Nhận định đề thi sau chấm thi ĐH 2013

Đề văn mở, thí sinh... theo không kịp
TT - Đánh giá đề thi môn văn khối C, D đều giúp thí sinh có cơ hội bày tỏ tư duy, cách nghĩ, sự sáng tạo của mình nhưng nhiều giám khảo cũng cho rằng phần đông thí sinh chưa đáp ứng được yêu cầu “mở” của đề.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - một cán bộ chấm thi tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho hay dù đề văn ra theo hướng mở, cả câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều yêu cầu kỹ năng rất nhiều, nhưng phần đông thí sinh lại chỉ tập trung vào... kiến thức.
Đề hay nhưng điểm thấp
Viết thư ở nghị luận xã hội
Một điều đáng lưu ý tại nhiều hội đồng chấm thi môn văn khối D năm nay là rất nhiều thí sinh đã chọn hình thức viết thư cho bài văn nghị luận xã hội, thể hiện tính đối thoại với nhân vật được trích dẫn ý kiến trong đề bài. Thí sinh đã viết một lá thư: “Kính gửi anh John. Tôi là người Việt Nam. Tôi sống ở Việt Nam và có đọc cuốn sách của anh. Trong sách, anh có nhận định như thế này... (dẫn đề thi). Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh”. Thầy Nguyễn Ngọc Minh Tuấn cho rằng cách làm bài như thí sinh này vẫn được chấp nhận theo hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT.
Cô Thắm nói: “Tinh thần của giáo viên chấm thi vẫn là “gạn đục, khơi trong”. Ở câu nghị luận văn học, đa số thí sinh chỉ trình bày kiến thức, phân tích trên nền tảng tác phẩm, không thể hiện được kỹ năng làm bài nghị luận một cách chặt chẽ. Gặp những bài có kỹ năng tốt, bài thi sẽ được cộng điểm”.
Sau khi hoàn thành chấm tổng cộng gần 10.000 bài thi môn văn tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhiều giáo viên khẳng định điểm thi của thí sinh năm nay thấp hơn dù đề rất hay. “Cách ra đề mở đòi hỏi tư duy cá nhân rõ nét, nhưng vì nhiều em vẫn quen luyện “lò”, vẫn chú trọng tác phẩm nên không làm ra “chất” của bài nghị luận mở”- cô Thắm phân tích.
Tuy nhiên, là một giáo viên văn THPT (Trường THPT Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội), cô Thắm thừa nhận việc thí sinh chưa thật sự thể hiện được tư duy làm văn nghị luận theo đề mở một phần nguyên nhân rất lớn từ chính chương trình học trong nhà trường.
“Thật sự, chương trình văn học lớp 12 rất nặng. Giáo viên phải dạy đầy đủ các tác phẩm, tức trang bị đủ kiến thức cho học trò nên rất ít thời gian để rèn kỹ năng. Qua đề văn năm nay, chính giáo viên chúng tôi sẽ phải tự nhìn lại cách dạy của mình, cần tăng cường rèn kỹ năng nhiều hơn” - cô Thắm chia sẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên chấm thi, đáp án khối D cũng “mở” hơn hẳn so với khối C khi phần trao đổi lại ý kiến với Tran Hung John - người đưa ra nhận định - theo ý đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần đều có thể đạt điểm tối đa nếu có lý lẽ, có căn cứ xác đáng và thái độ bàn luận nghiêm túc. Trong khi đó, ở đề văn khối C, câu nghị luận xã hội lại ấn định rất rõ ràng thí sinh trình bày được mặt tiêu cực trong lối sống truyền thống vốn đề cao sự khôn khéo hơn trí tuệ sẽ đạt 1 điểm, còn phần trình bày mặt tích cực chỉ đạt 0,5 điểm.
Vẫn còn “bó buộc”
Nhiều giảng viên cho rằng đề văn khối C có phần hơi “đánh bẫy” học sinh vì cách ra đề khiến nhiều học sinh lầm tưởng đây là nhận định chung về lối sống của người Việt truyền thống.
“Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều học sinh hoặc thiên hẳn về việc ca ngợi hoặc ngược lại, bày tỏ sự phê phán kịch liệt đối với ý kiến của GS Trần Đình Hượu. Nếu đề “chêm” được một ý “khi nhận xét về một mặt khá hạn chế của lối sống người Việt truyền thống, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu cho rằng...” thì giúp học sinh định hướng đề và làm bài tốt hơn. Vì thực tế người ra đề muốn mượn câu nói của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu để nêu hạn chế của văn hóa người Việt xưa khi đặt cao sự khôn khéo, trong khi chính trí tuệ mới là yếu tố thúc đẩy sự phát triển” - PGS Ngô Văn Giá, tổ trưởng tổ chấm văn hội đồng chấm thi Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhận xét.
Theo PGS Giá, phần đông thí sinh vẫn nghiêng về tái hiện kiến thức, chưa thật sự có tư duy biện luận thuyết phục. “Ngoài cảm thụ tinh tế, văn học còn cần những kiến giải sắc sảo. Chỉ khép trong văn chương cùng những tác phẩm của chương trình, góc nhìn của bài làm sẽ rất hẹp. Do đó, không chỉ học sinh mà cả giáo viên dạy phổ thông, từ những đề thi này cần nâng cao hơn nữa kỹ năng tổng hợp, các thao tác so sánh, khái quát” - PGS Giá nói.
Sau quá trình chấm thi, PGS.TS Đoàn Lê Giang - tổ trưởng tổ chấm thi môn văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định đáp án môn văn của Bộ GD-ĐT “vẫn còn bó buộc lắm”.
Ông Giang cho rằng đề mở, nhưng đáp án có vẻ trả lời thay và hướng thí sinh theo cách nghĩ của ban ra đề. “Chẳng hạn câu 3a khối D bàn về bài thơ Vội vàng của thi sĩ Xuân Diệu - ông Giang dẫn chứng - Có ý kiến nói rằng đó là cái tôi vị kỷ tiêu cực, ý kiến khác cho rằng đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực. Đáp án cho rằng cái tôi vị kỷ là sai, cái tôi cá nhân tích cực mới đúng. Nhưng cũng có người không nghĩ thế. Họ vẫn nghĩ bài đó thể hiện cái tôi vị kỷ. Cách nghĩ này vẫn có thể chấp nhận được nếu lập luận hợp lý. Trước đây, nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nói bài thơ này là bài về tự kỷ. Do đó, tôi nghĩ vẫn phải chấm cả những ý như vậy chứ không nhất thiết phải theo đáp án của Bộ GD-ĐT”.
Điểm cao nhất: 9,5
Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) đã chấm xong hơn 10.000 bài thi môn văn khối C, D của thí sinh dự thi vào trường, tuy nhiên vẫn “chưa có bài nào đạt điểm 9 - PGS.TS Đoàn Lê Giang thông tin - bài cao nhất được 8,5 điểm, phổ điểm tập trung nhiều nhất vào 5-6”.
Với tình hình điểm thi như trên, TS Giang nhận định đề thi môn văn năm nay hơi khó so với thí sinh, nhất là ở câu nghị luận xã hội. “Vấn đề hơi lớn so với trình độ thí sinh - TS Giang bình luận - Không có thí sinh nào làm được xuất sắc câu nghị luận xã hội. Thí sinh thường nghĩ đến những chuyện gần gần thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện đặc tính, nhược điểm của dân tộc. Thường thì các học giả, những người đi ra nước ngoài nhiều mới nghĩ nước mình như thế nào. Thí sinh thi vào trường phần nhiều từ nông thôn. Thành ra rất ít em làm xuất sắc câu này...”.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Ngọc Minh Tuấn, giáo viên môn văn Trường THPT Trưng Vương, tổ trưởng tổ chấm thi môn văn Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết trong tổng số 6.200 bài thi môn văn khối D đã chấm chỉ có một, hai bài đạt điểm 8,25 là cao nhất. “Điểm thi tập trung vào phổ 5, 6 - thầy Tuấn nói - Mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn so với mọi năm. Điểm thi cao là nhờ câu nghị luận xã hội chứ nghị luận văn học quá lạ so với thí sinh. Có thí sinh được cho 2,75 điểm ở câu nghị luận xã hội”.
ThS Ngô Đức Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết trường có một bài thi môn văn khối C đạt 9,5 điểm. “Phổ điểm còn lại chủ yếu ở mức 5-6 điểm” - ông Tuấn nói thêm.
HÀ BÌNH - NGỌC HÀ

“Thôi em đành bó tay...”
Nhiều giám khảo đã dở khóc dở cười với những câu “bình lựng”, những “bài thơ” thí sinh sáng tác trong quá trình làm bài thi môn văn. Tại hội đồng thi Trường ĐH Mở TP.HCM, một thí sinh “tức cảnh” trên bài thi: “Một mùa xuân nho nhỏ/Tài liệu ở đâu đây/Thôi em đành bó tay/Mong thầy cô thông cảm”. Còn tại hội đồng thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, một giám khảo chấm thi kể thí sinh trong câu 3b khối D đã... mở đầu như sau: “Tác giả Nguyễn Minh Châu là ai, tui không biết. Tại vì thi đại học nên tui phải làm bài này”. Cũng tại hội đồng thi này, một thí sinh thể hiện sự “bó tay” rằng: “Người đã chết thì không biết. Không biết thì tui không có viết”...
NHƯ HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét