Đề thi Olympic môn Văn lớp 10:


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
CỤM TRƯỜNG THPT BA ĐÌNH – TÂY HỒ

(Đề thi chính thức)

ĐỀ THI OLYMPIC NĂM HỌC 2011- 2012
Môn: Ngữ văn – Lớp 10

(Thời gian làm bài 150 phút không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (8 điểm) 

Từ những kỉ niệm sâu sắc của bản thân hay những gì bạn chứng kiến và cảm nhận được nơi cuộc sống, hãy viết một bài luận với chủ đề: Giọt nước mắt của cha! 

Câu 2 (12 điểm)

Nguyễn Trãi - một tâm hồn nghệ sĩ.

Olympic



SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
CỤM TRƯỜNG THPT BA ĐÌNH – TÂY HỒ
(Đề thi chính thức)
ĐỀ THI OLYMPIC NĂM HỌC 2011- 2012
Môn: Ngữ văn – Lớp 11
(Thời gian làm bài 150 phút không kể thời gian giao đề)
Câu 1. (8 điểm)
VẾT ĐEN TRÊN TỜ GIẤY TRẮNG
Chuyện xảy ra tại một trường trung học.
- Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vết mực đen và đặt câu hỏi với học sinh:
- Các em có thấy gì không?
Cả phòng học vang lên câu trả lời:
- Đó là một vết mực đen.
Thầy giáo nhận xét:
- Các em không trả lời sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?
Và thầy kết luận:
Con người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều khoảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời. Đáng gì một chấm đen, một vệt đen mà bỏ đi cả trang giấy trắng quý giá.
Trong số các học sinh ngồi trong lớp có một cậu bé tên là Cô-phi. Cậu bé Cô-phi năm nào nay chính là Cô-phi An-nan, người đã trở thành tổng thư ký Liên hiệp quốc và là một sứ giả thiện chí trong các cuộc đàm phán, một nhà hòa giải nổi tiếng thế giới từng được trao tặng giải Noben Hòa bình. Khi được hỏi về bí quyết dẫn đến những thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp chính trị, Cô-phi An-nan đều kể lại câu chuyện viết mực đen trên tờ giấy trắng.
(Bức thư của người thầy - NXB Văn hóa thông tin 2005).
Suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện trên?
Câu 2. (12 điểm)
Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay.
(Xuân Diệu)
Bằng việc phân tích một só bài thơ mới đã học trong chương trình Ngữ văn 11, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn 9


PHÒNG GD&ĐT HÀM THUẬN BẮC
TRƯỜNG PTDTNT HÀM THUẬN
(Không kể thời gian phát đề)
THI HỌC KÌ II - NĂM HỌC 2014-2015 
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian làm bài : 90 phút
Họ và tên học sinh:........................................................... Số báo danh: ...................
ĐỀ
I. Văn - Tiếng Việt (3đ)
Câu 1: (2 điểm). Về bài thơ “Viếng lăng bác” (Viễn Phương), em hãy cho biết:
a. Bài thơ được sáng tác năm nào?
b. Chép lại những câu thơ trong bài thơ có hình ảnh hàng tre, cây tre. Nêu ngắn gọn ý nghĩa của hình ảnh này trong bài thơ.
Câu 2: (1 điểm). Cho đoạn văn:
“… Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội”.
(Ngữ văn 9, Tập 2, NXBGD – 2006).
a. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Của ai?
b. Câu chủ đề của đoạn văn trên nằm ở vị trí nào?
c. Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào là chủ yếu?
d. Từ được in đậm trong câu “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.” là thành phần biệt lập gì?
II. Làm văn: (7đ)
Câu 1: (2 điểm). Với chủ đề về môi trường, em hãy dựng một đoạn văn khoảng 10 đến 12 câu về hậu quả của nó đối với sức khỏe của con người.
Câu 2: (5 điểm). Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải):
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm sao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
(Ngữ văn 9, tập II, nhà xuất bản giáo dục, năm 2007).

Đáp án đề kiểm tra học kì môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1. (2 điểm)
a. Bài thơ được sáng tác năm 1976. (0,5 điểm).
Lưu ý: Nếu học sinh viết tháng nhưng sai thì trừ 0.25 điểm
b.
* Những câu thơ có hình ảnh cây tre: (0,75 điểm)
1. Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
2. Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt nam
    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
3. Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Lưu ý:
- Nếu học sinh chép thừa thì không trừ điểm;
- Chép sai 1 từ/câu, câu 2 chỉ chép một câu thơ thì không cho điểm;
- Nếu chép sai 2 lỗi chính tả trừ 0.25 điểm, 3-4 lỗi trừ 0.5 điểm, từ 5 lỗi trở lên không cho điểm.
* Ý nghĩa của hình ảnh hàng tre:
- Cây tre hiện lên với vẻ bát ngát, xanh xanh, bão táp mưa sa đứng thẳng hàng, trung hiếu => Tả thực cây tre bên lăng bác (dáng thẳng, được trồng thành hàng, màu xanh, ngày ngày bên lăng…). (0,5 điểm)
- Ý nghĩa ẩn dụ: Tre là hình ảnh của làng quê, của đất nước Việt Nam, đã thành một biểu tượng của dân tộc – là biểu tượng của sức sống bền bỉ, kiên cường của dân tộc...(0,5 điểm)
Câu 2: (1 điểm).
a. Đoạn văn được trích từ văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của tác giả Vũ Khoan. (0,25 điểm)
b. Câu chủ đề nằm ở đầu đoạn. (0,25 điểm).
c. Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết chủ yếu là: phép lặp (0,25 điểm).
d. Có lẽ là thành phần biệt lập tình thái trong câu. (0,25 điểm).
II, Làm văn
Câu 1: (2 điểm)
- Hình thức(0,5 điểm)
  • Đoạn văn mạch lạc nhờ có phép liên kết.
- Nội dung: (1,5 điểm)
  • Mở đoạn: Nêu thực trạng của vấn đề môi trường hiện nay.
  • Thân đoạn: Chỉ rõ tác hại, hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người (ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, hiệu ứng nhà kính…); đưa ra biện pháp khắc phục, cách xử lí…
  • Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề, và đưa ra lời khuyên.
* Lưu ý: thiếu hoặc quá 1 câu trừ 0,25 điểm; thiếu hoặc quá từ 2 câu trở lên trù 0.5 điểm.
Câu 2: (5 điểm).
Phân tích đoạn thơ:
a. Mở bài: (0,5 điểm)
  •  Dẫn dắt giới thiệu vấn đề (tác giả, tác phẩm, đoạn trích…) 
  •  HS không phải chép lại đoạn thơ.
  •  Lưu ý: Bài làm không có phần mở bài, không cho điểm.
b. Thân bài: (4 điểm)  Phân tích làm nổi bật giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy nghĩ và tâm niệm của nhà thơ.
* Hai ý (luận điểm) cần làm sáng tỏ
1. Khát vọng, mong ước được sống ý nghĩa, được cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời của tác giả.
2. Ước nguyện ấy được thể hiện một cách chân thành, gián dị, khiêm nhường.
Một số phân tích cụ thể:
* Khổ 1: (2 điểm)
- Điều tâm niệm của nhà thơ được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Phân tích các hình ảnh: con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm xao xuyến… để thấy ước nguyện của Thanh Hải.
  • Con chim hót, một cành hoa, đó là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Ở phần đầu bài thơ, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên đã được miêu tả bằng hình ảnh một bông hoa tím biếc, bằng âm thanh của tiếng chim chiền chiện hót chi mà vang trời. Đến khổ thơ này, tác giả lại mượn những hình ảnh ấy để nói lên ước nguyện chân thành của mình: Đem cuộc đời mình hòa nhập và cống hiến cho đất nước…Giữa bản hòa ca tươi vui đầy sức sống của cuộc đời, nhà thơ xin làm một nốt trầm xao xuyến => Hiểu mối quan hệ riêng chung sâu sắc: Chỉ xin làm một nốt trầm trong bản hòa ca chung.
- Điệp từ ta làm…, ta nhập vào… diễm tả một cách tha thiết khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước được cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của cuộc đời mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
- Điệp từ một diễn tả sự nhỏ bé ít ỏi, khiêm nhường.
* Khổ 2: (1,5 điểm)
- Những hình ảnh con chim, cành hoa, nốt nhạc trầm cuối cùng dồn vào một hình ảnh thật đặc sắc: Một mùa xuân nho nhỏ - Lặng lẽ dâng cho đời. Hình ảnh ẩn dụ mang vẻ đẹp gián dị, khiêm nhường thể hiện thật xúc động tâm niệm chân thành, tha thiết của nhà thơ. Hình ảnh Mùa xuân nho nhỏ đầy bất ngờ thú vị và sâu sắc: đặt cái vô hạn của trời đất bên cạnh cái hữu hạn của đời người, tìm ra mối quan hệ cá nhân và xã hội.
- Sự thay đổi trong cách xưng hô tôi sang ta mang ý nghĩa rộng lớn là ước nguyện chung của mọi người.
+ Bằng giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng, ước nguyện của Thanh Hải đã đi vào lòng người đọc, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp: Mỗi người phải mang đến cho cuộc đời chung một nét đẹp riêng, phải cống hiến cái phần tinh túy, dù nhỏ bé, cho đất nước, và không ngừng cống hiến Lặng lẽ, Dù là tuổi hai mươi – Dù là khi tóc bạc. Đó mới là ý nghĩa cao đẹp của đời người.
* Đánh giá: (0,5 điểm)
- Nghệ thuật: Cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, biện pháp điệp từ, điệp ngữ, ẩn dụ, thể thơ năm chữ, âm hưởng trong sáng, thiết tha.
- Nội dung: Đoạn thơ thể hiện ước nguyện cống hiến chân thành, cao cả, thiết tha của nhà thơ…Đặt đoạn thơ trong hoàn cảnh sáng tác cụ thể: Bài thơ được viết không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời => càng khẳng định, nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.
c, Kết bài: (0,5 điểm)
- Học sinh tóm lại vấn đề (khẳng định giá trị của đoạn thơ, nêu cảm nghĩ của bản thân).
- Lưu ýBài làm
  • Không có phần kết bài thì không cho điểm.
  • Học sinh có thể tình bày nhiều cách khác nhau song phải biết phân tích một đoạn thơ. Diễn đạt rõ ràng, trong sáng, Khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo, suy nghĩ sâu sắc, có cảm xúc, Những bài viết chung chung hoặc sơ sài không cho quá một nửa số điểm của câu này.
  • Giáo viên cần linh hoạt khi vận dụng đáp án, tránh hiện tượng chấm qua loa, đếm ý cho điểm.
  • Nếu mắc từ 5-10 lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt trừ 0,25 điểm, trên 10 lỗi trừ 0,5 điểm.

Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn

PHÒNG GD VÀ ĐT GÒ VẤP
THCS QUANG TRUNG

ĐỀ THAM KHẢO
(Đề chỉ có một trang)
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II
NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn thi: NGỮ VĂN 9
Ngày kiểm tra:…/4/2015
Thời  gian làm bài: 90 phút 
(Lưu ý: Học sinh làm bài trên giấy thi)

ĐỀ BÀI: (Gồm 2 phần)

Phần I: Đọc - Hiểu văn bản (6 điểm)
Đọc kĩ 2 đoạn văn bản sau đây:
Đoạn 1:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
Đoạn 2:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Câu 1: (0,5 điểm) Hãy cho biết: Mỗi đoạn thơ nằm trong bài thơ nào? Ai là tác giả?
Câu 2: (1,0 điểm) Tại sao các nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “cành hoa”, “đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu”, “nốt trầm xao xuyến”? Em hãy nêu ngắn gọn cách hiểu của em về nét đặc sắc của ít nhất một trong các hình ảnh ấy?
Câu 3: (0,5 điểm) So sánh các cụm từ “Muốn làm” với “Ta làm” được các nhà thơ lặp lại trong 2 đoạn thơ, em hãy cho biết đây có phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản không? Vì sao?
Câu 4: (1,0 điểm) Từ cách hiểu về thành phần biệt lập cảm thán, em hãy đặt một câu văn có sử dụng thành phần này để bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc-hiểu 2 đoạn thơ trên.
Câu 5: (3 điểm) Tình cảm của 2 tác giả gửi gắm vào 2 bài thơ trên đã khơi gợi nơi người đọc về một khát vọng được sống có ích, góp phần làm đẹp cho đời. Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (từ 25 đến 30 dòng) nêu suy nghĩ của em về lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đối với đất nước.
Phần II: Tạo lập văn bản (4 điểm)
Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về đoạn thơ sau:
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
(Nói với con - Y Phương, 1980)

Đáp án đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2014 - 2015

Môn thi: NGỮ VĂN 9
Phần I: Đọc hiểu văn bản:
Câu 1: (0,5 điểm) Hãy cho biết: Mỗi đoạn thơ nằm trong bài thơ nào? Ai là tác giả?
  • Đoạn 1: Viếng lăng Bác - Viễn Phương (0,25đ)
  • Đoạn 2: Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải (0,25đ)
Câu 2: (1,0 điểm) Tại sao các nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “cành hoa”, “đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu”, “nốt trầm xao xuyến”? Em hãy nêu ngắn gọn cách hiểu của em về nét đặc sắc của ít nhất một trong các hình ảnh ấy?
  • Nguyện ước của các tác giả về lẽ sống cống hiến, mong ước được hóa thân vào những hình ảnh nhỏ bé ấy mà dâng hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất một cách khiêm nhường, tự nguyện…(0,5đ)
  • Ý nghĩa sâu xa của các hình ảnh thơ được sáng tạo bằng nghệ thuật ẩn dụ đặc sắc… (HS có thể chọn 1 hoặc nhiều hình ảnh để nêu ngắn gọn cách hiểu, miễn đúng) (0,5đ)
Câu 3: (0,5 điểm) So sánh các cụm từ “Muốn làm” với “Ta làm” được các nhà thơ lặp lại trong 2 đoạn thơ, em hãy cho biết đây có phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản không? Vì sao?
  • Đây không phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản.
  • Vì đây chỉ là biện pháp tu từ điệp ngữ trong 1 khổ thơ.
Câu 4: (1,0 điểm) Từ cách hiểu về thành phần biệt lập cảm thán, em hãy đặt một câu văn có sử dụng thành phần này để bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc-hiểu 2 đoạn thơ trên:
(HS có thể chọn một từ cảm thán, cách ngăn với câu bằng dấu phẩy. Vị trí trước hoặc sau TP chính của câu)
VD:
  • Chao ôi, các nhà thơ có ước mơ thật tuyệt vời!
  • Hai khổ thơ chứa đựng ước nguyện chân thành, tuyệt quá!
  • Ôi, thơ hay quá!
  • vv---
Câu 5: (3 điểm) Tình cảm của 2 tác giả gửi gắm vào 2 bài thơ trên đã khơi gợi nơi người đọc về một khát vọng được sống có ích, góp phần làm đẹp cho đời. Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (từ 25 đến 30 dòng) nêu suy nghĩ của em về lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đối với đất nước.
HS có thể tạo một VB NLXH gồm 1 số ý cơ bản:
  • Giải thích về lẽ sống cống hiến (Mỗi con người đều mong muốn được sống có ích cho xã hội, do đó, ngay từ khi tuổi còn trẻ, phải xây đắp ước mơ từ việc học tập, rèn luyện để sống có mục đích, có lý tưởng…)
  • Lý tưởng và lẽ sống của tuổi trẻ VN là chứa đựng tình yêu đối với cuộc đời, và khát vọng được hiến dâng những gì tốt đẹp nhất của mình để chung tay xây đắp quê hương…Niềm hạnh phúc khi sống có ích, góp phần làm đẹp cuộc đời từ những việc nhỏ (Nêu biểu hiện, ý nghĩa…)
  • Phê phán những người lười biếng, sống buông thả, không hoài bão, ước mơ hoặc thiếu ý chí, tự ti, ích kỉ, ăn bám gia đình, xã hội…
  • Rút ra bài học nhận thức để có hướng phấn đấu, rèn luyện của tuổi trẻ VN (trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…)
GV cân nhắc trong việc chấm phần tự luận ngắn. Có thể bài văn được chấm như sau: 0,5đ mở bài; 0,5đ kết bài, còn đủ các ý chính, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, cho từ 1,5-2đ thân bài.
Phần II: Tạo lập văn bản (4 điểm)
Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về đoạn thơ…
1. Yêu cầu chung:
  • Học sinh biết vận dụng phương pháp làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ đã học, kết hợp với các yếu tố biểu cảm, phân tích, tổng hợp nét đặc sắc về nghệt thuật và nội dung mà tác giả đã gửi gắm vào đoạn thơ...để hoàn thành bài viết hoàn chỉnh.
  • Bố cục bài làm chặt chẽ, cân đối.
  • Diễn đạt rõ ràng, trong sáng, gợi cảm.
  • Không sai quá nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu cụ thể:
  • Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, miễn sao đáp ứng đúng yêu cầu nội dung và phương thức biểu đạt của đề bài.
  • Khi chấm, GV cần tôn trọng những bài viết có phát hiện mới mẻ, có tính sáng tạo, độc đáo của HS
    • GV cần đánh giá cả hai mặt: Nội dung và hình thức ( Kĩ năng diễn đạt, lời văn …) của từng bài.
3. Dàn bài:
A/ Mở bài: Giới thiệu tác giả, đoạn thơ trong tác phẩm nào? Nội dung cơ bản? Thời điểm sáng tác. Nhận xét những nét cơ bản về nội dung, nghệ thuật; Trích dẫn đoạn thơ cần phân tích…
B/ Thân bài: Phân tích các ý cơ bản:
  • Niềm tự hào của người cha về mảnh đất quê hương với những phong tục tập quán và phẩm chất tốt đẹp thông qua các hình ảnh mộc mạc, gợi tả, đối lập, ẩn dụ, cách nói giàu hình ảnh đậm phong cách miền núi: “Thô sơ da thịt”- “Chẳng nhỏ bé”, “Đục đá kê cao quê hương”…
  • Lời khuyên con chân thành, tha thiết chứa chan kì vọng của người cha về bước đường trưởng thành của con, mong con sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương…Với lời thơ giản dị, mộc mạc và những hình ảnh thơ đẹp, giàu chất tạo hình: “Thô sơ da thịt”- “Không bao giờ nhỏ bé”, lời cha căn dặn và “Nói với con” vang lên như một mệnh lệnh, thực sự mở ra một chân trời ước mơ bay bổng cho thế hệ trẻ mọi thời đại (Hãy tiếp bước cha anh, thủy chung với quê hương, đất nước, không quay lưng, phản bội quê hương, trọn vẹn thủy chung, giàu ý chí để xây đắp quê hương…)
C/ Kết bài:
Tổng hợp các ý chính đã phân tích (đánh giá nét đặc sắc của nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ), nhận xét về cách viết của tác giả. Liên hệ nhẹ nhàng bài học cho bản thân (về việc giữ gìn truyền thống dân tộc, tiếp bước các thế hệ cha anh…)