TS10 2011:Đề thi vào lớp Chuyên Văn TP.HCM


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 CHUYÊN TRUNG HỌC PHỔ THƠNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2011 tại TPHCM
Môn thi : CHUYÊN VĂN
Thời gian: 150 phút (không tính thời gian giao đề)


ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: NLXH (8 điểm)


Mẹ và Quả
- Nguyễn Khoa Điềm -

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời khi như mặt trăng
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

 SUY NGHĨ CỦA ANH (CHỊ) VỀ TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI CON ĐỐI VỚI CHA MẸ QUA BÀI THƠ TRÊN


Câu 2:  NLVH (12 điểm)


 Qua một số tác phẩm văn xuôi đã học, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định:
 " Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học"

Đề - Đáp án chính thức môn Văn TS10 2011

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THƠNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2011 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)


ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (1 điểm)
Trong truyện ngắn Làng, Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước của nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào?
Câu 2: (1 điểm)
                                                Kim vàng ai nỡ uốn câu,
                                    Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.
            Câu ca dao trên khuyên chúng ta điều gì? Điều đó liên quan đến phương châm hội thoại nào?
Câu 3: (3 điểm)
            Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,…”
                                                                        (Theo Lí Lan, Cổng trường mở ra)
            Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay”để con tự đi, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về tính tự lập.
Câu 4: (5 điểm)
Cảm nhận về cảnh mùa xuân trong bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
[…]
Tà tà bóng ngà về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
--------------------------------------------------------

ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC



Đề-Gợi ý Môn Văn Chuyên TS 10 2007-2008

ĐỀ THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN VĂN
Tại TP.HCM - năm học 2007-2008
Câu 1 (2 điểm): Nêu hai tình huống thể hiện tình cha con sâu sắc trong truyện ngắnChiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng).
Câu 2 (2 điểm): Nêu tác dụng của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ sau:
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 3 (4 điểm): Nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương. (Học sinh không viết quá một trang giấy)
Câu 4 (12 điểm): Tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI
Câu 1 (2 điểm):
Học sinh cần nêu rõ hai tình huống chính thể hiện tình cha con sâu sắc trong truyệnChiếc lược ngà:
- Tình huống thứ nhất: Ông Sáu về thăm nhà, gặp con sau tám năm xa cách, nhớ thương nhưng thật trớ trêu là bé Thu lại không nhận cha. Đến lúc bé nhận ra cha và biểu lộ tình cảm thắm thiết với cha thì ông Sáu lại phải ra đi.
- Tình huống thứ hai: Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con nhưng chưa kịp trao món quà ấy cho con thì đã hy sinh.
Câu 2 (2 điểm):
Học sinh cần thể hiện một số yêu cầu sau:
- Chỉ ra những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ: nao nao, rầu rầu.
- Nêu tác dụng của việc sử dụng từ láy trên trong đoạn thơ, cụ thể là:
+ Các từ láy nao nao, rầu rầu là những từ láy vốn thường được dùng để diễn tả tâm trạng con người.
+ Trong đoạn thơ, các từ láy nao nao, rầu rầu chẳng những biểu đạt được sắc thái cảnh vật (từ nao nao: góp phần diễn tả bức tranh mùa xuân thanh nhẹ với dòng nước lững lờ trôi xuôi trong bóng chiều tà; từ rầu rầu: gợi sự ảm đạm, màu sắc úa tàn của cỏ trên nấm mộ Đạm Tiên) mà còn biểu lộ rõ nét tâm trạng con người (từnao nao: thể hiện tâm trạng bâng khuâng, luyến tiếc, xao xuyến về một buổi du xuân, sự linh cảm về những điều sắp xảy ra - Kiều sẽ gặp nấm mộ Đạm Tiên, gặp Kim Trọng; từ rầu rầu: thể hiện nét buồn, sự thương cảm của Kiều khi đứng trước nấm mồ vô chủ).
+ Được đảo lên đầu câu thơ, các từ láy trên có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng con người - dụng ý của nhà thơ. Các từ láy nao nao, rầu rầu đã làm bật lên nghệ thuật tả cảnh đặc sắc trong đoạn thơ: cảnh vật được miêu tả qua tâm trạng con người, nhuốm màu sắc tâm trạng con người.
Câu 3 (4 điểm):
Đề bài yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của tình yêu thương. Các em có thể trình bày dưới hình thức một bài viết ngắn, một bức thư... (không quá một trang). Dù trình bày dưới hình thức nào các em cũng cần trình bày được một số ý cơ bản sau:
- Tình yêu thương: tình cảm tốt đẹp nhất của con người. Theo nghĩa hẹp (là tình cảm gia đình, thầy cô, bè bạn…); theo nghĩa rộng (là tình yêu đồng bào, quê hương, đất nước).
- Những biểu hiện của tình yêu thương: sự quan tâm, chở che, đùm bọc, sự dạy dỗ, ý thức trách nhiệm đối với mọi người, với quê hương, đất nước.
- Ý nghĩa to lớn của tình yêu thương (ý chính): con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Tình yêu thương tạo nên sự thân ái, đoàn kết trong cộng đồng...
- Nêu phương hướng, trách nhiệm của bản thân.
Trong bài viết, học sinh có thể so sánh, liên hệ với thực tế (đặc biệt là liên hệ ý nghĩa của tình yêu thương với truyền thống nhân đạo của dân tộc) để bài viết thêm sâu sắc và thuyết phục.
Câu 4 (12 điểm):
Đây là bốn dạng đề mở. Vì vậy, học sinh có thể trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Học sinh có thể trình bày bài làm của mình dưới nhiều cách, song cần đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
a. Giới thiệu khái quát về tác giả Bằng Việt (thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thơ Bằng Việt hấp dẫn người đọc bởi sự trong trẻo, mượt mà và chiều sâu triết lý) ; về bài thơ Bếp lửa (chú ý hoàn cảnh sáng tác).
b. Suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về tình bà cháu trong bài thơ:
Tình bà cháu thắm thiết, cảm động được khơi gợi qua hình ảnh bếp lửa.
- Hình ảnh thân thương, ấm áp về bếp lửa: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm / Một bếp lửa ấp iu nồng đượm khơi gợi kỷ niệm thời thơ ấu bên người bà. Bếp lửa hiện lên trong kí ức như tình bà ấm áp, như sự đùm bọc của bà.
- Những suy ngẫm về người bà: đó là những suy ngẫm về cuộc đời nhiều gian khổ nhưng giàu hi sinh, tần tảo của người bà. Bà là người nhóm lửa, cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và tỏa sáng trong mỗi gia đình: Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ /Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm / Nhóm bếp lửa ấp ui nồng đượm… Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa - ngọn lửa của sự sống, của niềm tin cho các thế hệ sau: Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen / Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn / Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
- Đứa cháu dù đi xa, vẫn không thể quên bếp lửa của bà, không quên tấm lòng thương yêu đùm bọc của bà. Bếp lửa ấy đã trở thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin, nâng bước cháu trên chặng đường dài. Kỳ diệu hơn, người cháu nhờ hiểu và yêu bà mà thêm hiểu nhân dân, dân tộc mình. Bếp lửa và bà đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh quê hương xứ xở.
c. Đánh giá chung:
- Bài thơ khiến người đọc xúc động bởi tình cảm bà cháu chân thành, thắm thiết. Nhà thơ đã khéo sử dụng hình ảnh bếp lửa. Đây là là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao: vừa cụ thể, chân thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng, góp phần thể hiện chiều sâu triết lý của bài thơ.
- Tình cảm yêu quý, biết ơn của người cháu đối với bà trong bài thơ chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, điểm khởi đầu của tình yêu đất nước.
Người giải đề: Thạc sĩ TRIỆU THỊ HUỆ
(Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)

Quy trình ra đề thi

Quy trình ra đề, bảo mật đề thi đại học

(Dân trí) - Chỉ còn 10 ngày nữa là kỳ thi ĐH,CĐ năm 2011 bắt đầu. Đề thi là vấn đề quan trọng bậc nhất quyết định tới chất lượng tuyển sinh của các trường. Do vậy, công tác ra đề thi đã được Bộ GD-ĐT hoàn tất. Vậy quy trình ra đề thi đại học ra sao?
Thí sinh dự thi đại học năm 2010.
 
Bấm giờ phản biện đề thi
Việc biên soạn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ dùng chung do Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ đặt tại một địa điểm biệt lập, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy trình sau đây:
Trưởng ban Đề thi tổ chức quán triệt các yêu cầu về nội dung đề thi, quy trình làm đề thi, yêu cầu bảo mật cho các Trưởng môn thi và các cán bộ tham gia biên soạn đề thi; Trưởng môn thi chỉ đạo các cán bộ bộ môn độc lập biên soạn đề thi, đáp án chi tiết và thang điểm. Đối với một số môn khoa học xã hội, phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn; Trưởng môn thi làm việc với từng cán bộ biên soạn đề thi để hoàn chỉnh đề thi, đáp án và thang điểm. Trong đề thi phát cho thí sinh có ghi điểm cho từng câu.
Tổ chức phản biện đề thi với 3 người làm bài độc lập. Người làm phản biện không tiếp xúc với người ra đề thi, không mang theo bất kỳ tài liệu nào, không có đáp án và thang điểm, trực tiếp giải chi tiết đề thi (có bấm giờ). Sau đó, đề xuất ý kiến bằng văn bản với Trưởng môn thi về nội dung đề thi, đáp án, thang điểm, độ khó, độ dài của đề thi. Sau khi phản biện, người ra đề thi và người phản biện, dưới sự chủ trì của Trưởng môn thi, phải họp lại để thống nhất ý kiến (có ghi biên bản) về những điểm cần sửa chữa, bổ sung, thống nhất các phương án tổ hợp đề để không dùng nguyên đề thi do một cán bộ chủ trì biên soạn.
Sau khi tu chỉnh lần cuối đề thi, đáp án và thang điểm, với sự đóng góp ý kiến của các cán bộ biên soạn đề thi và phản biện đề thi của từng môn, Trưởng môn thi ký tên vào bản gốc và giao cho Trưởng ban Đề thi. Trưởng ban Đề thi tự mã hoá các đề thi dự kiến theo ký hiệu I, II, III... và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định đề thi chính thức và các đề thi dự bị.
Toàn bộ đề thi chính thức và đề thi dự bị, đáp án và thang điểm khi chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật” do Trưởng ban Đề thi cất giữ theo chế độ bảo mật; Trưởng ban Đề thi trực tiếp chỉ đạo việc đánh máy vi tính, in, đóng gói bằng 3 lớp phong bì đủ tối và bền có kích cỡ từ nhỏ đến lớn, có nhãn niêm phong, bảo quản, phân phối đề thi theo quy trình bảo mật.
Bí mật danh tính người làm đề thi, sao in đề thi
Đề thi, đáp án, thang điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ khi chưa công bố (kể cả đề thi được sử dụng và đang trong giờ thi) thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Quá trình làm đề thi; chuyển giao đề thi cho Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ, tới các cơ sở được giao nhiệm vụ in, sao đề thi; quá trình in, sao, đóng gói đề thi, chuyển giao tới các điểm thi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định:
Cụ thể, danh sách những người tham gia làm đề thi được giữ bí mật. Người tham gia làm đề thi không được tiết lộ việc mình tham gia làm đề thi; Nơi làm đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Người làm việc trong khu vực làm đề thi phải đeo phù hiệu riêng và chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép.
Tất cả mọi người tham gia làm đề thi từ khi tiếp xúc với đề thi đều phải hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, không được dùng điện thoại cố định hoặc điện thoại di động hay bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào khác. Trong trường hợp cần thiết, chỉ Trưởng ban Đề thi mới được liên hệ với Chủ tịch HĐTS bằng điện thoại dưới sự giám sát của cán bộ bảo vệ. Cán bộ tham gia biên soạn, phản biện đề thi và những người phục vụ Ban Đề thi tại nơi làm đề thi chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi đã thi xong môn cuối cùng của kỳ thi. Trưởng môn thi và các cán bộ làm đề thi phải thường trực trong suốt thời gian sao, in đề thi và trong thời gian thí sinh làm bài thi của môn thi do mình phụ trách để giải đáp và xử lý các vấn đề liên quan đến đề thi. Riêng Trưởng môn thi phải trực trong thời gian chấm thi.
Việc đánh máy, in, đóng gói, bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi được tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban Đề thi; Máy và thiết bị tại nơi làm đề thi và nơi sao in đề thi, dù bị hư hỏng hay không dùng đến, chỉ được đưa ra ngoài khu vực cách ly khi thi xong môn cuối cùng của kỳ thi.
Bộ GD-ĐT quy địnhbuộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật đối với người làm lộ đề thi, mua, bán đề thi.
Hồng Hạnh (tổng hợp)

TS10 2011-2012: Nhận định về đề thi

Bất ngờ với đề thi Ngữ văn
TT - Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2011-2012 có 515/50.207 thí sinh bỏ thi.
Ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết số thí sinh bỏ thi có nhiều lý do: đăng ký học ở trường dân lập, tư thục; thí sinh cư ngụ ở vùng được xét tuyển, lo sợ khi đi thi tuyển sẽ mất cơ hội xét tuyển nên rút lại không thi...
Nhóm học sinh Trường trung học Thực hành Sài Gòn trao đổi bài môn tiếng Anh sau khi thi xong tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM chiều 21-6 - Ảnh: N.Hùng
Với đề thi môn ngữ văn, nhiều giáo viên và học sinh cho biết họ khá bất ngờ với câu hỏi số 4 (chiếm 5 điểm) yêu cầu thí sinh nêu “Cảm nhận về cảnh mùa xuân trong bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Theo cô Ngô Thị Thu Hà - giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM: “Từ trước đến nay đề thi tuyển sinh lớp 10 thường không nhắc tới Truyện Kiều. Đây là tác phẩm thuộc dòng văn học trung đại, học sinh rất ngán.
Trong quá trình ôn thi, nhiều em đã bỏ hẳn Truyện Kiều, có em quan tâm cũng chỉ học những đoạn trích có liên quan đến Thúy Kiều. Vì thế, việc ra đề về Truyện Kiều đã là một bất ngờ, nhưng chỉ hỏi về cảnh vật trong tác phẩm lại càng bất ngờ hơn.
Với đề thi này, học sinh phải thật sự giỏi, cảm thụ văn học tốt và có kỹ năng làm bài vững vàng mới mong làm đủ ý và đạt điểm tối đa. Nếu đề thi hỏi về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, tôi nghĩ thí sinh sẽ dễ kiếm điểm hơn vì có nhiều tư liệu để làm bài hơn. Đề thi năm nay phân loại học sinh rất tốt. Ngoài ra còn có tác dụng yêu cầu học sinh phải học bài đầy đủ, không được học tủ, học lệch”.
Về môn tiếng Anh, đa số thí sinh cho biết đề thi năm nay khó hơn đề thi năm trước. Thầy Phạm Tấn Hoàng, Trường THPT Lạc Hồng, TP.HCM, nhận định: “Đề thi nằm trong chương trình nhưng không dễ dàng đối với học sinh có vốn từ ít. Phần V được xem là phần dành cho học sinh giỏi vì thí sinh phải hiểu nghĩa câu, tìm từ loại thích hợp cho vị trí và biến đổi từ sang dạng đúng. Một số từ trong phần này ở cấp độ từ vựng khá cao (phải cho đầu tố và cả hậu tố vào từ gốc - deforestation). Đề thi năm nay có khả năng phân loại học sinh rõ ràng, rất phù hợp với một kỳ thi tuyển”.
H.HG.
Đà Nẵng: nhiều thí sinh bỏ thi
Ngày 21-6, 12.749 thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Đà Nẵng. Theo thống kê từ Sở GD-ĐT Đà Nẵng, có 122 thí sinh bỏ thi môn văn và 13 thí sinh bỏ thi môn tiếng Anh.
Đề thi môn văn năm nay được nhiều thí sinh nhận xét khá bất ngờ ở câu 5 điểm. Nếu ở các năm trước thường ra cảm nhận thơ, năm nay lại rơi vào truyện ngắn nên nhiều thí sinh dễ bị lệch tủ, tuy vậy nếu ôn kỹ thì thí sinh vẫn có thể làm được bài.
ĐOÀN CƯỜNG

TS10 2011-2012: Môn Ngữ văn tại TP HCM

THI VÀO LỚP 10 TẠI TPHCM:

Đề Văn hay nhưng không dễ được điểm cao

(Dân trí)- Trong ngày thi đầu, nhiều thí sinh tại TPHCM bất ngờ với đề Văn khi kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình học kỳ 1. Dù vậy đa số thí sinh đều cho biết đề khá vừa sức. Còn các giáo viên chuyên môn thì đánh giá đề khá hay, phân loại được học sinh.
 >> Ngày mai, hơn 80.000 HS Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT
 >> Hơn 60.000 HS dự thi tuyển sinh vào lớp 10
Thí sinh Phương Dung, học sinh lớp 912  trường THCS Võ Trường Toản cho biết đề vừa sức và nằm trong nội dung đã học. Bài thi này em làm đươc 80%.

Còn thí sinh Nguyễn Bảo, học sinh lớp 9A4 trường THCS Trần Văn Ơn thì cho rằng đề cũng vừa sức và em làm bài được. Các bạn học chung với em hơi bất ngờ với đề vì toàn nằm trong nội dung học kỳ 1. Với khả năng của em thì chắc là được 6, 7 điểm.  

Các thí sinh tại điểm thi THCS Trần Văn Ơn xem lại bài sau buổi thi môn Văn.

Cô Trần Thúy An, phó hiệu trưởng - nguyên tổ trưởng môn Văn trường THCS Trần Văn Ơn cho rằng đề hay với kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình học lớp 9. Kết cấu đề đầy đủ các phần kiểm tra kiến thức văn học, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Tuy nhiên, để đạt được 8, 9 điểm sẽ không dễ. 
Nội dung đề Văn của kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM.
Với câu 1, mặc dù câu hỏi kiểm tra kiến thức đã học nhưng khá sáng tạo là không phải câu học thuộc lòng mà buộc học sinh hiểu mới làm bài được. Câu 2 cũng không khó và học sinh học lực trung bình cũng làm được. 

Câu 3 là một câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết về tính tự lập. Theo cô Thúy An, câu nghị luận xã hội này hay. Cách dẫn đề thú vị khi dẫn đoạn trích từ tác phẩm Cổng trường mở ra của nhà văn Lý Lan. Với câu này, ở lứa tuổi của các em lớp 9 thì hoàn toàn đủ khả năng trình bày.

Riêng câu 4 là câu nghị luận văn học, yêu cầu thí sinh cảm nhận về cảnh mùa xuân trong bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân (tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du). Cô Thúy An cho rằng thơ của Nguyễn Du thường ngụ cảnh tả tình và mục tiêu ra đề để học sinh phát hiện sự thay đổi trong cảnh sắc cũng như thay đổi cảm xúc của con người. Thông thường thì đề ra một đoạn thơ liền mạch, tuy nhiên với đề này lại trích ở 2 đoạn cách nhau nên học sinh sẽ hơi vất vả để chuyển được ý giữa 2 đoạn.

Cô Thúy An đánh giá với câu 4, học sinh giỏi văn và có tư chất về văn học mới có thể đạt điểm cao, còn học sinh khá thì chỉ có khả năng được 3 điểm riêng câu này.

Tuy nhiên cô An cũng nhận định rằng đề Văn vừa sức, nhưng để đạt được 8, 9 điểm sẽ không dễ.

Lê Phương

TS10 2011-2012: Tại Đà Nẵng

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2011 tại Đà Nẵng
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (1 điểm)
Tìm lời dẫn trong khổ thơ sau và cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp.
                        Bao nhiêu người thuê viết
                        Tấm tắc ngợi khen tài:
                        “Hoa tay thảo những nét
                        Như phượng múa rồng bay”.
                                                (Vũ Đình Liên, Ông đồ)
Câu 2: (2 điểm)
            Giáo dục tức là giải phóng(1). Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hòa bình, công bằng và công lí(2). Những người nắm giữ chìa khóa của cánh cửa này – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ - gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tùy thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy (3).
(Phê-đê-ri-cô May-o, Giáo dục – chìa khóa của tương lai, Ngữ văn lớp 9, Tập 2)
            a/ Chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa câu 1 và câu 2 của đoạn văn trên. Cho biết đó là phép liên kết gì?
            b/ Chỉ ra các từ ngữ là thành phần biệt lập trong đoạn văn trên. Cho biết tên gọi của thành phần biệt lập đó.
Câu 3: (2 điểm)
            Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người khác.
            Hãy viết một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Câu 4: (5 điểm)
            Cảm nhận của em về tình cha con trong đoạn trích sau:
            Đến lúc chia tay, mang ba lô trên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.
            Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.
            - Thôi ! Ba đi nghe con ! – Anh Sáu khe khẽ nói.
            Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
            - Ba…a…a… ba!
            Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.
            Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
            - Ba! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con !
            Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, Tập 1)


BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu 1:
            Lời dẫn trong khổ thơ được thể hiện ở 2 câu thơ sau:
                        “Hoa tay thảo những nét
                        Như phượng múa rồng bay”
            Đó là lời dẫn trực tiếp. Về hình thức nó được thể hiện ở chỗ lời dẫn nằm sau dấu hai chấm và ở giữa hai dấu ngoặt kép.

Câu 2:
            a/ Từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa câu 1 và câu 2 của đoạn văn trên được thế hiện ở từ “nó” (chủ ngữ của câu 2). Đó là phép thế.
            b/ Thành phần biệt lập trong đoạn văn trên : các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ. Tên gọi của thành phần biệt lập đó là thành phần phụ chú.

Câu 3:
            Học sinh cần lưu ý đáp ứng đúng yêu cầu của câu hỏi về việc viết một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng). Sau đây là một số gợi ý về nội dung:
·        Mở bài: Giới thiệu vấn đề

Sống là thường xuyên giao tiếp với người khác. Có những cách giao tiếp đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Có những cách giao tiếp mang lại sự đau khổ và lòng thù hận. Để có một kết quả tốt đẹp khi giao tiếp, cần phải biết tế nhị và tôn trọng người khác.

·        Thân bài:

+ Giải thích:
_ Tế nhị: tỏ ra khéo léo, nhã nhặn trong quan hệ đối xử, biết nghĩ đến những điểm nhỏ thường dễ bị bỏ qua.
_ Tôn trọng: tỏ thái độ đánh giá cao và cho là không được vi phạm hay xúc phạm đến.
           
+ Phân tích: 
_ Tế nhị và tôn trọng người khác là những phẩm chất cực kì quan trọng trong giao tiếp.
_ Biết tế nhị và tôn trọng người khác trong giao tiếp sẽ dẫn đến sự hài hòa, vui vẻ và những kết quả tốt đẹp.
_ Để biết tế nhị và biết tôn trọng người khác đòi hỏi phải có sự từng trải, sâu sắc, tinh tế và được giáo dục kĩ. Phải biết tôn trọng người khác thì mới được người khác tôn trọng lại. Phải biết tế nhị với người khác thì mới mong nhận lại được sự tế nhị.
_ Dẫn chứng: đôi khi vì một lời nói thiếu tế nhị hay một thái độ thiếu tôn trọng đối với người khác mà chúng ta phải ray rứt suốt đời.
           
+ Phê phán:
_ Những người tự cao, lỗ mãng, hời hợt, không biết tôn trọng người khác thường dẫn đến những bi kịch đau đớn trong cuộc sống, làm điều gì cũng thất bại.
            _ Có đôi lúc đòi hỏi chúng ta phải can đảm, “thiếu tế nhị” để nói thẳng sự thật dù đó là sự thật xúc phạm và làm đau lòng người khác.
           
+ Liên hệ bản thân: Phải biết tự nhắc nhở mình hàng ngày về việc giao tiếp tế nhị và biết tôn trọng người khác. Văn hóa giao tiếp là một vấn đề quan trọng, cần được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

·        Kết bài:
Giao tiếp tế nhị và biết tôn trọng người khác là chìa khóa để mang lại thành công và hạnh phúc. Đó là một trong những phẩm chất cần thiết của con người để tạo nên một xã hội có văn hóa, tốt đẹp và văn minh.


Câu 4:
            Đây là câu nghị luận văn học. Nó đòi hỏi học sinh trình bày cảm nhận của mình về tình cha con trong một đoạn trích (trích từ tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng). Bài viết cần có bố cục đầy đủ 3 phần. Về nội dung, học sinh có thể có những cách trình bày và sắp xếp riêng.

Sau đây là một số gợi ý:

            - Giới thiệu vài nét về Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà.
            - Giới thiệu hình ảnh anh Sáu và bé Thu trong đoạn trích Chiếc lược ngà ở Sách Ngữ văn 9, tập 1: hai nhân vật thể hiện tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu, éo le.
            - Giới thiệu đoạn trích trong đề bài : thuộc khoảng giữa của đoạn trích trong sách giáo khoa. Nó nằm trong phần thuật lại sự việc lúc anh Sáu chuẩn bị trở về đơn vị. Đó cũng là lúc tình cha con của anh Sáu và bé Thu bộc lộ một cách rõ ràng, mãnh liệt và cảm động.
            - Phân tích trình bày cảm nhận:
            + Tình cảm cha con giữa anh Sáu và bé Thu diễn ra và biểu hiện trong hoàn cảnh thật trớ trêu, éo le:
* Học sinh nhắc lại những cảm xúc ngỡ ngàng, cam chịu của anh Sáu trong 3 ngày về phép khi bé Thu không chịu nhận anh là cha và không chịu nhận sự yêu thương, chăm sóc của anh đối với nó khiến anh có lúc đã không kiềm chế được bản thân…
* Do đó lúc chia tay, cả anh Sáu và bé Thu đều có cử chỉ, tâm trạng thật đặc biệt : anh Sáu thì đưa mắt nhìn con, còn bé Thu thì đứng trong góc nhà; anh muốn ôm con, hôn con nhưng lại sợ nó giẫy lên rồi bỏ chạy; anh chỉ đứng nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, còn bé Thu thì đứng trong góc nhà với đôi mắt mênh mông, tâm trạng xôn xao, bồn chồn.
           
+ Tình cảm cha con mãnh liệt của anh Sáu và bé Thu: nó được biểu hiện trong hành động và ngôn ngữ của nhân vật, nhất là của bé Thu:
                        * Bé Thu: kêu thét lên một tiếng “Ba…a…a…ba” như một tiếng xé, xé cả ruột gan mọi người, một tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng; nó vừa kêu vừa chạy tới, chạy thót lên, dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó, tóc nó như dựng đứng lên, nó nói trong tiếng khóc, hôn ba nó cùng khắp: hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.
                        * Anh Sáu : bế nó lên.
            Học sinh cần khai thác giá trị biểu cảm của những chi tiết nói trên để làm rõ tình cảm cha con sâu nặng của anh Sáu và bé Thu.
            + Tình cảm cha con ấy đã gây nên một cảm xúc mãnh liệt đối với những người chứng kiến: tiếng kêu của bé Thu không chỉ xé sự im lặng mà còn xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa.
            + Tình cảm cha con của anh Sáu và bé Thu được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong một đoạn văn có những chi tiết chọn lọc, lời văn trữ tình, giàu cảm xúc đã tô đậm lên tình cảm cha con cao quý của anh Sáu và bé Thu, góp phần biểu hiện một nét tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
            - Tổng kết, đánh giá chung: một đoạn văn tự sự, có tính chất trữ tình, với những chi tiết đặc sắc đã thể hiện được tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu, đầy kịch tính của người dân Việt Nam thời chiến và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và đầy ám ảnh đối với người đọc hôm nay.
           
Nguyễn Hữu Dương
(Trường THPT Vĩnh Viễn - TP.HCM)