Môn Văn Một số dạng đề thi cần chú ý

GiadinhNet - Tư vấn của cô giáo Bùi Thị Cúc - Giáo viên môn Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội).

Theo cô Bùi Thị Cúc - người đã từng tham gia giải đề thi môn Văn trên một số báo: Kiến thức cơ bản môn này ví như… gạo. Khi đi thi, các em sẽ phải biến thành cơm, cháo, bánh cuốn… nên các em cần nắm các kiến thức cơ bản và có kĩ năng biến thành "món" mình cần.
 
Các thí sinh phải biết chủ động thời gian khi làm bài thi.
Ảnh: Chí Cường
 
Phân loại kiến thức
 
Cô Cúc cho biết, cũng như nhiều bộ môn khác, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản, kết hợp cùng sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm để làm bài thi tốt. Muốn như thế, giáo viên ôn tập phải có kỹ năng hệ thống hóa kiến thức cho học sinh và phân loại theo chủ đề để học sinh dễ nắm bắt.
 
Chia kiến thức môn Văn theo giai đoạn: Các tác phẩm trước năm 1975 và sau năm 1975. Nếu các tác phẩm trước năm 1975 thiên về sử thi và cảm hứng lãng mạn thì ngược lại, các tác phẩm sau năm 1975 phản ánh cuộc sống một cách chân thực, đời thường, đa chiều, gần gũi đời sống.
 
Chia theo chủ đề: Chẳng hạn, thơ kháng chiến biểu hiện tình yêu với quê hương đất nước, trách nhiệm của công dân. Giai đoạn này, văn học phản ánh đời sống cũ, tức nỗi khổ của người lao động. Nhưng với văn học hiện thực phê phán, tư tưởng phản ánh trong các tác phẩm thường có tương lai không tuyệt vọng. Thí dụ: "Vợ chồng A phủ, Vợ nhặt"...
 
Học sinh nên đặt các tác phẩm có cùng đề tài, cùng chủ đề. Chẳng hạn cùng viết về dòng sông có dòng sông Đà trong "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân. Hoặc có dòng sông Hương, trong tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các tác phẩm viết về đời sống có: "Vợ chồng A phủ"; "Vợ Nhặt"... Cùng viết về đất nước, các em biết so sánh hình ảnh đất nước trong tác phẩm của Nguyễn Đình Thi và của Nguyễn Khoa Điềm. Đây là dạng đề mà khối C hay ra trong nhiều năm gần đây.
 
Đặc biệt, tất cả đề thi phần Nghị luận Văn học đều có dẫn chứng. Cô Cúc lưu ý học sinh, các dẫn chứng các em đưa ra cần phải "tinh", có tính chọn lọc, xác đáng. Muốn như vậy, học sinh phải đọc nhiều, chẳng hạn sách tham khảo cũng có mặt tốt vì giúp các em quen với cách diễn đạt lưu loát. Và quan trọng trong khi học, các em nên gạch chân những dẫn chứng quan trọng của từng tác phẩm để khi làm bài còn có dẫn chứng.

Chia thời gian cho từng điểm
 
Qua kinh nghiệm ôn luyện và giải đề thi nhiều năm, cô Cúc cho biết, nhiều năm gần đây, đề thi thường ra theo kiểu, câu 1 hệ thống hóa kiến thức (2 điểm). Chủ yếu câu này liên quan đến kiến thức Văn học nước ngoài. Có nhiều dạng đề thi học sinh cần nắm trong phần này, thí dụ câu hỏi tác giả, nội dung sáng tác. Phần văn học nước ngoài đầu thế kỉ XX trong chương trình THPT có 3 tác giả tiêu biểu: Mỹ có Hemingway; Nga có Solokhov và Trung Quốc có Lỗ Tấn. Ít nhất, học sinh phải nhớ 3 tác phẩm tiêu biểu của 3 tác giả này gồm: "Sông Đông êm đềm"; "Thuốc"; "Ông già và biển cả". Gần đây, đề thi của phần này thường đi vào kĩ năng đọc hiểu nên học sinh cần nắm được ý nghĩa của các sự kiện chính.
 
"Trong một bài văn, các em trình bày các luận điểm rõ ràng, không viết tắt, viết số và nên viết bằng bút sẫm màu".
Câu 2 (3 điểm) thường là phần nghị luận xã hội. Ở lớp 12, có 2 dạng đề cho phần này nhưng thường chia thành 3 kiểu. Nghị luận về một tác phẩm đạo lý. Ví dụ: "Hãy viết một bài văn ngắn nói về tác dụng của việc đọc sách". Để làm tốt phần này, các em cần biết cách tổ chức một bài văn với các phần: Mở bài; thân bài; kết luận. Từ đó, vận dụng xem vấn đề đúng hay sai, vì sao và liên hệ với bản thân.
 
Thứ hai là trình bày cảm nghĩ về một hiện tượng xã hội. Thí dụ: Hiện tượng trái đất đang nóng dần lên; hiện tượng sống thử trong giới trẻ hiện nay... Để làm tốt phần này, các em phải cập nhật kiến thức xã hội qua sách báo, tivi. Khi học, các em cần cập nhật các nhân vật cụ thể để trình bày thuyết phục. Tuy nhiên, đề thi nhiều năm gần đây đang bỏ ngỏ dạng này.
 
Thứ 3, nghị luận về một tư tưởng, một vấn đề xã hội được đặt ra trong một tác phẩm văn học. Học sinh dễ bị "chết" ở dạng câu hỏi này. Chẳng hạn, Nam Cao từng viết trong "Đời thừa": "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên vai người khác mà nâng người khác trên vai mình". Học sinh rất dễ bị lệch sang phân tích tác phẩm. Khi gặp kiểu đề này, các em cần hiểu, tác phẩm chỉ là cái cớ để tác giả truyền tải một vấn đề của cuộc sống và các em phải làm nổi bật điều đó. Dạng đề này nhiều năm nay rất hay được ra trong các đề thi.
 
Cuối cùng là câu hỏi (5 điểm) với phần nghị luận Văn học. Phần này, học sinh cũng cần nắm các kiểu đề, dạng đề. Thí dụ: Phân tích cảm thụ về một đoạn thơ; phân tích một tác phẩm để làm nổi bật giá trị nhân đạo. Nhìn chung đề thi cho phần này rất đa dạng.
 
Cuối cùng, các em cần biết chủ động thời gian khi làm bài. Thông thường, đề thi tốt nghiệp môn Văn khoảng 150 phút. Mỗi điểm, các em nên dành khoảng 10-12 phút. Thời gian còn lại để dự trữ và làm câu cuối vì đây là câu điểm cao. Các em nên nhớ, để đạt được 5-6 điểm thi môn Văn không khó. Kiến thức cơ bản được ví như... gạo. Khi đi thi, các em sẽ phải biến thành cơm, cháo, bánh cuốn... nên cần nắm các kiến thức cơ bản và có kĩ năng biến thành "món" mình cần.
 
Hà Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét