Bí quyết đạt điểm cao

Thi tốt nghiệp THPT : Bí quyết đạt điểm cao

TT - Các giáo viên giàu kinh nghiệm chia sẻ cùng thí sinh cách làm bài đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra những ngày tới.

Cô Trần Thị Thanh Thủy (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):
Môn văn: xác định đúng yêu cầu của đề

Đề thi môn văn có ba phần. Đối với phần câu hỏi giáo khoa, bài làm cần trình bày ngắn gọn, rõ ràng và không mắc lỗi diễn đạt. Câu nghị luận xã hội, muốn làm tốt phải xác định nội dung đề yêu cầu vấn đề gì. Bài làm phải giải thích đúng vấn đề được yêu cầu, biết phân tích, bình luận, mở rộng vấn đề. Phần dẫn chứng phải thực tế, có sức thuyết phục. Thí sinh cần diễn đạt chặt chẽ, bố cục bài làm rõ ràng, lý lẽ xác đáng.

Phần nghị luận văn học, quan trọng nhất thí sinh phải xác định đúng đề tài yêu cầu gì, thể loại gì, sau đó đi vào làm bài. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, rõ ý, bám sát yêu cầu của đề, trình bày dễ đọc.

Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM):
Môn lịch sử: nên có dàn ý bài làm

Với môn lịch sử, trước tiên thí sinh cần đọc kỹ đề, nắm rõ yêu cầu của đề, gạch dưới những cụm từ quan trọng trong đề, ghi ra giấy nháp những ý chính sẽ trả lời. Cần có dàn ý bài làm bên ngoài trước khi bắt đầu viết vào bài thi. Nếu không có dàn ý, bài làm sẽ dễ lan man, dễ lẫn lộn các sự kiện lịch sử, đặc biệt các sự kiện hội nghị, đại hội, chiến dịch.

Những sự kiện quan trọng cần được ghi đầy đủ, chính xác ngày, tháng, năm. Những sự kiện kém quan trọng hơn cố gắng ghi đúng năm. Khi làm bài thi môn lịch sử, thí sinh cần lưu ý các thuật ngữ chính trị, tên các tổ chức cần ghi chính xác.

Thầy Biện Văn Cư (GV môn hóa Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM):
Môn hóa: dễ trước, khó sau

Với môn hóa, cần bình tĩnh đọc lướt qua đề. Câu nào chắc chắn thí sinh làm trước, đặc biệt phần lý thuyết nên làm trước để có điểm cơ bản. Sau đó, đến phần bài toán, câu nào đơn giản làm trước, câu rắc rối làm sau. Nên làm bài theo nguyên tắc từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp. Không mất quá nhiều thời gian không cần thiết vào những câu quá khó với mình.

Có nhiều thí sinh mất quá nhiều thời gian tính phân tử lượng. Các vấn đề nguyên tử lượng, phân tử lượng ở đề trắc nghiệm cần làm nhanh. Nên học thuộc những phân tử lượng quen thuộc để làm bài nhanh, khỏi phải tính toán.

Thầy Trần Ngô (GV môn toán Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):
Môn toán: đọc kỹ đề

Với môn toán, vẫn phải đọc kỹ đề và phân chia thời gian giữa các câu. Nên bắt đầu làm từ những câu dễ, những câu đã được ôn kỹ. Những câu này dù không khó nhưng cần làm cẩn thận, chắc chắn để không bị mất điểm. Kỹ năng tính toán số ở các bài hình học cũng cần làm chậm và kỹ, chỉ cần sai dấu hoặc thành phần tọa độ sẽ sai hết cả câu. Tóm lại, phần nào nắm chắc làm trước và phải làm chắc chắn để hưởng trọn điểm phần đó.

Đối với phần đề khó hơn, thí sinh nên chịu khó đọc kỹ đề. Lời giải đôi khi nằm ngay trước mắt mình nhưng bối rối, căng thẳng quá sẽ không tìm được hướng giải. Phần thời gian còn lại cuối giờ nên tận dụng tối đa để cố gắng tìm lời giải cho những câu khó đối với mình. Nếu cố gắng hết mình, thí sinh trung bình vẫn có thể đạt 6-7 điểm môn toán để bù điểm cho các môn khác.

Thầy Đặng Duy Định (tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM):
Môn địa lý: khai thác atlas

Để làm tốt bài thi môn địa lý cần nắm vững kiến thức cơ bản chương trình. Vào phòng thi, trước tiên thí sinh phải đọc kỹ yêu cầu (chứng minh, giải thích...) để thi để tránh lạc đề. Nếu đề ra dạng biểu đồ nhưng không nêu rõ biểu đồ gì phải cẩn thận định dạng chọn biểu đồ phù hợp. Lưu ý: khi vẽ biểu đồ cần ghi đủ các yếu tố liên quan: tên biểu đồ, ký hiệu, đơn vị... để tránh mất điểm.

Liên quan đến kỹ năng tính toán, để tránh mất điểm oan ức cần cẩn thận tính toán đúng số liệu, đơn vị. Đồng thời thí sinh cần có kỹ năng khai thác số liệu, hình ảnh thông tin trong atlas để làm bài tốt. Phần tự chọn trong đề thi, thí sinh nên đọc kỹ và chọn phần đề phù hợp nhất với mình, không làm cả hai phần đề tránh phạm quy.

Thầy Lê Thanh Tùng (tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM):
Môn tiếng Anh: thấy vừa sức làm ngay

Với đề thi tiếng Anh, thí sinh cần đọc từ trên xuống dưới, thấy câu nào vừa sức làm ngay. Câu nào chưa chắc chắn cần đánh dấu trên đề thi nhưng chưa làm trên phiếu làm bài. Sẽ trở lại giải quyết sau.

Phần đọc - hiểu trong đề thi tiếng Anh thường tương đối dễ kiếm điểm nhưng mất khá nhiều thời gian. Phần này có thể làm sau nhưng đừng để làm sau cùng. Khoảng giữa thời gian làm bài bắt đầu làm phần này là vừa. Sau đó, quay lại làm những câu chưa kịp làm. Cuối cùng cần kiểm tra, làm hết không bỏ sót câu nào trong phần đề chung và phần đề mình tự chọn. Nếu còn thời gian nên đọc lại bài để điều chỉnh phương án trả lời khi cần thiết.

Lưu ý: nên sử dụng bút chì 2B khi làm bài trắc nghiệm, không nên sử dụng bút chì 6B đậm quá, xóa không mất dấu. Nên tô câu trả lời kiểu vòng tròn đồng tâm từ ngoài vào trong để máy dễ nhận dạng.

PHÚC ĐIỀN ghi trên www.tuoitre.vn

Tránh sai nhỏ để đạt điểm lớn

TT - Trước ngày thi cần chuẩn bị tâm lý như thế nào? Chuẩn bị vật dụng nào mang vào phòng thi? Sử dụng giấy nháp trong phòng thi sao cho hiệu quả và lưu ý những gì để làm bài thi đạt điểm cao?

Thí sinh cần lưu ý những chi tiết kỹ thuật quan trọng để không uổng phí công sức học tập căng thẳng trong thời gian dài.

Theo nhiều giáo viên, có đến 50% thí sinh không biết sử dụng hiệu quả giấy nháp trong phòng thi. Hết giờ thi, giấy nháp vẫn còn trống. Hẳn nhiên, giấy nháp được dùng ở những môn có tính toán như toán, lý, hóa. Nhưng vai trò của giấy nháp còn quan trọng hơn thế. Ở các môn xã hội, thí sinh có thể đạt điểm cao hơn nếu biết sử dụng hiệu quả giấy nháp trong phòng thi.

"Lợi hại" giấy nháp

Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, lưu ý: "Thực tế chấm bài thi lịch sử cho thấy thí sinh hay nhầm lẫn nội dung chiến dịch này và chiến dịch kia, hội nghị này qua hội nghị nọ. Rất nhiều học sinh (HS) quen kiểu học thuộc lòng, không đọc kỹ yêu cầu của đề, ghi hết tất cả những gì mình biết nhưng thiếu sót nhiều ý, bổ sung ý, làm bài lộn xộn.

Để khắc phục lỗi này, đối với môn lịch sử, HS nên đọc kỹ đề, ghi ra giấy nháp những cụm từ chính trong đề, những yêu cầu của đề đồng thời viết những ý chính, những sự kiện chính. Dựa vào những ý chính đã làm trên giấy nháp, bài làm mới đầy đủ ý”.

Thầy Ngô Tương Đại, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM, nhắc nhở HS sử dụng giấy nháp để làm dàn ý bài làm của mình, như thế sẽ không quên sau, không quá sa đà vào các phần trước dẫn đến không còn thời gian cho các phần sau.

Ở môn văn, các thầy cô luôn khuyên HS giấy nháp không bao giờ thừa. Đề thi đến ba câu, sẽ không có nhiều thời gian và không nên làm cả một phần bài làm trên giấy nháp. Tuy nhiên, nên dành khoảng 15 phút đọc kỹ đề và phác thảo những ý chính cho từng câu trong đề, nhất là ở phần bài nghị luận. Giấy nháp dùng để ghi những ý chính sẽ triển khai trong bài luận, ý tưởng mở rộng bài làm.

Sau khi làm bài,nhất thiết phải đọc kỹ và sửa những lỗi nhầm lẫn về tên tác giả, tên tác phẩm, tên nhân vật, các chi tiết trong tác phẩm,bối cảnh sáng tác, thể loại... Những lỗi này tuy "nhỏ" (theo thí sinh) nhưng Không "Nhỏ" (theo giám khảo) và đều bị trừ điểm rất "đau" (từ 0.25 đến 0.5 điểm đối với 1 lỗi. (cả bài bị chừng 3 lỗi phạm "húy" như trên là đi tong 1.5 điểm...
Đối với các môn trắc nghiệm, thí sinh nên tập trung lắng nghe hướng dẫn của giám thị, ghi thông tin đầy đủ, chính xác vào phiếu làm bài. Trong quá trình làm bài, câu nào đúng tô câu đó, không tô cả hai phương án. Câu nào không biết hoặc không chắc viết số câu đó ra giấy nháp để quay lại sau khi làm hết.

Không quá căng thẳng

Thực tế từ các hội đồng thi tốt nghiệp, năm nào cũng có những trường hợp đi muộn vì ngủ quên, lạc đường, đi nhầm sang hội đồng thi khác. Kinh nghiệm từ nhiều năm tham gia tổ chức thi, các thầy cô khuyên thí sinh trước ngày thi nên xem địa điểm, đường đi, ước lượng thời gian từ nhà đến điểm thi. Với hình thức thi cụm, trường thi có thể rất xa nhà, điều này lại càng cần thiết hơn. Cẩn thận hơn nữa, như thông báo của Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đến phụ huynh và HS, ngay hôm trước ngày thi cần đến hội đồng thi xem tên, số báo danh của mình dán ở đó có gì sai sót không... để kịp thời điều chỉnh.

Cô Lê Thị Kim Thu, phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, lưu ý các bạn thí sinh: các giấy tờ như thẻ dự thi, chứng minh nhân dân, thẻ HS và các dụng cụ được mang vào phòng thi nên tập trung vào một túi để tránh thất lạc. Trước ngày thi, cần chuẩn bị và kiểm tra lại các dụng cụ mang vào phòng thi: bút, thước, bút chì... Nên sắm mỗi thứ 2-3 cái giống nhau. Các môn thi trắc nghiệm cần chuẩn bị bút chì 2B, không dùng bút chì kim vì xóa không hết, vết tô bị hằn trên giấy, máy chấm bài không nhận dạng được.

Thực tế từ các hội đồng chấm trắc nghiệm cho thấy lỗi thường gặp của thí sinh vẫn là những lỗi “muôn năm cũ”: tô sai số báo danh và mã đề, không làm hết bài thi trắc nghiệm, một câu chọn đến hai phương án trả lời. Đối với bài thi tự luận, để tránh tình trạng bài thi bị chấm riêng, thí sinh tuyệt đối không dùng bút xóa trong bài làm, không sử dụng hai màu mực, hai nét chữ. Không sử dụng bút xanh lá cây, bút đỏ. Khi làm bài không chừa chỗ sửa, không được viết nhảy hàng, gạch dưới hoặc viết tắt những ký hiệu đặc biệt. Các thầy cô môn địa lý lưu ý HS cần chuẩn bị một atlat “sạch”, không ghi bất cứ thông tin gì, không có ghi chú nào trên đó. Nếu lỡ ghi thì phải mua atlat mới. Nếu xóa đi vẫn còn hằn dấu xóa rất khó giải thích với giám thị trong phòng thi.

Quy định “Bị bệnh có quyền không nộp bài”: Phải được cán bộ y tế xác nhận

Ngày 28-5, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết thêm trong thực tế tổ chức thi có trường hợp thí sinh đang thi nhưng bị bệnh đột xuất, hội đồng coi thi có thể cho thí sinh được dừng hoặc tạm dừng thi môn đó để được chăm sóc y tế. Những thí sinh sau khi được chăm sóc y tế, có khả năng tiếp tục làm bài thi sẽ được trở lại phòng thi hoàn tất bài thi của mình. Nhưng thí sinh được cán bộ y tế tại điểm thi xác nhận tình trạng sức khỏe nguy cấp, cần phải chuyển đi bệnh viện, hội đồng coi thi phải lập biên bản cho thí sinh ngừng thi môn đó.

* Còn đối với những thí sinh bị bệnh nhưng chưa đến mức phải chuyển đến bệnh viện?

- Những thí sinh bị bệnh không đủ sức khỏe dự thi, nếu có đủ điều kiện được đặc cách, phải hết sức cân nhắc để quyết định: dự thi hay không thi để xin đặc cách. Còn nếu cố đi thi, có thể sẽ gặp rủi ro như trên. Tình huống xử lý tôi đưa ra ở trên chủ yếu xét đến những trường hợp đột xuất, khi đó bộ phận y tế trong hội đồng coi thi sẽ xác nhận được chính xác tình hình sức khỏe của thí sinh để quyết định xử lý tại chỗ và cho tiếp tục thi, hay phải dừng thi và chuyển đến bệnh viện.

* Vậy những thí sinh đủ điều kiện xét đặc cách cần phải làm thủ tục như thế nào?

- Cả trường hợp bị bệnh, tai nạn trước khi thi hoặc trong khi đang diễn ra kỳ thi, gia đình của thí sinh phải chuẩn bị hồ sơ gồm: xác nhận của bác sĩ, giấy nhập viện, ra viện của bệnh viện, cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận tình trạng sức khỏe thí sinh không có khả năng tiếp tục dự thi, biên bản xin xét đặc cách của trường THPT nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (đối với trường hợp bị bệnh, tai nạn trước kỳ thi) và xác nhận của hội đồng coi thi, nơi thí sinh đang dự thi (đối với trường hợp bị bệnh trong khi thi). Hồ sơ xin xét đặc cách phải được nộp ngay sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi.
-----------------------------
VĨNH HÀ thực hiện TUOITRE.VN

Cách chọn phần tự chọn trong môn Văn

Môn văn: nên làm theo đúng ban đã học

Một trong những yêu cầu quan trọng của bài làm môn văn là thí sinh cần đọc kỹ yêu cầu của đề. Thí sinh nên chú ý những từ ngữ quan trọng để từ đó rút ra luận đề (yêu cầu của đề), xác định luận điểm (tìm ý), lựa chọn thao tác để xử lý, xác định phạm vi tư liệu, phạm vi giới hạn của đề. Khi làm bài, việc trình bày, bố cục, hệ thống luận điểm phải rõ ràng, lập luận chặt chẽ, khoa học, thuyết phục.

Trên thực tế, đáp án thường triển khai theo nội dung phân ban nên việc làm bài theo đúng ban đã học là một lợi thế. Về tâm lý, thí sinh nên tạo cho mình bình tĩnh, tự tin khi làm bài.

Ngoài những vấn đề chung ở trên, vào từng phần cụ thể, thí sinh cần lưu ý thêm một số vấn đề. Ở phần câu hỏi về kiến thức, nên trả lời ngắn gọn, cụ thể, chính xác yêu cầu của đề, tránh vòng vo, dài dòng. Ở câu nghị luận xã hội, thí sinh phải xác định rõ vấn đề cần bàn, lưu ý vận dụng tốt thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Bài làm cần nêu ý kiến cụ thể và có dẫn chứng nhưng không quá nhiều. Viết đúng dung lượng mà đề yêu cầu (600 từ). Nên hình dung và rèn luyện điều này trước khi thi.

Đối với nghị luận văn học, thí sinh phải nắm vững yêu cầu của đề. Từ đó, thí sinh lựa chọn, vận dụng phối hợp các thao tác (phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh...) cho phù hợp với yêu cầu của đề. Trong lập luận, thí sinh nên vận dụng (so sánh, đối chiếu, liên hệ...) những kiến thức về tác giả, tác phẩm, những kiến thức lý luận chung về văn học, về thể loại, đặc trưng của giai đoạn văn học có liên quan đến yêu cầu của đề. Điều này giúp bài làm sâu sắc, phong phú hơn.

TRẦN TIẾN THÀNH
(GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)

Lưu ý thí sinh trượ́c kỳ thi Đại học

Mấy điều lưu ý thí sinh

Khi đến làm thủ tục, thí sinh cần mang theo giấy báo dự thi của trường cùng với chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, các giấy tờ xác nhận ưu tiên nếu có, tờ phiếu số 2 trong hồ sơ đăng ký dự thi...
Nếu bị thiếu hoặc mất một trong các giấy tờ trên, thí sinh cần thông báo với hội đồng thi để được hướng dẫn cách xử lý, làm cam đoan để được vào dự thi. Ban chỉ đạo tuyển sinh lưu ý các thí sinh dự thi đợt 2 cần hoàn tất các thủ tục, đặc biệt là việc chỉnh sửa các sai sót, điều chỉnh các thông tin chưa chính xác liên quan đến họ tên, mã ngành đăng ký dự thi, khu vực và đối tượng ưu tiên... trong ngày 8-7 để đảm bảo quyền lợi xét tuyển sau này. Mọi yêu cầu chỉnh sửa sau ngày thi sẽ không có giá trị. Các thí sinh cũng cần chú ý: những thông tin chỉnh sửa phải được hội đồng thi xác nhận, đóng dấu... trên tờ phiếu đăng ký dự thi số 2 mới có giá trị.

Các thí sinh dự thi đợt 2 cũng cần lưu ý: -đối với thí sinh dự thi khối B không được mang theo bảng tuần hoàn hóa học,
-thí sinh dự thi khối C không được mang Atlas địa lý vào phòng thi. Đối với môn thi buổi sáng, thí sinh cần có mặt trước 6g30, môn thi buổi chiều cần có mặt trước 13g30. Những thí sinh đến chậm 15 phút sau khi bóc đề thi (được quy định cụ thể đối với từng buổi thi và hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm) sẽ không được dự thi môn đó. Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần chú ý ghi đầy đủ ký hiệu trường, khối thi và số báo danh vào đúng ô quy định trên giấy thi, ghi đúng mã đề đối với môn thi trắc nghiệm và yêu cầu hai cán bộ coi thi phải ký và ghi họ tên đầy đủ vào tất cả các tờ giấy thi. Khi hết giờ phải nộp bài với đủ số tờ giấy thi đã làm cho cán bộ coi thi, ghi rõ số tờ giấy thi và ký xác nhận vào danh sách trước khi rời phòng thi.

Kinh nghiệm trước kì thi

Không nên xem phim khi ôn thi

Theo quan điểm của cô thủ khoa Vũ Thị Phương, học là cả một quá trình, không nên dồn sức chạy nước rút ở mấy tháng giáp thi. Do đó, thí sinh nên tránh căng thẳng ở tháng gần thi, phải phân bổ thời gian ăn, ngủ, nghỉ, thư giãn thật hợp lý, tuyệt đối không nên học cố, học ép.

Phương cũng có lời khuyên với những bạn có tâm lý sợ ngủ vì chưa học hết bài hoặc cảm thấy dằn vặt mỗi khi chót ngủ nhiều: “Em cũng từng rất buồn ngủ nhưng không dám đi ngủ vì suy nghĩ còn cả một lượng kiến thức lớn chưa học. Nhưng qua vài lần em thấy cách học này không hiệu quả. Sau đó, khi nào thấy buồn ngủ, em đi ngủ rồi đặt chuông báo thức, nếu không tự dạy được thì nhờ bố mẹ gọi dậy. Thời gian ôn thi em thường ngủ đến 10h mới dậy nhưng buổi tối có thể thức học đến 1-2h sáng hôm sau”, Phương kể.

Mỗi người có một cách để thư giãn nhưng theo Phương không nên xem phim trong thời gian ôn thi vì xem phim thường bị cuốn, căng thẳng và mất thời gian. Phương thường nghe nhạc, gặp gỡ nói chuyện với bạn bè mỗi khi cảm thấy căng thẳng. Đôi khi em than ngắn thở dài với bố mẹ để nhận được những lời động viên, giúp em có thêm động lực.

Ngoài việc chuẩn bị kiến thức, luyện phương pháp làm bài trước khi thi, theo cô thủ khoa, thí sinh cũng cần có một tâm thế tốt, thật thoải mái, bình tĩnh trước khi vào phòng thi. “Mặc dù bài thi tuyển sinh có tính quyết định lớn, là bước ngoặt của cuộc đời nhưng mình nên coi nó như một bài kiểm tra trên lớp. Mình nên tạo những suy nghĩ thoải mái như những kiến thức này mình đã học rồi, không có lẽ gì mình không làm được. Trước khi vào phòng thi bạn có thể hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh”, Phương chia sẻ.

Thủ khoa 2009 chia sẻ kinh nghiệm học Văn ́

Thủ khoa khối C năm 2009 chia sẻ bí quyết “ghi điểm”

Học theo dàn ý, ghi điểm cao bằng những sáng tạo mở rộng là một trong những bí quyết đạt thủ khoa kỳ tuyển sinh 2009 của Vũ Thị Phương, nữ sinh năm thứ nhất khoa quốc tế học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Với cách học và làm bài khoa học, cô nữ sinh quê Phú Thọ Vũ Thị Phương đã đạt thủ khoa toàn quốc khối C trong kỳ tuyển sinh 2009 với 27 điểm ba môn (Văn 9, Sử 8,5, Địa 9,5).

Học Văn: Nắm ý chính thôi chưa đủ

Theo Phương, phương pháp học văn tốt nhất là kết hợp đọc và viết. Trước hết phải đọc tác phẩm, nắm được nội dung, ý nghĩa, chi tiết hình ảnh độc đáo của tác phẩm, rồi đọc thêm tài liệu tham khảo để bổ sung kiến thức. Sau đó, người học phải tập viết nhiều lần trên giấy, để nhớ được những nội dung chính của tác phẩm và rèn sự phát triển tư duy của mình. “Em thường viết nhiều lần ra giấy nháp hoặc giấy thi và thấy cách học này rất hiệu quả”.

Về cách học ôn môn văn, Phương thường ôn theo bài, theo đề.
“Tức là mình sẽ ôn từng tác phẩm với những nội dung chính, sau đó tìm những đề liên quan đến tác phẩm đó. Ví dụ, tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam có thể tìm được nhiều đề liên quan như: Phân tích tác phẩm, Bình giảng tác phẩm hoặc phân tích một nhân vật trong tác phẩm hay so sánh giá trị nội dung, nghệ thuật với một tác phẩm khác cùng thể loại …”, Phương giải thích. Ngoài ra, khi học ôn, Phương cũng tìm tòi, tích lũy cho mình những kiến thức mở rộng, để có thể so sánh, liên tưởng với nội dung của từng bài.


Phương cũng cho biết khi làm một bài văn trước tiên phải nêu đủ các ý chính nhưng chỉ như thế thôi thì chưa đủ. Vì nếu chỉ nêu được ý chính của tác phẩm thì bài nào cũng như bài nào. Muốn gây được ấn tượng với người chấm, bài viết cần phải có điểm nhấn, đó là điểm khác biệt, khiến bài viết của mình nổi bật hơn các bài khác. Để làm được điều này, Phương cho rằng người viết cần có những kiến thức mở rộng. “Để có kiến thức mở rộng bài viết, làm bài viết của mình sâu hơn thì em phải đọc thêm tài liệu tham khảo. Ví dụ, trong tác phẩm em nhận thấy có hình ảnh cánh chim là hình ảnh hay, mình thấy thích thì em “đầu tư” cho nó hơn bằng cách liên hệ với hình ảnh cánh chim ở những tác phẩm khác, xem nó có gì đặc biệt, sau đó đưa ra những cảm nhận, nhận xét của cá nhân”. Phương nói.

Theo cô “thủ khoa” này, phần tác giả, tác phẩm là phần rất quan trọng và dễ “ăn điểm” của một bài tập làm văn nhưng hầu như thí sinh thường ít “chăm sóc” đến phần này. Do đó, sẽ rất sai lầm nếu bỏ qua phần tác giả, tác phẩm vì phần này thưởng chiếm khoảng hai điểm trong mỗi bài văn. Trong khi đó, phần này không quá nhiều và cũng không khó học, có thể chỉ cần học kiến thức trong sách giáo khoa là đủ. Tuy nhiên khi làm bài, người học không thể bê nguyên những gì có trong sách có vào bài viết mà phải truyền cảm xúc của mình vào trong đó, phải đưa được những so sánh đánh giá vị trí tác giả, tác phẩm trong nền văn học Việt Nam hoặc văn học trên thế giới. "Phần này là phần đầu tiên của thân bài nên không thể viết qua loa được nhưng cũng không nên làm quá dài. Em thường làm phần này khoảng hai mặt của tờ giấy thi”, Phương chia sẻ.

Trong một bài văn, phần mở bài, thân bài, kết luận đều quan trọng như nhau. Nhưng theo Phương, nên đầu tư hơn để tạo ấn tượng ngay từ đầu cho người chấm. Có thể trình bày mở bài theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Cách gián tiếp thường độc đáo hơn nhưng nếu trong thời gian ngắn mà chưa nghĩ được thì có thể dùng cách mở bài trực tiếp.

Tuy nhiên, Phương cũng lưu ý một điểm tối kị của bài viết là thiếu hoặc làm quá sơ sài phần kết luận. “Các bạn nên chia thời gian cho từng phần. Phần kết luận cũng có vị trí quan trọng như phần mở bài. Do đó, nếu mở bài làm 10 dòng thì kết luận mình cũng phải làm 10 dòng, tức mở bài và kết luận phải cân nhau”, Phương bật mí.

Đề - Đáp án thi thử TN THPT 2010 (Sưu tầm)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT
MÔN : NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 150 phút, không kể thời gian giao đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5.0 điểm)

Câu 1 (2 điểm) :
Nêu giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật của Tuyên ngôn độc lập ( Hồ Chí Minh).
Câu 2 (3 điểm) :

Anh /Chị hãy viết một văn bản nghị luận ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau :
“ Cái gốc của đạo đức, của luân lí là lòng nhân ái”. ( Lê Duẩn)
PHẦN RIÊNG (5.0 điểm):
Thí sinh học chương trình nào thì làm câu dành riêng cho chương trình đó.

Câu 3a: Dành cho thí sinh học chương trình Chuẩn:
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong bài “Tây Tiến ” của Quang Dũng :
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Ngữ văn 12, tập một, trang 88, NXB Giáo dục, 2008)

Câu 3b: Dành cho thí sinh học chương trình Nâng cao
Phân tích nhân vật người đàn bà vùng biển trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu
(Ngữ văn 12, tập hai, trang 89, NXB Giáo dục, 2008)

------------



SỞ GD&ĐT THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT
MÔN : NGỮ VĂN

HƯỚNG DẪN CHẤM
( Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)
Hướng dẫn chung
Đề bài gồm 3 câu, theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT: câu 1 kiểm tra kiến thức văn học; câu 2 là bài nghị luận xã hội; câu 3 là bài nghị luận văn học. Câu 1 chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức nhưng cũng có yêu cầu về diễn đạt và lập luận. Chỉ những HS diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp mới được điểm tối đa.
Câu 2 và câu 3 là bài làm văn, tích hợp kiểm tra cả kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận của HS.
Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc.
Do sử dụng đồng thời hai bộ sách giáo khoa nên giám khảo cần linh hoạt trong việc vận dụng đáp án. Không buộc học sinh phải trả lời đúng theo cách diễn đạt của bộ sách nào.
Nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; không yêu cầu quá cao đối với mức điểm 9, 10; khuyến khích những bài làm có ý riêng, sáng tạo, văn viết có cảm xúc…
Chỉ làm tròn điểm toàn bài (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,5; lẻ 0,75 làm tròn thành 1,0)

II. Đáp án và thang điểm

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH

Câu 1: (2 điểm) :
1/ Yêu cầu về kiến thức: học sinh có thể trình bày khác nhau song cần có các ý sau:
- Giá trị lịch sử.
Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến; là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của Việt Nam với thế giới; là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập tự do trên đất nước ta.
Giá trị nghệ thuật:
Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận đặc sắc, mẫu mực; lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, giọng văn đầy cảm xúc…
2/ Cho điểm :
Điểm 2,0: Đáp ứng các yêu cầu về nội dung. Diễn đạt tốt. Chấp nhận một vài lỗi nhỏ.
Điểm 1,0: Trình bày được khoảng nửa số ý. Còn mắc một số lỗi chính tả, ngữ pháp.
Điểm 0,0: Chỉ viết vài câu rời rạc, không rõ nội dung, không làm bài.
Giám khảo căn cứ vào bài làm để xác định các mức điểm cụ thể. Không yêu cầu học sinh viết đủ các cụm từ dùng trong đáp án. Sai lỗi

Đề thi thử TN THPT 2010 (Sưu tầm)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT (2009-2010)
. Môn Ngữ Văn –THPT
Đề thi chính thức Thời gian làm bài 150 phút không kể thời gian giao đề .
-----------------------------------
I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5 ĐIỂM )

Câu 1 :(2 điểm ) ``Hai con người côi cút ,hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những nơi xa lạ ....Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước ?Thiết nghĩ rằng con người Nga đó ,con người có ý chí kiên cường ,sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố ,chú bé kia một khi lớn lên sẽ có thể đối đầu với mọi thử thách ,sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường nếu Tổ quốc kêu gọi .`` (Phần trích Số phận con người ,Sô-lô-khốp,Ngữ văn 12,tập 2,trang 123 ,NSB Gáo dục 2008)
Theo anh chị qua đoạn văn này ,SÔ-LÔ-KHỐP có suy nghĩ gì về số phận con người ?

Câu 2 :(3 điểm) Viết 1 đoạn văn ngắn (Không quá 400 từ )phát biểu ý kiến của anh chị về lối sống thờ ơ,vô cảm cảu không ít bạn trẻ ngày nay .

II .PHẦN RIÊNG (5 ĐIỂM )
(THÍ SINH ĐƯỢC LÀM 1TRONG 2 CÂU (3a hoặc 3b )
Câu 3 a .Chương trình chuẩn (5 điểm )
Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau :
```..... Trong anh và em hôm nay Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn ,to lớn
Mai này con chúng ta lớn lên
Con chúng ta sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm lên Đất Nước muôn đời .
..........................................`` (Đất nước ,Phần trích trường ca Mặt đường và khát vọng ,Nguyễn Khoa Điềm ,Ngữ Văn 12 ,Tập 1 ,Trang 119 ,NXB Giáo dục 2008)

Câu 3 b :Chương trình nâng cao (5 điểm ) Cái nhìn và cách ứng xử với xã hội ,với thời cuộc trong thời kì đổi mới của nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn ``Một người Hà Nội `` của Nguyễn Khải (Trích trong Ngữ Văn 12 nâng cao ,Tập 2 NXB Giáo dục 2009 )
-------------------------Hết ---------------------------------

Đề-Đáp án thi thử TN THPT Tp.HCM 2010

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi có 2 trang) ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT
NĂM HỌC 2009 - 2010
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
(không kể thời gian giao đề)
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
Ý nghĩa nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
Câu 2 (3 điểm)
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về mục đích của việc học: “Học để chung sống”.
II. PHẦN RIÊNG (5 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (Câu 3a hoặc Câu 3b)
Câu 3a (5 điểm): Theo chương trình Chuẩn
Phân tích hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
Câu 3b (5 điểm): Theo chương trình Nâng cao
Cảm nhận của anh (chị) về tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trong đoạn thơ sau:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhỏ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

(Trích “Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm)
… … … .HẾT. … … …
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KÌ THI THỬ TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM HỌC 2009 - 2010
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. .HƯỚNG DẪN CHUNG Đề bài gồm 3 câu, theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT: câu 1 kiểm tra kiến thức văn học; câu 2 là bài nghị luận xã hội; câu 3 là bài nghị luận văn học. Câu 1 chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức nhưng cũng có yêu cầu về diễn đạt. Những HS diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp mới được điểm tối đa. Câu 2 và câu 3 là bài làm văn kiểm tra kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận của HS.
 Giám khảo cần nắm nội dung bài làm của HS để đánh giá, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc. Chú ý khuyến khích các bài viết có ý riêng, sáng tạo.
 Thí sinh có thể trình bày theo các cách riêng, nếu đáp ứng các yêu cầu vẫn cho đủ điểm.
II. ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Đáp án Điểm
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH 5,0
Câu 1 Ý nghĩa nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. 2,0
- Nhan đề cho thấy tình cảnh trớ trêu, mâu thuẫn, đau khổ của nhân vật Trương Ba khi tâm hồn thanh cao, nhân hậu phải ẩn trong thân xác hàng thịt thô lỗ, phàm tục. 1,0
- Đặt ra vấn đề: con người phải được sống là mình với những phẩm chất tốt đẹp, sống trong sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. 1,0
Câu 2
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về mục đích của việc học: “Học để chung sống”. 3,0
a. Yêu cầu về kĩ năng
 Nắm phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội.
 Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
 Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận…).
 Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
 Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.

b. Yêu cầu về kiến thức
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận. 0,25
- “Học để chung sống” là lĩnh hội, tích lũy kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm sống để có thể chung sống tốt đẹp, hài hòa với cộng đồng. 0,75
- Kiến thức, kĩ năng có được trong quá trình học tập giúp người học giao tiếp, ứng xử thân thiện, hài hòa, vui tươi với mọi người; có thể cùng lao động; có khả năng thích ứng với những đổi thay của cuộc sống …
- Lưu ý : HS cần có dẫn chứng để làm sáng tỏ ý. 1,0

- Bổ sung những giá trị tốt đẹp khác mà việc học đem lại; phê phán những người không học tập kiến thức, kĩ năng dẫn đến nhiều hạn chế trong cuộc sống. 0,5
- Luôn ý thức học tập kiến thức, kĩ năng sống để có thể chung sống tốt đẹp với mọi người. 0,5
I. PHẦN RIÊNG 5,0
a. Yêu cầu chung về kĩ năng
- Nắm phương pháp làm bài nghị luận văn học.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (chứng minh, bình luận, so sánh mở rộng vấn đề…). Đặc biệt, thí sinh phải nắm vững thao tác phân tích một nhân vật trong tác phẩm tự sự và phân tích một đoạn thơ, bài thơ.
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
- Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.
b. Yêu cầu về nội dung
Câu 3a. Theo chương trình Chuẩn
Phân tích hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. 5,0
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận. 0,5
- Công việc lái đò trên sông Đà rất gian nan, cực nhọc, hiểm nguy. 0,5
- Ông lái đò là người dũng cảm, ngoan cường. 1,0
- Ông hiện lên như vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm sông nước, có tài trí và ý chí cao. 1,0
- Ông lái đò có phong thái bình tĩnh, ung dung, tài hoa. 1,0
- Khái quát, đánh giá được những vấn đề (nội dung, nghệ thuật) đã bàn luận. 1,0
Lưu ý: Học sinh có thể triển khai luận điểm theo nhiều cách khác nhau. Giám khảo đánh giá mức điểm dựa trên kĩ năng làm bài và nội dung toàn bài của học sinh.
3b. Theo chương trình Nâng cao: Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trong đoạn thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. 5,0
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận. 0,5
- Ở bình diện không gian địa lí, những cảnh quan thiên nhiên gắn liền với cuộc sống của nhân dân. Những cảnh ngộ, số phận, phẩm chất của con người Việt Nam đã làm nên những địa danh, thắng cảnh cho đất nước. Những cảnh ấy được tiếp nhận qua tâm hồn nhân dân. 1,5
- Theo thời gian lịch sử, những người dân cần cù lao động để xây dựng đất nước. Khi có ngoại xâm thì nhân dân anh dũng chiến đấu để bảo vệ đất nước, sẵn sàng hi sinh cho quê hương.
- Nhân dân là người làm nên đất nước. 2,0
- Khái quát, đánh giá những vấn đề (nội dung, nghệ thuật) đã bàn luận. 1,0
Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

Đề thi HSG 12 - Bắc Ninh -2010

UBND tỉnh Bắc Ninh
sở giáo dục - đào tạo

đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnhnăm học 2009 – 2010
Môn: ngữ văn - LớP 12 - THpt
(Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề)
Ngày thi 14 tháng 4 năm 2010
==============

Câu 1: (8 điểm)
Có ng ười nói: "Ngư ời thành công là do có thiên phú". Mặt khác có ngư ời lại cho rằng : "Thiên tài từ cần mẫn".
Suy nghĩ của anh (chị) về hai ý kiến trên.

Câu 2: (12 điểm)
Cảm nhận vẻ đẹp và sự độc đáo của hai hình tượng sông Đà và sông Hương để thấy được nét phong cách riêng của từng tác giả trong hai bài kí “Người lái đò Sông Đà” (trích - Nguyễn Tuân) và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Trích - Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Lưu ý khi thi môn Ngữ văn

TT - Tuổi Trẻ giới thiệu những “bí quyết” để giúp thí sinh ôn thi đạt hiệu quả cao nhất trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010.


Đặc thù của môn văn là môn khoa học - nghệ thuật. Vì thế bạn cần tạo hứng thú trong việc học văn, bồi dưỡng lòng yêu mến, thật sự thoải mái khi tiếp cận. Đó là tiền đề cho việc thực hiện tốt bài thi môn ngữ văn ở bất cứ ngưỡng cửa thi cử nào. Để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc đồng thời đạt kết quả cao khi làm bài thi môn văn, bạn lưu ý những vấn đề sau:

Trước hết, phải nắm vững những kiến thức cơ bản nhất để đáp ứng cho bài làm ở cả phần chung và phần riêng. Kiến thức đó ví như “nguyên vật liệu” cần thiết để xây dựng và hoàn thành bài văn. Tuyệt đối không xem nhẹ hay bỏ câu nào. Thông thường các bạn sợ nhất là câu tái hiện kiến thức vì phải học và ghi nhớ nhiều kiến thức. Tuy nhiên, nếu không làm được câu này thì rất có thể bài văn không đạt điểm trung bình. Sẽ không quá nặng nề nếu bạn nắm được phương pháp và cách thức làm bài.

Đối với bài văn nghị luận xã hội, ngoài việc phải thu thập thông tin, đọc nhiều để có kiến thức xã hội, bạn cần phải nhớ bố cục của từng dạng bài nghị luận (về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống). Khi đọc đề, phải xác định ngay đề thuộc dạng nghị luận nào. Từ đó viết dàn ý sơ lược theo bố cục của dạng đề đó ra giấy nháp, cân nhắc kỹ để chắc chắn không lạc đề, không lộn bố cục, triển khai đúng yêu cầu rồi mới viết. Những lỗi các bạn thường mắc phải là không triển khai bài văn đúng, đủ thao tác do không lập dàn ý trước dẫn đến bài văn sơ sài, thiếu ý, bố cục lộn xộn.

Ở bài nghị luận văn học, phải thật sự hiểu và cảm được văn bản tác phẩm. Làm văn là trình bày những hiểu biết của mình về những vấn đề của tác phẩm, làm sao cho người đọc thấy được cái hay, cái đẹp và những vấn đề tư tưởng mà thông qua tác phẩm nhà văn, nhà thơ muốn đề cập. Vì thế, phải đọc kỹ văn bản văn xuôi, ghi nhớ những dẫn chứng cần thiết; thơ thì phải thuộc nằm lòng, không thuộc không thể cảm được thơ.

Học tốt môn văn không thể một sớm một chiều mà phải có quá trình và ôn luyện thường xuyên. Thời gian không còn nhiều, bạn cần xác định phương pháp học tập: Nắm vững từng vấn đề tác phẩm, hiểu được tư tưởng mà tác giả đề cập... Tuyệt đối không học thuộc lòng bài văn mẫu. Bởi lẽ "mẫu” không phải là “mẫu mực” và cũng không thể nhớ hết. Hơn nữa đề thường rất đa dạng, đòi hỏi bạn phải tư duy, phải biết lập dàn ý sao cho phù hợp.

Chỉ nên đọc văn mẫu trên tinh thần tham khảo để có thêm tư liệu, học cách triển khai, diễn đạt và làm giàu cho vốn ngôn ngữ của mình. Và chỉ đọc sau khi đã nắm kỹ nội dung kiến thức cơ bản mà mình được học, tránh sa đà, học theo sự cảm nhận của người khác.

Bài làm văn còn được coi là sản phẩm tinh thần của sự sáng tạo mà bạn là chủ thể. Văn chương luôn đòi hỏi cảm xúc nên bạn phải cố gắng “thổi hồn mình” vào bài viết. Chỉ đặt bút làm bài khi đã thật sự hiểu đề, có kế hoạch triển khai đề và biết mình phải làm gì. Một người đi đường sẽ đi đến địa điểm mình muốn rất nhanh nếu biết phương hướng và cách thức đi. Làm bài văn cũng thế.
-------------------------
LÊ THỊ CẨM HƯƠNG
(giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM)