Thi TNTHPT 2012: Gợi ý chấm Môn Văn


Đề thi môn Văn

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
- Hai người được nhắc tới trong đoạn văn là An-đrây Xô-cô-lốp và bé Va-ni-a
- Họ được gọi là "hai con người côi cút" vì cả hai đều là những nạn nhân của chiến tranh, đều bị chiến tranh cướp đi toàn bộ người thân, gia đình (Xô-cô-lốp bị mất vợ và các con còn Va-ni-a thì cha mẹ đều thiệt mạng trong chiến tranh). Đi ra từ cuộc chiến, họ chỉ có một mình, cô đơn, côi cút giữa cuộc đời.
- Hình ảnh so sánh Xô-cô-lôp và bé Va-ni-a như những "hạt cát bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ" là một hình ảnh vô cùng ấn tượng và giàu ý nghĩa. Nó nói lên thân phận nhỏ bé, vô nghĩa, vô định của những con người trong cơn bão tố chiến tranh. Hình ảnh so sánh một mặt thể hiện niềm xót thương, sự cảm thông của nhà văn dành cho những nạn nhân, những con người chịu nhiều bất hạnh trong chiến tranh đồng tố cáo sự tàn bạo, sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh.
Câu 2. (3 điểm)
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề: thói dối trá và những tác hại của nó đối với đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Thân bài
- Giải thích khái niệm: "dối trá" là hành vi con người không trung thực với bản thân và với người khác, nói và làm khác đi so với sự thực. Khi "dối trá" trở thành thói quen (thói dối trá), thành tính nết thì tác hại của nó vô cùng to lớn.
- Các biểu hiện của thói dối trá: Trong cuộc sống, thói dối trá được biểu hiện ở nhiều phương diện, nhiều cấp độ với rất nhiều biểu hiện phong phú. Người ta có thể dối trá trong giao tiếp (nói dối), trong học tập (quay cóp, gian lận, ...), trong công việc (báo cáo sai sự thực, bệnh thành tích, lừa gạt, ...). Người ta có thể dối trá với người khác và sống giả dối với chính bản thân mình (đây mới là điều đáng sợ nhất).
- Tác hại của thói dối trá:
+ Với mỗi cá nhân: dù dối trá với người khác hay sống giả dối với chính bản thân mình, thói dối trá đều có tác hại to lớn đối với mỗi cá nhân. Người dối trá sẽ không bao giờ có được lòng tin, sự yêu thương và cảm thông từ bạn bè và những người xung quanh. Bằng thủ đoạn dối trá, họ có thể đạt được một số mục tiêu trong thời điểm cụ thể nhưng sẽ không lâu bền. Sống giả dối với chính mình là nỗi đau khổ nhất.
+ Với cộng đồng: thói dối trá tạo ra tác hại to lớn, khiến quan hệ giữa người với người luôn trong tình trạng nghi kị lẫn nhau. Nó là tác nhân quan trọng dẫn tới sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội.
- Các biện pháp khắc phục:
+ Phê phán và xử lí thích đáng các hành vi, hiện tượng gian dối trong học tập, lao động.
+ Đẩy mạnh sự giáo dục lòng trung thực trong nhà trường.
+ Người lớn, những người có trách nhiệm cũng như mọi công dân cần nêu gương về cuộc sống trung thực, lành mạnh.
- Bài học nhận thức và hành động (với học sinh)
+ Trong học tập: Trung thực trong học tập và thi cử, chống mọi hành vi gian lận trong học tập.
+ Trong cuộc sống: Xây dựng quan hệ với mọi người dựa trên sự trung thực, chân thành.
Kết bài
Khẳng định tác hại to lớn của thói dối trá để từ đó có những nhận thức đúng đắn và hành động kiên quyết đẩy lùi thói dối trá khỏi cuộc sống.
II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (5 điểm)
Câu 3. (5 điểm) Chương trình Chuẩn
Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca Tố Hữu song hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện cách mạng đều tác động và in dấu ấn rõ nét trong từng trang thơ Tố Hữu.
- Giới thiệu tác phẩm: Việt Bắc là bài thơ được trích trong tập thơ cùng tên của Tố Hữu, được sáng tác tháng 10 - 1954, được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu cho văn học thời kì kháng chiến chống Pháp, cũng là thành tựu nghệ thuật nổi bật trong sự nghiệp thơ Tố Hữu.
- Giới thiệu đoạn trích: Đoạn thơ phân tích nằm từ câu 25 đến câu 42 của bài thơ Việt Bắc, ghi lại nỗi nhớ của người ra đi (người cán bộ kháng chiến) về những kỉ niệm xúc động về một thời "đắng cay ngọt bùi" trong cuộc sống sinh hoạt và kháng chiến nơi chiến khu Việt Bắc.
Thân bài
- Nhận xét chung: Đoạn thơ 12 câu ghi lại những kỉ niệm xúc động về cuộc sống sinh hoạt, kháng chiến tuy thiếu thốn, gian khổ mà sâu nặng nghĩa tình. Điệp từ "nhớ" được lặp lại tới 5 lần, vang lên suốt từ đầu đến cuối đoạn thơ như một điệp khúc, phổ âm hưởng nỗi bâng khuâng, da diết, nhung nhớ cho toàn bộ đoạn thơ. Và sau nỗi nhớ ấy, các hình ảnh về cuộc sống, con người hiện lên chân thực, xúc động.
- Hai câu thơ đầu: Lời giới thiệu và cảm nhận chung về quãng đời gian khổ, thiếu thốn mà sâu đậm nghĩa tình. "Mình" và "ta" đã cùng nhau san sẻ biết bao cay đắng ngọt bùi.
- 4 câu thơ tiếp theo: Nỗi nhớ về cuộc sống và con người Việt Bắc.
+ Nỗi nhớ hướng về những kỉ niệm ấm áp nghĩa tình quân dân. Cao hơn cả nỗi nhớ là "niềm thương". Cuộc sống kháng chiến tuy thiếu thốn trăm bề nhưng vượt trên tất cả, những người cán bộ, chiến sĩ luôn cảm nhận được sự ấm áp từ tình cảm đùm bọc, sẻ chia của đồng bào Việt Bắc. Họ cùng nhau "chia ... sẻ nửa ... đắp cùng".
+ Nỗi nhớ về hình ảnh ấn tượng: "người mẹ nắng cháy lưng". Đó là hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho vẻ đẹp của bà mẹ Việt Bắc (cũng như bao bà mẹ Việt Nam): chịu thương chịu khó, thương yêu con, đùm bọc cho cán bộ chiến sĩ.
- 4 câu thơ tiếp: Nỗi nhớ về cuộc sống, sinh hoạt, công tác trong những ngày kháng chiến.
+ Những hình ảnh về cuộc sống kháng chiến bình dị, gần gũi vừa gian nan, vất vả vừa tràn đầy tinh thần lạc quan.
+ Tràn ngập câu thơ là những âm thanh tươi vui, rộn rã sự sống (tiếng lớp học i tờ, tiếng ca hát vang khắp núi đèo) và ánh sáng (những bó đuốc sáng giữa đồng khuya trong buổi liên hoan). Đó là sự lạc quan, tin tưởng vào cách mạng, vào kháng chiến, vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
- Hai câu thơ cuối: Nỗi nhớ lắng động trong những ấn tượng về cuộc sống nơi núi rừng chiến khu Việt Bắc, để lại sự bâng khuâng, da diết khôn nguôi trong lòng người ra đi.
- Đặc sắc nghệ thuật: Phép điệp từ cùng với những hình ảnh vừa chân thực, bình dị mà giàu sức gợi, ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi mà chọn lọc là những điểm nhấn nghệ thuật tạo nên sức hút của đoạn thơ này.
Kết luận
Đánh giá tổng quát về ý nghĩa của đoạn thơ trong mạch nội dung, cảm xúc của toàn bài đồng thời khẳng định giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Giáo viên tổ Ngữ văn Hocmai.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét