổi mới còn nhằm mục đích triệt tiêu tình trạng học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu vốn đang tồn tại từ những năm trước”.
H.HƯƠNG - L.TRANG - V.HÀ
Những đề thi mang hơi thở cuộc sống
* Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:
Chiều 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7 Trường THPT Đô Lương 1 nghe thấy tiếng kêu cứu có người đuối nước ở dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.
(Theo Khánh Hoan, thanhnienonline, ngày 6-5-2013)
(Trích đề thi môn ngữ văn,
kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013)
* Mùa hè này, những học trò nghèo của làng chài bãi ngang xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ngày nào cũng xuống biển bắt cua, sò, ốc... để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước đến trường. Từng giọt mồ hôi non nớt sớm rơi trên gành đá, hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp cho năm học mới. Đồng hành với khát khao của con trẻ, những người mẹ nghèo của vùng đất này cũng nói với con: “Ăn khổ mấy má cũng chịu, miễn con có sách vở, quần áo mới tới trường là má vui rồi!”.
(Theo báo Thanh Niên ngày 18-6-2013, “Ôm ước mơ đi về phía biển”)
Hãy viết bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em được gợi ra từ câu chuyện trên.
(Trích đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10
tại TP.HCM ngày 21-6-2013)
* “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Hãy viết một bài văn ngắn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
(Trích đề thi môn ngữ văn khối D,
kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012)
* Nick Vujicic, người Úc, sinh năm 1982, đã phải đối diện với hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã từ khi mới chào đời.
Tháng 5-2013, Nick đã đến Việt Nam. Mặc dù là một người không tay, không chân, anh trở thành một diễn giả nổi tiếng trên toàn thế giới. Bằng trái tim của mình, anh đã chạm đến trái tim của hàng triệu người. Hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về những điều kỳ diệu của chàng trai đặc biệt này.
(Trích đề văn dự thi vào lớp 10
chuyên văn THPT của Hà Nội năm 2013)
* Trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần bàn về “thế hệ gấu bông” có hai hiện tượng:
1. Một cô bé 15 tuổi được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp, còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè”.
2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi hỏi về sở thích, nghề nghiệp của cha mẹ cậu, cậu ấp úng mãi không trả lời được.
Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi).
(Trích đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10
tại TP.HCM năm 2012)

Đề thi văn ngày càng hấp dẫn

22/06/2013 11:41 (GMT + 7)

 
TT - Đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM ngày 21-6 đã gây xôn xao dư luận, làm nức lòng thí sinh bởi lần đầu tiên trong đề văn có cả một... hình biếm họa cùng câu chuyện hiện đại, thời sự về ngôn ngữ chat.
Thí sinh với tâm lý thoải mái trước khi vào phòng thi môn văn tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2013 - Ảnh: Như Hùng
Không những thế, câu hỏi về nghị luận xã hội cũng được đánh giá là “đầy chất nhân văn, có tác động tốt đến học sinh, nhất là học sinh ở thành phố” (trích lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Cải, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung).
Vài năm trở lại đây, dư luận bắt đầu quan tâm chờ đợi và kỳ vọng nhiều hơn ở đề thi môn văn của những kỳ thi cấp thành phố, cấp quốc gia. Bởi không dừng lại ở kiến thức sách vở, những đề thi văn bắt đầu phản ánh chân thực và đầy đủ hơi thở cuộc sống cùng những thông điệp nhân văn đến lớp người trẻ...
Bất ngờ với tính thời sự
Đề văn đã loại bỏ cách học văn mẫu
Theo cô Trần Thị Tuyết Hạnh - tổ trưởng tổ văn Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, đề văn lớp 10 ở TP.HCM năm nay thể hiện rõ sự đổi mới ngay từ những câu lý thuyết (câu 1 và 2). Cái hay của đề còn thể hiện rất rõ ở câu 3 và 4.
Nhìn chung, với cách ra đề như năm nay, dụng ý của người ra đề là muốn loại bỏ cách dạy và học theo văn mẫu. Thay vào đó, học sinh phải biết suy nghĩ độc lập, học phải hiểu và biết vận dụng kiến thức (không chỉ học trong sách giáo khoa, học từ thầy cô mà phải đọc thêm sách, báo) vào bài làm của mình.
Tuy nhiên, dư luận cũng đang chờ đợi một đáp án “mở hết cỡ” để đề văn như trên thật sự làm thay đổi - một sự thay đổi tích cực quá trình dạy và học trong trường phổ thông.
Nguyễn Ngọc Doanh Doanh, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, bày tỏ: “Cảm giác đầu tiên của em khi đọc câu số 3 là cảm thấy rất thương và tội nghiệp các bạn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trong bài thi, em đã viết về sự khâm phục của mình với ý chí, nghị lực, với sự đam mê học tập của các bạn ấy. Vì đây là đề mở nên em cũng có nhắc đến sự hi sinh của những người mẹ nghèo, tất cả cho con em mình được ăn học thành tài. Em thích những đề văn thuộc dạng mở như thế này. Nó mang lại cho em nhiều cảm xúc và em được viết, được làm bài một cách thoải mái chứ không bị gò bó như những đề văn khác. Từ câu chuyện của các bạn ở Quảng Ngãi, em đã rút ra bài học cho riêng mình, đó là trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng vươn lên, cố gắng đi học và học thật tốt cho ba mẹ vui lòng. Ngoài ra, em tự thấy mình may mắn hơn các bạn ấy rất nhiều, em không được phép tiêu xài phung phí mà phải tiết kiệm, ít nhất tiết kiệm để tự mua đồ dùng học tập cho mình”.
Một giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 (đề nghị không nêu tên) cho rằng vài năm gần đây, đề thi môn ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phản ánh những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Thí sinh ngoài việc phải có kiến thức văn học, có kỹ năng làm bài, các em phải biết quan sát, tìm hiểu, nhận định về nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề khác xung quanh mình. Đề thi môn văn tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay rất hay và có tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh. Nhất là câu hỏi về nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh phải biết quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh khác, phải nhận ra được rằng dù có khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng học và không được từ bỏ ước mơ. Câu hỏi đó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn khi trong bối cảnh ở TP.HCM hiện nay, đa số học sinh được ba mẹ cưng chiều, các em sống trong đủ đầy, no ấm và ít biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh khác.
Trước đó, đề kiểm tra học kỳ II môn văn năm học 2009-2010 của Sở GD-ĐT TP.HCM với yêu cầu trình bày suy nghĩ về “kẻ mạnh” trong đoạn trích “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” (Đời thừa - Nam Cao) được dư luận đánh giá cao về tính thời sự.
Nhiều giáo viên chấm bài bất ngờ khi nhiều bài làm thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nổi cộm và cũng rất gần gũi là bạo lực học đường (thời điểm ấy dư luận đang xôn xao, bất bình vì hàng loạt clip học sinh đánh nhau được liên tục đăng tải trên mạng, nhiều học sinh lớp 12 tại TP.HCM đã có dịp bày tỏ quan điểm của mình, rằng vì sao một bộ phận người trẻ hiện nay thích thể hiện sức mạnh không phải qua điểm số, tài năng mà qua những trận đánh nhau kinh hoàng).
Liên tiếp những đề văn gắn liền tính thời sự đã thỏa mãn sự kỳ vọng của xã hội khi một bộ phận giới trẻ đang suy nghĩ lệch lạc, sống thiếu lý tưởng, a dua, đua đòi, vô cảm... Chính vì vậy một đề thi hay, gần gũi, thời sự sẽ nhắc nhở người trẻ về lối sống, lối nghĩ, sẽ như một cơn mưa rào tắm mát những khô cằn trong tâm thức, đánh động những xúc cảm tưởng chừng như ngủ quên đâu đó.
Không ngạc nhiên khi những đề văn chạm đến những vấn đề thời sự của giới trẻ như thảm họa mê muội thần tượng (đề thi văn khối D kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012), cố gắng trở thành người nổi tiếng (đề thi văn khối D kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011), thói dối trá (đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012) và gần đây nhất tấm gương cậu học trò quên mình cứu người đã được đưa vào đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

TS10 2013: Nhận định đề thi môn Văn

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Nhận xét đề thi môn ngữ văn

thi môn văn
Các thí sinh hoàn thành môn thi văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

(TNO) Cấu trúc đề thi năm nay giống như đề thi năm 2012, gồm 4 câu: một câu giáo khoa về văn học, một câu ngữ pháp, một câu nghị luận xã hội và một câu nghị luận văn học.

* Câu 1 là câu hỏi về giáo khoa văn học. Câu này nói về tác phẩm văn học của Nguyễn Quang Sáng: Chiếc lược ngà nói về tình phụ tử có nhiều éo le trong hoàn cảnh chiến tranh. Khao khát được nghe con gọi ba ở nơi ông Sáu và tiếng kêu ba xé lòng của bé Thu là những chi tiết gây xúc động đối với người đọc. Do đó tuy phần trích dẫn có mới mẻ đối với thí sinh (bài phê bình của thầy Chu Văn Sơn về tác phẩm Chiếc lược ngà mà có thể rất nhiều thí sinh chưa được biết tới), thí sinh vẫn có đủ căn cứ để trả lời tốt câu hỏi, nếu thật sự có tiếp nhận một cách nghiêm túc tác phẩm này.
* Câu 2 là câu hỏi về ngữ pháp. Câu này có tính chất thời sự và rất gần gũi với cách sử dụng ngôn ngữ hằng ngày quen thuộc của học sinh hiện nay. Câu hỏi chẳng những có tính chất kiểm tra tri thức của học sinh về ngữ pháp mà còn có tính chất giáo dục. Nó nhắc nhở các em cần có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sự kính trọng đối với người lớn biểu hiện qua việc sử dụng ngôn ngữ. Bởi vì hiện nay các em sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen một cách vô tội vạ trong nhiều trường hợp. Câu này cũng gián tiếp khẳng định rằng đa số không đồng tình với ý kiến rằng người lớn cần phải học ngôn ngữ của tuổi teen.
* Câu 3 là câu nghị luận xã hội. Về cơ bản, yêu cầu của câu 3 này phù hợp với quy định của cấu trúc đề. Về ý nghĩa đây là một câu hỏi rất hay, thiết thực, gần gũi với cuộc sống. Bên cạnh những học sinh được chăm lo đầy đủ còn có những học sinh phải nỗ lực đến tận cùng để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước được đến trường. Những giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp đã tạo những xúc động sâu sắc đối với người đọc, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh những ước mơ bình thường mà đau đớn đó là tấm lòng của những người mẹ dành cho con. Họ sẵn sàng chịu đựng khổ sở đến cùng cực để con được cắp sách đến trường. Câu chuyện đã giúp học sinh có dịp nhìn lại bản thân mình. Đã thờ ơ trước công ơn ba mẹ đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện để được đến trường. Câu chuyện mãi mãi là một ấn tượng sâu sắc đối với người đọc và chắc chắn gợi nhiều suy nghĩ. Cho nên đây là câu hỏi vừa có tính giáo dục, tính nhân văn, tính thẩm mỹ vừa phù hợp với một câu hỏi tuyển sinh.
Tuy nhiên, vấn đề được nêu trong đề thi năm nay tương đối phức tạp. Thông tin đăng trên báo Thanh Niên được dẫn trong đề bài có thể mang lại những nhận thức khác nhau về nội dung ý nghĩa: cuộc sống lam lũ nghèo khổ của những học sinh nghèo ở Phổ Châu; khát khao và mơ ước được học tập một cách bình thường; mong ước của cha mẹ về việc học tập của con cái; nỗi khổ cực của cha mẹ; tấm lòng yêu thương của cha mẹ đối với con cái…
- Từ đó, có thể hình dung thí sinh có thể sẽ triển khai bài viết của mình một cách rất khác nhau. Đáp án cụ thể sẽ thế nào trước tình hình trên? Đây là một đề mở, nhưng liệu đáp án có mở không?
- Thiết nghĩ để định hướng giúp học sinh, đề cần có một gợi ý giống như gợi ý “hành động dũng cảm cứu người” của Nguyễn Văn Nam trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
* Câu 4 là câu nghị luận văn học. Đây cũng là một câu hỏi rất mới so với các năm vừa qua. Nó phảng phất dạng đề thi so sánh trong các đề thi đại học trong 5 năm vừa qua. Câu hỏi đòi hỏi học sinh phải có năng lực khái quát để từ đó biết phân tích, tổng hợp, so sánh khi làm bài (vấn đề 1: tình cảm của con người Việt Nam đối với đất nước). Riêng với vấn đề 2 (vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ), ngoài năng lực nói trên, thí sinh phải có kỹ năng nhận biết biện pháp tu từ ẩn dụ trong hai đoạn thơ đã cho, phải có khả năng cảm thụ văn học về ý nghĩa những hình ảnh ẩn dụ nói trên. Chắc chắn đa số học sinh sẽ chọn vấn đề 1 vì vấn đề 2 khó hơn.
Câu hỏi phù hợp với nội dung chương trình, thuộc những bài thơ trọng tâm nhưng có tính phân loại cao và đặc biệt phù hợp với dạng câu hỏi dùng để tuyển sinh.
Nhìn chung, cấu trúc đề thi quen thuộc, nội dung được kiểm tra gắn với những kiến thức cơ bản của chương trình lớp 9, có tính thời sự, có tính giáo dục, có tính thẩm mỹ. Độ khó của đề tương đối cao, có tính phân loại học sinh và phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Nguyễn Hữu Dương(TT Luyện thi đại học Vĩnh Viễn - TP.HCM)

TS10 2013 tại TP.HCM : Nhận định đề thi môn Văn

Đề văn tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Thời sự và đậm tính giáo dục

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn của TP.HCM với một câu hỏi là vấn đề của giới trẻ thành thị và một câu lấy cảm hứng từ bài báo về sự vượt khó của học sinh miền biển đăng trên Thanh Niên

 Đề văn tuyển sinh lớp 10 TP.HCM
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Gần gũi với giới trẻ
Nhiều thí sinh cho rằng đề hay và mang tính thời sự, đặc biệt ở câu 2 đặt vấn đề về “ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen” và câu 3 nêu lên hoàn cảnh trẻ em nghèo vùng biển vượt khó trong mùa hè mà Báo Thanh Niên đã đăng ngày 18.6 vừa qua.
Vũ Tuấn Quang (Trường THCS Lê Lợi, Q.3) thừa nhận: “Câu hỏi số 2 đánh trúng tâm lý của phần lớn bạn trẻ, nhất là những người đang ở lứa tuổi như em. Đọc câu hỏi, em đã giật mình. Vì trước đây, bạn bè và cả em đa phần đều dùng ngôn ngữ teen để nhắn tin, viết thư, chat...”. Huy cho biết: “Làm bài xong, em tự nhủ mình cần phải có trách nhiệm, hạn chế và dần không dùng loại ngôn ngữ này nữa”. Với câu hỏi về nghị luận xã hội, Vũ Minh Tài, thí sinh thi tại hội đồng THCS Colette, Q.3, nhận định: “Đọc đoạn văn, em rất cảm động về ý chí vượt khó của các bạn. So với học sinh thành thị, các bạn thiệt thòi hơn rất nhiều, nhưng vẫn quyết vươn lên. Em ấn tượng nhất câu nói của những người mẹ nghèo”.

Công bố đáp án các môn thi vào ngày 24.6
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, đáp án các môn thi (toán, văn, ngoại ngữ) sẽ công bố vào chiều 24.6. Có thông tin cho rằng tối 20.6, trên các diễn đàn mạng, nhiều thành viên khẳng định đề thi văn vào lớp 10 năm nay sẽ cho ra tác phẩm Chiếc lược ngà. Câu 1 của đề thi môn ngữ văn năm nay cũng ra tác phẩm này. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Có thể các thành viên đoán mò, chắc chắn không có chuyện lộ đề. Bộ phận ra đề còn đang bị cách ly, phải thi xong môn cuối cùng họ mới được ra ngoài”.
Duy Vương - Minh Luân
Một ý nghĩa đẹp về khát vọng
Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi), nhận định: “Lâu lắm rồi mới thấy một đề văn vừa sinh động về hình thức, chất lượng về nội dung, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh như vậy”. 
Theo ông Nguyễn Hữu Dương, giáo viên Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, câu hỏi số 2 dù hỏi về ngữ pháp nhưng lại rất thời sự và gần gũi với cách sử dụng ngôn ngữ hằng ngày quen thuộc của học sinh hiện nay. Câu hỏi chẳng những có tính chất kiểm tra tri thức của học sinh về ngữ pháp mà còn có tính chất giáo dục. Nó nhắc nhở học trò cần có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, kính trọng người lớn biểu hiện qua việc sử dụng ngôn ngữ. Cùng suy nghĩ, ông Đỗ Thiện Thanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải (Q.Tân Phú), đánh giá: “Câu 2 không chỉ chạm vào vấn đề thực tế giao tiếp của học sinh mà còn là thực tế chung của xã hội. Yêu cầu đề bài không đi vào lối mòn kiến thức, tránh học sinh học vẹt, học tủ mà phải hoàn toàn vận dụng tư duy”.
Về câu hỏi nghị luận xã hội, ông Dương nhận định: “Đây là một câu hỏi rất hay, thiết thực, gần gũi với cuộc sống. Câu chuyện giúp học sinh có dịp nhìn lại bản thân, gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc và chắc chắn gợi nhiều suy nghĩ. Cho nên đây là câu hỏi vừa có tính giáo dục, nhân văn, thẩm mỹ, vừa phù hợp với một câu hỏi tuyển sinh”. Bà Đinh Thị Ngọc Nhung, tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cũng khẳng định: “Đề thi năm nay khá hay, đặc biệt là câu hỏi về nghị luận xã hội. Dữ liệu và yêu cầu câu hỏi vừa mang tính thời sự, vừa gắn liền với nhịp sống đời thường. Từ đó học sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về ước mơ, khát vọng, nghị lực vươn lên trong cuộc sống”. Ông Đỗ Thiện Thanh cho rằng: “Câu 3 mang lại một ý nghĩa đẹp về khát vọng. Người ra đề đã thực sự thành công khi sử dụng đoạn trích trong bài báo Ôm ước mơ đi về phía biển. Đó là dữ liệu vừa giàu cảm xúc văn chương, vừa mang đậm tính nhân văn, gắn vào đó là truyền thống ham học của người dân Việt Nam. Đây là cơ hội để học sinh có dịp thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình mà không hề bị gò bó theo văn mẫu”.

Nhọc nhằn nuôi ước mơ đến trường
Ở làng chài bãi ngang (xã Phổ Châu, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) chiều nào tôi cũng chứng kiến nhiều đứa trẻ lặn ngụp dưới chân gành mong tìm mớ ốc, mớ cua…, bán đi để có tiền mua cái cặp, sách giáo khoa, tấm áo chuẩn bị cho năm học mới.

Với phần lớn trẻ con thành thị, những điều này không thể gọi là ước mơ vì chúng quá dễ dàng. Trong khi đó, đối với những đứa trẻ nghèo ở vùng biển này, những thứ ấy lại xa xôi hơn cả một giấc mơ. Và chúng phải đổ mồ hôi nơi cheo leo cuối bãi, đầu ghềnh mới mong có được.
Chứng kiến hoàn cảnh của những đứa trẻ vùng biển này, tôi đã viết bài Ôm ước mơ đi về phía biển đăng trên Báo Thanh Niên ngày 18.6. Thật xúc động khi biết tin các đồng nghiệp ở TP.HCM đã đưa bài này vào đề thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 trong ngày 21.6.
Chiều cùng ngày, tôi lại lò dò đi về phía biển với một mong ước nhìn thấy mấy đứa trẻ bắt được nhiều cua, nhiều nhum hơn. Bọn trẻ vẫn thế: ồn ào, hồn nhiên. Chúng “ùm” xuống, ngoi lên, rồi lại “ùm” xuống, ngoi lên… Những cái bóng bé xíu cõng chút “ước mơ” chạy lên quán “đặc sản biển”, bất kể doi cát bỏng rát nắng hè. Những bàn chân non nớt tất tả chạy đi, chạy về với bàn tay khư khư nắm chặt. Trong cái nắm tay nhỏ như chiếc lá ấy là “mong manh” những tờ giấy bạc, chắc cũng lèo tèo, bèo bọt như vóc dáng của chúng.
 Trần Cao Duyên
(Giáo viên ở Quảng Ngãi)
B.Thanh - M.Luân

TS10 2013: Đề và gợi ý chấm môn Văn tại HCM


.KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2013 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1 (1 điểm)
Truyện “Chiếc lược ngà” xoay quanh một kỉ vật đơn sơ mà vô giá nối hai cuộc gặp gỡ với ba con người. Nhưng vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt  những quãng đời, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này, ấy là tiếng … !
 (Chu Văn Sơn, Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học)
Tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng được nhắc đến trong đoạn trích trên là gì? Tiêng kêu ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?
Câu 2 : (1 điểm)
Bạn trẻ trong hình bên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?

Câu 3: (3 điểm)
            Mùa hè này, những học trò nghèo của làng chài bãi ngang xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi, ngày nào cũng xuống biển bắt cua, sò, ốc … để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước đến trường. Từng giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá, hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp… cho năm học mới. Đồng hành với khát khao của con trẻ, những người mẹ nghèo của vùng đất này cũng nói với con: “Ăn khổ mấy má cũng chịu, miễn con có sách vở, quần áo mới tới trường là má vui rồi!”
(Theo Báo Thanh niên ngày 18-6-2013,
Ôm ước mơ đi về phía biển)
Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em được gợi ra từ câu chuyện trên.
Câu 4: (5 điểm)
Không có kính, rồi xe không có đèn,                   Mùa xuân người cầm súng
Không có mui xe, thùng xe có xước,                   Lộc giắt đầy trên lưng
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:                Mùa xuân người ra đồng
Chỉ cần trong xe có một trái tim.                        Lộc trải dài nương mạ
(Phạm Tiến Duật – Bài thơ về                             Tất cả như hối hả   
                                tiểu đội xe không kính)        Tất cả như xôn xao …
                                                                                   (Thanh Hải – Mùa xuân nho nhỏ)
Trình bày cảm nhận về một trong hai vấn đề sau:
1.      Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua hai khổ thơ trên.
2.      Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong hai khổ thơ trên.


           
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1 :
            Tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng được nhắc đến trong đoạn trích trên là : tiếng “Ba”.
            Đối với ông Sáu, tiếng “Ba” ấy thể hiện lòng yêu thương của một người cha đối với con và niềm khao khát được nghe con gọi tiếng “Ba” sau rất nhiều năm cha con không gặp mặt vì chiến tranh.
Còn đối với bé Thu, tiếng “Ba” ấy là một tiếng gọi thiêng liêng thể hiện lòng yêu thương của người con đối với cha. Vì vậy, trước khi khẳng định ông Sáu đúng là bố của mình, em đã nhất định không gọi ông Sáu là ba. Chỉ đến khi xác định được ông Sáu đúng là ba của mình, em đã kêu ông Sáu là ba, một cái tiếng “Ba” xé sự im lặng, xé cả ruột gan của mọi người, nghe thật xót xa. 
           
Câu 2:  
            Bạn trẻ trong hình đã vi phạm phương châm hội thoại cách thức vì phương châm này yêu cầu khi nói phải nói ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch, tránh mơ hồ.
Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm này là do thiếu ý thức khi sử dụng phương châm hội thoại, thiếu văn hóa khi giao tiếp, đặc biệt là thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Câu 3:
            Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của câu hỏi : trình bày suy nghĩ của mình được gợi lên từ câu truyện trên trong phạm vi khoảng một trang giấy thi.
            Thí sinh có thể triển khai suy nghĩ của mình theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo:
-          Bên cạnh những học sinh được chăm lo đầy đủ còn có những học sinh phải nỗ lực đến tận cùng để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước được đến trường.
-          Những giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp đã tạo những xúc động sâu sắc đến với người đọc, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh.
-          Bên cạnh những ước mơ bình thường mà đau đớn đó là tấm lòng của những người mẹ dành cho con. Họ sẵn sàng chịu đựng khổ sở đến cùng cực để con được cắp sách đến trường.
-          Câu chuyện đã giúp em nhìn lại bản thân mình. Đã thờ ơ trước công ơn ba mẹ đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện để em được đến trường. Câu chuyện mãi mãi là một ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời học sinh của chúng em. Nó như một hành trang quý giá giúp em biết trân trọng và yêu thương những điều bình dị mà cao cả.
-          Những ước mơ của các em học trò nghèo ở làng chài đẹp như những đóa hoa xương rồng nở trên gai góc và nắng gió.
-          Ước mơ cao đẹp trong điều kiện đói nghèo và tấm lòng của người mẹ là biểu tượng đẹp và
-          khá phổ biến trong những gia đình nghèo ở Việt Nam.
-          “Ôm ước mơ đi về phía biển” là một biểu tượng nghệ thuật đẹp đẽ của ý chí và khát vọng vươn lên trên nền tối là sự đói nghèo và thiếu thốn.
-          Câu chuyện là một bài học cho tuổi học sinh, phải biết trân trọng những gì mình đang có, biết chia sẻ và cảm thông với những người cùng lứa tuổi nhưng không có điều kiện như mình. Từ đó, các em cần phải nỗ lực hơn trong việc học và góp phần nhỏ nhoi nào đó để chia sẻ và giúp đỡ những học sinh nghèo.
Câu 4:
Câu hỏi cho phép thí sinh chọn một trong hai vấn đề. Do đó, mỗi thí sinh chỉ thực hiện một vấn đề mà thôi. Ở mỗi vấn  đề, thí sinh có thể triển khai một cách cụ thể khác nhau. Sau đây chỉ là một số gợi ý để tham khảo.
Vấn đề thứ nhất: Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua hai khổ thơ trên.

Mở bài: Giới thiệu lòng yêu nước là một trong những tình cảm lớn của con người Việt Nam được thể hiện trong rất nhiều sáng tác của thơ ca như trong hai đoạn thơ sau đây (chép lại 2 đoạn thơ).
Thân bài:
-          Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua khổ thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
+ Giới thiệu vài nét về Phạm Tiến Duật : nhà thơ quân đội trưởng thành trong giai đoạn chống Mĩ; công tác ở binh đoàn Trường Sơn và có nhiều bài thơ nổi tiếng về cuộc sống của những người lính trên đường mòn Trường Sơn thời chống Mĩ, trong đó có Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
+ Giới thiệu Bài thơ về tiểu đội xe không kính : được sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ; bài thơ có bảy khổ và đây là khổ thơ cuối cùng của bài thơ.
+ Khổ thơ thể hiện tình cảm yêu nước của nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia đôi, miền Nam trực tiếp đấu tranh với Mĩ và miền Bắc vừa đương đầu với chiến tranh phá hoại của Mĩ vừa hỗ trợ cho miền Nam về người, về của để chiến đấu.
      Hai câu thơ đầu, qua hình tượng đặc biệt những chiếc xe không có kính với những hư hao mất mát tiếp tục có thể có đã gợi lên sự khốc liệt của chiến tranh.
      Hai câu thơ sau là lời khẳng định tình cảm bất di bất dịch vì miền Nam phía trước, tình cảm yêu nước của người chiến sĩ lái xe nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp con người Việt Nam vượt qua tất cả gian khổ, chấp nhận hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.
-          Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua khổ thơ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
+ Giới thiệu nhà thơ Thanh Hải : là nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn chống Mĩ, có những đóng góp cho sự phát triển của văn học giải phóng miền Nam.
+ Giới thiệu bài thơ, khổ thơ : Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác vào tháng 11/1980 vào lúc nhà thơ đang ở trên giường bệnh; thể hiện tình cảm của nhà thơ đối với đất nước; về cơ bản bài thơ có ba phần, đoạn thơ này là phần thứ hai trong bài thơ; phần thơ thể hiện suy nghĩ của nhà thơ về trách nhiệm đối với đất nước.
+ Trách nhiệm đối với đất nước :
      Hai câu đầu: thông qua những hình ảnh ẩn dụ nhà thơ nói lên trách nhiệm cầm súng bảo vệ tổ quốc của mọi công dân.
      Hai câu tiếp theo: thông qua những hình ảnh ẩn dụ nhà thơ nói lên trách nhiệm lao động và phát triển đất nước.
è  Bốn câu thơ có những hình ảnh thơ bình dị, gần gũi với cuộc sống gợi được những cảm nhận của mọi người về tình yêu đối với thiên nhiên và đất nước.
Hai câu cuối : thông qua phép điệp, hai câu thơ thể hiện không khí sôi nổi, phấn khởi, khẩn trương của cả dân tộc trong cả hai sự nghiệp lao động xây dựng và chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
-          Cả hai đoạn thơ thể hiện tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước :
+ Trong cuộc sống hòa bình : lao động hăng say xây dựng đất nước.
+ Trong chiến tranh : sẵn sàng xả thân, hi sinh bảo vệ tổ quốc.
Kết bài:                      
            Hai đoạn thơ của hai tác giả khác nhau, ra đời trong hai hoàn cảnh khác nhưng cùng thể hiện một tình cảm lớn của con người Việt Nam và để lại những ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.

Vấn đề thứ hai: Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong hai khổ thơ trên.

Mở bài:
Giới thiệu chung : Phạm Tiến Duật và Thanh Hải là những nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam thời chống Mĩ. Bài thơ về tiểu đội xe không kínhMùa xuân nho nhỏ là những thi phẩm nổi tiếng của họ. Trong hai bài thơ trên, có hai đoạn thơ đã xây dựng được những hình ảnh ẩn dụ đẹp (dẫn lại hai đoạn thơ)
Thân bài:                                                                                                                                                  
-          Vẻ đẹp ẩn dụ trong khổ thơ của Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
+ Giới thiệu vài nét về Phạm Tiến Duật : nhà thơ quân đội trưởng thành trong giai đoạn chống Mĩ; công tác ở binh đoàn Trường Sơn và có nhiều bài thơ nổi tiếng về cuộc sống của những người lính trên đường mòn Trường Sơn thời chống Mĩ, trong đó có Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
+ Giới thiệu Bài thơ về tiểu đội xe không kính : được sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ; bài thơ có bảy khổ và đây là khổ thơ cuối cùng của bài thơ.
+ Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong khổ thơ
      Hình ảnh những chiếc xe không kính (trong hai câu  thơ đầu): gắn với những chi tiết hiện thực trần trụi (không có kính, không có đèn, không có mui xe, thùng xe có xước) gợi lên hình tượng thơ độc đáo, có ý nghĩa của một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nói lên sự khốc liệt của chiến tranh; đây là một hình tượng thơ mang bản sắc rất riêng của nhà thơ Phạm Tiến Duật về hiện thực chiến tranh.
      Hình ảnh miền Nam phía trước là hình ảnh ẩn dụ gợi tới hình ảnh tổ quốc Việt Nam, gợi tới nhiệm vụ chiến đấu trong giai đoạn chống Mĩ. Gợi tới mục đích chiến đấu mà mỗi chiến sĩ phải hoàn thành; một hình ẩn dụ có sức khích lệ động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân.
      Hình ảnh trái tim : một hình ảnh quen thuộc là biểu tượng cho tình yêu, ở đây là tình yêu tổ quốc và đồng bào miền Nam. Hình ảnh quen thuộc nhưng được biểu hiện bằng một cách diễn đạt giản dị và đầy ẩn ý : Chỉ cần trong xe có một trái tim. Đây là cách nói khá gợi cảm và thuyết phục. Cách nói này nhấn mạnh sức mạnh to lớn của tình cảm yêu nước nơi người chiến sĩ của binh đoàn Trường Sơn, của người bộ đội Việt Nam trong thời chống Mĩ trước mưa bom bão đạn đầy khốc liệt.
-          Vẻ đẹp ẩn dụ trong khổ thơ của Mùa xuân nho nhỏ:
+ Giới thiệu nhà thơ Thanh Hải : là nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn chống Mĩ, có những đóng góp cho sự phát triển của văn học giải phóng miền Nam.
+ Giới thiệu bài thơ, khổ thơ : Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác vào tháng 11/1980 vào lúc nhà thơ đang ở trên giường bệnh; thể hiện tình cảm của nhà thơ đối với đất nước; về cơ bản bài thơ có ba phần, đoạn thơ này là phần thứ hai trong bài thơ; phần thơ thể hiện suy nghĩ của nhà thơ về trách nhiệm đối với đất nước.
+ Vẻ đẹp ẩn dụ trong khổ thơ:
Hình ảnh mùa xuân : là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống, một cuộc sống xuân, tươi đẹp, tràn trề sinh lực của đất nước trong giai đoạn sau 1975 (sau chiến thắng chống Mĩ, đất nước được thống nhất, hòa bình)
Hình ảnh người cầm súng : là hình ảnh ẩn dụ cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh bình dị gần gũi với cuộc sống cũng gợi được suy nghĩ của người đọc.
Hình ảnh người ra đồng : là là hình ảnh ẩn dụ cho nhiệm vụ lao động xây dựng phát triển đất nước. Hình ảnh bình dị gần gũi với cuộc sống cũng gợi được suy nghĩ của người đọc.
Hình ảnh Lộc : hình ảnh ẩn dụ có tính đa nghĩa cho nên gợi được nhiều liên tưởng và cảm nhận nơi người đọc. Lộc là chồi non. Lộc giắt đầy trên lưng gợi hình ảnh người lính ngụy trang khi chiến đấu; Lộc trải dài nương mạ gợi những mầm non được sử dụng khi gieo trồng. Nhưng Lộc đồng thời cũng có thể gợi tới hình ảnh đặc biệt của người lính trong giai đoạn mới của tổ quốc từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ chiến đấu chuyển sang sản xuất; gợi tới thành quả mà sự nghiệp chiến đấu và lao động mang lại cho đất nước, gợi tới cống hiến đặc biệt của người lính : cầm súng bảo vệ tổ quốc để mang lại “Lộc” (những điều hạnh phúc tốt đẹp, may mắn,…) cho cuộc đời.
-          Hai khổ thơ đều có những hình ảnh ẩn dụ. Mỗi hình ảnh có sắc thái riêng, có ý nghĩa riêng và góp phần biểu hiện phong cách riêng của từng tác giả. Ví dụ như hình ảnh ẩn dụ của Phạm Tiến Duật thì độc đáo, đặc sắc; còn của Thanh Hải thì bình dị mà có ý nghĩa sâu xa.
Kết bài:
Hai đoạn thơ của hai tác giả khác nhau, ra đời trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều sử dụng một biện pháp tu từ rất quen thuộc của thơ ca : ẩn dụ. Tuy nhiên, hình ảnh ẩn dụ ở mỗi tác giả đều có những nét đẹp riêng, bản sắc riêng, phong cách riêng tạo thành cái độc đáo, hấp dẫn của mỗi nhà thơ.

Lý Thị Tú Anh – Phan Thị Thanh

(Trường THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM)