Khuynh hướng ra đề

Không có đề thi dành cho “học tủ”

TT - Với xu hướng ra đề thi tốt nghiệp những năm gần đây, nhiều giáo viên dự đoán đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng đòi hỏi thí sinh phải có năng lực nhận định và vận dụng sáng tạo. Ở số báo này, các giáo viên bộ môn đánh giá lại đề thi các năm trước và mong mỏi đề thi năm nay sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn.

* GV Dương Thu Trang (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM):

Mong đề văn hay

Đề thi tốt nghiệp môn văn hai năm trở lại đây thường có ba câu. Câu 1 là câu hỏi giáo khoa nhưng không giống ngày xưa, tức không nhằm kiểm tra kiến thức tái hiện, mô phỏng mà đòi hỏi học sinh phải có tư duy. Ví dụ như năm trước hỏi về tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn: yêu cầu thí sinh phân tích sự kiện và nêu lên ý nghĩa của sự kiện đó.

Câu 2 thường là câu nghị luận xã hội: đây là loại đề thi khiến giáo viên và học sinh cảm thấy thú vị và ủng hộ. Câu hỏi này nhằm kiểm tra mảng kiến thức xã hội, kiến thức về cuộc sống của thí sinh.

Thí sinh làm bài phải có khả năng quan sát, thu thập thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời cũng phải có khả năng lập luận để đáp ứng yêu cầu bài thi. Việc hạn chế bài làm của câu hỏi này chỉ dừng ở mức 400 chữ theo tôi cũng rất hay. Thí sinh sẽ không được viết lan man mà phải sắp xếp các ý một cách logic và rõ ràng.

Câu 3 thường là câu về nghị luận văn học, đây là câu hai năm gần đây vẫn ra theo xu hướng cũ, chỉ khác trước là nó chiếm đến 8 điểm thì bây giờ chỉ còn 5 điểm.

Câu này nhằm kiểm tra kiến thức văn học, về tác giả - tác phẩm mà học sinh đã được học trong sách giáo khoa. Nếu ở câu 3 mà cho thí sinh tự chọn một tác phẩm nào đó mình tâm đắc nhất để phân tích, bình luận... thì sẽ hay hơn. Bởi mục đích của việc dạy văn là làm sao cho học sinh đồng cảm và cảm nhận được những ý nghĩa của tác phẩm chứ không phải học thuộc lòng những gì thầy cô viết ra sẵn, khi thi xong, các em sẽ quên hết.

* GV Đoàn Thị Mộng Điệp (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Câu hỏi sẽ trải khắp chương trình học

Đề thi môn Anh văn mấy năm gần đây thường có các nội dung về phát âm, tìm lỗi sai, bài đọc - hiểu, ngữ pháp, những mẫu câu về giao tiếp... Không giống như những môn thi khác, môn Anh văn chỉ có phần cơ bản chứ không có phần nâng cao.

Ở môn này, thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm: trả lời 50 câu hỏi trong thời gian 60 phút. Các câu hỏi trải khắp chương trình học. Vì thế nếu học tủ, thí sinh sẽ khó làm bài tốt. Việc ra đề thi theo dạng trắc nghiệm, ưu điểm của nó hẳn ai cũng biết, chỉ tiếc là ở ta vẫn chưa thể tổ chức môn nghe - nói vì phải thi môn này mới phù hợp với cách dạy hiện nay trong trường phổ thông.

* GV Trần Thị Thu Thủy (tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM):

Tôi đoán đề thi hóa sẽ khó hơn

Đề thi tốt nghiệp THPT môn hóa gần đây nhất là năm 2007 - năm đầu tiên thi theo dạng trắc nghiệm nên đề thi lúc ấy khá dễ. Sau ba năm, chất và lượng dạy - học theo dạng trắc nghiệm đã tăng nhiều. Bởi vậy, tôi đoán đề thi năm nay sẽ khó hơn, yêu cầu cao hơn về kỹ năng tính toán của thí sinh.

Thời gian làm bài chỉ có 60 phút. nếu không giải toán nhanh, học bài không kỹ hoặc học tủ sẽ rất khó khăn.

* Một giáo viên môn toán (Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Hi vọng đề toán như năm trước

Hai năm gần đây, số học sinh đạt điểm trên trung bình môn toán ở TPHCM có nhích lên mặc dù đề thi không có “đất” cho việc học tủ. Với riêng môn toán, đề thi tốt nghiệp THPT chỉ yêu cầu những kỹ năng lặp lại, kỹ năng tương tự hóa, không yêu cầu suy luận và sáng tạo nhiều.

Theo tôi, điểm yếu nhất của học sinh ngày nay là kỹ năng tính toán, khá nhiều em mất căn bản và mất điểm vì kỹ năng này.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến phương pháp dạy học trong trường phổ thông là nội dung đề thi. Vì thế tôi đoán và cũng mong năm nay đề thi sẽ gần giống như năm trước bởi đây chỉ là kỳ thi tốt nghiệp, học sinh trung bình có thể làm bài được là tốt rồi.

H.HG. ghi

--------------------
* Ông Trần Văn Nghĩa (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT):

Sẽ có nhiều đề thi “mở”

Theo nguyên tắc chung, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi sẽ có nhiều câu hỏi với độ khó khác nhau, có những câu chỉ yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức cơ bản đã học, nhưng cũng có những câu yêu cầu học sinh phải có năng lực đánh giá, vận dụng, sáng tạo (những câu mang tính phân loại thí sinh)

Xét về tổng thể, đề thi sẽ được ra ở mức độ để những học sinh có học lực trung bình, nếu ôn tập tốt thì có thể vượt qua được kỳ thi. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục hạn chế những câu hỏi theo hướng học sinh học thuộc lòng máy móc cũng trả lời được, những câu hỏi ra theo hướng “mở” sẽ xuất hiện ở các môn thi chứ không chỉ ở môn văn.

V.H. ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét