Kinh nghiệm làm bài môn Văn


Để làm tốt môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp
Tin dịch vụ - Những năm gần đây, trong nhiều kỳ thi như tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng, điểm thi môn văn thường không cao.
Bên cạnh việc học thật kỹ kiến thức bộ môn, học sinh cần có phương pháp làm bài phù hợp với kiểu cấu trúc đề thi để có được kết quả tốt hơn.
Một trong những việc đơn giản nhưng hết sức cần thiết là các bạn cần đọc đề thi thật kỹ, đọc lại nhiều lần, tránh trường hợp làm lạc đề, vì như thế bài làm sẽ bị điểm kém. Cần chú ý nhiều đến cấu trúc đề thi, gồm ba phần: một câu hỏi kiểm tra kiến thức và hai bài nghị luận (xã hội và văn học).
Đối với câu hỏi trả lời để kiểm tra kiến thức, học sinh cần nắm vững nội dung về tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài. Ngoài những câu hỏi tái hiện kiến thức còn có thể có những câu hỏi mở nhằm kiểm tra tư duy độc lập, sáng tạo của thí sinh. Câu này chỉ chiếm 2 điểm nhưng là câu gây nhiều hồi hộp nhất trong các kỳ thi.
Bài nghị luận xã hội cần viết ngắn gọn trong khoảng 400 từ đối với thi tốt nghiệp và 600 từ đối với thi đại học. Loại bài này giúp học sinh nâng cao năng lực diễn đạt, thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình trước những vấn đề thiết thực và gần gũi trong cuộc sống. Loại đề này tương đối khó nên cần đọc kỹ đề để tránh “sai một li, đi một dặm”. Trước hết, xác định nội dung cần bàn và thao tác cơ bản (giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ… nhưng thông thường là nghị luận hỗn hợp).
Bài nghị luận văn học thường ra trong phạm vi các tác phẩm đã học chính thức trong sách giáo khoa. Kỳ thi tốt nghiệp, chỉ ra trong chương trình 12, không có phần văn học nước ngoài. Đối với thi đại học, bao gồm cả văn học 12 và một phần văn học 11 (giai đoạn 1930 – 1945).
Kiểu bài quen thuộc là phân tích nhân vật hoặc tác phẩm, thông thường chỉ ra một đoạn trích. Đôi lúc, đề yêu cầu phân tích một nhân vật, tác phẩm để chứng minh làm sáng tỏ một ý nào đấy. Câu nghị luận văn học có hai phương án lựa chọn: câu 3a (chương trình chuẩn) và 3b (chương trình nâng cao). Câu này rất quan trọng, chiếm 5 điểm nên dung lượng bài viết của thí sinh cũng dài hơn các câu khác. Và câu này cũng có thể xem là “định đoạt” kết quả thi.
Để chuẩn bị cho kỳ thi môn văn đạt hiệu quả cao, thí sinh cần trang bị những thứ sau: kiến thức văn học và xã hội, kỹ năng phân tích, lập luận, khả năng diễn đạt, tư duy nhạy bén, linh hoạt. Khi vào phòng thi, đọc kỹ đề, viết thật hăng, làm đầy đủ các câu, với một dung lượng tương đối để đảm bảo các ý được trình bày đầy đủ. Làm xong, nhớ đọc lại, sửa lỗi trước khi nộp bài, đó là thái độ thận trọng, khéo léo của… con nhà văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét