Thi ĐH môn Văn

Môn văn: tập trung các đề tài về đất nước

Theo cấu trúc đề thi ĐH, CĐ, đề thi môn văn sẽ nằm trong hai chương trình ngữ văn 11, 12 cơ bản và nâng cao. Tuy vậy, có một số dạng đề sau thường được ra trong các kỳ tuyển sinh gần đây. Phần kiểm tra kiến thức sách giáo khoa (câu 1) thường xoay quanh năm tác giả: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu. Các kiểu câu hỏi thường gặp là ý nghĩa nhan đề của tác phẩm, tình huống truyện, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác, quan điểm sáng tác, nêu giá trị nhân đạo của tác phẩm, những thành tựu và đặc điểm của văn học Việt Nam qua các thời kỳ, so sánh các giai đoạn văn học...

Phần nghị luận xã hội (câu 2) xoay quanh các chủ đề tư tưởng - đạo lý và những hiện tượng trong đời sống. Các em lưu ý các kiểu đề có nội dung như quan niệm về sống đẹp, sống có trách nhiệm, tình yêu Tổ quốc, tình yêu thương con người. Trong dạng đề này tuy phần giải thích rất quan trọng, nhưng nếu cảm thấy từ ngữ đó có thể nêu được khái niệm mà không thể nào giải thích được thì nên nêu nội dung chung để tránh trường hợp giải thích sai. Khi đã giải thích sai, mọi việc lập luận hoặc mô tả sau đó đều đi sai hướng.

Phần nghị luận văn học (câu 3a, 3b) là câu có số điểm nhiều nhất. Các kiểu đề thường gặp là phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm, cảm nhận về hình tượng văn học, bình giảng một đoạn thơ, bài thơ, so sánh các hình tượng văn học trong cùng một tác phẩm hoặc hai tác phẩm khác nhau, phân tích tác phẩm hoặc một hình tượng để làm rõ một vấn đề nào đó... Các em cần tập trung sâu vào các đề tài đất nước, tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa nhân đạo. Ngoài ra, những tác phẩm về cảm hứng thế sự sau năm 1975 cần luyện tập kỹ, vì phần lớn các em rất lúng lúng khi tiếp cận các tác phẩm này.

GV NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét