Hướng ra ra thi ĐH đợt 2 2010

Để làm bài thi hiệu quả

Môn Sinh: Xem kỹ phần toán xác suất

Theo thầy Trần Ngọc Danh -Tổ trưởng tổ Sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM thì độ khó phần bài tập của đề thi tăng dần từng năm. Đề thi môn Sinh học sẽ có từ 25 - 30 bài tập và phân hóa cao. Cả thầy Danh và thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại - trường THPT Marie Curie - TP.HCM, đều khẳng định trọng tâm sẽ ở chương 1 (Đột biến) và chương 2 (Các quy luật di truyền), Trong đó, phần di truyền sẽ chiếm khoảng 30 câu, phần tiến hóa chiếm khoảng 10 câu và phần sinh thái 10 câu. Phần di truyền, TS phải xem kỹ và nắm thật vững việc áp dụng toán xác suất cơ bản.

Môn Toán: Cố lấy điểm tối đa phần khảo sát hàm


Thầy Phạm Hồng Hải - giáo viên Toán trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho biết: “Đề thi sẽ ra phần khảo sát hàm số và vấn đề liên quan. Phần này, TS phải quyết tâm kiếm điểm tối đa vì dễ lấy điểm nhất. Ở phần tự chọn, cần phải hệ thống lại kiến thức thật chắc để làm được câu lượng giác, vì câu này cũng dễ lấy điểm”. Thầy Hải lưu ý thêm khi làm môn Toán, TS cần viết ra các bước trung gian, mỗi câu làm xong phải kiểm tra kết quả ngay. TS phải trình bày đến nơi đến chốn và sử dụng chính xác các ký hiệu.

Môn Hóa: Nên xem phần chuyển dịch cân bằng

Thạc sĩ Đặng Văn Thành - trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyên: “Đề thi môn Hóa khối A của đợt 1 cho thấy chương trình trải đều. Vì thế, đến thời điểm này, TS không nên chú ý đến những bài tập dạng mới nữa, mà cần xem lại SGK để nắm chắc kiến thức, nhắm vào phần suy luận. TS nên để ý kỹ phần chuyển dịch cân bằng. Đề thi đợt 1 vừa rồi có vài câu hơi lạ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy đối với các câu khó như vậy, TS nên nhìn vào đáp án vì đáp án đã là gợi ý khoảng 30% câu trả lời rồi”.

Môn Văn: Ôn kỹ phần văn học Việt Nam hiện đại

Có nhiều kinh nghiệm, PGS-TS Trần Hữu Tá - Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu - Giảng dạy văn học TP.HCM nhận xét: Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT có sự đổi mới trong cách ra đề Văn kỳ thi ĐH-CĐ, có cả nghị luận văn học lẫn nghị luận xã hội. Trong những câu nghị luận văn học, bên cạnh việc kiểm tra kiến thức còn có câu kiểm tra kỹ năng viết như phân tích, bình giảng. Năm nay, chắc chắn đề Văn cũng sẽ đầy đủ những câu như vậy. Do đó, TS cần nắm vững những nội dung cơ bản về tác giả - tác phẩm, cũng như chú ý đến kỹ năng phân tích, đánh giá, liên tưởng để bài viết được sâu hơn. Đề Văn sẽ rơi chủ yếu vào kiến thức từ học kỳ 2 lớp 11 và toàn bộ kiến thức lớp 12, TS chú ý học tốt phần Văn học Việt Nam hiện đại.

Môn Sử: Sẽ khó hơn năm trước

Thầy Đoàn Danh Đào - giáo viên luyện thi tại TP.HCM - dự đoán đề Sử năm nay có khả năng sẽ khó hơn năm ngoái. Phần lịch sử Việt Nam, TS nên chú ý giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975 và 3 phong trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945. Lịch sử thế giới nên ôn tập về sự kiện Hội nghị Yalta (Liên Xô cũ) tháng 2.1945. Ngoài ra, lưu ý phần quan hệ quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

Môn Địa: Cần làm tốt các dạng câu hỏi lý thuyết

Cô Châu Thị Nguyệt - cựu giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, dặn dò: “Ở phần chung, các em cần nắm chắc kiến thức địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý các vùng kinh tế. Trong phần riêng, lưu ý nội dung về chất lượng cuộc sống (phần Địa lý dân cư), tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (Địa lý kinh tế - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế), vấn đề lương thực, thực phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long (Địa lý kinh tế - Địa lý các vùng kinh tế)...

Môn Anh văn: Chú ý cụm từ cố định


Theo thầy Nguyễn Hoàng Đỉnh - giáo viên luyện thi môn Anh văn, thì: “TS cần chú ý đến cụm từ cố định vì theo tôi đề sẽ ra phần này và phần viết lại câu có nghĩa tương đương”.

Nằm trong chương trình, không có trọng tâm


PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Ngô Kim Khôi (ảnh) - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) về những lưu ý dành cho TS.

* Theo ông, TS cần lưu ý gì về đề thi của đợt 2?

- Về đề thi đợt 2, tôi lưu ý rằng nội dung nằm trong chương trình và SGK, không có trọng tâm, trọng điểm. Vì thế, nếu TS có mang theo tài liệu vào phòng thi cũng sẽ không thể sử dụng được mà còn bị lập biên bản đình chỉ thi.

* Thưa ông, đợt 1 vừa qua, những TS bị xử lý kỷ luật chủ yếu mắc những lỗi gì? Ông có lưu ý gì cho TS dự thi đợt 2?
- Cả 3 buổi thi trong đợt 1 có 104 trường hợp TS vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật, trong đó có 18 bị khiển trách, 5 cảnh cáo và 81 bị đình chỉ thi. Trong số TS bị đình chỉ thi, có xấp xỉ 70% trường hợp do mang điện thoại di động vào phòng thi. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc đợt 1, Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi Hội đồng tuyển sinh các ĐH, học viện và các trường ĐH yêu cầu cán bộ coi thi phải phổ biến kỹ quy chế tuyển sinh cho TS trong buổi làm thủ tục dự thi ngày 8.7. Nhắc nhở TS tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng thi.

* Quy chế cho phép TS được mang giấy nháp vào phòng thi. Vậy làm thế nào để kiểm soát được giấy nháp và tài liệu, thưa ông?

- Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu Hội đồng tuyển sinh các trường thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc ký giấy thi và giấy nháp của TS. Cụ thể: Với các môn thi tự luận, cán bộ coi thi thứ nhất ký vào giấy thi và giấy nháp của TS, sau khi TS đã ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác. Các môn thi trắc nghiệm, cả hai cán bộ coi thi ký vào phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp trước khi phát cho TS. Đối với các trường đã chuẩn bị đầy đủ giấy thi và giấy nháp thì TS không được mang theo giấy nháp riêng vào phòng thi. Giấy nháp phải có chữ ký của cán bộ coi thi mới hợp lệ. Nếu cán bộ coi thi quên không ký thì TS phải yêu cầu ký, nếu không, giấy nháp đó sẽ bị xem là tài liệu mang trái phép vào phòng thi.

Vũ Thơ
( thanhnien.vn thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét