TSĐH 2014: Đề - Gợi ý môn Văn khối D


ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2014
Môn: NGỮ VĂN; Khối: D
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Câu I (2,0 điểm)
                        Trời xanh đây là của chúng ta
                        Núi rừng đây là của chúng ta
                        Những cánh đồng thơm mát
                        Những ngả đường bát ngát
                        Những dòng sông đỏ nặng phù sa
                        Nước chúng ta
                        Nước những người chưa  bao giờ khuất
                        Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                        Những buổi ngày xưa vọng nói về
                                                             (Đất nước - Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 12,
                                                        Tập một, NXB Giáo Dục, Việt Nam, 2013, tr.125)
Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đoạn thơ trên thể hiện tâm tư tình cảm gì của tác giả? (0,5 điểm)
2. Nêu ý nghĩa tu từ của từ láy “rì rầm” trong đoạn thơ. (0,5 điểm)
3. Xác định các dạng phép điệp trong đoạn thơ nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng. (1,0 điểm)
Câu II (3,0 điểm):
            Có ý kiến cho rằng: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Anh /Chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ ý kiến của mình.
Câu III (5,0 điểm)
            Về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo, có ý kiến cho rằng: Đó là mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát-xít hành hình. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng Lor-ca, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I : (2,0 điểm)
1.      Thể hiện tâm tư tình cảm :
- Khẳng định chủ quyền đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.
- Niềm tự hào về truyền thống xưa - nay cùng giữ nước.
2.   Ý nghĩa tu từ của từ láy “rì rầm”
- Tiếng vọng lại từ đất.
- Tiếng nói của cha ông từ trước vọng về ngày hôm nay dặn dò con cháu phải tiếp bước cha ông để bảo vệ Tổ quốc.
3.  Các dạng của phép điệp và hiệu quả nghệ thuật
·         - Phép điệp cấu trúc “Trời xanh đây là của chúng ta / Núi rừng đây là của chúng ta”.
- Điệp từ “những”.
·         Tác dụng: nhằm nhấn mạnh, tăng cường độ sâu cảm xúc và tăng nhạc điệu cho thơ. Thể hiện chủ quyền của người Việt Nam đối với đất nước Việt Nam và truyền thống giữ nước kết hợp giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.

Câu II : (3,0 điểm)
Đây là câu nghị luận xã hội có yêu cầu cụ thể về nội dung, kiểu bài và độ dài của văn bản. Thí sinh cần đáp ứng đúng những yêu cầu nói trên.
Thí sinh có thể triển khai bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau . Sau đây là một gợi ý :
- Cuộc sống của con người là một bài ca kì diệu. Có những cuộc sống thăng hoa bất tử nhưng cũng có những cuộc đời để lại những ngậm ngùi, tủi hổ. Điều đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vai trò không thể thiếu được của quan niệm sống. Trong giai đoạn hiện nay, có người quan niệm rằng “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Chúng ta nghĩ gì về quan niệm này?
- Cống hiến là hành động đóng góp cái quý giá của mình vào sự nghiệp chung, sự nghiệp của tập thể. Hưởng là có được cho mình, có được để sử dụng. Hưởng thụ là hưởng của xã hội trong quan hệ với cống hiến. Quan niệm trên khẳng định giá trị của sự cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa. Quan niệm đó cho rằng Cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa là phương châm sống có ý nghĩa tích cực và luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.
- Cống hiến và hưởng thụ là hai khía cạnh có quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể chỉ có cống hiến mà không có hưởng thụ. Cũng như không thể chỉ hưởng thụ mà không cống hiến. Cống hiến là điều kiện để được hưởng thụ và hưởng thụ là hệ quả tất yếu khi người ta cống hiến cho tập thể, cho xã hội. Con người trong thời đại ngày nay là con người của thời kì hội nhập , giao lưu rộng mở với mối quan hệ đa dạng, phong phú và phức tạp. Cống hiến hết mình và biết hưởng thụ là một phương châm sống có ý nghĩa tích cực. Đây là phương châm sống của người hành động, nó hoàn toàn khác với kiểu sống của người thụ động. Phương châm này có ý nghĩa và tác dụng lớn đối với con người. Về năng lực, sống cống hiến hết mình sẽ giúp người ta phát huy cao nhất năng lực có thể của bản thân. Giúp người ta có một cuộc sống có giá trị và mang lại nhiều đóng góp cho tập thể, cho xã hội. Hưởng thụ giúp người ta tái tạo sức lao động về thể chất và tinh thần. Hưởng thụ giúp người đã cống hiến có được trạng thái tinh thần thư giãn, giải tỏa áp lực tinh thần, mang lại tâm thế tự do giúp con người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa và sau đó có điều kiện để tiếp tục phát huy năng lực tinh thần đã có ở bản thân.
- Nhưng phương châm đó không phải luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Vì sao? Bản thân con người là hữu hạn. Dù có muốn cống hiến hết mình, con người cũng có những giới hạn về thể chất và tinh thần nhiều khi rất khó vượt qua. Trong khi, hưởng thụ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của tập thể, xã hội. Do đó không thể đòi hỏi hưởng thụ tối đa. Ngoài ra, khao khát hưởng thụ dễ dẫn người ta đi đến tư tưởng hưởng lạc, một xu hướng tâm lý dễ dẫn đến sự tha hóa, suy đồi.
- Vì vậy, con người cần thấy mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ cũng như tác dụng to lớn của nó. Từ đó có những suy nghĩ đúng đắn và cần thiết về cống hiến và hưởng thụ. Cống hiến và hưởng thụ một cách hài hòa là phương châm sống cần có của bản thân mỗi người. Cống hiến hết mình cần được soi sáng bởi một mục đích cao đẹp, một tư duy sáng suốt để không rơi vào sự mê muội, bị lừa dối. Hưởng thụ chính đáng, phù hợp với nhu cầu chân chính, với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình, xã hội, đất nước.
- “Cống hiến hết mìnhhưởng thụ phải chăngnên phương châm sống của con người hiện đại hôm nay.
Câu III. (5,0 điểm)
·         Giới thiệu tác giả - tác phẩm - tựa đề
- Thanh Thảo là nhà thơ trẻ được công chúng chú ý qua những tập thơ mang diện mạo độc đáo về chiến tranh, nhất là vấn đề con người thời hậu chiến.
- Tiêu biểu là bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” thuộc tập “Khối vuông ru-bich” (1985).
- Ấn tượng nhất là hình tượng Lor-ca với ý kiến cho rằng mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Và cũng có ý kiến cho rằng đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật nhưng bị giết hại oan.
·         A. BÌNH
1. Tìm hiểu ý kiến:
- Ý kiến 1:
+ Bọn phát xít Phranco hủy diệt tự do dân chủ của con người và  Lor-ca vừa là nghệ sĩ yêu cái đẹp vừa là chiến sĩ đấu tranh cho cái đẹp ấy nên đối lập  hẳn với bọn phát xít.
+ Nên chúng nhất định phải hủy diệt và đưa Lor-ca đến bản án tử hình .
- Ý kiến 2:
            + Mẫu người nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo cái đẹp có nghĩa là họ chỉ biết tìm đến cái đẹp thuần túy xa rời cuộc sống và từ đó sáng tạo nghệ thuật chỉ để thỏa mãn đam mê cá nhân.
            + Nên bị bọn phát xít giết hại oan.
2. Tìm hiểu hình tượng Lorca để chứng minh 2 ý kiến:
- Giới thiệu sơ lược về Lor-ca.
- Phân tích hình tượng Lor-ca:
+ Hình ảnh Lor-ca : nghệ sĩ - chiến sĩ
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
(phân tích nhân vật Lor-ca qua nền văn hóa Tây Ban Nha. Với các chi tiết : hình ảnh trận chiến đấu “áo choàng đỏ gắt”, hình ảnh “tiếng đàn bọt nước”, đơn độc - “trên yên ngựa mỏi mòn”.... nêu bật hình tượng Lor-ca người nghệ sĩ - chiến sĩ sử dụng âm nhạc đấu tranh chống phát xít)
+ Hình ảnh Lor-ca bị hành hình :
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điều về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
(phân tích hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” thể hiện cái chết bi tráng của Lor-ca, “chàng đi người mộng du” phản ánh hình ảnh người chiến sĩ - nghệ sĩ bình thản trước cái chết có nghĩa là bọn phát xít thua cuộc).
+  Sử dụng âm nhạc để đấu tranh chống phát xít đòi hỏi tự do dân chủ:
“tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
            tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
            tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
            tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy”
(phân tích khát vọng của người nghệ sĩ - chiến sĩ Lorca đấu tranh cho cái đẹp và cái đẹp bị bạo lực hủy diệt qua một số ngôn từ : điệp ngữ tiếng ghi-ta, hình ảnh “bầu trời cô gái”, hình ảnh tượng trưng siêu thực : bọt nước vỡ tan; cách ngắt nhịp bất thường : ròng ròng /
        máu chảy)
      - Về mặt nghệ thuật , hình tượng Lor-ca được xây dựng bằng những nghệ thuật độc đáo sau:
      + Giọng thơ giàu chất suy tư.
      + Hình ảnh mang màu sắc tượng trưng siêu thực.
      + Chuyển đổi cảm giác rất thành công.
B. LUẬN
-     Ý kiến cho rằng hình tượng Lor-ca là mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ vì dấn thân tranh đấu cho độc lập, cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình là đúng.
-     Nói khác đi mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ đấu tranh cho cái đẹp nên bị hủy diệt nhấn mạnh nhiệm vụ của người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp, đam mê cái đẹp nhưng phải là cái đẹp phục vụ cuộc sống.
-     Qua hai ý kiến, chúng ta liên tưởng đến quan điểm sáng tác “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” để nhấn mạnh: nghệ thuật là cái đẹp của nghệ thuật nhưng phải phục vụ cuộc sống.
·         Khẳng định sự đóng góp của Thanh Thảo khi đổi mới văn học

Nguyễn Thị Thu Tuyết
Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét