TS ĐH 2013: Đề và gợi ý môn Văn Khối D

ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013
Môn: NGỮ VĂN; Khối: D
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm):
            Câu 1 (2,0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà  (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013), Nguyễn Tuân từng nhìn “Sông Đà như một cố nhân”.
            Người “cố nhân” ấy có tính nết như thế nào? Cách ví von này có ý nghĩa gì?
            Câu 2 (3,0 điểm):
            Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét:
            Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
(John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013, tr.113)
            Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Tran Hung John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
            Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
            Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.
Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
            Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
            Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng : nét nổi bật ở người nghệ sỹ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.
            Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
BÀI GIẢI GỢI Ý
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH
Câu 1: Nguyễn Tuân ví sông Đà như một cố nhân.
-Cố nhân đó có tính nết “hung bạo và trữ tình”.
-Cách ví von đó thể hiện tình yêu say đắm và niềm tự hào về quê hương xứ sở. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Tây Bắc vừa kì vĩ, dữ dội vừa thơ mộng trữ tình.
Câu 2: Thí sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản của câu hỏi : Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến : Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
Thí sinh có thể trình bày bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý :
            - Giới thiệu ý kiến của đề bài: Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
            - Giải thích :
            + Thụ động : thường ngồi yên hay đứng yên một chỗ để nhận những tác động từ hoàn cảnh khách quan và từ người khác. Người tiên phong: là người đi trước. Áp lực xã hội là những ý thức hệ, những tập quán, những thành kiến, những lời bình phẩm…
            + Ý kiến trên chỉ là một sự thống kê và quan sát chưa đầy đủ của tác giả, hiển nhiên có một bộ phận không nhỏ những người Việt Nam rất thụ động, thường làm theo những điều xấu và điều tốt của người khác, nhưng thật ra cũng có rất nhiều người Việt Nam đã đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực về khoa học, văn hóa, nghệ thuật… cũng như những sáng tạo trong chiến đấu và xây dựng đất nước (học sinh cần có những ví dụ cụ thể).
            + Đồng ý một phần với tác giả là có một số người Việt Nam thụ động và sống theo áp lực của xã hội đi theo những con đường đã có sẵn. Tuy nhiên, bản chất của người Việt Nam ham học hỏi, thích sáng tạo, tìm tòi… và cũng không ít người Việt Nam đã thành công trên trường quốc tế, do đó ý kiến trên là chưa chính xác.
            - Không phải lúc nào cũng là người tiên phong, dẫn đầu. Cũng có lúc nên đi theo những truyền thống tốt đẹp đã có sẵn
- Phải biết trân trọng, ca tụng những người sáng tạo tiên phong trong lĩnh vực như văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, đời sống…
- Cần chọn lựa một phong cách sống phù hợp với áp lực xã hội, phù hợp với hoài bão ước mơ và sở thích của chính mình. Sẵn sàng làm người đi theo những điều tốt và tình nguyện làm kẻ dẫn đường để khai phá một thế giới tốt đẹp hơn.
Câu 3a: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau đây:
A.Giới thiệu:
-Tác giả
-Tác phẩm
-Nhận định
B.Nội dung:
1.Là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực
-Trước cách mạng tháng tám, thơ Xuân Diệu mang hai tâm trạng trái ngược: “vừa thiết tha yêu đời vừa hoài nghi cô đơn”. “Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của ông trước cách mạng tháng tám.
-Xuân Diệu nhìn đời bằng đôi mắt đa tình, nên hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống luôn mang vẻ đẹp xuân tình.
+Cuộc sống đầy ngọt ngào, tươi tắn, đẹp đẽ, gợi cảm và đầy xuân sắc: “tuần tháng mật”; “đồng nội xanh rì”; “khúc tình si”; “cặp môi gần”.
            +Thế nhưng, nỗi ám ảnh về sự trôi chảy vô tình, lạnh lùng của thời gian dẫn đến sự tàn, phai, rơi, rụng khiến nhà thơ buồn bã, hoài nghi và trách móc: ở ngay trong mùa xuân mà đã “hoài xuân”; “lòng tôi rộng” nhưng “lượng trời cứ chật”; “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”; tất cả “đều rớm vị chia phôi”; và than vãn “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”.
-Nhận xét:
+Đó là biểu hiện nỗi lo lắng về đời người hữu hạn.
+Bộc bạch cái tôi chân thành khi vui cũng như khi buồn.
+Đó không phải là cái tôi vị kỉ tiêu cực, mà sợ cái đẹp của cuộc sống tàn phai.
2.Là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực:
-Một vòng ôm “ham hố” tham lam thật đáng yêu trước thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp, rạng ngời, tình tứ: Cả sự sống “mới bắt đầu mơn mởn”; “mây đứa và gió lượn”; “cánh bướm với tình yêu”,…
-Trạng thái tâm hồn ngây ngất, cuồng nhiệt và đắm say biểu hiện qua hàng loạt động từ: ôm, riết, thâu, cắn,…
-Nhận xét:
+Biểu hiện tình yêu cuộc sống tha thiết.
+Một quan niệm sống mới mẻ, tích cực.
3.Nhận định chung
-“Vội vàng” là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những tháng năm tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt.
-Tư tưởng đó được thể hiện qua một hình thức nghệ thuật điêu luyện: sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí, giọng điệu say mê, sôi nổi, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ.

Câu 3b: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau đây:
A.Giới thiệu:
-Tác giả: Nguyễn Minh Châu là nhà văn của bút pháp “đi tìm hạt ngọc ẩn tàng trong tâm hồn con người”.
-Tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu với nhân vật Phùng có hai ý kiến nhận xét về nét nổi bật của người nghệ sĩ này :
+ “Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật”.
+ “Vẻ đẹp sâu xa của người nghệ sĩ Phùng chính là tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người”.
B.Nội dung:
- Tóm về nhân vật Phùng gắn liền nhiệm vụ tìm một tấm ảnh đẹp bổ sung bộ lịch và phát hiện hai hình ảnh của chiếc thuyền ngoài xa và chiếc thuyền đến gần.
- Khai thác :
1. “Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật”:
® chiếc thuyền ngoài xa là cảnh đắt trời cho được nghệ sĩ thu vào máy ảnh bằng cả tâm hồn nhạy cảm với cảnh vật, nét đẹp hài hòa giữa hình ảnh và ánh sáng.
® Nên ở Phùng nếu thiếu một trái tim nhạy cảm và say mê cảnh đẹp như bức tranh mực tàu của chiếc thuyền ngoài xa khó tạo một tấm ảnh tuyệt đỉnh của ngoại cảnh “ngắm kĩ thấy màu hồng hồng của ánh sương mai”.
® Với cái đẹp tuyệt đỉnh này nếu dừng lại người nghệ sĩ chỉ tạo được cái thần của cảnh thiếu cái hồn của cuộc sống.
2. Khi chiếc thuyền đến gần, người nghệ sĩ Phùng tiếp tục khám phá đời sống của gia đình hàng chài được đánh giá “Vẻ đẹp sâu xa của người nghệ sĩ Phùng chính là tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người”
® Với cảnh chồng đánh vợ như trút cơn giận lửa cháy vào tấm lưng áo bạc phếch rách rưới để rồi đau đớn và nguyền rủa “Mày chết đi cho ông nhờ - Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ” khẳng định cuộc sống đói nghèo làm con người tha hóa trong sự trăn trở của người nghệ sĩ đầy tâm huyết với cuộc đời. Và người vợ lại cam chịu nhẫn nhục từ lòng yêu chồng, thương con cũng được khám phá từ tâm hồn người nghệ sĩ theo bút pháp khám phá trái tim của người phụ nữ Việt Nam yêu chồng thương con. Cho đến lúc Phùng chứng kiến sự xuất hiện của đứa con đánh bố với quyết tâm nhất định tiêu diệt bạo lực gia đình làm cho tâm trạng của mẹ xấu hổ đau đớn tủi nhục cũng chính là tâm hồn của nghệ sĩ Phùng đang lo âu về thân phận con người về sự tha hóa của trẻ con khi chứng kiến bạo lực của người lớn.
® Nên với phần kết thúc tác phẩm “nhìn lâu thấy hình ảnh người đàn bà bước ra từ tấm ảnh với tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá – giậm chân trên mặt đất chắc chắn hòa lẫn vào trong đám đông” nhấn mạnh trách nhiệm của người nghệ sĩ khi khai thác, khám phá đối tượng của văn học là con người trong cuộc sống đời thường.
- Cảm nhận của người viết về hai ý kiến này :
+ Có phải chăng đây là quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” cộng hưởng trong sự khai thác của nhân vật Phùng cũng chính là nhà văn Nguyễn Minh Châu để tạo một tác phẩm văn học có giá trị.
Nguyễn Hữu Dương - Nguyễn Đức Hùng - Đinh Phan Cẩm Vân
Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét