Thi HK2 Lớp 9 2010-2011 ở TP.HCM


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi có 1 trang)
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II LỚP 9 THCS
NĂM HỌC 2010 - 2011
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (1 điểm): Viết bốn câu cuối bài thơ Nói với con của Y Phương và cho biết người cha dặn con điều gì trong bốn câu thơ ấy.
Câu 2 (1 điểm): Tìm thành phần biệt lập trong đoạn văn sau và cho biết tên gọi của thành phần ấy.
Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt anh – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.
(Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long)
Câu 3 (3 điểm):
ĐỪNG SỢ VẤP NGÃ
Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước và suýt chết đuối phải không ? Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không ? Không sao đâu vì …
(Ngữ văn 7, tập 2, trang 41)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) để trình bày lí do vì sao chúng ta không nên sợ vấp ngã.
Câu 4 (5 điểm): Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao …
 (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
… … … .HẾT. … … …
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:………………………………………… Số báo danh:………………...
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


KIỂM TRA HỌC KÌ II LỚP 9 THCS
NĂM HỌC 2010 - 2011
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 90 phút

HƯỚNG DẪN CHẤM

I. HƯỚNG DẪN CHUNG 
-  Đề bài gồm 4 câu: câu 1 và câu 2 kiểm tra kiến thức Văn học và thực hành bài tập Tiếng việt; câu 3 là bài nghị luận xã hội; câu 4 là bài nghị luận văn học. Câu 1 và 2 chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức nhưng cũng có yêu cầu về diễn đạt. Những học sinh diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp mới được điểm tối đa. Câu 3 và câu 4 kiểm tra kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, lập luận.
-  Giám khảo cần nắm nội dung bài làm của học sinh để đánh giá, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc. Chú ý khuyến khích các bài viết có ý riêng, sáng tạo.
-  Thí sinh có thể trình bày, triển khai ý theo các cách riêng, nếu đáp ứng các yêu cầu vẫn cho đủ điểm.
        II. ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Đáp án
Điểm
Câu 1
Viết thuộc lòng 4 câu cuối bài thơ Nói với con của Y Phương và cho biết người cha dặn con điều gì trong bốn câu thơ ấy.
1,0
-       Viết thuộc lòng 4 câu thơ:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
-       Người cha khuyên con bước vào đời luôn vững tin, mạnh mẽ, sống đường hoàng, vững chãi…
0,5



0,5
-       Viết chính xác 4 câu thơ: sai một lỗi trừ 0,25 điểm.
-       Về lời khuyên: chấp nhận những ý hợp lí khác; nêu 1 ý đạt 0,5 điểm.

Câu 2
Tìm thành phần biệt lập.
1,0
-       Thành phần phụ chú: những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.
1,0
-         Gọi tên thành phần biệt lập đạt 0,5 điểm; chỉ rõ từ ngữ đạt 0,5 điểm, nêu thừa hoặc thiếu 0,25 điểm.

Câu 3
Viết bài văn ngắn trình bày lí do vì sao không nên sợ vấp ngã.

3,0

a.Yêu cầu về kĩ năng
-    Nắm phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
-    Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
-    Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận… ).
-    Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.


b. Yêu cầu về kiến thức


-       Giới thiệu được vấn đề nghị luận
0,25
-       Vấp ngã được hiểu là không đạt được điều mình muốn, không được như ý, thất bại.
-       Cuộc sống luôn có những gian truân, trở ngại mà khả năng con người có hạn nên chúng ta thường gặp phải những việc không như ý. Tuy nhiên, thất bại có thể là môi trường rèn luyện ý chí để trưởng thành.
-       Với bản lĩnh, ý chí, ta có thể biến thất bại thành kinh nghiệm, sự trải nghiệm để thành công sau này.
-       Không nên lo sợ khi vấp ngã vì “thất bại là mẹ thành công”. Với sự nỗ lực, bản lĩnh, ý chí, kiên trì, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và đạt được kết quả tốt đẹp.
-       Lưu ý: học sinh cần có dẫn chứng để làm sáng tỏ.
1,75
-       Phê phán những người nhụt chí khi thất bại, không dám đối đầu với thử thách …
-       Rèn ý chí, thái độ sống đúng đắn.
1,0
Câu 4
Cảm nhận về 2 khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
5,0

a.  Yêu cầu về kĩ năng
-  Nắm phương pháp làm bài nghị luận văn học.
-  Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
-  Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt, phải nắm vững thao tác phân tích một đoạn trích thơ.
-  Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
-  Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.


b.   Yêu cầu về kiến thức

-  Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
0,5
-  Giới thiệu vài nét về tác giả Thanh Hải và tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.
Lưu ý: Học sinh có thể nêu ở các phần khác nhau của bài làm.
0,5
-  Hình ảnh mùa xuân thiên nhiên đầy sức sống, tươi đẹp, thơ mộng, giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh.
- Không khí lao động khẩn trương, tươi vui, đầy niềm tin, lạc quan của người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc và của người nông dân lao động sản xuất xây dựng đất nước.
- Mùa xuân của thiên nhiên hòa cùng mùa xuân của con người, của lòng người tạo nên một không khí vui tươi, đầy sức sống.
- Cảm xúc rung động, say sưa, ngây ngất của tác giả trước mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân của con người.
- Nghệ thuật: hình ảnh thơ giàu sức gợi, các biện pháp tu từ được sử dụng hiệu quả, từ ngữ tinh tế …
3,0
Lưu ý: Học sinh có thể triển khai các luận điểm trên theo nhiều cách khác nhau: cảm nhận về nội dung sau đó cảm nhận về nghệ thuật, phân tích nghệ thuật để nêu bật nội dung ... Giám khảo đánh giá mức điểm dựa trên kĩ năng làm bài và nội dung toàn bài của học sinh.

-  Đánh giá, khái quát, được những vấn đề đã bàn luận.
1,0

------ HẾT ------

Môn Văn Một số dạng đề thi cần chú ý

GiadinhNet - Tư vấn của cô giáo Bùi Thị Cúc - Giáo viên môn Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội).

Theo cô Bùi Thị Cúc - người đã từng tham gia giải đề thi môn Văn trên một số báo: Kiến thức cơ bản môn này ví như… gạo. Khi đi thi, các em sẽ phải biến thành cơm, cháo, bánh cuốn… nên các em cần nắm các kiến thức cơ bản và có kĩ năng biến thành "món" mình cần.
 
Các thí sinh phải biết chủ động thời gian khi làm bài thi.
Ảnh: Chí Cường
 
Phân loại kiến thức
 
Cô Cúc cho biết, cũng như nhiều bộ môn khác, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản, kết hợp cùng sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm để làm bài thi tốt. Muốn như thế, giáo viên ôn tập phải có kỹ năng hệ thống hóa kiến thức cho học sinh và phân loại theo chủ đề để học sinh dễ nắm bắt.
 
Chia kiến thức môn Văn theo giai đoạn: Các tác phẩm trước năm 1975 và sau năm 1975. Nếu các tác phẩm trước năm 1975 thiên về sử thi và cảm hứng lãng mạn thì ngược lại, các tác phẩm sau năm 1975 phản ánh cuộc sống một cách chân thực, đời thường, đa chiều, gần gũi đời sống.
 
Chia theo chủ đề: Chẳng hạn, thơ kháng chiến biểu hiện tình yêu với quê hương đất nước, trách nhiệm của công dân. Giai đoạn này, văn học phản ánh đời sống cũ, tức nỗi khổ của người lao động. Nhưng với văn học hiện thực phê phán, tư tưởng phản ánh trong các tác phẩm thường có tương lai không tuyệt vọng. Thí dụ: "Vợ chồng A phủ, Vợ nhặt"...
 
Học sinh nên đặt các tác phẩm có cùng đề tài, cùng chủ đề. Chẳng hạn cùng viết về dòng sông có dòng sông Đà trong "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân. Hoặc có dòng sông Hương, trong tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các tác phẩm viết về đời sống có: "Vợ chồng A phủ"; "Vợ Nhặt"... Cùng viết về đất nước, các em biết so sánh hình ảnh đất nước trong tác phẩm của Nguyễn Đình Thi và của Nguyễn Khoa Điềm. Đây là dạng đề mà khối C hay ra trong nhiều năm gần đây.
 
Đặc biệt, tất cả đề thi phần Nghị luận Văn học đều có dẫn chứng. Cô Cúc lưu ý học sinh, các dẫn chứng các em đưa ra cần phải "tinh", có tính chọn lọc, xác đáng. Muốn như vậy, học sinh phải đọc nhiều, chẳng hạn sách tham khảo cũng có mặt tốt vì giúp các em quen với cách diễn đạt lưu loát. Và quan trọng trong khi học, các em nên gạch chân những dẫn chứng quan trọng của từng tác phẩm để khi làm bài còn có dẫn chứng.

Chia thời gian cho từng điểm
 
Qua kinh nghiệm ôn luyện và giải đề thi nhiều năm, cô Cúc cho biết, nhiều năm gần đây, đề thi thường ra theo kiểu, câu 1 hệ thống hóa kiến thức (2 điểm). Chủ yếu câu này liên quan đến kiến thức Văn học nước ngoài. Có nhiều dạng đề thi học sinh cần nắm trong phần này, thí dụ câu hỏi tác giả, nội dung sáng tác. Phần văn học nước ngoài đầu thế kỉ XX trong chương trình THPT có 3 tác giả tiêu biểu: Mỹ có Hemingway; Nga có Solokhov và Trung Quốc có Lỗ Tấn. Ít nhất, học sinh phải nhớ 3 tác phẩm tiêu biểu của 3 tác giả này gồm: "Sông Đông êm đềm"; "Thuốc"; "Ông già và biển cả". Gần đây, đề thi của phần này thường đi vào kĩ năng đọc hiểu nên học sinh cần nắm được ý nghĩa của các sự kiện chính.
 
"Trong một bài văn, các em trình bày các luận điểm rõ ràng, không viết tắt, viết số và nên viết bằng bút sẫm màu".
Câu 2 (3 điểm) thường là phần nghị luận xã hội. Ở lớp 12, có 2 dạng đề cho phần này nhưng thường chia thành 3 kiểu. Nghị luận về một tác phẩm đạo lý. Ví dụ: "Hãy viết một bài văn ngắn nói về tác dụng của việc đọc sách". Để làm tốt phần này, các em cần biết cách tổ chức một bài văn với các phần: Mở bài; thân bài; kết luận. Từ đó, vận dụng xem vấn đề đúng hay sai, vì sao và liên hệ với bản thân.
 
Thứ hai là trình bày cảm nghĩ về một hiện tượng xã hội. Thí dụ: Hiện tượng trái đất đang nóng dần lên; hiện tượng sống thử trong giới trẻ hiện nay... Để làm tốt phần này, các em phải cập nhật kiến thức xã hội qua sách báo, tivi. Khi học, các em cần cập nhật các nhân vật cụ thể để trình bày thuyết phục. Tuy nhiên, đề thi nhiều năm gần đây đang bỏ ngỏ dạng này.
 
Thứ 3, nghị luận về một tư tưởng, một vấn đề xã hội được đặt ra trong một tác phẩm văn học. Học sinh dễ bị "chết" ở dạng câu hỏi này. Chẳng hạn, Nam Cao từng viết trong "Đời thừa": "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên vai người khác mà nâng người khác trên vai mình". Học sinh rất dễ bị lệch sang phân tích tác phẩm. Khi gặp kiểu đề này, các em cần hiểu, tác phẩm chỉ là cái cớ để tác giả truyền tải một vấn đề của cuộc sống và các em phải làm nổi bật điều đó. Dạng đề này nhiều năm nay rất hay được ra trong các đề thi.
 
Cuối cùng là câu hỏi (5 điểm) với phần nghị luận Văn học. Phần này, học sinh cũng cần nắm các kiểu đề, dạng đề. Thí dụ: Phân tích cảm thụ về một đoạn thơ; phân tích một tác phẩm để làm nổi bật giá trị nhân đạo. Nhìn chung đề thi cho phần này rất đa dạng.
 
Cuối cùng, các em cần biết chủ động thời gian khi làm bài. Thông thường, đề thi tốt nghiệp môn Văn khoảng 150 phút. Mỗi điểm, các em nên dành khoảng 10-12 phút. Thời gian còn lại để dự trữ và làm câu cuối vì đây là câu điểm cao. Các em nên nhớ, để đạt được 5-6 điểm thi môn Văn không khó. Kiến thức cơ bản được ví như... gạo. Khi đi thi, các em sẽ phải biến thành cơm, cháo, bánh cuốn... nên cần nắm các kiến thức cơ bản và có kĩ năng biến thành "món" mình cần.
 
Hà Mỹ

Công bố định hướng đề thi tốt nghiệp THPT 2011

TTO. Thứ Sáu, 08/04/2011, 09:32 (GMT+7)
TT - 50% nội dung đề thi tốt nghiệp sẽ đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức mới làm được bài, tiếp tục ra các câu hỏi mở trong đề thi các môn tự luận... là những thông tin quan trọng liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 được Bộ GD-ĐT công bố chiều 7-4.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ cụ thể hóa yêu cầu vận dụng kiến thức. Trong ảnh: học sinh lớp 12 Trường THPT dân lập Thái Bình (TP.HCM) ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp - Ảnh: Như Hùng
Cuộc họp báo thường kỳ quý 1-2011 được Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 7-4 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa. Chủ đề được đại diện các cơ quan báo chí quan tâm, tập trung chất vấn là những nội dung liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 được đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - đơn vị chịu trách nhiệm ra đề thi và Vụ Giáo dục trung học - đầu mối hướng dẫn ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi - đưa ra tại cuộc họp báo.
50% nội dung đề yêu cầu vận dụng kiến thức
"Đặt ra yêu cầu 50% nội dung đề thi phải đòi hỏi thí sinh giải quyết bằng kỹ năng thông hiểu, vận dụng kiến thức là làm rõ hơn những nội dung chúng tôi đã triển khai hướng dẫn từ đầu năm học mà các nhà trường đã phải thực hiện, hướng dẫn cho HS trong quá trình học tập và ôn tập."
Ông VŨ ĐÌNH CHUẨN
Ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết định hướng đối với đề thi các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2011 là yêu cầu vận dụng kiến thức trong đề thi sẽ chiếm 50% nội dung và điểm số, 50% còn lại là để kiểm tra kiến thức.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về định hướng liên quan trực tiếp đến thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT này, ông Nghĩa cho biết 50% nội dung đề thi yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức là một định hướng mới sẽ thực hiện trong việc ra đề thi tốt nghiệp năm 2011.
Nhưng ông Nghĩa cũng khẳng định: “Định hướng này sẽ chỉ cụ thể hơn mức độ yêu cầu của đề thi đã được đề cập trong quy chế và các văn bản hướng dẫn dạy - học và thi tốt nghiệp của bộ chứ không làm thay đổi nhiều lắm trong cấu trúc, nội dung, mức độ yêu cầu của đề thi. Do đó, có thể nói đề thi vẫn giữ khá ổn định so với năm trước”.
Theo ông Nghĩa, cụ thể hóa yêu cầu vận dụng kiến thức trong đề thi là một biện pháp để thực hiện triệt để, hiệu quả hơn yêu cầu đã được đặt ra nhiều năm qua đối với đề thi tốt nghiệp THPT là phải để HS tránh học vẹt, học tủ, chỉ học thuộc lòng mà không vận dụng được kiến thức...
Đối với câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc định hướng ra đề thi nêu trên có tương đồng với định hướng chung về mức độ yêu cầu đề thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT phải đảm bảo HS có học lực trung bình, có ôn tập... là có thể đạt được điểm 5 trở lên, ông Nghĩa cho rằng: “Đối với HS có học lực trung bình, khi tốt nghiệp THPT cũng phải có kỹ năng vận dụng kiến thức chứ không thể chỉ học thuộc lòng kiến thức”.
Giải đáp cụ thể hơn về định hướng 50% nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ gắn với yêu cầu đòi hỏi HS phải biết vận dụng kiến thức, ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - khẳng định điểm mới này đã được Bộ GD-ĐT triển khai cụ thể ngay từ đầu năm học trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học của giáo dục phổ thông ban hành từ tháng 8-2010 đến các văn bản hướng dẫn về thi kiểm tra đánh giá, hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp... Vì vậy đó không phải là một yêu cầu mới gây bất ngờ đối với thí sinh và các trường THPT.
Ông Chuẩn nhìn nhận: “Trong dạy - học, lâu nay Bộ GD-ĐT vẫn đặt ra yêu cầu HS phải học theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Thi cử, đánh giá trên cả ba khía cạnh nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Tuy nhiên phải thừa nhận trên thực tế những năm qua, HS khi làm bài thi chủ yếu vẫn tập trung vào yêu cầu nhận biết.
Vì vậy, năm nay ngay từ hướng dẫn đầu năm học đến các văn bản hướng dẫn ôn tập thi, chúng tôi đều nhấn mạnh yêu cầu nhà trường, giáo viên chú trọng việc hướng dẫn HS trong quá trình học tập, kiểm tra, ôn tập chú ý kết hợp cả ba kỹ năng nhận biết, thông hiểu và vận dụng kiến thức”.
Được tổ chức thi thử?
Trao đổi về phản ảnh của các phóng viên liên quan đến việc tổ chức thi thử tốt nghiệp ở các trường THPT, trong đó có ý kiến cho rằng nhiều trường đang tổ chức thi thử một cách nặng nề, gây áp lực tâm lý căng thẳng cho thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đều không đặt ra vấn đề tổ chức thi thử tốt nghiệp cho HS.
Việc các trường tổ chức thi thử hay không là nằm trong phạm vi chỉ đạo của các sở GD-ĐT địa phương và thuộc quyền chủ động của hiệu trưởng các trường THPT. Tùy từng địa phương chọn phương thức thực hiện, bộ không có quy định phải tổ chức hay không được tổ chức thi thử.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nêu quan điểm cá nhân: “Theo cá nhân tôi, thi thử cũng có tác dụng nhất định có lợi cho thí sinh và nhà trường. Nhà trường có thể nắm được tình hình ôn tập, khả năng của HS để tiếp tục tổ chức ôn tập, thí sinh có thể định lượng được khả năng của mình, có sự điều chỉnh cách ôn tập cho phù hợp. Khi tổ chức thi thử như một kỳ thi thật, nhà trường và giáo viên sẽ rất vất vả...”.
Về vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng việc tổ chức thi thử là một giải pháp chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và thuộc quyền chủ động của các nhà trường. “Giáo viên, nhà trường cần có những kênh để thu thập thông tin, đánh giá kết quả ôn tập của HS nhằm có điều chỉnh hợp lý, kịp thời hướng dẫn từng nhóm HS ôn tập phù hợp. Thi thử trong trường hợp này giống như khảo sát kỹ năng, kiến thức của HS.
Nhưng tất nhiên khi tổ chức thi thử cần có sự đồng thuận của HS, phụ huynh HS với chủ trương của nhà trường. Cũng không nên lạm dụng, tổ chức thi thử quá nhiều để khỏi ảnh hưởng đến thời gian, tâm lý, sức khỏe của thí sinh”- ông Chuẩn lưu ý thêm.
Đề thi có câu hỏi mở
Cũng liên quan đến đề thi, trả lời câu hỏi của các phóng viên: Năm nay đề thi tốt nghiệp THPT có tiếp tục ra các câu hỏi mở, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: “Đề thi phải tuân thủ theo các quy định của quy chế. Năm nay quy chế tốt nghiệp THPT không có thay đổi. Như vậy, đề thi tiếp tục ra theo hướng bám sát chương trình, tránh học tủ, học vẹt, đánh giá đúng khả năng và kiến thức của thí sinh. Câu hỏi mở trong đề thi là nhằm mục đích này. Vì vậy đề thi tốt nghiệp các môn tự luận năm nay sẽ tiếp tục có các câu hỏi mở”.
THANH HÀ
email
email
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoobuzz_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/digg_48.png
top