Thủ khoa 2009 chia sẻ kinh nghiệm học Văn ́

Thủ khoa khối C năm 2009 chia sẻ bí quyết “ghi điểm”

Học theo dàn ý, ghi điểm cao bằng những sáng tạo mở rộng là một trong những bí quyết đạt thủ khoa kỳ tuyển sinh 2009 của Vũ Thị Phương, nữ sinh năm thứ nhất khoa quốc tế học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Với cách học và làm bài khoa học, cô nữ sinh quê Phú Thọ Vũ Thị Phương đã đạt thủ khoa toàn quốc khối C trong kỳ tuyển sinh 2009 với 27 điểm ba môn (Văn 9, Sử 8,5, Địa 9,5).

Học Văn: Nắm ý chính thôi chưa đủ

Theo Phương, phương pháp học văn tốt nhất là kết hợp đọc và viết. Trước hết phải đọc tác phẩm, nắm được nội dung, ý nghĩa, chi tiết hình ảnh độc đáo của tác phẩm, rồi đọc thêm tài liệu tham khảo để bổ sung kiến thức. Sau đó, người học phải tập viết nhiều lần trên giấy, để nhớ được những nội dung chính của tác phẩm và rèn sự phát triển tư duy của mình. “Em thường viết nhiều lần ra giấy nháp hoặc giấy thi và thấy cách học này rất hiệu quả”.

Về cách học ôn môn văn, Phương thường ôn theo bài, theo đề.
“Tức là mình sẽ ôn từng tác phẩm với những nội dung chính, sau đó tìm những đề liên quan đến tác phẩm đó. Ví dụ, tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam có thể tìm được nhiều đề liên quan như: Phân tích tác phẩm, Bình giảng tác phẩm hoặc phân tích một nhân vật trong tác phẩm hay so sánh giá trị nội dung, nghệ thuật với một tác phẩm khác cùng thể loại …”, Phương giải thích. Ngoài ra, khi học ôn, Phương cũng tìm tòi, tích lũy cho mình những kiến thức mở rộng, để có thể so sánh, liên tưởng với nội dung của từng bài.


Phương cũng cho biết khi làm một bài văn trước tiên phải nêu đủ các ý chính nhưng chỉ như thế thôi thì chưa đủ. Vì nếu chỉ nêu được ý chính của tác phẩm thì bài nào cũng như bài nào. Muốn gây được ấn tượng với người chấm, bài viết cần phải có điểm nhấn, đó là điểm khác biệt, khiến bài viết của mình nổi bật hơn các bài khác. Để làm được điều này, Phương cho rằng người viết cần có những kiến thức mở rộng. “Để có kiến thức mở rộng bài viết, làm bài viết của mình sâu hơn thì em phải đọc thêm tài liệu tham khảo. Ví dụ, trong tác phẩm em nhận thấy có hình ảnh cánh chim là hình ảnh hay, mình thấy thích thì em “đầu tư” cho nó hơn bằng cách liên hệ với hình ảnh cánh chim ở những tác phẩm khác, xem nó có gì đặc biệt, sau đó đưa ra những cảm nhận, nhận xét của cá nhân”. Phương nói.

Theo cô “thủ khoa” này, phần tác giả, tác phẩm là phần rất quan trọng và dễ “ăn điểm” của một bài tập làm văn nhưng hầu như thí sinh thường ít “chăm sóc” đến phần này. Do đó, sẽ rất sai lầm nếu bỏ qua phần tác giả, tác phẩm vì phần này thưởng chiếm khoảng hai điểm trong mỗi bài văn. Trong khi đó, phần này không quá nhiều và cũng không khó học, có thể chỉ cần học kiến thức trong sách giáo khoa là đủ. Tuy nhiên khi làm bài, người học không thể bê nguyên những gì có trong sách có vào bài viết mà phải truyền cảm xúc của mình vào trong đó, phải đưa được những so sánh đánh giá vị trí tác giả, tác phẩm trong nền văn học Việt Nam hoặc văn học trên thế giới. "Phần này là phần đầu tiên của thân bài nên không thể viết qua loa được nhưng cũng không nên làm quá dài. Em thường làm phần này khoảng hai mặt của tờ giấy thi”, Phương chia sẻ.

Trong một bài văn, phần mở bài, thân bài, kết luận đều quan trọng như nhau. Nhưng theo Phương, nên đầu tư hơn để tạo ấn tượng ngay từ đầu cho người chấm. Có thể trình bày mở bài theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Cách gián tiếp thường độc đáo hơn nhưng nếu trong thời gian ngắn mà chưa nghĩ được thì có thể dùng cách mở bài trực tiếp.

Tuy nhiên, Phương cũng lưu ý một điểm tối kị của bài viết là thiếu hoặc làm quá sơ sài phần kết luận. “Các bạn nên chia thời gian cho từng phần. Phần kết luận cũng có vị trí quan trọng như phần mở bài. Do đó, nếu mở bài làm 10 dòng thì kết luận mình cũng phải làm 10 dòng, tức mở bài và kết luận phải cân nhau”, Phương bật mí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét